Cuộc Sống Khoa Cử Thời Cổ Đại Của Con Nhà Nông

Chương 8: Đi học



So với Cố Thanh Vân chăm chỉ học tập, Cố Thanh Lượng dù sao vẫn là một đứa trẻ thực sự. Cậu ta không phải là thiên tài trong truyền thuyết, chắc chắn không học hành nhanh nhạy bằng Cố Thanh Vân.

Còn Cố Thanh Vân thì sao? Cậu sẽ không cố ý làm chậm tốc độ của mình vì để tâm đến cảm xúc của Cố Thanh Lượng, bởi vì cơ hội học tập này rất khó có được. Cậu phải thể hiện giá trị của bản thân, cho dù đó là thiên phú ngụy trang hay thái độ học hành chăm chỉ. Thực sự cậu rất cần cơ hội này!

Cậu không muốn gia đình phải hối hận.

Vì vậy, Cố Thanh Lượng gặp bi kịch.

Thấy thế, Cố Bá Sơn sợ sau này Cố Thanh Lượng sẽ ghét học nên quyết định để cậu ta chơi một năm trước, chờ cậu ta hiểu chuyện thì bắt đầu dạy, chủ yếu là để kéo lệch thời gian với Cố Thanh Vân.

Do đó, Cố Thanh Vân được hưởng chế độ giảng dạy gần như một kèm một.

Thức dậy vào giờ Thìn (khoảng bảy giờ) mỗi ngày, học đến trưa (khoảng mười hai giờ), buổi chiều là giờ hoạt động tự do, bởi vì Cố Bá Sơn còn phải xử lý việc trong thôn, hoặc phải ra ngoài thăm viếng bạn bè nên không thể dành hết thời gian cho cậu.

Ngoài ra, ông còn phải dạy Cố Thanh Minh nữa.

Thời gian còn lại đều do Cố Thanh Vân tự kiểm soát. Dù sao cậu cũng không phải là trẻ con chân chính, không ra ngoài chơi mỗi khi rảnh rỗi như Cố Thanh Minh. Trước đó cậu đã lập một kế hoạch dài hạn, sau đó làm một thời khóa biểu ngắn hạn. Ví dụ như, cậu sẽ lập một thời gian biểu vào ngày hôm trước, sang ngày hôm sau thì học tập theo thời gian biểu. Sắp xếp đâu ra đấy như thế này có thể đốc xúc bản thân cố gắng mọi lúc mọi nơi.

Bây giờ tuổi cậu còn nhỏ, xương tay vẫn chưa phát triển, tạm thời không luyện chữ, chỉ chuyên tâm học thuộc lòng.

Sau khi hỏi Cố Bá Sơn, cậu mới biết được, muốn thi cử ở thời cổ đại thật ra phải học thuộc rất nhiều sách.

Nếu là những thế gia đại tộc lấy việc học hành làm gia truyền thì việc học là chuyện từng bước một.

Từ bốn hoặc năm tuổi bắt đầu học chữ, học "Tam Tự Kinh", "Thiên Tự Văn", "Ấu Học Quỳnh Lâm" và các sách vỡ lòng khác.



Sau khi biết chữ thì bắt đầu học "Hiếu Kinh", "Đại Học", "Trung Dung", đây là tri thức cơ bản về thế giới này. Mỗi ngày đều ôn lại kiến thức cũ, có thể đọc thuộc lòng và phân tích thì qua ải. Ôn sách cũ xong mới bắt đầu học sách mới.

Sau khi học xong ba quyển này, bắt đầu học "Luận Ngữ" và "Mạnh Tử", đó là một bước tiến xa hơn.

Bọn họ đã qua ải Tứ thư Học - Dung - Luận - Ngữ từ khi bảy, tám tuổi rồi.

Trước học Hiếu, Học, Dung, sau là Luận, Mạnh, không thể đảo ngược thứ tự này.

Tiếp tục qua ải Ngũ kinh, lần lượt là "Kinh Thi", "Thượng Thư", "Chu Dịch", "Lễ Ký", "Tả Truyện". Đây là nội dung sâu và khó hơn, cần tốn nhiều thời gian hơn.

