101 Cách Viết Thư Tình Tán Lớp Trưởng

Chương 45: Không gian riêng tư



Diệp chưa bao giờ nghĩ đến việc bản thân mình cần phải lo lắng cho người khác nữa là kẻ có khả năng tự lập cao như Đăng. Từ lúc bắt đầu tiếp xúc với Đăng, hầu hết nó là người được nhận sự giúp đỡ, nhưng sau sự việc hôm Giáng Sinh nó mới chợt nhận ra Đăng cũng chỉ là một con người bằng xương bằng thịt, là một thằng học sinh cấp 3 trưởng thành hơn bạn cùng lứa đôi chút, là một con người không hoàn hảo, và là người lái xe máy bằng tốc độ xe đạp.

Cảm giác muốn làm gì đó cho Đăng tự nhiên lại ùa đến, nó xem lịch phát hiện còn hai tuần nữa là đến sinh nhật cậu ta rồi. Từ lúc quen nhau Đăng đã giúp đỡ nó rất nhiều, tới nhà đưa đón đi học lẫn giảng bài, lại còn mua cho nó bao nhiêu thứ, trong khi, như cũ thì nó mới chỉ hack được ít đồ trong tủ lạnh mang sang nhà Đăng, hoàn toàn chưa thấy thành ý ở đâu.

Vậy là nó hùng hổ đi tới trước mặt mẹ nó nói: "Mẹ ơi cho con ứng trước tiền ăn sáng một tháng."

Mẹ Diệp hỏi: "Làm gì?"

Diệp: "Thì để ăn sáng ạ."

"Ăn hết trong một ngày?"

"Con xin một lần để mẹ đỡ phải cho nhiều lần."

"Nói thật đi." Mẹ Diệp lạnh lùng nói.

Thật ra thì trước giờ tiền ăn sáng của nó đổ hết vào tiêu vặt chứ nó cũng chẳng mấy khi ăn sáng. Tuy nhiên nó không thể nói với mẹ rằng nó nhịn ăn sáng mua quà cho bạn trai được nên vẫn cứng đầu nói: "Con nói thật mà mẹ. Con sợ làm phiền mẹ mỗi sáng."

Mẹ nó dùng đôi mắt nhìn thấu hồng trần để soi nó một lúc, sau đó thả cho nó ít tiền nói: "Ứng trước hai tuần thôi."

Diệp nhận đồng lương ứng ít ỏi mà cảm thấy hơi rầu, sau đó vẫn gọi Nhi đi chợ cùng mình để tìm mua quà sinh nhật phù hợp.

Lúc nó đang đứng trong chợ thì Đăng gọi điện tới, cậu ta ậm ừ một lúc mới nói: "Hôm nay không... qua đây à."

Không lên giọng ở cuối câu, nghe không giống câu hỏi cho lắm, nhưng giọng điệu có vẻ như rất muốn biết câu trả lời.

Diệp chợt nhận ra dường như ngày nào nó cũng qua nhà Đăng từ lúc quen nhau, ngày thường thì qua buổi tối để học bài, Chủ Nhật thì cứ tự ý chạy qua nhà cậu ta chẳng cần hỏi han gì. Sáng Chủ Nhật hôm nay thì nó gọi Nhi đi chợ cùng nên cũng không qua nhà Đăng, cũng không báo câu nào do nó không nghĩ việc này cần phải báo trước, dù sao thì ngày nào cũng gặp còn gì?

"Hôm nay tao đi chợ chơi một chút."

Đăng im lặng, mất một lúc sau mới hỏi thêm: "Buổi chiều thì sao?"

Nghe câu hỏi, Diệp mới bắt đầu nghĩ đến buổi chiều. Nó cũng không biết buổi sáng đã chọn xong quà chưa? Nếu chưa thì buổi chiều có khi phải đi thêm những nơi khác để lựa, vì vậy nó trả lời rất rành mạch: "Chiều cũng chưa biết nữa."

