"Mày nhìn cho kĩ bản mặt bà nội mày đi, au revoir."
Hoàng Kiều Vân cợt nhả nói, từ đâu móc ra một nắm bột màu trắng cùng một quả pháo hơi nhỏ, ném lên không trung rồi nhanh chóng núp dưới bờ kè. May mắn là ban nãy nàng đã tính đến khả năng xấu nhất chứ không bây giờ đã rơi vào tay giặc rồi. Chờ cho bọn chúng chạy đi, nàng lấy trong túi ra một bộ đồ bình thường và một nắm lá sống đời. Hoàng Kiều Vân nhanh chóng thay ra rồi chôn sâu bộ đồ màu đen rách tươm xuống đất. Tiếp sau đó nàng nhai nắm lá sống đời cho nát, nhả ra, đắp lên chỗ vết thương đã rỉ máu. Toàn bộ động tác đều được diễn ra không quá hai phút, tựa như đã là một thói quen có từ rất lâu.
"Nè, Kiều Vân, có sao không đó?" - Một tiếng thì thầm mềm mại vang lên bên tai nàng. - "Ở đây đi hết rồi nên không sao đâu."
"Ai?!" - Hoàng Kiều Vân quay ngoắt sang, thủ thế sẵn sàng để ẩu đả thì ngớ người khi bắt gặp gương mặt tươi cười kia.
"Là cô?"
"Ừa tui nè."
Phạm Quỳnh Xuân ngồi xổm xuống híp mắt cười với nàng ta. Bữa nay con Mận bị thầy lang Đặng lôi đầu lên núi hái thuốc với ổng rồi, do ba hôm trước nó bắt anh Khánh chữa cho ông nào lạ quắc, còn tốn một mớ thuốc bổ nữa, ổng vừa biết được thì một hai bắt đó đi theo. Nàng viện cớ nói muốn Mận đưa đi ra ngoài chơi cho khoây khoả một hôm để nó được trốn ra. Bây giờ nó đi lên núi rồi, nàng cũng đâu thể về mà không có nó, chỉ đành đi dạo quanh đây để hóng gió.
"Tui có báo quan đâu mà thủ thế thấy ghê dạ? Tui cũng đang trốn nè nên bây giờ mình đang ở chung thuyền đó."
"Mà sao cô biết tôi mà kêu?"
Hoàng Kiều Vân dường như vẫn chưa tin lời nàng, hai tay vẫn chưa buông xuống.
"Kêu đại thôi, lỡ lộn thì hỏi tên kêu lại."
Nàng cười xoà nhìn thẳng vào đôi mắt màu xám tro của nàng ta. Trước khi Hoàng Kiều Vân kịp dùng vải đen quấn quanh mặt như cũ, Phạm Quỳnh Xuân đã thấy được gương mặt của nàng ta ở trong dư quang. Nàng ta quả thật rất đẹp, mũi rất cao, da rất trắng, môi còn rất hồng. Nhưng mà gương mặt này hơi quen quen, nàng gặp ở đâu rồi nhỉ?
"Biết vậy nãy không nhận cho rồi."
Hoàng Kiều Vân bĩu môi, buông hai tay xuống, rồi như chợt nhớ ra gì đó mà rút tấm vải màu đen từ trong tay áo ra, quấn chặt quanh mặt. Thật ra nàng ta cũng không hoàn toàn tin nàng, chỉ là bây giờ phi vụ đã trót lọt, chết cũng chẳng sao. Vì với một thân thương tích đầy mình như nàng ta thì cho dù có chống trả thì đường nào cũng chết, nếu đi bắt người thì bọn nó sẽ không chỉ điều một hai người đến đâu, có khi cả toáng người cũng nên.
"Mà cảm ơn cô vì lần trước nha, không có cô thì bây giờ chắc giờ tui thành quỷ vì uất hận rồi quá."
Hơn một năm trước, vào thời điểm cô hai Xuân vừa mới trở về vẫn chưa nắm tình hình nơi đây, buổi tối đã trốn ra ngoài đi chơi. Lúc đó không biết ăn ở sao mà lọt vào mắt xanh của một đám cướp nghiệp dư, vì thua bạc mà nghĩ quẩn. Nàng vẫn còn nhớ rất rõ cảnh tượng lúc đó, bị ba tên điên trói ở trên ghế, tháo hết đống trang sức trên người. Trấn lột cỡ đó vẫn chưa đủ, còn có ý định cưỡng hiếp nàng nữa chứ. Quỳnh Xuân đã hoảng sợ đến mức ngất xỉu, đến khi tỉnh lại thì đã nằm an vị trong lòng của ai đó rồi.
"Mà sao lúc đó cô cứu tui vậy?"
"Tại rảnh."
Thật ra lúc đó, quan Lớn ghé nhà ông Phạm để bàn chuyện thu mua một vài sào* đất rừng cao su, Hoàng Kiều Vân chỉ đang muốn theo dõi để bám sát hành tung của ông ta. Đến khi tối muộn, lúc đang quay về thì gặp phải chuyện bất bình nên mới ra tay cứu trợ mà thôi.
