Những ngày bà Nhung nằm viện chính là khoảng thời gian ba con ông Trung túc trực ngày đêm ở bên chăm sóc. Nhất là ông Trung, người đàn ông tuổi quá ngũ tuần ấy 24/24h có mặt ở phòng bệnh. Bất kể là bà Nhung cần gì, muốn ăn gì, ngay cả khi giữa đêm, ông cũng không quản mà vất vả ngược xuôi đi tìm mua cho kỳ được. Cứ liên tiếp như vậy chục ngày trời, người đàn ông ấy gầy hẳn đi, đôi mắt trũng sâu lại, mái tóc điểm hoa râm giờ đây gần như cũng bạc trắng. Thấy ba mệt mỏi như vậy, Hoa và Hoàng đề nghị ông Trung về nhà nghỉ ngơi, để chị em cô chăm sóc mẹ, nhưng ông Trung gạt đi. Nói là, hai chị em đi làm cả ngày rất mệt, nếu như đêm về loay hoay trong bệnh viện thì ban ngày sẽ không có sức để làm việc.
Ông Trung đã về hưu, thời gian rảnh rỗi cũng không làm gì, chỉ cần một mình ông ở bên chăm sóc bà Nhung là đủ. Bà Nhung cảm động không nói thành lời, nhìn người đàn ông ấy đêm ngày lo lắng và săn sóc mình, cảm giác tội lỗi càng tăng thêm, nhưng với tình hình hiện tại, nếu không có ông Trung, bà thực sự không biết phải nương tựa vào ai. Đã rất nhiều lần Hiếu ở quê gọi điện lên, nói là Hà Nhi nhớ mẹ, cô bé muốn được đến gặp mẹ, nghĩ đi nghĩ lại, bà Nhung sợ con gái bé nhỏ chứng kiến cảnh tượng mình nằm kiệt quệ trên giường bệnh, trên người lúc nào cũng chằng chịt dây dợ và những máy móc hỗ trợ… Chỉ sợ sẽ khiến Hà Nhi lo lắng và sợ hãi. Bà không muốn làm tổn thương đến tâm hồn thơ dại của con. Muốn để lại một hình ảnh đẹp hơn trong ký ức của cô bé.
Đến ngày thứ mười lăm, ông Trung gần như không chống đỡ được nữa, trong một lần, vào giữa đêm, bà Nhung muốn ăn cháo, không ngần ngại, ông Trung mang theo chiếc hộp ra ngoài cổng viện mua cháo đem về cho vợ. Khi vào đến đại sảnh, đôi mắt người đàn ông ấy bỗng nhòe mờ đi rồi dần dà không nhìn thấy gì nữa. Hộp cháo rơi xuống nền đá hoa, loang lổ cả một khoảng rộng, ông Trung nằm sấp xuống, bất tỉnh.
Đến khi tỉnh lại, ông Trung thấy mình nằm trong phòng bệnh trắng toát, gương mặt người đàn ông ấy hốc hác, đôi mắt trũng sâu, mái tóc bạc trắng. Nhìn hình dáng hiện tại của ba, Hoa không nén được đau thương, nước mắt cứ thế chảy xuôi không kiểm soát. Cô cầm lấy đôi bàn tay gầy đang cắm dịch truyền ấy và chậm rãi cất lời:
— Ba à, ba thấy trong người thế nào rồi?
Vừa tỉnh dậy sau cơn mê sâu, ông Trung hốt hoảng nói:
— Ba đi mua cháo cho mẹ con. Mẹ con… bà ấy muốn ăn cháo! Ba phải đi mua cháo!
Hoa mím chặt môi, cố ngăn không cho mình khóc nấc lên, cô thực sự cảm động trước tấm chân tình của người đàn ông ấy. Một chữ yêu đi đến hết cuộc đời.
— Ba, ba nghỉ ngơi đi đã. Hoàng mua cháo cho mẹ rồi. Em con đang chăm sóc mẹ rất tốt. Hiện tại ba cần nghỉ ngơi, bác sỹ nói ba bị kiệt sức.
