Tôi được cõng về nhà, ngủ quên trên lưng lão lúc nào chẳng rõ, đến khi mở mắt ra thì đã giữa trưa. Tôi mơ màng dụi mắt bước xuống giường, chợt hốt hoảng vì bóng người ngồi cạnh cửa sổ nên hét lên một tiếng. "Cái bóng" như cũng giật mình, liền bước đến trước mặt tôi:
- Thấy ác mộng sao? – Đập vào mắt tôi là gương mặt quen thuộc của lão.
- Sao người lại ở đây? – Tôi thở hắt ra.
Lão nhướng mày có vẻ ngạc nhiên rồi đưa cây sáo ngọc đang cầm trên tay ra trước mặt. Vết xước gây ra lúc đánh nhau với Quang Khải đã không thấy đâu nữa, thay vào đó là một chữ "Tuệ" vừa được khắc rất rõ nét. Tôi ngẩn ngơ một lúc, có lẽ đầu óc vẫn còn đang bận thưởng thức món gà nướng trong mơ nên không sao hiểu được:
- Tiên sinh đã nói em không được dùng cái tên Tuệ An nữa cơ mà?
- Ai bảo em đây là chữ "Tuệ" của tên em? – Lão nhìn tôi khó hiểu.
- Chứ còn gì...? – Tôi mau mắn. – Chẳng lẽ lại là Tuệ Trung? Nhưng sáo của em mà! – Tôi túm lấy tay áo của kẻ vừa cười khẩy định bỏ ra ngoài mang theo cây sáo của tôi.
- Vẫn cần phải mài lại một chút. – Lão đẩy nhẹ trán tôi rồi bước ra phía mái hiên trước thư phòng.
Tôi xuống bếp lấy đầy một đĩa vải được mua từ Khoái Châu về, mang đến ngồi bệt dưới hiên, vừa ăn vừa quan sát lão. Lão chăm chú mài nhẵn bóng chỗ vừa mới khắc, gương mặt nghiêng nghiêng dưới nắng hè. Vị thư sinh áo lam trước mặt tôi thực sự rất... tuấn tú, rất khôi ngô, mắt sáng, mày thanh, sống mũi thẳng tắp. Lão còn chưa đầy ba mươi tuổi, chỉ vì tính tình hơi lạnh nhạt kỳ quái, và lúc nào cũng như đang chăm con mọn là tôi nên tôi luôn có cảm giác lão đã già rồi.
- Nhìn gì đấy? Bóc cho ta một quả nào. – Lão nói, không ngẩng đầu lên.
- Trước giờ người đâu thích món này. – Tôi nhìn xuống cái đĩa sắp trống không.
- Ừ nhỉ, vậy sau này không cần sai người đi mua ở xa vậy nữa. – Lão vẫn ngắm nghía thành quả của mình, giọng rất thản nhiên.
Tôi bóc liền hai quả đưa đến tận miệng lão, không quên xu nịnh:
- Đúng là tiên sinh món gì cũng sành hơn người khác, vải trồng ở thôn Tam Đa vừa dày vừa ngọt, báo hại em háu ăn không dừng được. Hay là lần sau mua nhiều một chút, em sẽ bóc sẵn cho người cả một đĩa, vừa đọc sách vừa ăn chắc là thích lắm...
Lão phì cười, giơ cây sáo ra phía nắng để xem cho rõ, màu ngọc trắng ánh xanh trong vắt. Sao trên đời này lại có người lúc đánh đàn thì cao quý tao nhã, lúc thổi sáo thì tự tại tiêu dao?! Có ai ngờ bàn tay thon dài, quen cầm bút, ưa phe phẩy quạt ấy đã từng vung kiếm, cũng từng giết hổ.
