Hạnh Phúc Của Tôi

Chương 17: Thắng Hay Thua



Tôi dành cả mùa hè năm lớp sáu để suy nghĩ xem nên tiếp tục hay buông tay. Còn chưa nghĩ ra kết quả thì một năm học mới lại bắt đầu. Vào lớp bảy chúng tôi bắt đầu có lớp học bồi dưỡng, dành cho những học sinh có thành tích tốt ở các lớp trong khối. Mỗi lớp sẽ có một số bạn được thầy cô chủ nhiệm chọn ra để vào lớp học bồi dưỡng buổi chiều, sau đó bạn nào xuất sắc nhất sẽ được cử đi thi học sinh giỏi cấp huyện.

Lớp tôi có tôi và Phong được cô chọn vào lớp bồi dưỡng môn Toán và Văn. Hiện tại thì cũng mới chỉ mở lớp cho hai môn chính thôi, sau này mới có thêm các lớp khác. Tất cả các học sinh được lựa chọn sẽ vào chung một lớp, lịch học cố định mỗi môn một tuần hai buổi, như vậy là sẽ có bốn buổi chiều cần đi học.

Cũng có nghĩa là bốn buổi chiều đó, tôi học chung lớp với Phúc, với Lan, và một bạn còn lại trong nhóm bốn người của nó nữa. Bạn đó buổi nào cũng sẽ ngồi cùng bàn với Phúc. Bởi vì ban đầu chỉ có khoảng hai mươi người, cho nên mỗi bàn ngồi hai người, hoặc tùy ý, có bàn ba người, có bàn lại chỉ có một người.

Cái Lan nhanh chóng kết thân được với một bạn nữ lớp khác để ngồi chung, nó cũng không hồn nhiên đến mức đòi ngồi chung bàn với Phúc đâu, nó vẫn phải vào vai cô gái e thẹn mà.

Buổi đầu tôi đến còn ngơ ngác chưa biết ngồi đâu thì thấy Phong ngồi ngay bàn đầu đã vẫy tôi. Tuy nhiên có hai lý do khiến tôi không thể ngồi cùng Phong được, thứ nhất là tôi không thích ngồi bàn đầu, học kỳ hai năm lớp sáu phải ngồi bàn đầu suốt tháng khiến tôi chán ngấy rồi.

Và một lý do khác nữa, quan trọng hơn, đó là bàn đầu dãy bên kia là Phúc và bạn nó, sau này tôi mới biết bạn đó tên là Hải. Thế nên tôi đành lắc đầu với Phong rồi lầm lũi đi về phía dãy cuối, ngồi một mình. Phong nhìn theo tôi đến tận lúc tôi ngồi xuống chỗ của mình bằng ánh mắt khó hiểu.

Ánh mắt đó của Phong tôi cũng quen rồi, nhất là sau vụ việc thư tình đó, tôi vẫn thường trong trạng thái ngơ ngẩn đến lớp, nên Phong cũng thường hay nhìn tôi như vậy, khi tôi vô tình mất tập trung. Nhưng may mắn cho cái thân tôi là năm lớp sáu tôi vẫn được học sinh giỏi, thành tích học tập của tôi không bị ảnh hưởng.

Phần vì tôi cũng không quá chểnh mảng trong giờ học, hoặc là những lúc chểnh mảng lại không bị phát hiện ra, phần là vì tôi khá may mắn thi thi học kỳ. Sau lần đó tôi cũng ít nói chuyện với Phong hơn, ngoài những chuyện liên quan đến kiểm tra bài tập hay chuyện của tập thể lớp ra thì tôi gần như không còn chủ động xuống nói chuyện hay hỏi bài Phong như trước nữa.

Lớp bảy tôi vẫn là lớp phó học tập kiêm văn nghệ, Phong vẫn là lớp trưởng, thực ra thì, cả bốn năm học cấp hai đều như vậy, không có gì thay đổi. Vì vậy cho nên tôi cũng chẳng thể nào mà lạnh nhạt với Phong được, chẳng qua cũng chỉ là giai đoạn đó tôi đang có nhiều chuyện mất thăng bằng, nên mới tạm thời bất ổn như vậy thôi. Tôi vẫn tin chắc là mình sẽ có thể vượt qua được, rồi mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Nếu như.. chuyện đó không xảy ra.