Trả lời rành mạch nhưng ý không rõ ràng, Đăng ở đầu dây bên kia không biết đó là "có" hay "không" nhưng vẫn nói là "Ừm, biết rồi." sau đó cúp máy.

Do bình thường Đăng vẫn kiệm lời như thế nên Diệp cũng không nghĩ nhiều, tiếp tục cùng Nhi tung tăng đi dạo chợ.

Tuy mục đích chính là mua quà cho Đăng nhưng khi hai cô gái tuổi mới lớn ra chợ chơi thì có hằng hà sa số thứ khiến họ bị thu hút sự chú ý. Hết một buổi sáng, Nhi mua được thêm một chiếc váy và vài cái dây buộc tóc, Diệp thì trích một ít tiền ra để mua đồ ăn vặt cùng Nhi.

"Bọn mình đi mua quà cho Đăng mà!" Diệp hoảng sợ gào lên khi hai đứa đạp xe ra khỏi cổng chợ Loong Toòng.

"À ừ quên đấy. Vẫn chưa mua được nhỉ. Nhưng hôm nay tao mua được cái váy đẹp quá, ưng thật ấy."

"Ừ xinh thật." Diệp khen, sau đó lại sực tỉnh, "Tao chưa chọn được quà!"

Vừa rồi lúc đi chợ họ cũng chọn được vài thứ, nhưng sau khi thảo luận và phân tích lại đặt xuống đi tìm thứ khác, cứ như vậy nên cuối cùng ra về tay trắng. Buổi chiều Nhi báo bận không đi chợ tiếp được, Diệp hết cách đành gọi Linh đi cùng. Linh là người dễ nhờ, hỏi gì cũng ok nên không nghĩ ngợi đồng ý đi với Diệp luôn. Lần này hai đứa đi chợ Hạ Long để tìm những thứ mới mẻ hơn, kết quả là đồ ăn ở chợ bên này mới mẻ và ngon mắt hơn thật. Cả buổi chiều Linh mua thêm được một chiếc mũ len và mấy đôi tất, Diệp lại trích thêm một ít tiền để ăn vặt với Linh.

"Ôi không, mình dại dột quá." Diệp nhìn tờ tiền chẵn mẹ cho nay biến thành tiền lẻ, đau khổ thốt lên.

Nó ngồi xổm xuống đất ôm đầu tự trách, tầm mắt vừa hay rơi trúng vào mấy cuộn len các loại màu đang được bày bán. Diệp không biết đan khăn, nhưng chợt nghĩ nếu là món quà sinh nhật đầu tiên thì nên dụng tâm một chút, vì vậy nó quay sang hỏi Linh: "Mày biết đan khăn không Linh?"

"Có, tao là cao thủ đấy."

Vì vậy Diệp nhờ Linh chọn mua len, sau đó buổi tối sang nhà Linh mượn thêm ít dụng cụ đan, tiện ngồi học hỏi các bước đan đầu tiên. Diệp được Linh chỉ bảo tận tình mà cảm động rơi nước mắt, Linh thì bảo nó là không cần cảm động, mai mua đồ ăn sáng cho nó là được.

Tối muộn Đăng nhắn tin chúc ngủ ngon, Diệp mới nhớ ra hôm nay cả hai chưa nói chuyện được câu nào. Nhưng vì đang lén lên kế hoạch đan khăn tặng Đăng, mà nó rất sợ bản thân hào hứng lỡ mồm nói ra nên không dám nói chuyện với cậu ta quá nhiều.

Diệp: [Hôm nay đi chợ cả ngày, mệt wá Đăng oiiii.]

Đăng: [Vậy ngủ sớm đi.]

Diệp: [Đăng cũng ngủ ngon nhoaaaaa.]

Đăng: [Ừ.]

Diệp không trả lời lại, chỉ thả tim tin nhắn cuối của Đăng.