— Ba thực sự không sao. Mẹ con, bà ấy cần có ba ở bên. Ba phải ở bên chăm sóc mẹ con. Hoa, con gọi bác sĩ đi. Gọi bác sĩ tháo dịch truyền này ra cho ba, ba không cần đến mấy thứ này. Ba rất khỏe mạnh.
— Ba!!
Hoa bất lực thốt lên, đồng thời cô gục đầu vào người ông Trung khóc nức nở. Đến nước này mà người đàn ông ấy vẫn muốn hết lòng vì mẹ cô, ngay cả khi bản thân cũng không tự chống đỡ được với sức khỏe của mình.
Đôi mắt ông Trung đỏ hoe, nước mắt rưng rưng chảy xuống, bờ môi khô nẻ khẽ mấp máy nói:
— Ba vô dụng lắm, đúng không con?
Hoa tròn mắt ngạc nhiên:
— Vì sao ba lại hỏi vậy?
— 10 năm trước, vì ba bất tài nên không thể giữ được mẹ cho hai con. 10 năm sau, mẹ con đau bệnh nằm đó nhưng ba không thể chăm sóc mẹ con 24/24 được. Con thất vọng về ba lắm, đúng không?
Nước mắt Hoa giàn giụa, cô nói trong tiếng nấc nghẹn:
— Con vẫn luôn tự hào về ba. Điều đó chưa bao giờ thay đổi. Bất kể ba đã làm những chuyện gì, con vẫn luôn cảm thấy đó là một quyết định hoàn hảo. Con biết ba thương và lo lắng cho mẹ, nhưng trước tiên ba phải giữ gìn sức khỏe cho mình đã. Ba nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, hãy để chị em con san sẻ việc chăm sóc mẹ cùng ba.
— Mẹ con sao rồi? Bà ấy có ăn uống được gì không?
— Hoàng đang ở bên mẹ. Khi nãy mẹ mới ăn được chút cháo và trái cây. Tình hình hiện tại rất tốt. Ba đừng lo lắng quá. Ba có muốn ăn gì không ạ? Con gọt trái cây cho ba nhé?
Ông Trung khẽ lắc đầu:
— Ba không muốn ăn gì cả, ba chỉ buồn ngủ thôi. Cho ba ngủ một lát được không?
— Dạ được. Ba cứ yên tâm ngủ đi, con sẽ giữ yên tĩnh cho ba ngủ.
Nhìn đôi hàng mi của ông Trung khẽ nhắm lại, Hoa thấy lòng dạ mình đau thắt, thực ra khi nãy cô đã nói dối ba. Tình hình hiện tại của mẹ cô rất xấu, liên tục chảy máu, ăn gì cũng nôn ra hết. Những ngày tiếp theo thực sự là ác mộng. Phòng bệnh của bà Nhung có tất cả 5 người, do bệnh viện quá tải, giường bệnh thiếu thốn nên tất cả giường đều chật kín người. Người nhà đi chăm sóc bệnh nhân chỉ có thể qua đêm trên chiếc giường gấp thuê tạm bên ngoài hành lang phòng bệnh. Đêm đêm cứ chợp mắt một lát lại phải dậy vào kiểm tra tình hình của mẹ, Hoa thấy mình cũng sắp sửa không chống đỡ được.
Huấn rất lo lắng cho người yêu, nhiều lần anh đề nghị thuê người vào chăm sóc mẹ để cô đỡ vất vả, nhưng lòng tự trọng của Hoa rất lớn. Cô tuyệt đối không nhận sự quan tâm đó của anh, nữa là, quãng thời gian sống xa mẹ đủ lâu. Nay biết thời gian mẹ sống trên cõi đời này không còn nhiều, dù mệt, dù vất vả nhưng Hoa vẫn muốn tự tay mình chăm sóc cho mẹ. Cô muốn vun đắp lại hơi ấm bị thiếu hụt ngày nào.