Trong lớp bồi dưỡng đều là các học sinh xuất sắc của các lớp, nên không khí học tập sôi nổi hơn nhiều so với lớp bình thường. Nhưng bầu không khí ấy lại vô tình khiến tôi cảm thấy lạc lõng, vì tôi cứ có cảm giác là mình không theo kịp được với tốc độ của nó.

Tuần học đầu tiên trôi qua hơi căng thẳng, khiến tôi cũng có lúc đã có ý định muốn gặp cô chủ nhiệm để xin rút khỏi lớp này. Nhưng nghĩ đến cảm giác xấu hổ và ánh mắt thất vọng của cô giáo, tôi lại chần chừ không dám quyết.

Cho đến một ngày đẹp trời, sau khi học xong tiết Văn, cô chủ nhiệm đã gọi tôi lên bàn giáo viên, cô chủ nhiệm của tôi dạy môn Văn, cô nói là đã tiến cử tôi vào đội bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn của khối lớp bảy, cùng với một bạn nữa, chỉ có hai chúng tôi thôi.

Vậy là mỗi chiều thứ sáu tôi sẽ đến lớp học bồi dưỡng thêm đề thi học sinh giỏi môn Văn nữa, với một cô giáo khác, tôi nghe nói cô là giáo viên xuất sắc môn Văn của trường, chuyên bồi dưỡng học sinh để đi thi. Mấy khóa trước có chị được cô bồi dưỡng đã đạt được giải Nhất của huyện, và đi thi tỉnh được giải Khuyến khích đó.

Tôi chẳng mấy ao ước xem mình sẽ được giải gì, bởi vì thực ra tôi cũng không hứng thú với mấy chuyện thi cử lắm. Nhưng vì cô bảo đi học nên tôi cứ đi thôi, coi như thử chút vận may của chính mình.



Khi bước vào lớp học buổi đầu tiên, tôi đã biết là chẳng may mắn gì rồi. Bởi vì bạn học cùng với tôi chính là cái Lan. Nhìn thấy tôi nó cũng hơi bất ngờ, nhưng rất nhanh chóng trở lại bình thường và nhìn tôi bằng ánh mắt thản nhiên. Đam Mỹ Trọng Sinh

Mỗi buổi học cô sẽ giao cho hai chúng tôi cùng một đề bài giống hệt như một kỳ thi thực sự để làm thử, xem trình độ của hai đứa đến đâu. Và kết quả là tôi được nhận xét như sau: Nội dung tạm ổn, nhưng còn hơi ngắn quá, và.. chữ xấu.

Cô bảo đi thi học sinh giỏi thì xác định là một bài văn phải viết được ít nhất bốn mặt giấy thì may ra mới có cơ hội đạt giải. Tôi ngậm ngùi nhìn vào chữ viết của mình, vừa nhỏ tin hin, lại còn rất xấu nữa, không hiểu sao cô chủ nhiệm lại tin tưởng đến mức chọn tôi đi thi môn Văn nhỉ.

Cô khá hài lòng với bài làm của Lan, chữ đẹp hơn, viết dài hơn và nội dung cũng.. hay hơn. Xem ra đây đúng là sở trường của nó rồi, tôi thầm nghĩ. Còn nó thì đắc ý nhìn tôi nháy mắt, tôi coi đó là sự thách thức, nhưng tôi không chấp nhận thách thức đó nên quyết định bơ nó.

Dù sao thì có chấp nhận thách thức này, tôi cũng chẳng tự tin là mình có cơ hội thắng được. Lần đầu tiên tôi cảm thấy, nguy cơ thất bại của mình đang cận kề, nhưng tại sao không phải là người khác, mà lại là nó kia chứ.