Phía bên kia Đăng ngồi nhìn màn hình một lúc lâu sau mới tắt màn hình đi ngủ.

Hôm sau Diệp hăng hái tận dụng thời gian trên lớp để làm bài tập về nhà, sau đó nhắn Đăng tối không cần qua nhà nó đón đi học thêm nữa.

Đăng hơi cau mày nhưng cũng không hỏi lí do, chỉ gật đầu tỏ vẻ đã biết.

Diệp mất hai ngày đầu tiên để thảo luận kiểu đan sẽ áp dụng và nghiên cứu cách đan khăn căn bản, nên ba ngày này đều không sang nhà Đăng. Thật ra thì gần đây nó sang nhà Đăng nhiều quá, thành ra cảm giác khát nước với vã thuốc như hồi mới quen nhau mấy hôm đầu vơi bớt, hơn nữa lên lớp cũng có gặp mặt nên dù buổi tối không sang chơi cũng không suy nghĩ sâu xa nhớ nhung gì nhiều.

Đến buổi chiều hôm thứ Năm, Đăng gọi nó qua thư viện mượn Atlat, nhưng không đi đến kệ đặt sách liên quan đến chủ đề địa lí mà lại kéo nó vào trong góc khuất của thư viện, giữa hai kệ sách lớn đủ che mọi góc nhìn.

Diệp nhìn không gian hơi tối ba mặt đều là tủ sách cao đến mức chắn hết ánh đèn, mặt còn lại là Hoàng Nhật Đăng đang đứng chắn lối, nó hơi khó hiểu hỏi: "Tìm sách gì ở đây thế?"

Đăng không trả lời, chỉ lẳng lặng bước về phía Diệp. Nó theo bản năng lùi lại, đến khi lưng chạm phải kệ sách thì dừng.

Gương mặt Đăng hơi u ám, cậu vươn tay ra cầm lấy tay nó, cầm một lúc lâu vẫn không nói gì làm Diệp thấy hơi sợ. Bóng đèn cũ kĩ trong thư viện đột nhiên nhấp nháy vài cái làm nó hết hồn, nhìn lại trạng thái bất thường của Đăng lúc này, đầu nó không nghĩ gì khác ngoài việc Đăng bị ma nhập.

"Mày bị sao đấy?" Diệp hỏi.

Đăng như thể gặng lắm mới trả lời được mấy chữ: "Bốn ngày rồi."

Bốn ngày? Đăng bị nhập bốn ngày rồi? À không đúng, chắc là Đăng đang nói đến chuyện bốn hôm nay nó không sang nhà cậu làm bài tập.

"Mày yên tâm, ở nhà tao có làm bài đầy đủ mà."

Dù chất lượng bài tập của nó mấy hôm nay tất nhiên không tốt như lúc sang nhà Đăng, nhưng nó vẫn phải trợn mắt nói láo để tránh bị lộ việc đan khăn làm quà.

"Không phải chuyện này." Đăng nắm tay nó chặt hơn, gương mặt hơi phân vân, sau cùng cũng nói: "Từ sau hôm Giáng Sinh, mày không sang nhà tao học thêm nữa. Có phải hôm đó, trông tao thảm quá, mày ghét tao?"

Giật mình vì sự hiểu lầm hơi lớn, nó vội vã giải thích: "Tất nhiên là không phải!"

"Vậy thì tại sao?"

Thực sự tuy chuyện ngày hôm đó đã ổn thoả, khi Diệp ôm cậu an ủi dịu dàng, cậu cảm thấy rất yên tâm và hưởng thụ, nhưng tất nhiên đâu đó trong tư tưởng đầy sự kiêu ngạo của bản thân cậu vẫn thấy hơi mất mặt, cảm thấy hình ảnh yếu đuối đó của mình trông thật thảm hại. Có điều... chỉ cần Diệp không ghét cậu là được rồi.

