"Tôi có thể nhìn thấy màu sắc của những âm thanh. Tiếng những chú chim sẻ đậu sau vườn nhà cô màu nâu đất. Tiếng nước chảy từ trong vòi màu cam đào. Tiếng bút chì của tôi xoàn xoạt trên giấy có màu sữa. Tôi không biết rằng những màu sắc đó có phải sự thật hay không, hay tất cả chỉ ở trong đầu tôi thôi, nhưng chúng đã ở đó từ khi tôi sinh ra rồi."
Phạm Tường Vy đứng trước một đoàn người tụm lại trong triển lãm tranh lần đầu tiên của mình. Tác phẩm của cô được trưng bày trong một phòng trưng bày nghệ thuật nổi tiếng ở Thủ đô, với những bức tranh trừu tượng treo trên những bức tường trắng kem, tắm mình dưới ánh sáng hoàng yến rực rỡ. Ngay cả trong số những bức tranh trừu tượng khác của các nghệ sĩ đã thành danh, những bức tranh của Vy vẫn nổi bật vì sự độc đáo của chúng, với những nét cọ màu nước tối giản đến mức chúng được thu gọn thành từng đường tròn và mặt phẳng.
Cô mặc một bộ vest kẻ ca rô, được may bởi một nhà thiết kế nổi tiếng—bộ trang phục mà cô cảm thấy tự tin nhất—và mái tóc của cô ấy được búi gọn gàng. Mọi người trong đoàn khách, trong trang phục cao cấp như cô, đều ngước nhìn cô với vẻ mặt tò mò và chăm chú. Người bạn mới nhất của cô ấy—Khánh, con gái của một nhà hoạt động xã hội, người đã mải miết tìm kiếm các họa sĩ mới cho các phòng trưng bày nghệ thuật của họ—gật đầu về hướng Vy với nụ cười tự hào trên khuôn mặt.
"Đã có lúc, tôi nghĩ rằng mình là một kẻ lập dị. Rằng mọi thứ trong đời tôi làm đều vô ích, đều quái đản. Nhưng có một người đã dạy tôi rằng... tôi không tầm thường. Và tôi không thể sống một cuộc sống bình thường. Đó là lí do tôi ở đây hôm nay. Tôi không có cách nào để cảm ơn anh ấy được, và cũng không có cách nào để cho anh ấy biết rằng..."
Cô đã chuẩn bị rất sẵn sàng cho bài diễn văn của mình, và cho tới câu nói đó, giọng của cô vẫn mạch lạc và điềm tĩnh. Nhưng chẳng hiểu vì lí do gì, đôi mắt cô thoái thác, rồi giọng lạc cả đi.
"Giọng của anh có màu hồng... luôn luôn, luôn luôn... có màu hồng..."
Cô chỉnh lại giọng mình, lấy tay quệt đi vài giọt lệ ứa lại trên khóe mi. Cô vẫn không thể khóc vì bất cứ lí do gì khác, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến anh, cô lại đa cảm như vậy đấy.
"Đó là lí do bức hoạ này ở đây. Nó không hoàn hảo, nhưng nó là dành cho anh."
Đó là bức vẽ kém chất lượng nhất trong cả bộ tranh của cô. Thực tình, nó không có chỗ đứng ở đó: kết cấu không hài hòa, tô nền không đắp thành lớp, nét bút không đồng đều. Chưa nói đến việc nó lạc nhịp với các bức họa khác tới mức nào. Mọi bức vẽ khác của cô đều siêu thực, với những nét vẽ màu nước tối giản tới mức chúng chỉ còn là những dấu tròn và đường thẳng.
Thật khó để cô vẽ một bức vẽ bình thường, với những con người bình thường và cảnh vật bình thường, khi tất cả những gì cô thấy là những đốm màu. Cô muốn giao tiếp bằng một ngôn ngữ cả Trường và cô đều hiểu được. Ngôn ngữ của sự bình thường.
Mọi người đều hiểu bức họa chỉ ở đó vì lí do cá nhân. Bởi đó là bức tranh duy nhất không được rao bán.
Triển lãm đầu tiên của Tường Vy là một thành công nhỏ. Số tiền mà cô thu về được đủ giúp cô sống dư dả trong tương lai gần, nhất là từ những hợp đồng tài trợ mà cô có. Nhưng điều quan trọng hơn cả, là sự công nhận. Cô sinh ra để làm một họa sĩ. Và tất cả mọi người đã công nhận điều đó. Kể cả mẹ cô, người đã mất trong bệnh viện chỉ ba tháng trước.
Có thể sẽ có ngày, có người sẽ vạch trần rằng cô từng là một con đĩ. Có thể có ngày, có người sẽ tố cáo cô từng có quan hệ với một kẻ buôn lậu. Tới lúc đó, cô sẽ phải giải quyết những hậu quả của những lựa chọn trong quá khứ của mình. Có vay, có trả.
Nhưng nếu mình có một quá khứ thì sao chứ? Mình không cần phải dằn vặt bản thân vì những điều mình không thể thay đổi.
Dù tốt hay xấu thì tất cả đều là một phần của cuộc đời cô. Nếu cô không làm đĩ... nếu cô không gặp gã... có lẽ, cuộc sống bây giờ của Vy đã khác. Rất khác.