Nếu tôi thực sự thua kém nó trong chuyện thi môn Văn này, phải chăng cũng là bằng chứng tôi rồi cũng sẽ thua nó trong chuyện tình cảm thôi. Mặc dù nghĩ kỹ lại thì, hai chuyện này cũng chẳng liên quan đến nhau, nhưng mà tôi vẫn cứ cố móc nối chúng vào với nhau mới chịu. Tôi vẫn hay tự làm khó mình như vậy đấy.

Ngày thi đã đến gần nhưng mà con chữ của tôi vẫn không thể nào tiến bộ lên được. Cô giáo đã bắt đầu phát cáu mỗi khi cầm bài làm của tôi lên, bởi vì tất cả các bài văn, mở bài của tôi đều giống hệt nhau, gần như đã trở thành thói quen của tôi mỗi khi đặt bút xuống rồi.

Cô đã nói đi nói lại rất nhiều lần là mỗi thể loại văn nên có một cách mở bài khác nhau, văn tả cảnh khác với văn tả người, văn phân tích tác phẩm khác với văn nghị luận, nhưng mà cách mở bài của tôi lại chỉ có một, luôn luôn bắt đầu bằng “Đó chính là..”

Cô đã gạch hết phần mở bài của tôi, và viết bút đỏ sang bên cạnh, “Đó là cái gì? Em viết thế này thì ai biết được em đang nói về cái gì, em phải viết phần mở bài giới thiệu như là người đọc không hề biết về nó trước đó, nên mới cần đến em giới thiệu..”

Nói chung là còn dài lắm, đại khái là như vậy thôi. Gần đến ngày thi rồi tôi mới dần dần lĩnh hội được cách mở bài mà cô nói, nên cô cũng chẳng thèm đánh giá tôi khắt khe nữa, hay nói cách khác là cô đã từ bỏ luôn hy vọng bồi dưỡng tôi rồi. Người ngoài nhìn vào là biết, Lan mới là con cưng của cô trong lớp có hai người này, còn tôi chỉ là đứa con ghẻ bị bỏ rơi vì không thể dạy dỗ được nữa thôi.

Buổi ôn bài cuối cùng trước khi thi, cô cho chúng tôi làm đề thi năm ngoái, sau đó cô bấm giờ và đi xuống văn phòng uống trà. Cô vừa rời khỏi lớp là tôi đã nằm dài ra bàn, nghiêng đầu nhìn cái Lan đang chăm chú viết bài. Tôi phải công nhận là khả năng tập trung của tôi thua xa nó, hai mươi phút trôi qua mà tôi vẫn chưa tìm được cảm xúc để viết phần mở bài.

Tôi ngơ ngẩn nhìn khung cảnh bên ngoài cửa sổ ngay bên cạnh cái Lan. Đồng lúa vàng óng chuẩn bị đến vụ thu hoạch, hương lúa thơm ngào ngạt bay vào lớp khiến đầu óc tôi mơ màng, nhưng cũng chẳng giúp ích gì được cho tôi lúc này, vì đề bài chẳng liên quan gì đến đồng lúa cả.

Tôi đang loay hoay suy nghĩ thì cái Lan đột nhiên dừng bút, nhìn sang tôi. Bắt gặp ánh mắt nó tôi khẽ thở dài quay lại nhìn bài làm của mình, mới chỉ viết được hai câu, còn nó đã sang trang thứ hai rồi.

“Mày đã viết thư cho Phúc à?” Nó đột nhiên lên tiếng làm tôi giật bắn mình, tại sao nó lại biết chuyện này kia chứ, không lẽ là Phúc nói cho nó biết?



“...”

“Phúc kể với tao..” Nó cười khẩy khi thấy thái độ hoảng hốt của tôi.

“Sao nó lại kể với mày?” Tôi ngơ ngác vì chưa hiểu được vấn đề, vẫn nhìn nó chằm chằm chờ một câu trả lời. Còn nó lại nhìn tôi bằng ánh mắt đắc ý, không trả lời tôi thêm câu nào nữa, tiếp tục cắm cúi viết bài.

“Này..”