Hàng ngày, chị em Hoa chật vật thay nhau chăm sóc cho mẹ, thỉnh thoảng ông Trung cũng muốn góp sức, nhưng vì không muốn nhìn thấy ba phải ngất đi vì kiệt sức nên chị em cô tuyệt đối không để ba ở bệnh viện 24/24 như trước nữa. Phòng bệnh có 5 người, phần đa đều là bệnh hiểm nghèo giống như bà Nhung. Có người bị u,ng th,ư phổi giai đoạn cuối, cứ tối đến là cơn đau bộc phát, cả đêm khóc lóc rên rỉ. Giấc ngủ của bà Nhung và các bệnh nhân khác chập chờn vô cùng, có đôi khi, cố gắng lắm mới có thể tự vỗ về vào giấc ngủ, bệnh nhân khác chỉ cần cựa mình, kêu đau một tiếng là cả phòng đều thức giấc.
Ban ngày thì bác sĩ đi thăm khám, người qua kẻ lại, ban đêm thì tiếng khóc than cứ thế triền miên không dứt, giấc ngủ của mọi người ở nơi này thực sự là một thứ gì đó xa xỉ và khó khăn. Cứ kéo dài tình trạng này, Hoa e là tất cả mọi người, từ ông Trung đến cô, rồi Hoàng, mọi người đang khỏe mạnh cũng sẽ thành bệnh nhân hết, vì điều kiện sinh hoạt vô cùng chật vật. Mấy ngày sau, Hoa chuẩn bị chút “trà nước” cho bác sĩ. Thực tế là tốn kém không biết bao nhiêu để có thể chuyển mẹ cô sang phòng bệnh khác yên tĩnh hơn, chấp nhận chi trả phí giường bệnh vô cùng đắt đỏ. Hy vọng bà Nhung có thể ngủ được giấc sâu hơn, người nhà chăm sóc cũng có chỗ ngủ tử tế.
Đổi sang phòng bệnh khác yên tĩnh hơn, giấc ngủ tốt hơn nhưng tình trạng của bà Nhung vẫn không có chút tiến triển nào. Thậm chí ngày càng xấu tệ, bác sĩ nói, chẳng còn cách gì khác rồi lắc đầu. Hàng ngày bà Nhung liên tục kêu đói, thèm ăn thứ này thứ khác, nhưng cứ ăn vào lại nôn hết ra, tinh thần ngày càng suy sụp. Ba con ông Trung luân phiên nhau túc trực ngày đêm ở trong phòng bệnh. Thỉnh thoảng, Huấn và Quỳnh cũng xuất hiện, có đêm Quỳnh và Hoàng cùng chăm mẹ, cũng có đêm Huấn và Hoa cùng chăm mẹ. Ông Tâm bà Ly biết tin cũng tức tốc chuẩn bị quà bánh vào bệnh viện thăm mẹ Hoàng. Ông Khang, bà Thủy ở Thái Bình biết chuyện cũng tự mình lái xe đến thăm mẹ Hoa. Điều đó khiến ông Trung và chị em Hoa cảm động vô cùng.
Sau khi đổi phòng bệnh được một thời gian, ngày hôm ấy, thời tiết nắng ráo đẹp đẽ, bên ngoài khung cửa sổ, những tia nắng mơn man chiếu rọi vào căn phòng bà Nhung đang nằm. Nhìn ngắm bầu trời bao la, bà Nhung thấy tinh thần tốt lên, thần trí tỉnh táo hơn hẳn ngày thường. Đôi mắt bớt đỏ và không còn khóc nhiều nữa. Nhìn thấy Hoa ngày càng xanh xao gầy yếu, bà Nhung khó khăn lắm mới nói ra được mấy câu:
— Con gái mẹ,… Mẹ thương con gái mẹ!
Nước mắt của Hoa lập tức trào ra, cô nhìn mẹ mà trong lòng không nén nổi cảm giác chua xót.
