Điểu La

Chương 11



Du Bắc là quê hương của Dương Kiêu.

A La không sao ngờ rằng mình chỉ muốn về phía bắc, mà phải đi ngang Du Bắc, lúc này nghe người lái thuyền hô lên, nàng không khỏi giật mình.

Nàng nhìn xuống bụng mình, trong đó đã có một sinh mệnh bé nhỏ, là trùng hợp đến Du Bắc, như thể mọi thứ đã được âm thầm an bài cả.

Xung quanh có người lần lượt xuống thuyền, người lái thuyền hỏi A La: “Ngươi xuống thuyền không?”

A La sững sờ, “Xuống… Ta xuống.”

Nàng đột nhiên phát hiện ra, ngoài con đường đến thảo nguyên, nàng vẫn còn một con đường khác để đi, đó là giả làm thê tử của Dương Kiêu, đến ở quê nhà của hắn nhập tịch an cư. Nghe nói trong nhà hắn chỉ có một người mẹ già, bây giờ nàng lại đang mang thai con của Dương Kiêu, phỏng chừng người bên kia sẽ không làm khó mình.

Mạo muội lợi dụng danh nghĩa của một người đã chết, khiến A La trong lòng có bất an, nhưng một khi đã sinh ra ý niệm này thì không sao dập tắt được.

Nàng thấp giọng lẩm bẩm một mình: “Ta và ngươi cũng coi như từng có duyên, dù người có thể không coi ta là thê tử của mình, nhưng hiện tại cuộc sống của ta rất gian nan, chỉ có thể bất đắc dĩ  làm vậy. Đợi sau khi đứa bé bình an chào đời, ta nguyện lập mộ gió chôn di vật của ngươi, cũng sẽ chăm lo cho mẹ ngươi đến cuối đời.”

Mẹ của Dương Kiêu chưa chắc còn sống, tất cả chỉ có thể chờ đến khi tới thôn Lam Sơn rồi tính tiếp.

Sau khi lên bờ, A La bắt đầu hỏi thăm đường xá đến thôn Lam Sơn, Du Bắc  rất rộng, có vô số trấn và làng, các làng lại có khẩu âm khác nhau. Sau hai ba ngày, A La cuối cùng gặp được một chiếc xe lừa đến thôn Lam Sơn để thu hàng.

Người đánh xe thấy nàng bẩn thỉu nên không muốn để ý tới, sau khi biết nàng có thai, trượng phu lại tử trận vì nước, mới rủ lòng thương chở nàng một đoạn.

Trên đường đi, A La nghe người đánh xe nói rằng thôn Lam Sơn ủ được rất nhiều một loại rượu gạo, những tiểu thương xung quanh thường đến thôn Lam Sơn để mua, sau bởi vì chiến loạn, các nam nhân đều bị bắt đi làm binh lính, làm các cánh đồng dần trở nên tiêu điều, mà ủ rượu cần có lương thực, nên rượu ở thôn Lam Sơn cũng ngày càng ít đi, đến nay số người bán rượu gạo đã ít đến đáng thương.

Nói tới nói lui, tóm lại chỉ có một đạo lý, đó là một khi xảy ra chiến tranh, thì cuộc sống của người dân rất gian khổ.

Khi A La đến thôn Lam Sơn đã là buổi trưa, núi xa mờ ảo, khói bếp lượn lờ, trời ngày thu vời vợi, cây trái bên đường xum xuê, vài con gà mái đậu trên vách tường đất phơi nắng, thỉnh thoảng còn có một con chó vàng vểnh đuôi chạy qua xe lừa, một cảnh đồng quên yên bình thong thả.

A La nhìn mà tự dưng cảm thấy thân thiết, cũng không biết có phải vì nơi này là quê hương của người đó hay không.

Người đánh xe thả nàng xuống trước cửa nhà thôn trưởng, nói: “Trong thôn chỉ khoảng một trăm hộ gia đình, tất cả đều có ghi chép ở chỗ trưởng thôn, nếu ngươi muốn tìm nhà họ Dương thì trước tiên đi hỏi trưởng thôn xem.”

A La cảm ơn người đánh xe, cầm hành lý xuống xe, gõ cửa nhà thôn trưởng.

Người ra mở cửa là một thôn phụ trạc 50 tuổi, nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của A La mà kinh hãi, cứ tưởng là ăn mày chạy nạn nên sợ hãi đóng cửa lại.

A La vội vàng nhẹ giọng ngăn lại: “Đại nương, xin hỏi trưởng thôn có ở nhà không ạ? Ta đến đây là để tìm người thân bên nhà chồng, xin làm phiền ngài.”