"Lần trước là trốn ra ngoài đi chơi, lần này là gì nữa đây?"
Hoàng Kiều Vân nhướng mày hỏi. Thuỳ mị nết na cái gì chứ? Giả bộ cho ai xem.
"Mặc dù cha rất cưng tui, nhưng mà tui sợ cha lung lắm. Bên nhà bên đó cũng dễ nhưng mà cũng phải giữ thể diện cho cha tui chứ. Đường đường là mợ hai mà trèo tường chạy ra ngoài chơi, coi sao đặng."
Ừm... thì là tuổi thơ của Phạm Quỳnh Xuân là một cái gì đó rất bá cháy.
Làng Tả Dương có một truyền kì, đó là cô hai Xuân nửa đêm trèo tường ra ngoài đến sòng tài xỉu hóng chuyện, bị dụ uống rượu đến mức say sỉn, ngủ lang dưới gốc cây đa đầu làng, báo hại ông Phạm lo sốt vó điều cả lính xuống đi tìm.
Chưa hết.
Phạm Quỳnh Xuân từng bỏ nhà đi bụi đến ba ngày. Lí do là gì hả? Vì nàng thích.
Phạm Quỳnh Xuân từng dùng đất để giả thành tiếng bom chọc bọn lính. Lí do là gì hả? Vì nàng thích.
Phạm Quỳnh Xuân từng làm giả ma trơi** để hù đám lính Tây cho vui. Lí do là gì hả? Vì nàng thích.
"Ồ."
Kiều Vân gật gù trả lời cho có lệ.
"Bây giờ tôi phải đi rồi, lần sau nếu có gặp thì cũng đừng tỏ vẻ quen biết tôi."
-
"Con bị trầy hết trơn mình mẩy rồi đây nè."
Con Mận ngồi trên cái gò đất cao cao, vạch tay chân cho Đặng Đức Bình xem.
"Ai biểu mày tài lanh tài lẹt, người ta là ai mày đâu có biết. Hên là có vẻ như nó là dân mình, rủi mà quân phản động rồi sao? Lính xuống nó còng đầu mày thì có trời cứu, tù mọt gông đó con."
Đặng Đức Bình nhíu mày nhìn nó, giọng bỗng trở nên nghiêm túc hơn.
"Bị một lần cho mày nhớ."
"Con biết rồi mà."
Nó trề môi nhìn ổng.
"Con xin lỗi."
"Mày đi mà xin lỗi túi tiền của tao, khi không tự nhiên có thêm cái miệng ăn."
Mận tuột xuống cái gò đất, lật đật đuổi theo sau Đặng Đức Bình.
"Thì nào ảnh tỉnh ảnh phụ ông với anh Khánh mà. Đợi con với."
-
Phía sau làng Hữu Trường là một ngọn núi mọc rất nhiều cây thuốc khác nhau được gọi là núi Hữu Sơn. Ngọn núi không quá cao nhưng từ trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả ngôi làng. Hàng năm vào mùa xuân, trăm hoa sẽ đua nở tại đây, có dịp nó sẽ dẫn cô hai đi coi, chứ thấy cổ ở nhà miết nó sợ cổ buồn.
"Mày coi đi kiếm cây sống đời cho tao đi, đợt tao đi thấy bên kia nhiều lắm."
Đặng Đức Bình chỉ về hướng Đông, nơi có một căn nhà xây dở bị bỏ hoang. Mận gật gật đầu, nhanh tay lẹ chân xách giỏ chạy vút đi. Công nhận ông Bình già mà nhớ dai thiệt, nguyên cái núi bự như vậy mà ổng nhớ đúng chỗ nào có cái gì. Quả thật ở đây có rất nhiều cây sống đời, mà cây nào cây nấy lá xanh um mà mướt rượt. Nó kéo ống quần lên, ngồi chồm hổm xuống cẩn thận lựa ra cây đẹp nhất mà cho vào giỏ. Mải mê hái mà không hay giỏ đầy, mãi cho tới khi Đặng Đức Bình gọi về nó mới chịu ngưng.
"Ông dòm con hái được một đống nè."
Nó hớn hở chạy lại khoe nguyên một giỏ đầy ấp cho ổng xem.
"Ừ cũng được. Mà thôi đi về, chứ trời tối xuống sợ ma lắm."
Nó ghé nhà Đặng Đức Bình đưa lại giỏ thuốc sẵn tiện thăm anh Đen. Hai ba bữa nay ảnh cũng dần tỉnh táo, mấy nốt mụn cũng giảm bớt, độ chừng chưa tới một tháng ảnh đã sinh hoạt lại bình thường được rồi. Mận vái ông bà cho ảnh khoẻ sớm sớm để ổng đừng lải nhải với nó nữa. Mới ngồi một chút mà trời đã ngả vàng, nó chắc mẩm nên về thôi, nhà còn bao việc.
"Tí về cho con mượn cái áo tay dài của anh Khánh được hông? Chứ ông coi cẳng tay cẳng chân của con nè, trầy trụa hết trơn. Bà Năm mà thấy là nghỉ cho con qua đây luôn ớ."