Thế mà ngày Chủ Nhật ngay hôm sau đó Diệp không sang nhà cậu, lúc đó cậu chỉ thấy hơi hụt hẫng nhưng rất nhanh chóng lấy lại tinh thần vì nghĩ cậu không thể chiếm dụng tất cả ngày nghỉ của Diệp được. Vậy mà hẳn ba ngày sau đó, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, Diệp đều không qua học thêm, điều này khiến Đăng hơi sốt ruột, không biết mình đã làm sai điều gì. Chẳng qua bản tính im ỉm đã ăn vào máu, cứ lẳng lặng mà hành động chẳng chịu hỏi han, tin nhắn thì vẫn theo phong cách nhạt nhẽo, nhiều lúc cũng muốn nhắn thêm vài câu nhưng chẳng biết phải nói gì cho tự nhiên, thành ra cậu chẳng làm gì để giải toả sự bất an này cả.

Cho đến hôm nay thì cậu không nhịn được nữa.

Có lẽ điều cần thiết nhất của mọi cặp đôi là sự riêng tư. Vì không thường xuyên có không gian riêng tư nên người ta hay nhắn tin riêng cho nhau. Đăng không giỏi giao tiếp qua điện thoại, khi ở riêng cậu mới có khả năng bộc lộ hết những điều bản thân nghĩ và muốn.

Những ngày gần đây cậu không được ở riêng với Diệp.

Không được gặp riêng nhau vài hôm chẳng phải là điều gì to tát, nhưng với người hàng ngày được tiếp xúc với cô gái mình yêu trong khoảng không gian riêng như cậu (không tính những lúc có Trâm bên cạnh), thì việc bốn ngày liền Diệp không sang nhà cậu là điều khó mà chấp nhận được.

Đăng đã suy nghĩ rất nhiều, và nhận ra bản thân đang tham lam.

Sự phát triển của mỗi cặp đôi đều ở trong không gian riêng tư. Đó là lí do khi còn là học sinh, ở nhà có bố mẹ, lên lớp có bạn bè, thì tình cảm thường rất trong sáng. Vậy nên khi bản thân thoát khỏi tầm mắt của người khác mới có nhiều khoảng thời gian để yêu đương theo một kiểu hoàn toàn khác thời học sinh. Nhưng với trường hợp của Đăng, ở nhà cậu không có người lớn, dựa vào việc đôi bên hoàn toàn chắc chắn được là chẳng có người lớn nào sẽ đột ngột về nên việc hai đứa thân thiết hơn cặp đôi học sinh khác là chuyện đương nhiên. Đăng được trải nghiệm quen rồi nên khi Diệp biến mất sẽ thấy thiếu thốn kinh khủng.

Thế mà dù biết mình tham lam, cậu vẫn không ngăn được bản thân chạy đi chất vấn Diệp.

Diệp không thể nói sự thật, nhưng không muốn Đăng hiểu lầm nên trả lời loạn cả lên: "Mấy hôm nay... tao có chút việc bận. Không phải vì ghét mày đâu. Tao không bao giờ ghét mày."

"Bận gì mới được chứ?" Giọng Đăng mang theo chút tra khảo.

Diệp giữ bí mật đến là khổ sở: "Chuyện này không nói được. Nhưng mà thật sự không liên quan gì đến hôm Giáng Sinh hết. Tao không ghét mày đâu. Tao còn đèo mày về mà."

"Thật không?" Đăng tiến tới gần hơn, hỏi khẽ.

"Thật mà! Mày đừng nghĩ nhiều." Diệp cũng nói khẽ, vì họ đang ở thư viện.

Đăng càng lúc tới càng gần, sau đó vòng tay ra ôm trọn nó vào lòng, cảm giác nhẹ nhõm tràn ra khắp cơ thể cậu, như một tên nghiện lâu ngày đột nhiên được thoả mãn.