Thôn phụ này là vợ trưởng thôn, nghe A La nói năng mạch lạc rõ ràng, không giống kẻ vô gia cư đói khát, bèn buông bỏ cảnh giác, hé cửa ra hỏi A La, “Trượng phu ngươi họ gì?”

“Là họ Dương ạ.” A La đáp.

“Trong thôn có mấy hộ họ Dương lận, ngươi tìm nhà nào?”

“Chồng ta tên là Dương Kiêu, ở trên còn có bốn người anh trai, nhưng đều không có tin tức gì. Nghe nói chỉ còn có mẹ già ở nhà.”

Thê tử thôn trưởng nghe vậy thì hai mắt sáng lên, kinh ngạc: “Ngươi là thê tử của tiểu ngũ nhà họ Dương đó sao? Bồ tát phù hộ, thằng bé Dương Kiêu sao rồi. Mẹ của hắn ngày đêm mong ngóng hắn trở về, khóc đến hai mắt sắp mù rồi.”

A La đau nhói trong lòng, cúi đầu thấp giọng nói: “Nửa tháng trước có tin truyền về rằng Dương Kiêu… phu quân của ta cùng toàn quân của hắn đã bị quân Tề chặn giết, đại quân ba vạn người đều chết sạch.”

Thê tử thôn trưởng giật mình, sau đó vẻ mặt đau xót, thở dài: “Oan nghiệt mà!”

Hốc mắt A La nóng lên, không nén được nước mắt, ngược lại rất ra dáng của một góa phụ mất chồng.

Thê tử thôn trưởng khuyên: “Từ khi Tiểu Ngũ đi lính thì mẹ chồng người đã chuẩn bị tâm lý rồi. Có mấy ai ra chiến trường mà lành lặn trở về đâu? Tội nghiệp bà, năm đứa con trai không đứa nào được chết già. Nhưng cũng may thay bây giờ người tới đây rồi, cho dù cuộc sống có khó khăn như thế nào, sau này hai mẹ các con ngươi cũng có thể bầu bạn với nhau.”

A La đôi mắt đỏ hoe, gật đầu: “Ngài nói phải ạ. Sau đứa bé chào đời, ta sẽ dạy bảo nó hiếu thuận với mẹ chồng.”

Thê tử thôn trưởng mở to mắt nhìn xuống bụng A La, “Ngươi… ngươi mang thai con của Dương Kiêu?”

A La nhẹ gật đầu, “Còn ít tháng, nên ta còn chưa lộ bụng.”

“Thật là tốt quá rồi.” Thê tử thôn trưởng mừng rỡ nói: “Mau, ta đưa ngươi đi gặp mẹ chồng ngươi, bà ấy mà biết được tin này thì không biết sẽ vui mừng như thế nào nữa. Nhà họ Dương cuối cùng cũng có con cháu nối dõi rồi.”

Dứt lời, bà còn không thèm đóng cửa, liền nắm tay A La đi vào trong thôn.

A La đoán rằng mẹ của Dương Kiêu và thê tử thôn trưởng hẳn là rất thân thiết, bằng không đối phương đã không quan tâm đến chuyện của nàng thế này rồi. Vả lại cảm xúc vui buồn trên mặt đối phương cũng là phát ra từ nội tâm, trông không giống giả tạo.

Đi dọc theo con đường đất vàng quanh co tầm trăm mét, hai người dừng lại trước một ngôi nhà tranh, cửa sân đang mở, A La có thể nhìn thấy cây lựu trồng trong sân, thê tử thôn trưởng trực tiếp dẫn nàng vào trong sân, vừa bước nhanh vào vừa nóng lòng nói: “Bà chị à! Mau ra đây xem, bà xem ta đưa ai tới cho bà nè.”

Trong phòng vọng ra vài tiếng ho khan, A La theo sau bước vào, liền thấy một bà lão đang dệt vải, mái đầu hoa râm, dáng người tiều tụy, nhìn qua cứ như đã sáu bảy mươi tuổi, già hơn trong tưởng tượng của A La rất nhiều. Có điều nghĩ đến tình cảnh mất chồng và năm đứa con trai của bà, thì bộ dáng tang thương này là điều có thể hiểu được.

Thê tử thôn trưởng đẩy A La về phía trước, giọng điệu vui mừng đầy kích động: “Đây là thê tử mà Tiểu Ngũ đã lấy ở bên ngoài, nàng đã mang thai rồi. Giờ Tiểu Ngũ ra chiến trường không có tin tức gì, cho nên thê tử nó chẳng ngại đừng xa mà tìm về hiếu kính bà đây. Sau này bà phải lo cho sức khỏe của mình, khỏe rồi để còn chờ bế cháu nội nữa.”