Về đến nhà, Vy lại vùi đầu vào những bức vẽ. Dự án tiếp theo của cô ấy đã có một cái tên: ‘Học cách yêu’, với màu đỏ, quýt và xanh lục là những sắc thái chủ đạo. Cô cố gắng làm cho bản thân mình bận rộn nhất. Cô có bạn bè, nhưng không phải lúc nào cô cũng gặp họ. Cô sống một mình và không có người yêu. Thế nên, niềm say mê duy nhất của Vy là những bức họa. Chúng khiến cô quên đi những 'giá như' mà có thể đã trở thành hiện thực.
Khi kim đồng hồ gần nhảy sang ngày mới, cô mới có thời gian rảnh để kiểm tra tin nhắn trong điện thoại của mình.
Tin nhắn đầu tiên là từ Trương Thế Sáng, một người bạn cũ của Trường. Anh gửi cho Vy bức ảnh cô con gái hai tuổi đang ôm bình sữa cùng với vài dòng tin nhắn, “Bé Đan và cô vợ tôi nhớ cô thợ vẽ này. Cuối tuần nếu mà không bận 'lần nữa' thì qua chơi đi nha, trông hộ tôi bé Đan với, người nổi tiếng ạ. Làm ơn luôn đó. Tôi không thể bỏ một đơn giao hàng nữa đâu. Đâu phải ai trong bọn tôi cũng được vẽ để kiếm sống đâu.”
Cô mỉm cười khi đọc tin nhắn. Khi Vy lần đầu biết tin Trường bị bắt, người đầu tiên cô tìm đến là Sáng. Anh ta vừa được cho xuất viện sau một năm hôn mê. Lúc đầu, Sáng thậm chí từ chối thốt ra tên của Trường, và bất cứ khi nào nói về Trường, anh ta đều gọi gã là 'thằng hai mặt bán đứng'.
Sau khi Sáng biết Trường đã nhận tội về tất cả các cáo buộc và bị kết án tử hình, anh ta nói với Vy, "Thằng hai mặt đó có thể đã xì đểu tôi và Đệ, nhưng hắn ta đã không làm thế." Chỉ khi đó, anh ta mới đồng ý giúp Vy tìm cơ sở giam giữ Trường. Sáng biết một anh chàng, và anh này lại biết một anh chàng, và anh này lại biết một anh chàng có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu số đăng ký tù nhân. Sáng cũng là người chứng thực mối quan hệ giữa Vy và Trường, và điều này đã giúp cô được cấp quyền đến thăm. Khi Vy hỏi Sáng có muốn gặp Trường không, anh ta đã trả lời, “Tôi không thể nhìn vào mắt một kẻ phản bội.” Vy biết Sáng sẽ đổi ý nếu cô khăng khăng nài nỉ, nhưng cô chưa bao giờ đủ dũng khí để làm vậy. Sáng đang có một cuộc sống ổn định với một người phụ nữ không bận tâm về quá khứ của anh ta. Không nhất thiết phải mở lại những vết thương cũ.
Tin nhắn còn lại là của anh Bách. Bách là một ông bầu có tiếng, một con người không chỉ giàu có, mà còn nho nhã, lịch sự, và tất nhiên là cũng bảnh trai nữa. Bách có một chất giọng trầm ấm, màu sắc mà nó tỏa ra có màu vôi phấn. Anh đã theo đuổi cô nửa năm nay rồi, có vẻ quyết tâm lắm.
"Lời đề nghị hẹn đi cà phê của tôi, em đã suy nghĩ kĩ chưa?"
Đi triển lãm. Đi cà phê. Đi xem phim. Lần nào, Bách cũng có một lí do nào đó. Và lần nào, Vy cũng đưa cho anh một câu trả lời tương tự.
"Có lẽ là em sẽ phải từ chối thôi."
Đồng hồ điểm mười hai giờ. Vy nhìn chằm chằm ra hướng cửa sổ, quan sát tiếng sóng vỗ nhịp nhàng bên bờ biển và những bọt nước mờ ảo dưới ánh trăng. Cô rút một cuốn sổ nhỏ ở trên góc kệ tủ xuống, mở nó ra rồi lấy cây bút chì. Cô đã có cuốn sổ đó vài năm trời rồi, và dù cô có cố gắng giữ nó tươm tất thế nào, cô vẫn không thể tránh khỏi vài vết nhăn nheo bên góc. Có lần, cô suýt đánh đổ cà phê lên đó, và cô đã trách móc bản thân mình cả ngày.
Cô nhớ lại lời mà một thiên thần từng nói với mình trên một cây cầu tối, đã lâu trước đây rồi.
"Cô không thể nhảy cho tới khi cô trở thành một họa sĩ."
Nguyễn Văn Trường không phải một thiên thần. Nhưng gã đã làm được điều mà không một thiên thần nào đủ bận tâm để làm: giúp cô tin vào chính mình. Cô đã trở thành một họa sĩ rồi đấy. Giờ nếu cô muốn, cô có thể quay lại cây cầu đó và nhảy. Nhưng cô luôn muốn nghĩ rằng, nếu gã còn sống, gã sẽ tìm mọi lý do khác để cô không nhảy xuống.
"Cô không thể nhảy cho tới khi cô có buổi triển lãm đầu tiên."
"Cô không thể nhảy cho tới khi tranh của cô nhận được giải thưởng quốc tế."
"Cô không thể nhảy cho tới khi cô sinh hạ đứa con gái đầu lòng."
Vy mỉm cười, chạm vào chiếc khuyên tai đầu lâu trên tai phải của cô rồi thì thầm, “Anh không cần phải thúc ép em nữa. Em có thể tự mình làm được rồi."