"Tao nhớ mày." Cậu thì thầm khi cánh mũi vùi sâu vào trong tóc của nó.

Diệp hơi cứng đờ vì chiếc ôm cũng như lời thổ lộ này. Một phần vì bất ngờ, một phần vì lo lắng sẽ có người phát hiện. Dù sao đây cũng là thư viện trường học.

Trong khi Diệp còn đang sợ bị người khác phát hiện hai đứa ôm nhau trong thư viện, Đăng vươn tay đỡ lấy một bên má nó, đẩy mặt nó ngẩng lên trên rồi cúi đầu hôn xuống không kiêng kị. Cậu ta còn to gan dám dùng lưỡi cạy mở khuôn miệng nó, tấn công vào bên trong.

"Ứm?"

Diệp sợ hãi.

Chẳng phải là hai đứa chưa từng hôn kiểu này, nhưng mà... đây là thư viện? Cả hai trước giờ chỉ dám hôn sâu khi Trâm chưa đi học về hoặc khi con bé chạy đi khuấy nước lọc mà thôi.

Vậy nhưng Diệp cực kì không có chính kiến vòng tay ôm chặt lấy Đăng, đáp lại nụ hôn ấy cho tới tận khi chuông báo vào tiết vang lên. Ít ra thì nó là người hiểu rõ nhất rằng cái thư viện này chẳng có ma nào ra vào cả.

Đăng giúp nó chỉnh lại tóc, sau đó hỏi: "Tối nay qua học thêm không?"

"Có." Diệp gật đầu.

***

Vào giờ học, trong đầu Diệp chỉ còn quanh quẩn duy nhất ba chữ Đăng nói với nó: Tao nhớ mày.

Câu này rất lạ. Có gì đó không đúng cho lắm. Chỉ ba chữ thôi đã khiến nó xao xuyến suốt cả buổi. Giây phút đó nó nhận ra câu nói "con gái yêu bằng tai" của các cụ là hoàn toàn dựa vào cơ sở thực tế.

Hai đứa đã ôm hôn cầm tay không thiếu thứ gì, vậy mà đầu nó vướng mắc mãi ở mấy từ nhớ nhung. Đào lại quá khứ thì hình như Đăng còn chưa bao giờ nói thành tiếng lời thổ lộ, viết càng không. Trong khi Diệp ngoài viết "mình thích cậu" thì còn nói "tao thích mày" to và dõng dạc kha khá lần. Còn Đăng thì chỉ gật hoặc lắc, hoặc nhắc đến một cách gián tiếp, hoặc là ôm hôn rõ nhiệt tình xong chẳng nói gì.

"Nhi này, tao có đứa bạn nó hỏi là nó đang quen bạn trai, bạn trai còn chưa nói yêu nó nhưng cả hai đã cầm tay ôm hôn các thứ xong hết rồi. Vậy thì có vấn đề gì không?"

"Thằng kia chưa tỏ tình á?"

Diệp vặn đôi mày tỏ vẻ suy nghĩ. Không hẳn là chưa tỏ tình, chỉ là cầu hôn thôi. Cầu hôn thì có tính không nhỉ?

Diệp trả lời: "Cậu ta nói là 'mình quen nhau không', bạn tao đồng ý. Nhưng sau đó cậu ta không nói mấy câu kiểu như mình thích cậu hay anh thích em gì cả."

Nhi ngẫm nghĩ một lát mới trả lời: "Khả năng thứ nhất là loại con trai yêu chơi chơi, không nghiêm túc."

Diệp nghĩ chắc không phải loại này.

"Khả năng thứ hai là do ngại ngùng thôi. Shy boy ấy. Với kiểu này thì phải tự mớm lời cho cậu ta. Kiểu như hỏi 'anh iu em hong' hay là 'anh nói iu em đi nói mún về nhà với em đi'."