Năm tôi lên mười tuổi, em trai lão là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau một lần liều mạng cuối cùng cũng được ban hôn với người trong mộng là công chúa Thiên Thành nên rủ lão đi săn để ăn mừng. Tôi tò mò nên đã lẻn theo, còn cẩn thận giấu một con dao nhỏ trong người. Hai người họ cứ đi mãi, đi mãi vào sâu trong rừng, tôi không thể nào theo kịp hai người đàn ông cao lớn nên hụt hơi, đành ngồi nghỉ tạm trong một hốc đá cho lại sức rồi sẽ quay về. Dưới ánh nắng, khu rừng lá đỏ rực lên một màu tráng lệ. Không ngờ trời đổ mưa to, cả khu rừng tối sầm lại, chẳng mấy chốc tôi đã ướt như chuột lột. Đợi mãi mà mưa vẫn không ngớt hạt, tôi tìm cách quay lại con đường cũ, ngờ đâu càng đi càng lạc. Vừa đói, vừa lạnh, mưa lại khiến dốc đá trơn trượt, tôi sảy chân, thấy trời đất quay cuồng, khi hoàn hồn đã nghe tiếng gầm gừ trước mặt.
Đó là lần thứ hai trong đời tôi thấy cái chết đến gần như thế. Ánh mắt sáng quắc của nó khiến tay chân tôi cứng đờ, còn cả răng nanh, móng vuốt... Những thứ ấy cắm vào da thịt chắc là đau lắm. Tôi chẳng nghĩ được gì, thấy cổ họng mình nghẹn lại, không thể kêu la, chỉ run rẩy lùi từng chút một. Con hổ gầm lên một tiếng, vồ tới, tôi liều mạng nhảy sang bên phải, bị nó cào một đường dài trên vai trái, máu chảy thành dòng. Cũng may, có lần tôi nghe anh em lão nói chuyện với nhau, biết được rằng hổ vẫy đuôi bên này thì sẽ nhảy về phía bên kia mới tránh được một lần. Nhưng vết thương trên vai tôi đau điếng, chẳng còn chút sức lực nào. Con hổ say máu lại gầm lên, tôi thét lên, người co rụt, nhắm chặt mắt.
Mãi mà không thấy cơn đau nào ập đến, tôi lại cảm giác như có vòng tay ai đó ôm chặt lấy mình.
- Chị! – Tôi không dám tin vào mắt.
- Phong, đừng sợ, ổn rồi. – Chị đưa tay vuốt mồ hôi trên mặt tôi, dịu dàng trấn an.
- Sao chị lại ở đây...
Tôi ngơ ngác rồi nhìn về hướng phát ra tiếng gầm, chợt thấy nỗi sợ còn lớn hơn lúc nãy:
- Tiên sinh!!!
- Ở yên đó! – Lần đầu tiên tôi thấy lão mất bình tĩnh.
Hóa ra tôi đã vô thức muốn lao đến nhưng bị chị giữ chặt cánh tay.
Lão và Hưng Đạo Vương đang hợp sức giết con thú dữ. Quần thảo hồi lâu, cả ba đều bị thương. Tôi thấy máu loang lổ trên màu áo lam quen thuộc, nghe tim thắt lại, chỉ hận mình đã gây họa liên lụy mọi người. Lão không thể chết, không thể chết! Hai anh em nhìn nhau như ngầm thỏa thuận điều gì, Hưng Đạo Vương vụt chạy đi, con hổ đuổi theo, lão lập tức đạp lên thân cây lấy đà rồi phóng lên lưng nó, một đao cắm thẳng xuyên cổ, tiếng rống vang vọng cả khu rừng.
Lão nhảy xuống khỏi người nó, toàn thân là máu, đứng giữa khu rừng lá đỏ, mái tóc đã ướt sũng vì mưa, nước chảy thành dòng trên gương mặt, đôi môi vẽ lên một nụ cười nhàn nhạt.
Tôi vùng khỏi tay chị, chạy đến sà vào lòng lão, quên cả đau, quên cả mệt, ôm chặt lão không buông, nước mắt cứ thế tuôn ra.