Bà Nhung thều thào nói:
— Mấy hôm nay mẹ đã nghĩ rất nhiều. Cũng đã thông suốt một số chuyện. Ở dưới suối vàng, có ông bà nội ngoại và mọi người luôn chào đón mẹ. Ở đây thì có ba, có chị em con luôn hết lòng vì mẹ… Cuộc đời của mẹ, được sống đến giờ phút này là may mắn lắm. Nếu như đến một lúc nào đó, diêm vương xuất hiện và đón mẹ đi, khi ấy mẹ không còn luyến tiếc gì nữa.
— Mẹ… mẹ làm ơn đừng nói những điều như vậy, có được không?
— Hoa à, con giúp mẹ một việc.
— Mẹ muốn con làm gì? Mẹ nói đi, con nhất định sẽ giúp mẹ.
— Mẹ muốn gặp Hiếu và Hà Nhi. Mẹ nhớ hai anh em nó quá. Con có thể gọi cho Hiếu đưa em lên gặp mẹ không? Nếu không được gặp con bé, mẹ ch,ết mà không nhắm được mắt.
Hoa vỡ òa trong xúc động, chẳng biết nước mắt từ đâu cứ thế lăn xuống không ngừng. Cô bất lực thốt lên:
— Mẹ tuyệt đối không được nói những lời như vậy. Con xin mẹ đó.
— Con giúp mẹ đi.
Ngay trong ngày hôm đó, Huấn đi từ Hà Nội về Thái Bình và đón anh em Hiếu đến thăm mẹ. Đứng bên giường bệnh, Hà Nhi khóc lên khóc xuống, cô bé bám lấy mẹ không chịu buông, nhìn hình dong ngày càng tiều tụy của mẹ, Hà Nhi đau đớn nói:
— Mẹ ơi, mẹ mau khỏe lại để về nhà với anh em con, được không ạ? Con nhớ mẹ lắm. Mẹ đừng nằm ở đây nữa… Buổi tối đi ngủ không có mẹ ở bên, con thấy trống vắng vô cùng. Con thèm được ăn cơm mẹ nấu. Mẹ ơi, mẹ về nhà bán hàng đi mẹ. Mẹ bán hàng sẽ có thêm thu nhập, con không phải ăn cơm rau nữa. Con muốn ăn cơm có thịt…
Ngày hôm ấy, tất cả mọi người đều có mặt trong phòng bệnh của bà Nhung. Từ ông Trung, Hoa và Quỳnh, Hoàng và Huấn, cả anh em Hiếu và Hà Nhi. Nghe cô bé thốt lên mấy lời đó, những người trưởng thành đều không nén được xúc động mà rưng rưng nước mắt.
Hiếu khẽ lay vai Hà Nhi, ý muốn nhắc nhở không nên nói chuyện tùy hứng, cơ mà cô bé không chịu, tất cả những cảm xúc dồn nén bấy lâu, Hà Nhi được thể đều kể ra hết. Từ việc cô tò mò về sức khỏe của mẹ, đến chuyện những người hàng xóm vẫn hay thêu dệt câu chuyện của mẹ ra sao, họ nói mẹ cô sẽ sớm ra đi, anh em cô bé phải sống cảnh mồ côi như thế nào. Cô bé cứ hồn nhiên nói ra, những người lớn nghe xong chỉ có thể che mặt và cố ngăn không để bản thân khóc thành tiếng.
Sau khi được trút bỏ tâm sự, Hà Nhi gục đầu vào ngực mẹ, cô bé thực sự nhớ hơi ấm vòng tay mẹ. Lúc này, bà Nhung đau đớn ôm cô con gái bé nhỏ vào lòng, nước mắt giàn giụa, miệng mấp máy nói:
— Hà Nhi, con gái yêu của mẹ. Mẹ thương con, mẹ yêu con nhiều lắm. Hứa với mẹ, con phải ngoan, nghe lời anh Hiếu, nghe lời anh Hoàng và chị Hoa, cả bác Trung nữa. Chăm ngoan, học giỏi. Sau này, không có mẹ ở bên, con phải tự biết chăm sóc bản thân mình. Xin lỗi con, mẹ không thể ở bên các con thêm được nữa…
Rồi bà Nhung ra hiệu cho Hiếu tiến lại gần, bà cầm tay con và chậm rãi cất lời:
— Hiếu à, dì đã hứa với ba là sẽ chăm sóc hai anh em con thật tốt. Nhưng dì không hoàn thành nhiệm vụ. Con hứa với dì, dù khó khăn thế nào cũng không được bỏ học. Hãy thay dì chăm sóc và yêu thương Hà Nhi. Con hãy yêu thương em thật nhiều nhé.