Hình như Diệp cũng từng hỏi mấy câu ngu ngốc như thế. Hỏi "mày thấy tao xinh không", Đăng bảo là "xinh". Hỏi "mày thấy tao đáng yêu không", Đăng bảo là "đáng yêu". Còn câu hỏi kiểu "mày thích tao không" thì chưa từng thử hỏi, nếu có hỏi thì chắc câu trả lời là "thích" hoặc "có", vẫn không phải là kiểu câu nói chủ ngữ vị ngữ đầy đủ như câu "tao nhớ mày" mà Đăng nói ban sáng.

"Mày phải để ý đấy, nhiều thằng tỏ ra là gút boi nhưng thực ra là play boi phắc boi không biết đâu mà lần. Cận thận bị lừa đấy."

Diệp nghĩ kiểu gì cũng không thấy mình bị Đăng lừa, nhưng vẫn hỏi lại cho chắc: "Dấu hiệu play boi phắc boi là gì?"

"Để xem nào... Bọn này chăn gái quen rồi nên rất có kinh nghiệm với gái. Hay nói lời ngọt ngào, cái miệng dẻo quẹo."

Tuyệt đối đoé bao giờ phải - Diệp nghĩ.

"Nhưng vẫn còn nhiều thằng phắc boi tinh tế, như là gắp từng cọng hành ra khỏi bát cho mày, bóc tôm cho mày, luôn nhường đồ ăn cho mày, lúc đi ngoài đường sẽ luôn để mày đi phía trong, gạt chỗ để chân trên xe cho mày, đi đâu cũng đưa đón tận nơi, mua băng vệ sinh cho mày, đội mũ cài quai mũ bảo hiểm cho mày, khoác áo cho mày, mua trà sữa và đồ ăn cho mày, mua trang sức cho mày..."

Diệp ăn được hành thì không nói việc gắp hành, trừ cả vụ mua băng vệ sinh thì hình như điều gì Đăng cũng làm cả rồi.

"Nhưng đây là điều bạn trai nên làm mà? Sao lại quy thành trai hư được."

"Đúng, đấy là điều một người bạn trai nên làm, nhưng với độ tuổi này mà thông thạo tất cả những thứ kia phải là người cực kì có kinh nghiệm tình trường với con gái. Bọn con trai tầm tuổi mình không giành miếng trứng cút trong bánh bao với mày là may rồi đấy."

Đỉnh cao, quá đỉnh cao, Diệp tấm tắc khen ngợi: "Mày có bao nhiêu bạn trai rồi vậy?"

Nhi bấm ngón tay một lúc rồi nói: "Chẳng nhớ nữa. Nhưng tao mà yêu đứa nào bằng tuổi hay nhỏ hơn thì tao phải nhắc đến lần thứ ba nó mới biết đi bên ngoài khi đi bộ và chủ động gạt chỗ để chân khi đi xe đó."

Nghe đến đây trong đầu Diệp thực sự nổi lên một chút nghi ngờ. Mấy thứ này Đăng đều biết rõ và làm mọi thứ tự nhiên đến nỗi cứ tưởng Đăng thích đi bên ngoài hoặc là việc gạt chỗ để chân ra là hành động bình thường.

Tối hôm đó Đăng mua trà sữa cho nó, nó nhìn cậu định hỏi thăm mấy câu ngoài rìa nhưng chẳng hiểu sao khi nói ra miệng lại thành: "Ga lăng quá nhỉ, không biết là yêu được bao nhiêu em rồi."

Đăng híp mắt nhìn nó, gương mặt hoàn toàn là vẻ khó hiểu kiểu "mày vừa nói gì tao nghe không hiểu".

Diệp trả lời ánh mắt của Đăng: "Người ta bảo là đứa con trai nào mà tâm lí và biết chăm sóc người yêu, ắt hẳn là được những người cũ dạy cho cách yêu, cách dịu dàng, cách quan tâm bạn gái. Hẳn là mày có mấy mối tình rồi."

