Khương Bồng Cơ dường như không nhìn thấy vẻ mặt khó coi của phu tử, cầm quyển thẻ tre trên bàn lên lật lật rồi nói, “Hôm qua học trò đọc được một đoạn trong thoại bản* về phố phường rất thú vị. Kể về chuyện tám năm trước, Uyên Kính tiên sinh đi đến Bắc Cương diễn thuyết bảo vệ được ba thành trì khỏi tay Bắc Cương.”
*Thoại bản: một hình thức tiểu thuyết phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này.
Khương Bồng Cơ ném quyển thẻ tre trong tay xuống đất, hùng hồn nói: “Hòa đàm? Chưa trả lại ba thành trì, hòa đàm thế nào!”
“Chư vị có nhớ đến câu chuyện 12 năm trước. Tiên đế băng hà, tân đế kế vị, Bắc Cương thừa cơ Đông Khánh đang trong lúc rối ren, liên tiếp chiếm lấy sáu thành trì, tàn sát hơn mười vạn bá tánh? Một trận đánh đó, đánh suốt ba năm ròng, binh sĩ chết trận vô số kể, sáu thành trì hiện tại vẫn đang nằm trong tay Bắc Cương. Ngày hòa đàm, sứ giả của Bắc Cương phái đến ra điều kiện ép Đông Khánh cắt thêm ba thành trì, cúi đầu xưng thần, hàng năm cống nạp?”
Đây chính là chuyện mà những người đọc sách của Đông Khánh không thể quên, quả thật là nỗi nhục suốt đời khó rửa sạch. Năm đó, khi hoàng thất Đông Khánh chủ trương hòa đàm, có không ít những Nho sinh can trường đã lấy cái chết để can gián.
“Cuối cùng, Uyên Kính tiên sinh một mình khẩu chiến với đám man di Bắc Cương, trăm cay nghìn đắng mới cứu được ba thành trì... Đương nhiên, những kẻ ngoài cuộc như chúng ta không biết được tình hình lúc đó như thế nào, chỉ biết Bắc Cương chỉ chịu trả lại chúng ta ba thành trì, còn ba thành trì khác vẫn ở trong tay chúng. Trăm họ trong ba thành đó bị đám man di Bắc Cương kia coi là tiện dân thuộc hàng cửu đẳng*, gọi là “dê hai chân**”, chư vị có còn nhớ không?”
*Cửu đẳng: tầng lớp thấp kém nhất, thua cả nô lệ.
**Dê hai chân: cách gọi miệt thị những tù nhân bị coi làm thức ăn của quân đội du mục phương Bắc Trung Quốc. Tên gọi này bắt đầu từ tộc Yết, khi Mộ Dung Tiên Bi xua quân xuống phía nam cướp bóc mà không đủ quân lương, liền coi phụ nữ nhà Hán là “dê hai chân”, ban đêm thì gian dâm, ngày thì lôi ra giết thịt.
Vì ba tòa thành này mà vùng biên thùy giữa Đông Khánh và Tam Tộc Bắc Cương luôn có xung đột, mấy năm nay chưa lúc nào là dừng lại.
“Nếu như hòa đàm vào lúc này thì ba thành trí ấy sẽ mãi mãi không có ngày về. Vị Đại Nho kia mặt mũi cũng lớn thật, chỉ với mấy con chữ dơ bẩn, mấy câu nói ngu xuẩn rỗng tuếch vô căn cứ thế nhưng lại có thể chắp tay nhường đi ba thành trì.”
Hòa đàm? Ha ha, hòa đàm cũng được, trước trả lại ba thành trì đã rồi tính sau.
Mà buồn cười là, cái vị Đại Nho đó còn cảm thấy có thể đưa một vị Đế cơ* đi hòa thân, hy vọng rằng Đế cơ đó có thể giáo dục cảm hóa đám man di Tam Tộc kia.
*Đế cơ: con gái vua nhưng chưa được phong tước hiệu của Đông Khánh.
Ha ha, nhiệm vụ cao thượng như thế tại sao ông ta không hy sinh một chút, đưa nữ quyến* trong nhà mình đi hòa đàm đi?
*Nữ quyến: chỉ người thân là nữ.
“Đương nhiên, ngoại trừ những thứ đó ra vẫn còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn đó chính là Tứ Bộ Lạc Nam Man*.”
*Tứ Bộ Lạc Nam Man: Nam Mam có 4 bộ lạc, sau thống nhất thành Nam Man, gọi tắt là Nam Man. Nam Man: người man rợ phương Nam, từ miệt thị trong lịch sử Trung Quốc để chỉ các bộ lạc nổi dậy phía Tây Nam của Trung Quốc. Từ này xuất hiện sau khi có vương quốc Tam Miêu hùng mạnh vào thế kỷ 3 trước Công nguyên do người Miêu dẫn đầu.