Đây là Tứ thư và Ngũ kinh mà người ta thường nói.

Sau khi đã học xong những thứ này thì cũng đến mười lăm, mười sáu tuổi, tiếp đó có thể thi thử xem có thi được tú tài hay không.

Khi Cố Bá Sơn đề cập đến với cậu, Cố Thanh Vân kinh ngạc đến mức trợn mắt há mồm.

Biết việc học ở cổ đại rất khó là một chuyện, song chỉ khi bản thân thực sự trong cuộc mới hiểu được sự khó khăn đó.

- Vì vậy, nếu muốn thi đỗ tú tài, tối thiểu phải học xong mười ba quyển sách này.

Cố Bá Sơn thở dài với mấy đứa cháu trai, nói:

- Hai người các con rất may mắn. Nhớ ngày xưa lúc ông đi học, phải tốn rất nhiều công sức mới gom góp được mấy cuốn sách này, tiền bạc trong nhà đều dùng để mua sách, thậm chí phải bán đất bán ruộng mới góp đủ.

Cố Thanh Vân thầm tán đồng. Mấy cuốn sách này cộng lại ít nhất cũng phải ba, bốn mươi lượng? Thậm chí đắt hơn? Tạm thời cậu không thể tính ra. Nếu nhà mình không có sách thì phải mượn của người khác mà chép, hoặc thậm chí là tốn rất nhiều sức lực để ra hiệu sách chép lại, mất rất nhiều thời gian.

- Sách có thể truyền cho con cháu. Lúc trước khi chạy nạn, tất cả mọi người đều khuyên ông mang thêm mấy thứ khác, không cần phải mang theo mấy cuốn sách này. Ông không nghe, tự cõng theo. Sau này, mọi người lại khuyên ông đổi mấy cuốn sách này thành lương thực. Ông cảm thấy chưa tới lúc đường cùng nên nhất quyết không đổi. Đến giờ sách vẫn còn rất tốt, sau này là sẽ là bảo vật gia truyền của nhà họ Cố chúng ta.

Vẻ mặt Cố Bá Sơn là sự hoài niệm, song cũng kèm theo sự kiêu ngạo và tự hào.

Ánh mắt của Cố Thanh Vân và Cố Thanh Minh khi nhìn những cuốn sách này lập tức thay đổi.

- Ông nội, vậy chúng con có thể học thuộc lòng hết mấy quyển sách này trước mười sáu tuổi được không? - Cố Thanh Minh ngẫm nghĩ rồi hỏi.

Cố Bá Sơn vuốt râu, mỉm cười nói:

- Nếu như cố gắng thì vẫn có thể. Nhưng bản triều còn tăng thêm "Chín chương" toán học, thi tú tài có kiểm tra toán thuật, tỉ lệ khá lớn. Muốn học xong toàn bộ thì sau này các con không thể lãng phí thời gian.

Nói xong, ông còn nhìn Cố Thanh Minh đầy ẩn ý.



Cố Thanh Minh đỏ mặt, biết mình khá ham chơi nên giờ bị ông nội nhắc nhở.

- Ông cả, sao ông biết được chuyện nhà của những người đọc sách này ạ? - Cố Thanh Vân ngược lại lại có hứng thú với điều này hơn.

- Khi ông đi thi qua lại với người khác mới biết được những chuyện này. Học tập không thể chỉ thụ động học một mình, phải thường xuyên giao lưu với người khác, như thế mới có thể đối phó với kỳ thi tốt hơn.

Vẻ mặt Cố Bá Sơn có chút hâm mộ, ông tiếp:

- Trong các gia đình có truyền thống đọc sách quản lý rất nghiêm khắc, chỉ cần học sinh chịu khó, chịu cố gắng nghiên cứu học vấn, thì cơ hội bọn họ thi đậu tú tài sẽ lớn hơn chúng ta. Khi ông đi thi, người ta mười lăm tuổi đã là tú tài, ông vẫn chỉ là một đồng sinh.

Cố Thanh Minh "Oa" một tiếng.

Cố Thanh Vân thì biết ông cả nói không sai, còn có người mới hai mươi tuổi đầu đã thi đậu Tiến sĩ, có người thì tóc đã hoa râm mà vẫn còn thi đồng sinh.