“Làm cái gì thế hả? Tiếng cô giáo ở ngoài cửa sổ làm tôi hết hồn hết vía. Cô vẫn đứng ở ngoài cửa nhìn vào trong, giọng nghiêm khắc,“ Hết gần một tiếng rồi đấy! Làm bài đi! “

Tôi chỉ dám lí nhí nói vâng ạ, chờ cô quay lưng đi rồi mới hậm hực quay lại nhìn nó. Nó không ngẩng đầu lên nhưng tôi biết là nó đang cười khẩy tôi. Nó chắc chắn là nhìn thấy cô đứng ở đó trước tôi, nên mới đột nhiên im lặng rồi giả vờ chăm chỉ làm bài như vậy. Kết quả là bài thi thử đó nó được tám điểm, còn tôi thì được.. năm điểm.. rưỡi.

Người ta vẫn hay bảo là thi thử không giống thi thật, nên đừng vì kết quả thi thử mà ảnh hưởng đến tâm trạng. Tôi tin điều này là đúng, cho nên tôi cũng chẳng cảm thấy buồn rầu vì kết quả này. Thậm chí ngay cả khi có kết quả thi thật tôi cũng chẳng buồn, dù cho kết quả cũng chẳng khác gì thi thử.

Điều làm tôi băn khoăn lại là việc bố tôi vội vàng lái xe đưa tôi đi thi vì sợ muộn giờ, nên đã bị một chú công an giao thông tuýt còi vì chạy quá tốc độ, bị bấm nhẹ một lỗ lên bằng lái xe và phải nộp thêm một khoản tiền phạt. Vậy mà khi tôi hỏi bố tôi chỉ bảo là trẻ con lo lắng mấy chuyện này làm gì, lo mà thi cho tốt đi.

Nhưng tiếc là tôi đã làm bố thất vọng, bởi vì tôi chẳng được giải gì hết. Chín mươi phút làm bài thi đối với tôi là một khoảng thời gian dài đẵng đẵng. Chỉ sau bốn mươi lăm phút đầu tiên tôi đã làm xong bài của mình. Mọi sự nỗ lực viết chữ cho thật to lên cũng chỉ giúp tôi viết hết được hai mặt giấy.

Giây phút đặt bút xuống tôi cũng đã lờ mờ cảm nhận được kết quả của mình. Tuy đã làm xong nhưng tôi không dám lên nộp bài trước, vì sợ sẽ phải chịu đựng những ánh mắt nhìn như kiểu gặp người ngoài hành tinh của các bạn, và cũng sợ bố tôi đang ở ngoài bị bất ngờ. Cho nên tôi đành nán lại, nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm cây cối và nghe tiếng chim hót. Tại sao một người có tâm hồn thơ mộng như tôi lại không thể viết được một bài văn dài bốn mặt giấy nhỉ.

Cái Lan đạt giải Khuyến khích. Đó là những gì cô chủ nhiệm nói với tôi trong tiết văn đầu tiên sau khi có kết quả của kì thi đó, câu trả lời cô nhận lại được từ tôi chỉ là,“ Thế ạ, tuyệt thật!“. Tôi chắc chắn là biểu cảm trên gương mặt cô đã có một giây trở nên u ám.

Em học sinh cô dành biết bao nhiêu hy vọng lại chẳng mang được cái giải nào về khiến cho cô cảm thấy thật đáng buồn, còn chính bản thân nó lại chẳng hề buồn chút nào, ngoài việc hối hận vì khoản tiền bố bị phạt và cái lỗ trên bằng lái xe.

Nhưng câu chuyện này vốn dĩ chẳng liên quan gì đến tôi, cái Lan được giải thì nó vui, cô giáo của nó vui, gia đình của nó vui thôi, chứ tại sao tôi lại phải vui hay buồn vì chuyện của nó, trong khi tôi còn chẳng buồn vì chuyện chính mình không được giải kia chứ.

Nhưng mà các bạn ạ, thế giới luôn tồn tại những câu chuyện drama phi lý ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống, ngay cả trong khuôn viên của một ngôi trường cấp hai cũng không ngoại lệ. Sự việc đó xảy ra đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi, của chúng tôi, và cũng một phần nào đó thay đổi tính cách của tôi nữa.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.