- Cô nhóc liều lĩnh đi theo bọn ta vào rừng, giờ biết sợ rồi đấy. – Tiếng Hưng Đạo Vương đùa cợt, tôi mặc kệ.
Vòng tay lão vẫn ôm chặt lấy tôi, bàn tay vuốt nhẹ lên tóc trấn an. Lão thì thầm rất dịu dàng:
- Ngoan nào, ta ở đây rồi!
- Tiên sinh có đau không? – Tôi vẫn vùi mặt trong lòng lão. – Em sợ lắm.
Có tiếng cười khe khẽ.
- Sợ thì sau này đừng tò mò nữa, biết không?
- Em sợ tiên sinh chết. – Tôi lắc đầu, người vẫn run rẩy từng cơn.
Hưng Đạo Vương ở bên nghe thấy liền bật cười sảng khoái:
- Cô bé đừng lo, anh cả không chết được đâu! Bọn ta đâu phải lần đầu đánh hổ.
Tôi ngước lên nhìn lão, nhìn thật kỹ, chỉ muốn chắc chắn rằng lão vẫn đang ở cạnh.
- Phong, ngoan nào, nhanh về nhà băng bó vết thương. – Chị tôi vẫn ôn tồn, định dìu tôi đứng dậy.
Không ngờ, lão bế bổng tôi lên, nhìn tôi rất nghiêm túc:
- Ta hứa, ta sẽ không chết.
Rồi cứ thế bế tôi về đến tận nhà.
- Sao chị lại ở đây?
- Vương gia biết em sẽ lén đi theo nên bảo chị trông chừng, không ngờ em té xuống đồi mất dấu.
- Tiên sinh theo dõi em sao.
- Nếu không sao ta có thể đến nhanh như thế?!
Mới đó mà đã sáu năm. Vết sẹo trên vai tôi giờ đã nhạt nhưng ký ức thì cứ như mới hôm qua. Nỗi sợ mất đi người quan trọng nhất với mình ấy, tôi không bao giờ quên được.
- Đang nghĩ xem nên đòi ăn món gì có phải không, bổng lộc của ta tháng này bị em tiêu sạch cả rồi. – Lão đã hoàn thành tác phẩm, đưa đến trước mặt tôi.
- Hừ... - Tôi lườm lão, cầm lấy cây sáo ngọc giờ đã có thêm chữ "Tuệ". – Em đang nhớ lại chuyện lúc nhỏ thôi.
Sau khi vết thương của tôi lành lại, lão bắt tôi học võ. Tuy là không thể đánh thắng được ai nhưng ít nhất phản ứng sẽ lanh lẹ hơn, khi cần chạy cũng nhanh hơn. Đông A phái của họ Trần chủ yếu sử dụng đao pháp, nhưng lão luôn cho rằng tôi không hợp dùng đao, bảo tôi dùng một thanh trúc để tập luyện. Ít lâu sau, một ông chủ hiệu buôn đến Dưỡng Chân Trang để học về Phật pháp, khi ra về có biếu lão một khối ngọc trắng mua từ phương bắc. Lão gọi tôi đến, bảo rằng sẽ làm cho tôi một cây sáo ngọc đẹp chưa từng có, còn khi nào hoàn thành thì phải xem tôi học đao pháp, đánh đàn và thổi sáo mất bao lâu. Lúc đầu tôi rất hăng hái tập luyện, lão cũng làm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà cây sáo đã thành hình. Về sau khi chạm đến những kỹ thuật khó hơn, có hôm tôi nản chí chẳng làm được gì, lão cũng mang cây sáo cất vào trong hộp, sau đó còn dọa mang đi bán.
- Tiên sinh, không phải là em bỏ cuộc giữa chừng, nhưng thật sự ngón đàn này rất khó luyện, tay em bật máu cả rồi, cầm đũa ăn cơm cũng rất đau...