Điều này không có gì lạ.

- Người nhà nông như chúng ta, dù có nhiều hơn người khác mấy mẫu đất thì cũng không có chút ưu thế nào trong phương diện học tập. Không mời được danh sư, lại không có kinh nghiệm, tỉ lệ thi đậu sẽ thấp hơn rất nhiều mấy gia đình người đọc sách khác. Đối với những người như chúng ta, thi đậu tú tài đã là quang tông diệu tổ. Đối với bọn họ mà nói, cử nhân và tiến sĩ mới là những gì họ theo đuổi.

Giọng điệu của Cố Bá Sơn rất buồn bã, ông nói với hai đứa trẻ:

- Cho nên hiện tại các con có cơ hội học tập thì nhất định phải nắm bắt, sau này lớn tuổi rồi, muốn ổn định tâm tình để học cũng không được. Còn nữa, hiện tại các con đọc sách thi đậu tú tài, về sau con của các con cũng có các con dạy bảo, cơ hội thi đậu cũng sẽ lớn hơn một chút. Giống như bây giờ, bởi vì có ông nên các con tránh được rất nhiều đường vòng.

Cố Thanh Vân gật gật đầu, biết những gì ông cả nói là sự thật.

- Ông cũng chỉ có thể dạy các con như thế, bảo các con học thuộc lòng những cuốn sách này trước. Còn về ý nghĩa trong đó, có thể giải đáp thì ông sẽ giải đáp cho các con; không thể giải đáp thì các con chỉ có thể tự tìm hiểu, hoặc là đi giao lưu với người khác. Nếu như có thể tới thị trấn hoặc lên huyện cũng rất tốt, có thể giao lưu với đồng môn, nhưng tiếc là bây giờ không thuận tiện. Sống đến già học đến già, những thứ ông học được vẫn chưa đủ đâu.

Ngữ khí Cố Bá Sơn rất tiếc nuối, suy cho cùng là do thiếu tiền gây ra. May mà lúc đó khi chọn địa phương để ở lại, ông đã cố ý chọn thôn Lâm Khê này.

Mặc dù thôn Lâm Khê có núi đẹp nước trong, nhưng diện tích bằng phẳng lại nhỏ, phía sau có núi lớn, ruộng có thể canh tác cũng sẽ giảm đi, tuy nhiên khoảng cách từ thôn đến thị trấn và huyện đều không khác mấy, chỉ mất nửa canh giờ đi đường, khá là gần nên mặc dù những thôn sâu hơn thôn Lâm Khê có nhiều ruộng để chia hơn, ông cũng nhất quyết muốn định cư ở thôn Lâm Khê.

Do uy tín của ông trong tộc vẫn còn rất cao, em trai lại cầm đầu ủng hộ ông, dẹp hết mọi sự nghị luận của mọi người, cuối cùng mới quyết định định cư ở thôn Lâm Khê.

Hiện tại, người trong thôn muốn lên huyện thành hoặc thị trấn đều mất rất ít thời gian đi đường. Đường ngắn thuận tiện, có nhiều cơ hội làm công ngắn hạn hơn những người khác. Không giống mấy thôn xóm phía sau bọn họ, đi họp chợ một chuyến cũng phải băng qua mấy ngọn núi, mỗi lần ra ngoài đều không dễ dàng gì. Tuy rằng có thể được phân nhiều hơn vài mẫu ruộng, nhưng đồng thời họ cũng bị vây khốn, không phát triển được gì nhiều.

Không giống thôn bọn họ, sau này sẽ có cơ hội cho con cháu lên huyện thành hoặc thị trấn đi học, vừa đi vừa về chỉ tốn một canh giờ mà thôi, không mất nhiều công sức. Hơn nữa còn có thể cho bọn chúng chứng kiến được nhiều người nhiều việc hơn, vậy người có đầu óc linh hoạt cũng có thể bứt phá.

Đương nhiên Cố Thanh Vân không biết tính toán lúc trước của Cố Bá Sơn, nếu không cậu sẽ kính nể người ông cả này hơn.