Tối hôm qua, Khương Bồng Cơ xem qua tấm bản đồ treo trong thư phòng, Đông Khánh là một nước trong Ngũ Quốc, bản thân vị trí địa lý của nó rất lúng túng bất tiện. Không chỉ có giáp với Bắc Cương, mà còn có nơi tiếp giáp với Nam Man nữa, chỉ riêng hai nơi này thôi đã là hai cục xương cứng cực kì khó chơi. Không đập một cách triệt để, đối phương sớm muộn gì cũng có ngày khôi phục lại, sức sống dai dẳng như sâu bọ, chết rồi vẫn ngóc đầu dậy được.
“Tuyệt đối không thể cho Bắc Cương bất kỳ cơ hội nào để “thở” hết, một khi đã hòa đàm thì đồng nghĩa với việc cho bọn chúng cơ hội có đủ thời gian để nghỉ ngơi hồi phục đầy đủ nguyên khí. Đến lúc đó Tam Tộc ở Bắc Cương và Tứ Bộ Lạc ở Nam Man liên thủ đánh gọng kìm Đông Khánh... ha ha...”
Vậy thì “chiếu tướng” rồi còn gì!
“Nói linh tinh, Nam Man bây giờ còn đang giao chiến với Nam Thịnh, làm sao nhòm ngó Đông Khánh được?.”
“Giao chiến? Ha...” Khương Bồng Cơ nhìn người vừa lên tiếng phát biểu kia nói, “Nhanh thôi, Nam Thịnh sắp đại bại đến nơi rồi.”
Thiên hạ Ngũ Quốc gồm Đông Khánh, Nam Thịnh, Tây Xương, Bắc Uyên và Trung Chiếu nằm chính giữa, Đông Khánh không tính là yếu nhất, nhưng cũng không phải là mạnh nhất. Hai năm gần đây, Nam Thịnh và Nam Man bắt đầu giao tranh, hai tháng trước tin chiến thắng liên tiếp báo về, nhưng chắc cũng nhanh thôi...
[Phu Nhân Của Đại Trang Chủ]: A, sao tôi cảm thấy bao nhiêu kiến thức lịch sử của mình đều là công cốc vậy T-T, hóa ra bác Streamer này xuyên không đến một triều đại hư cấu hả.
[Khúc Nhi]: Vừa định ba hoa chích chòe tỏ ra uyên thâm một tí thì ngay giây sau đã bị ăn vả cho lật mặt, đau chết cục cưng rồi.
[Ôm Một Cái Bế Lên Nào]: Cũng không phải là hư cấu đâu, chỉ là đang nói đến dòng phát triển lịch sử của một thế giới song song khác mà thôi, cũng có dấu vết lần theo đấy chứ.
[Quan Hót Phân]: Chắc chắn không thể là thời cổ đại của chúng ta bên này được, nếu không thì cảm thấy như kiểu bị spoil hết ý, có nhiều biến số chưa biết thì mới thú vị chứ.
[Bác Gái Chia Cơm Căng Tin]: Chỉ có mỗi mình bạn quan tâm đến chuyện của vị Uyên Kính tiên sinh gì đó là hơi điêu quá à?
“Hừ, làm sao mà huynh dám khẳng định Nam Thịnh nhất định sẽ bại như thế?”
Cho dù Nam Thịnh có là kẻ địch của Đông Khánh đi nữa, nhưng tốt xấu gì cũng là con cháu của Viêm Hoàng*, đối với bọn họ mà nói Nam Man mới gọi là dị tộc.
*Người Hán thường tự xưng là con cháu của Viêm Hoàng (Thần Nông).
“Bởi vì ngu dân giống ngươi quá nhiều.” Khương Bồng Cơ từ trước đến nay vẫn luôn thích đứng thẳng, lúc cô hơi hất cằm lên, mí mắt sẽ hơi cụp xuống, lại khiến cho người ta có cảm giác bễ nghễ như đang đứng trên cao vời vợi nhìn xuống chúng sinh, “Không quá hai tháng nữa, Nam Thịnh sẽ đại bại, cứ chờ mà xem.”
Đến lúc đó, có lẽ sẽ không đơn giản là cắt đất nhường ba thành trì hoặc đưa Đế cơ đi hòa thân thế này đâu.
Liễu Lan Đình tính tình nhút nhát, nhưng trong nội tâm lại không phải là một cô gái thích chấp nhận số phận. Cô nhóc thích nhất là thu thập những tin tức có liên quan đến thế cục trong thiên hạ, thi thoảng cũng sẽ cải trang đến quán trà, quán rượu nghe ngóng tin tức. Nơi đó giống như nơi tin tức lưu thông, cũng là nơi mấy tin vịt truyền đi nhiều nhất.