Tôi giơ giơ bàn tay bé xíu với đầu móng tay bị xước nham nhở ra mong lão động lòng, chẳng ngờ lão ngửa lòng bàn tay ra trước mặt tôi. Bàn tay thư sinh ấy có những vết chai, tôi biết, vì lão đã bao lần dắt tay tôi, nhưng hôm ấy lại có thêm nhiều vết thương như bị vật nhọn chém phải.
- Em nghĩ một vị vương tử sinh ra đã biết cách đẽo ngọc để làm sáo cho em?!
Từ lúc đó, tôi không than vãn nữa. Mất thêm một tháng cây sáo đã hoàn thành. Tôi vẫn nhớ lúc tôi thổi bài nhạc đầu tiên, lão đã đánh đàn hợp tấu với tôi, còn mời cả Hưng Đạo Vương và mọi người ở Dưỡng Chân Trang đến dùng cơm.
Ký ức nào cũng như mới hôm qua và ngọt đến mềm lòng. Bất giác tôi kéo tay lão, mở bàn tay ra xem. Lão bật cười, rút tay lại rồi xoa đầu tôi đến khi rối bù lên cả.
Mỗi người đều có một quá khứ không muốn ai chạm đến, còn tôi, quãng đời từ lúc lọt lòng mẹ cho đến năm lên sáu là điều tôi không thể nhắc, cũng không dám nhắc. Quãng đời sau đó của tôi tràn ngập hình bóng lão, có lúc tôi đã quên đi việc mình vốn dĩ họ Lý, cứ ngỡ từ lúc sinh ra tôi đã là người của họ Trần ở Vạn Kiếp rồi. Trớ trêu thay đó chẳng phải sự thật, lòng tôi vẫn đau đáu một câu hỏi về tung tích của dì và sự thật đằng sau đám cháy đã hại chết mẹ tôi. Lão chỉ vô tình đi ngang đó thôi ư? Vậy còn câu "ta xin lỗi" khi ấy, cùng ánh mắt tha thiết đó nghĩa là gì? Lẽ nào chỉ vì không thể cứu được cả tôi và mẹ mà dùng cả cuộc đời để bù đắp cho tôi?
Khi nghĩ lại, có rất nhiều việc đã xảy ra vào cái năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đó. Mẹ lão qua đời vào một ngày đầu hè, sau đó không lâu thì tôi gặp lão, cũng trong năm ấy, lão bắt đầu tu tại gia và lập Dưỡng Chân Trang, lấy danh nghĩa cầu phúc cho mẹ và mong đất nước thái bình, tập trung tìm hiểu Thiền và Phật giáo. Khi ấy lão cũng chỉ lớn hơn tôi của bây giờ một tuổi, rút cuộc tuổi thơ lão đã xảy ra những chuyện gì, mà khiến một chàng trai mới mười bảy đã giống như trải qua nửa đời người? Nếu thực sự một lòng hướng Phật, sao không chay tịnh tu hành mà vẫn nhận ấn phong hầu, vẫn dẫn quân chinh phạt để máu tươi nhuộm đầy tay?! Nếu như chỉ mượn lớp áo Thiền tông để giảm sự đề phòng của người ở Tức Mặc, sao có thể thấu suốt Phật pháp, ung dung tự tại như đã buông bỏ mọi âu lo của cuộc đời như thế?! Rốt cuộc, tôi vẫn chọn cách hoàn toàn tin cậy, giao phó, một lòng đi theo, và chấp nhận một con người đầy những mâu thuẫn không thể nào hiểu được.
Hai hôm sau, Quang Khải lại cho người đến hẹn tôi, hóa ra hắn vẫn chưa về Tức Mặc. Tôi phân vân mãi, sợ hắn nhớ chuyện tắm gội mà lại đuổi đánh tôi như hôm trước. Lão già thấy tôi loanh quanh chỗ cổng vào, cứ cầm cây sáo lên rồi đặt xuống, thương tình bước đến trấn an:
- Yên tâm đi đi. Lần trước em rêu rao cậu ta lười tắm nên bị trút giận. – Lão lại cười hệt như lần đầu nghe bài đồng dao tôi đặt. – Nhưng chuyện qua rồi, cậu ta dù gì cũng là hoàng tử, sẽ không nhỏ nhặt vậy đâu.