Có thể nói, những lời của Cố Bá Sơn đã loại bỏ sự khinh miệt của Cố Thanh Vân đối với khoa cử.

Khi Cố Thanh Vân vừa mới bắt đầu học tập, "Tam Tự Kinh" trước mặt vẫn rất dễ học. Thứ nhất, trước khi đến đây thì cậu đã học gần hết rồi. Thứ hai là "Tam Tự Kinh" rất dễ đọc, dễ nhớ.

Thế là, cậu bỏ ra thời gian một tháng đã đuổi kịp tiến độ của Cố Thanh Minh, khiến Cố Bá Sơn rất đỗi ngạc nhiên mừng rỡ, cũng làm cho Cố Thanh Minh rất căng thẳng. Điều duy nhất đáng mừng là cậu ta trở nên cố gắng hơn.

Không nghĩ tới, khi học "Thiên Tự Văn", tốc độ của Cố Thanh Vân đã chậm lại.

Lúc đầu Cố Bá Sơn rất thất vọng, ông còn tưởng rằng cháu trai của mình là thiên tài nữa kìa. Song khi vừa nhìn thấy gương mặt như cái bánh bao và thân thể nhỏ bé chỉ cao đến bắp đùi mình của Cố Thanh Vân thì ông không nói gì nữa. Dù sao cậu cũng còn nhỏ tuổi, cứ từ từ là được.

Cố Thanh Vân tự biết chuyện nhà mình. Cậu chắc chắn không phải loại thiên tài nhìn một lần là nhớ. Chỉ số thông minh của cậu rất bình thường, có lẽ tốt hơn so với người bình thường một chút, cho nên điều cậu cần là bình tĩnh lại, chịu khó và chăm chỉ học tập.

Nhưng sau khi đọc sách, rốt cuộc cậu cũng biết mình đang ở triều đại nào. Lúc trước cậu còn tưởng rằng mình xuyên về triều đại nào đó của Trung Quốc, song nhìn thấy có bắp ngô, khoai tây và khoai lang thì cậu lại không chắc.

Hiện tại, sau khi hỏi và đọc sách về sau, cuối cùng cậu biết, lịch sử đã rẽ ngoặt sau thời nhà Tống. Người nắm chính quyền lúc đó không phải nhà Nguyên mà là một người Hán tên là Hoa Viên Triêu. Chính ông đã thành lập triều nhà Hoa. Triều đại này kéo dài đến bốn trăm năm sau thì bị thiên tử bây giờ lật đổ.

Sau khi tính toán cẩn thận, thời gian hiện tại hẳn là tương đương với thời kỳ đầu của triều đại nhà Thanh ở kiếp trước, đó là khoảng từ năm 1600 đến năm 1650 sau Công nguyên, cụ thể thì cậu không rõ. Theo lời kể của Cố Bá Sơn, sự phát triển ban đầu của tiền triều rất tốt, những loại cây trồng năng suất cao này đã chậm rãi phổ biển vào khi đó. Đáng tiếc con cháu bất tài, không giữ được cơ nghiệp của tổ tiên.

Cố Thanh Vân chợt vỡ lẽ. Khó trách cậu cảm thấy nơi này có phần không giống với cổ đại trong truyền thuyết. Tỷ như thuế má tốt hơn nhiều so với thời cổ đại trong truyền thuyết. Ban đầu cậu còn tưởng rằng do tân triều vừa lập nên mới như vậy chứ.

Chẳng lẽ Hoa Viên Triêu kia cũng là người xuyên không? Cái tên này thật sự quá có đặc điểm của thời đại!

Cố Thanh Vân không nghĩ nhiều nữa. Dù sao người ta đã chết mấy trăm năm, không hề có chút quan hệ gì với cậu, chờ về sau có cơ hội lại từ từ tìm hiểu sự tích của ông ta sau. Tuy nhiên, bây giờ biết được thời không này từng có người xuyên không thì cậu càng phải cẩn thận, không thể để lộ ra những thứ khác với thời đại này.

May mà cậu xuyên thai, nếu không lại càng đáng lo. Hiện tại cậu vẫn nên lo cho chuyện học của mình trước thì hơn.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.