Hiếu lặng người, cậu ngồi như quỳ dưới nền nhà và khóc nấc lên:
— Dì sẽ khỏe lại mà, con tin dì sẽ khỏe lại!
— Hứa với dì đi!!
— Con hứa với dì. Dì nói điều gì con cũng sẽ đồng ý hết.
Bà Nhung hướng ánh mắt về phía ông Trung như muốn gửi gắm tâm sự, ông Trung biết ý nên tiến lại gần. Bà Nhung nhìn người đàn ông trước mặt mình thật lâu, sau cùng, khóe môi bà khẽ mỉm cười rồi chậm rãi nói:
— Tóc anh dạo cũng bạc trắng rồi, anh cũng già đi giống em rồi… Trước lúc nhắm mắt, em có một chuyện muốn nhờ vả anh. Anh sẽ đồng ý chứ?
Ông Trung khóc rưng rức, ông nghẹn giọng nói:
— Em muốn anh làm chuyện gì?
— Em ch,ết đi rồi, Hiếu và Hà Nhi sẽ bơ vơ. Tội thân hai đứa nhỏ. Em thực không đành lòng. Anh à, nếu có thể, hãy để Hiếu và Hà Nhi là người một nhà với anh, được không? Anh có thể yêu thương hai đứa trẻ giống như một người cha không? Chúng đáng thương biết nhường nào…
— Nhung/ Mẹ ơi/ Mẹ ơi!
Từng ấy con người đều đau đớn thốt lên.
— Em xin anh đó. Mong anh hãy đồng ý với lời thỉnh cầu của em. Nếu được anh dạy bảo tử tế, em tin các con sẽ nên người, sẽ là những đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện. Anh giúp em làm thủ tục bán căn nhà ở Thái Bình, số tiền đó, anh hãy chăm sóc hai đứa nhỏ giúp em. Em chỉ có một nguyện vọng duy nhất như vậy. Mong được anh chấp nhận.
— Anh sẽ chăm sóc hai đứa bé, căn nhà đó có thể không cần bán. Em hãy tin ở anh.
Bà Nhung cầm tay Hiếu và Hà Nhi và căn dặn:
— Từ hôm nay, bác Trung sẽ là ba của các con. Các con phải nghe lời ba dạy bảo, đã biết chưa?
— Mẹ ơi… mẹ ơi…
Hiếu và Hà Nhi khóc không ngừng.
Rồi bà Nhung lại nhìn Hoa và Huấn, Quỳnh và Hoàng, bà cố gắng hết sức để căn dặn các con, mong các con hạnh phúc và thương yêu lẫn nhau, đặc biệt nhấn mạnh chuyện quan tâm và chăm sóc cho hai em nhỏ. Phòng bệnh ngày hôm ấy ngập tràn ánh nắng mặt trời chiếu rọi nhưng gương mặt ai cũng ướt nhòe nước mắt.
Buổi chiều cùng ngày, bà Nhung trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Hà Nhi cảm nhận được hơi ấm trên bàn tay mẹ lạnh dần, sau đó bác sĩ và y tá xuất hiện, mọi người lần lượt đưa mẹ cô đi. Gương mặt người phụ nữ đáng thương ấy được phủ lớp khăn vải trắng toát, tất cả mọi người ở lại đều gào khóc, đau đớn đến nghẹn thở…