Có được kí ức của Liễu Lan Đình, lại xem qua tấm bản đồ trong thư phòng nên Khương Bồng Cơ biết được vị trí địa lý của năm nước. Theo như những gì cô thấy thì Nam Thịnh quả thật đang rất nguy hiểm, lại kết hợp với những tin tức phố phường mà Liễu Lan Đình sưu tầm được, thế nên đối với những tin tức này cô cũng không phải là cái gì cũng không biết...
Trên thực tế thì không chỉ Nam Thịnh, Khương Bồng Cơ đối với tình hình Đông Khánh hiện giờ cũng không thấy khả quan mấy. Nếu như lần này, Đông Khánh chấp nhận hòa đàm thì cô cho là trong vòng mười năm nữa sẽ có một trận đánh lớn.
Khương Bồng Cơ cúi người nhặt quyển thẻ tre vừa nãy vứt dưới đất lên, thờ ơ phủi bụi.
Phu tử mới đầu quả thật rất tức giận về việc Khương Bồng Cơ dám ở trước mặt mọi người chửi bới Đại Nho, lại còn nói khó nghe đến như thế. Nếu như chuyện hôm nay mà truyền đến tai vị Đại Nho đó, nói không chừng con đường làm quan sau này của cô sẽ bị gây khó dễ. Nhưng nghe xong những lời nói đanh thép của cô, lão phu tử lại cảm thấy bị dao động, bởi vì vốn dĩ bản thân ông cũng không tán thành chuyện hòa đàm.
Đã là người đọc sách thì luôn có tính cách ngông nghênh cứng cỏi. Đông Khánh kế thừa một mạch của Đại Hạ, tự xưng là Thiên Triều Thượng Quốc, nào đâu phải chịu cúi đầu khom lưng trước lũ man di?
Thấy đám đệ tử phía dưới đang ngẩn ra, huyệt thái dương của ông lại lâm râm cơn đau, âm thầm thở dài một tiếng, quả nhiên không hổ danh là con trai của Liễu Xa, cả hai cha con không ai là khiến người ta bớt lo.
“Vị đường đệ này của huynh quả cũng có chút kiến thức, nội dung cậu ta vừa nói không phải là không có lý. Chỉ tiếc là, trong triều bây giờ đa số các trọng thần đều chủ trương hòa đàm. Quan Gia* cũng có ý nhúng tay vào chuyện của hoàng đình của Bắc Cương, hy vọng Bắc Cương có thể gả vị Đế cơ đó cho Nhị hoàng tử... để hai nước nên duyên.”
*Quan Gia: là một tôn xưng của các Hoàng đế thời Tống; thời Trần và Hồ của Việt Nam cũng có sử dụng danh xưng này để chỉ vua.
Ở bên ngoài tộc học của Liễu thị, Phong Cẩn đứng từ xa quan sát cảnh tượng ở bên trong, vẻ mặt có chút quái dị không nói ra lời.
“Ha ha, trước đây Lan Đình tính tình rất nội liễm ôn hòa, sau khi trải qua một lần trắc trở cũng mơ hồ có dấu hiệu bộc lộ tài năng.”
Người tiếp lời là đường ca chính tông của Liễu Lan Đình - Liễu Hoành, con trai trưởng dòng chính của anh trai cùng cha cùng mẹ của Liễu phụ.
“Nếu như có cơ hội, thật muốn đàm luận tử tế với cậu ta một phen.”
Phong Cẩn thu lại ánh mắt có chút cay cay, cái vị trong phòng kia là con gái thật sao?
Liễu Hoành đáp: “Chuyện này có khó khăn gì, đợi lát nữa gọi đệ ấy đến, ta giới thiệu hai người với nhau.”
Liễu Hoành biết lai lịch của Phong Cẩn, nếu như đường đệ nhà mình có thể kết bạn với người này thì không còn gì tốt hơn.
Phong Cẩn miệng thì nói cảm ơn, nhưng trong bụng lại cảm thấy gai gai, ấn tượng Khương Bồng Cơ để lại cho cậu ta đêm đó thật sự rất là sâu sắc. Nhưng mà, hiếm khi có thể tìm thấy một người có cùng ý kiến với mình, mạch suy nghĩ lại ăn ý với nhau như thế, trong nội tâm Phong Cẩn vẫn có chút mong đợi đối với cuộc gặp mặt lát nữa.
Cơ mà... không biết đối phương sau khi biết thân phận của cậu rồi thì có để lộ ra vẻ mặt ngạc nhiên không nhỉ?