- Em trai của người nên người bênh vực. – Tôi bĩu môi. – Hắn ta vừa ngang tàng vừa nóng nảy...
Nụ cười trên môi lão bỗng dưng sững lại.
- Em xin lỗi, em đã nói sai rồi.
Lão thở nhẹ một tiếng, lấy cây sáo ra khỏi tay tôi.
- Chiêu Minh thật ra là một đứa trẻ rất đáng thương. – Giọng lão bỗng trở nên đầy thông cảm.
- Tên hoàng tử ấy đáng thương sao? Hắn vừa ra đời đã có thân phận cao quý, chính người cũng kể rằng quan gia rất yêu quý hắn, giờ hắn vừa lấy được người trong mộng lại sắp được ban hôn với Phụng Dương xinh đẹp. Chỉ có cô bé Phong lương thiện khả ái mới bi thảm này, từ lúc gặp hắn chả có gì tốt đẹp, vừa ngồi tù, vừa bị đuổi đánh, đến nỗi cây sáo yêu quý cũng bị liên lụy phải mang tên của người khác...
Lúc tôi nói đến mấy chữ cuối cùng, lão nhìn chăm chăm vào chữ "Tuệ" trên cây sáo, hỏi tôi có vẻ rất nghiêm túc:
- Tên có một chữ trùng với pháp danh của ta khiến em cảm thấy thảm hại đến vậy sao?!
Sao tôi lại không nhớ đến việc lão nhặt tôi về nuôi rồi mới tu hành nhỉ?!
Bỗng dưng tôi cảm thấy cuộc đời mình thật ra cũng không bi thảm lắm, tôi nhăn nhở cười, kéo lão vào thư phòng rót một chén trà.
- Tiên sinh kể cho em nghe chuyện Quang Khải đáng thương đi.
- Lúc cậu ta mới ra đời, nghe nói bị phát chứng kinh suýt nữa là mất mạng. Quan gia và mẹ ta... và hoàng hậu rất lo lắng, túc trực ngày đêm bên giường bệnh. Lúc sau, quan gia lấy áo của Thượng hoàng và gươm báu truyền quốc để cạnh bên, bảo cậu ta rằng nếu khỏi bệnh sẽ ban cho hai món đó.
- Hắn ta sống đến tận bây giờ? – Tôi kinh ngạc. – Hóa ra từ lúc lọt lòng đã có tham vọng hơn người, nghe được tặng vật báu là tự dưng khỏi bệnh.
Lão lại cười thành tiếng, suýt nữa bị sặc trà.
- Vậy có gì đáng thương đâu? – Tôi đưa khăn tay cho lão.
- Đáng thương ở chỗ khi cậu ta khỏi bệnh rồi, quan gia bảo rằng gươm báu truyền quốc không thể trao bừa bãi, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi.
- Gì cơ? Dụ con nít người ta sống lại rồi trở mặt ngay được á? – Tôi đập bàn đứng dậy, máu chính nghĩa trong người bỗng dưng sôi sục. – Ôi... Quang Khải đáng thương, vừa ra đời đã bị chính cha mình thất hứa.
- Cho nên... - Lão cố nhịn cười. – Em lại còn đi đồn khắp mấy châu việc cậu ta ngại tắm, thật sự rất quá đáng.
Tôi thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế, nghệch mặt ra:
- Em đã hiểu...
Đợi lão uống xong trà, chừng cũng đến giờ hẹn Quang Khải ở quán ăn lần trước, tôi cất cây sáo lên kệ sách rồi hăng hái đi ra cửa:
- Em biết lỡ như cậu ta lại đánh em thì phải mang chuyện gì ra để thoát nạn rồi.