Bà không nói thẳng ra là Dương Kiêu đã chết, làm cho A La cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều. nàng tiến tới hai bước, cúi người, ngoan ngoãn kêu ‘mẹ chồng’.

Đôi mắt khô khốc của bà lão dần dần ầng ậc nước, sững sờ nhìn A La, hồi lâu mới run rẩy hỏi: “Ngươi là… thê tử của A Kiêu à? Chuyện xảy ra khi nào?”

A La nửa thật nửa giả giải thích: “Binh doanh của phu quân tình cờ đóng quân gần thôn nhà con, thỉnh thoảng chàng có vào thôn để mua vật dụng, bọn con thường xuyên qua lại nên quen nhau, hai tháng trước bọn con thành thân, tất cả đều giản lược, chỉ bày một bàn tiệc rượu tại nhà.”

Vừa nói, nàng vừa tháo mũi tên trên cổ đưa cho mẹ Dương, “Mũi tên này suýt chút nữa đã lấy mạng tướng công, sau khi được quân y lấy ra, tướng công đã giữ nó bên mình, về sau chàng mới tặng nó cho con, coi như tín vật.”

Sợ chỉ có một mũi tên không đủ để chứng minh, A La còn tháo chiếc trâm cài trên đầu đưa tới, “… Đây là cây trâm phu quân đã tặng cho con.”

Mẹ Dương nhìn mũi tên, rồi lại nhìn cái trâm, nước mắt lăn dài, “Tốt… Tốt…”

Bà nhìn bụng A La, hỏi: “Con mang thai mấy tháng rồi?”

“Tính thời gian… có lẽ chỉ khoảng một tháng.” A La nhẹ nhàng đáp.

Mẹ Dương lau nước mắt, đứng dậy nói: “Con ngồi trước đi, ta đi dọn phòng của A Kiêu cho con nghỉ ngơi.”

A La vội vàng nói: “Mẹ chồng, mẹ nghỉ ngơi đi. Con đến đây là để báo hiếu cho mẹ, sao có thể để mẹ làm mấy chuyện này được, mất sức thì phải làm sao?”

Mẹ Dương kiên quyết làm, “Con lặn lội đường xa chắc chắn mệt lắm rồi, trong bụng còn có đứa bé, cứ nghỉ ngơi trước đã.”

Thê tử thôn trưởng vui vẻ nói: “Hai người đừng tranh nữa, thời gian còn sớm, dọn dẹp từ từ là được mà. Để tôi về nhà lấy vài quả trứng, làm một bát trứng ngọt mang sang cho con dâu bà lót dạ tạm.”

Mẹ Dương nói: “Cũng được, hôm nào gà mái nhà ta đẻ trứng, ta sẽ trả lại cho bà.”

“Không cần không cần, ta cũng biết Tiểu Ngũ từ bé tới lớn mà, chỉ là mấy quả trứng thôi, có đáng gì đâu.” Thê tử thôn trưởng xua tay quay đi.

Trong phòng chỉ còn lại hai người “mẹ chồng nàng dâu”, không khí nhất thời lặng lại.

A La chưa kịp nói gì, mẹ Dương đã nhìn nàng từ đầu đến chân, ánh mắt dừng lại trên đôi giày bám đầy bụi bẩn của nàng, bà lão thở dài: “Mẹ đi đun nước nóng, con tắm rửa rồi nghỉ ngơi đi.”

A La hơi sững sờ, mẹ Dương đã khom người đi ra ngoài.

A La bỗng thấy thụ sủng nhược kinh.

Từ xưa đến nay chỉ có nàng đi đun nước tắm cho mẹ chồng, chứ chưa từng thấy ai được mẹ chồng đun nước cho tắm cả.

Nàng suy nghĩ mà cũng tự cảm thấy hổ thẹn, vội vàng đuổi theo ra ngoài, ngăn mẹ Dương lại, cúi đầu lắp ba lắp bắp nói: “Mẹ chồng… con… để con tự làm…”

“Con đi đường xa đến, chắc chắn rất mệt mỏi rồi, lại mang thai, con cứ yên tâm nghỉ ngơi đi.” Mẹ Dương nói, “Huống chi con đã gả cho con trai mẹ, thì cũng coi như là một nửa con gái của mẹ rồi, mẹ đương nhiên sẽ đối đãi với con như con gái ruột. Nếu con không chê thì cứ gọi mẹ là mẹ.”

Mũi đau nhức, A La thấp giọng kêu một tiếng, “Mẹ…”

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.