Ngày Trình Trú Hồi được Trình Khác Hành nhặt về là ngày xuân phân, mưa phùn phất phới.
Lúc đó cậu chưa tròn 4 tuổi, ký ức bị vứt bỏ mơ hồ không rõ nét, chỉ nhớ mưa bay giữa triền núi, dưới tán dù màu đen, bàn tay trắng bệch có khớp xương rõ ràng của thiếu niên nắm lấy cán gỗ.
Giữa mưa xuân, núi xanh và đen trắng nhạt nhòa, nó là vết mực đầu tiên trong ký ức của Trình Trú Hồi.
Trình Khác Hành lớn hơn cậu chẳng một con giáp, Trình Trú Hồi của tuổi 16 đi trong gió xuân, chất vải mềm mịn của áo sơ mi ôm lấy người cậu, ngay cả hoa lá cũng yêu mến cậu ngây thơ trong trắng, tranh nhau chạm được đầu ngón tay của A Hồi mới yên tâm không uổng kiếp cỏ cây.
Nhưng Trình Khác Hành của tuổi 16, đúng độ nhan sắc nở rộ, nhưng khí chất lại trầm lặng, đừng nói là hoa xuân, ngay cả con chó hung hăng nhất trong nhà cũng chỉ biết khép nép ư hử dưới chân chủ nhân.
Có lúc Trình Trú Hồi nghĩ, Trình Khác Hành nuôi cậu bởi vì ngày đầu gặp mặt cậu quá ngây ngô, không nhìn ra sự lạnh lẽo dưới lớp da đẹp tựa thần tiên ấy, chỉ nhìn thấy một ánh sáng mong manh là bất chấp sống chết lao vào, mà vừa khéo, ánh sáng ấy cô đơn le lói từng ấy năm ròng rã, đang lúc bơ vơ chỉ muốn kéo một thứ gì đó cùng mình rơi vào màn đêm đằng đẵng.
Đứa trẻ nhặt được bên đường đối với gã, có lẽ chẳng khác con chó trong viện là bao, đều là thứ không đáng nhắc tới.
Nhưng khác ở chỗ, lần này là một vật nhỏ mềm mại, không sợ gã.
Không sợ gã, hiếm hoi lắm.
Trình Khác Hành nâng dù xuống bậc thang bằng đá trên núi, nhìn đứa trẻ ngây thơ giơ hai tay lên, im lặng khom lưng, dùng áo khoác bao bọc lấy đứa trẻ lấm lem bùn đất, nhẹ nhàng bế nó lên.
“Tên gì?” Trình Khác Hành thản nhiên như không hề để tâm.
Khu Lộ Tây nhà cổ san sát nhau như rừng, hẻm sâu hun hút, cũ kỹ đượm mùi năm tháng, nhưng trên đường cái lúc nào cũng tấp nập người mới. Mấy chục năm gần đây, người Lộ Tây chê người Lộ Đông tục tĩu, thấy tiền là sáng mắt; người Lộ Đông cười người Lộ Tây phong kiến, thiển cận; người này xem thường người nọ, nhưng chẳng ai thắng nổi ai.
Nhưng nhà họ Trình không ở Lộ Tây cũng chẳng ở Lộ Đông, Trình Khác Hành ẩn cư tại một tòa nhà tráng lệ ở núi Nhạn Thanh ngoại ô thành phố, xa cách hồng trần.
“Tiên sinh, Trú Hồi nghĩa là gì?”
Khuôn mặt đứa trẻ trắng trẻo, đôi mắt sáng trong, trong ngữ điệu còn vương mùi thơm của sữa, ngoan ngoãn cực kỳ.
Nhưng Trình Khác Hồi ngồi dưới mái hiên đọc sách cổ, không hề để ý đến nó.
A Hồi nhỏ bé vừa đến địa giới này không lâu, lúc mới được bế về rất sợ người lạ, ngay cả dì bảo mẫu mặt mày phúc hậu cũng không cho bế, chỉ dính lấy người bế nó về là Trình Khác Hành. Cũng không biết gia chủ còn trẻ tuổi này ngày thường uy nghiêm biết chừng nào, chỉ thấy đứa bé lạ lẫm này khăng khăng nắm lấy góc áo Trình Khác Hành không chịu buông tay, người làm trong nhà sợ đến mặt xanh trắng, chỉ lo cho đứa bé này bị người hất sang một bên.
Chuyện này không phải là không có khả năng, Trình Khác Hành bốn tuổi đội tang mẹ, mười tuổi mất cha, một thân một mình sống mười mấy năm, từ trước đến nay không ai dám đến gần gã như thế. Thế mà đứa trẻ từ trên trời rơi xuống này cứ dính chặt lấy người, còn đỏng đảnh khó chiều, chỉ cần rút góc áo ra một chút thôi là nước mắt đã to bằng hạt đậu, bản lĩnh nước mắt ngắn dài này lại còn chuyên môn để trị Trình Khác Hành.