Đăng hỏi: "Đang khen tao chăm sóc mày tốt à?"

Tuy đây không phải là trọng điểm, nhưng Diệp vẫn gật đầu: "Đúng. Mau khai ra mày có bao nhiêu bạn gái cũ rồi?"

Đây đáng lẽ là điều những đứa con gái lần đầu yêu đương như nó sẽ hỏi, chẳng qua nó chưa bao giờ nghĩ Đăng có bạn gái cũ nên không đề cập đến. Tận hôm nay mới bắt đầu nhen nhóm sự nghi ngờ.

"Không có bạn gái cũ." Đăng trả lời đơn giản.

"Vậy thì tại sao lại biết đi bên ngoài, biết gạt chỗ để chân, biết đưa đón, biết v.v..." Diệp ngồi kể ra một đống hành vi của Đăng.

Thế mà Đăng cũng chịu kiên nhẫn ngồi nghe nó nói hết mới trả lời: "Những cái đó đều học trên mạng. Đọc nhiều thì biết. Mày cũng nên đọc ít truyện tranh thôi, đọc sách vở báo chí nhiều vào. Ủng hộ văn hoá đọc đi."

Diệp nghe giải thích xong vẫn lấn cấn trong lòng, Đăng nhìn vẻ mặt nó như vậy đành giải thích thêm: "Thật ra nếu nói là con gái thì cũng có một người."

Diệp làm vẻ mặt kiểu "á à biết ngay mà" sau đó lập tức hỏi: "Quen hồi lớp mấy? Tên gì? Tao biết nó không?"

"Mày biết. Lớp 3. Tên Hoàng Bảo Trâm."

Diệp thấy mình ngu quá.

Đăng cười khẩy, mắng nó: "Đồ ngốc."

"Còn dám mắng tao. Tất cả là tại mày ấy."

"Lại chuyện gì nữa."

"Ai bảo tại mày, tại mày chưa nói thích tao bao giờ."

Lần này đến lượt Đăng nghệt mặt ra, hai bên vành tai hơi ửng đỏ.

Cái thằng này, hôn người ta thì nhanh, tại sao nhắc đến việc nói chút lời âu yếm thì lại ngượng? Có phi lí quá không vậy? - Diệp hoài nghi tột độ.

Đúng là chưa nói ra một cách nghiêm túc bao giờ thật. Nhưng trong suy nghĩ của Đăng thì tình cảm là thứ không nên chỉ dùng mồm ba hoa là được, cần có hành động xuất phát từ trong lòng mình. À thì... lí do cụ thể mà Đăng không nói những lời như vậy là bởi cậu thấy ngượng mồm.

"Cho cơ hội để nói đấy. Nói đi." Diệp trèo vào lòng Đăng ngồi lên đùi cậu, hai tay ngang ngược ôm lấy mặt Đăng, hướng mặt cậu về phía mình.

"..."

"Tao thích mày. Đơn giản mà." Diệp không ngại nói mẫu một lần.

"Tao..."

Đăng ngập ngừng mãi. Diệp bắt đầu hiểu thêm một phần lí do tại sao tên này mãi không tỏ tình với nó một cách bình thường. Ép đến mức này còn không nói thì mấy cái kế sách nó từng thực hiện chẳng biết bao lâu nữa mới đi tới kết quả.

Phải công nhận một điều là người ít bày tỏ tình cảm bị ép nói lời yêu thương trong tình cảnh thế này thật quá gượng gạo.

Cuối cùng Đăng nói: "Ai lớp diu."

"Đệch." Diệp lỡ mồm chửi.

"Wo ai nỉ." Đăng bổ sung thêm.

Kinh nghiệm rút ra: cùng là lời yêu thương nhưng nếu dùng tiếng nước ngoài sẽ bị giảm hiệu ứng lãng mạn. Đề xuất dùng tiếng mẹ đẻ.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.