-
"Cái này là sao?"
Người đàn ông nọ tung chân đá thẳng gã đưa tin.
"Chỉ có một con đàn bà mà tụi mày còn bắt không được thì tao phải ăn nói với quan Lớn như thế nào?"
"Dạ bẩm ông Cai do nhỏ đó n.."
Lời còn chưa dứt, Cai tổng vì chướng mắt đã đá thêm một phát nữa khiến tên kia ngã ngửa ra sau, gã kêu đau một tiếng rồi lấm lét đi ra ngoài. Ông Cai ngồi phịch xuống ghế, thở hồng hộc vì tức giận. Trong vòng hơn nửa năm nay, bằng một cách nào đó mà các cuộc hành quyết dù là ở trong bóng tối hay phơi bày ra ngoài sáng đều bị con ả kia phá nát, để lọt rất nhiều tội phạm tuy không quá quan trọng nhưng lại rất có tiềm năng. Điều khiến hắn đau đầu nhất chính là, nàng ta còn chưa đến hai mươi tuổi, đang trong độ tuổi tràn trề nhựa sống và sức bền của thanh niên, mà đám lính già hắn nuôi luôn dửng dưng cho rằng chiến công diệt được ổ phản động năm xưa rất vĩ đại lại vùi đầu vào các cuộc ăn chơi thác loạn, không màng đến việc tổ chức lại lực lượng. Đám vô dụng đó không dùng được, lại nói tầm quan trọng của ả ta cũng không lớn đến mức gây được quan Lớn chú ý đặc biệt, để ngài điều xuống lính đã trải qua huấn luyện bài bản để bắt đi, cùng lắm chỉ là vài tên lính Tây có vẻ ngoài hầm hố biết nhận mặt súng ra oai.
Thật ra họ Hoàng của Hoàng Kiều Vân không phải được hưởng từ nam nhân trong dòng họ, đó vốn là họ ngoại của nàng ta. Hoàng Kiều Vân là kết tinh không xuất phát từ tình yêu của mẹ nàng và một tên lính Tây vô danh tiểu tốt trong một lần bất cẩn. Mà cùng năm đó, mẹ nàng lúc lâm bồn cũng vì mất quá nhiều máu mà đã không qua khỏi. Vì thế, tuy có thái độ thù địch với người Tây nói chung và lính Tây nói riêng, nhưng thương cháu, người đứng đầu gia tộc năm đó là Hoàng Minh Kiên đã nhận nàng làm con nuôi.
Vậy nên cho dù nàng ta có luôn không ngừng chối cãi về gốc gác của bản thân ra sao thì đôi mắt màu xám tro, làn da trắng đến bất thường cùng mái tóc càng ngả vàng theo thời gian sẽ luôn giúp Hoàng Kiều Vân khẳng định lại dòng máu chảy bên trong người nàng.
Việc Hoàng Kiều Vân vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, gây ra nhiều phiền phức đến vậy ít nhiều cũng là một phần trách nhiệm của ông ta. Chỉ vì mủi lòng mà năm xưa ông đã không nỡ xuống tay, thả nàng ta khi đó tròn ba tuổi và đứa trẻ chỉ vừa mới biết lật đi cho chúng tự sinh tự diệt. Nhưng làm sao mà ông Cai có thể ngờ được, rằng nước đi nhân từ năm đó của ông đã vô tình vẽ đường cho hươu chạy. Đúng là đã muốn làm lớn thì không thể mềm lòng.
-
*: Theo giá trị cổ, 1 sào đất rơi vào khoảng 360 m²
**: Giải thích theo khía cạnh tâm linh, ma trơi là những đám lửa sáng lập lòe lan tỏa theo chiều gió, có màu xanh nhạt thường được nhìn thấy ngoài những bãi tha ma, lúc ẩn lúc hiện. Theo nhiều người, đó là oan hồn của những chiến sĩ trên chiến trường, hài cốt không được nhận lại còn vương vất trên những bãi chiến trận, tha ma, hay cánh đồng vắng. Do những linh hồn này sợ ánh sáng nên chỉ xuất hiện về đêm, những ngọn lửa này không hại ai cả, nhưng có nhiều khi lại đuổi theo người. Nếu giải thích theo khoa học, ma trơi là hiện tượng các hợp chất phosphorus được hình thành từ hoạt động của vi khuẩn sống dưới lòng đất phần mộ (gồm hai chất đó là phosphine (PH3) và diphosphine) trong xương người và sinh vật dưới mộ bốc lên thoát ra ngoài, gặp không khí trong một số điều kiện sẽ bốc cháy thành các đốm lửa nhỏ với độ sáng khá nhỏ (xanh nhạt), lập lòe, khi ẩn khi hiện. Ban đêm mới thấy được ánh sáng còn ban ngày thì các đốm lửa này có thể bị ánh sáng mặt trời che khuất.
Còn về việc Quỳnh Xuân "làm giả" ma trơi thật chất là đốt cháy phèn chua để tạo ra lửa có màu xanh. Phèn chua là một vị thuốc đông y, có thể dễ dàng tìm thấy ở các hiệu thuốc.