Cứ coi như là làm việc thiện, vì kiếp sau không bệnh không nạn sinh ra trong một gia đình khá giả.
Ngày xuân phân đó, hòa thượng trong chùa Nhạn Thanh nói với gã hết chuyện, lại cười cười giơ đôi tay nhăn nheo như vỏ cây xoa đầu A Hồi bé nhỏ, tự đưa ra quyết định: “Sau này con cứ đi theo người này ké ăn ké uống.”
Thật hoang đường, Trình Khác Hành nghĩ thầm.
Thiếu niên nhìn A Hồi ngây ngẩn chẳng biết làm sao, lại nhìn tượng thần nữ mặt mày phúc hậu, giây lát, buồn chán khép hờ mắt.
Nhóc con dính người lúc này lại mon men đến gần, ngoan ngoãn ôm gối ngồi xổm xuống bên cạnh ghế nằm, chẳng nói chẳng rằng.
Trình Khác Hành dời mắt khỏi sách, ánh mắt rơi trên đứa nhỏ bé xíu, chỉ cần hơi nghiêng đầu là nhìn thấy tóc mái của nó dài qua mí mắt.
Có lẽ là vì che khuất tầm nhìn nhưng đứa bé lại chẳng biết làm sao, A Hồi nhỏ bé chu môi thổi, tóc tơ mềm mại hất lên lại nhanh chóng rơi xuống, đứa bé lại không hề mệt mỏi tiếp tục chiến đấu với nó, cũng chẳng sợ phồng má hoài sẽ đau.
Dì bảo mẫu chăm sóc nó lấy một cái kẹp tóc để nó kẹp mái, Trình Trú Hồi căng thẳng mặt mày im thin thít đợi dì kẹp xong, vừa quay đi đã tháo xuống đặt lên đầu giường, thoáng qua đã chạy đi tìm tiên sinh.
Con chó dữ dưới lầu lúc nhỏ cũng ỷ lại Trình Khác Hành như thế, nhưng chẳng bao lâu, ngay cả chó cũng không chịu đến gần gã.
Đứa bé này đến nhà họ Trình được bao lâu rồi.
Trình Khác Hành nhìn quyển sách hòa thượng già tặng.
Thật ra gã không thích đọc những thứ này, ngày thường chỉ xem văn kiện hợp đồng này nọ, nhưng hòa thượng đã tặng, gã thử độc một chút, ngày qua ngày, cũng chiếm mấy tầng trên kệ sách trong thư phòng.
Sau khi Trình Trú Hồi đến nhà họ Trình, gã đã đọc đến quyển sách cổ thứ ba.
Đứa bé ngốc vẫn giơ tóc mái tự chơi tự vui.
Trình Khác Hành tính toán một chút nguy cơ khi gã bảo đứa nhỏ lấy kéo đến để gã tự tay cắt mái cho nó, rồi đột nhiên giơ tay trỏ vào cái đầu nhỏ bé.
Vốn chẳng có chú cún con nào dám tiếp cận gã, chỉ có chú cún ngốc nghếch, trung thành, ngoan ngoãn, bất luận chủ nhân nói gì đều không ngờ vực.
Đứa bé quay trở lại rất nhanh, cái hộp trong suốt như vừa bị vứt vào thùng sơn của mùa xuân, màu gì cũng có, nhưng Trình Trú Hồi nhỏ tuổi lại tinh ranh, lúc chạy đến bên cạnh Trình Khác Hành, giơ cái tay bé tin hin lên để lộ cái kẹp hình con ếch màu xanh lục.
Trình Khác Hành nhặt nó lên, đỡ tay sau gáy đứa nhỏ, hất tóc mái ra phía sau dứt khoát kẹp lên, chẳng tinh tế chút nào, động tác thô lỗ hơn dì bảo mẫu nhiều, cái trán của Trình Trú Hồi nhanh chóng đỏng đảnh hiện lên vệt đỏ.
Nhưng mặc cho động tác thô lỗ này, đứa trẻ vẫn cong mắt, vui vẻ nở nụ cười.
Cuối xuân, hoa trong viện đã bắt đầu tàn úa, lá non đã đậm sắc xanh, chuẩn bị nghênh đón mùa hạ. Trình Khác Hành ngồi trong đoạn cuối của mùa xuân nhìn ngắm đứa trẻ có đôi mắt trong veo, khom lưng – giống như lần đầu gặp – quỷ sử thần sai bế A Hồi nhỏ bé lên, đặt giữa hai đầu gối.
Cơn gió xuân cuối cùng của năm hất tung sách cổ, hoa rơi, vừa đúng rơi trên dòng thơ Lục Vụ Quan viết tại cuối đông.
Xuân ý tương hồi trú dĩ trường.
*Ý xuân sắp về, ngày đã dài. Trích 腊月十九日午睡觉复酣卧至晚戏作 – Lục Du (Lục Vụ Quan)