Khu Mật Viện

Chương 44: Q2. Chapter 6.2. Mưu lược Bát lang



Q2. Chapter 6.2. Mưu lược Bát lang

Nói xong Bát lang từ từ tiến lại gần tấm bản đồ đang được treo sẵn trên một chiếc khung gỗ cao bằng người, chỉ tay vào từng điểm trên bản đồ nói:

- Bẩm Thánh thượng, thưa các tướng quân, trại Hoan Châu gồm ba phần là Diễn, Hoan và Định Phiên với mười hai cảng. Trong đó, Diễn Châu đang là đại cảng quốc gia và có năm khu liên hoàn cảng lớn bao gồm cửa Cần Hải hay cửa Cờn do sông Hoàng Mai đổ ra, cửa Quyền Hải hay của Quèn cũng do sông Hoàng Mai và Ngọc Để đổ ra, cửa Thai Hải hay cửa Thơi do sông Giát đổ ra, cửa Vạn Phần do sông Bùng đổ ra, cửa Hiền hay cửa Lấp do sông La Hoàng và khe Nễ đổ ra. Trong năm cửa này thì Cần Hải, Thai Hải là cửa lớn nhất và quan trọng nhất mà thương nhân trong ngoài vẫn gọi là hai cửa Tha Viễn, việc thương mại trao đổi kinh doanh diễn ra hàng ngày, liên tục không ngớt, không nên để bị trì hoãn, đình trệ. Nếu đi đường biển đánh vào tất sẽ ảnh hưởng đến việc thương mại, rồi chưa kể đám loạn bình sẽ lấy cảng làm con tin, xua dân đen và thương nhân trong cảng đưa đầu chịu báng thì sự việc sẽ vô cùng rắc rối.

Bát lang dừng lại một chút nhìn xuống, thấy nhà vua cùng hai tướng khẽ gật đầu chăm chú lắng nghe. Bát lang lại tiếp:

- Vùng trung tâm Hoan Châu thì gồm ba cảng là cửa Xá do nước sông Cấm đổ ra, cửa Hội do nước sông Lam đổ ra, cửa Cương Giản do suối Khe Vực núi Hồng Lĩnh chảy ra.

Bát lang lại dừng nhìn xuống một lượt rồi lại nói:

- Các thương cảng Hoan và Diễn thì có một điểm chung rất cần lưu tâm đó là các sông nguồn đổ ra các cảng lớn nhất và quan trọng nhất, đặc biệt là cửa Cờn, cửa Thơi, cửa Xá, của Hội đều đã được kết nối với con kênh nhà Lê. Thần xin mạn phép đề xuất với Thánh thượng lãnh một đạo binh đi chinh phạt bằng đường thủy nội địa qua kênh nhà Lê. Quân triều đình sẽ đánh từ trong nội địa đánh ra các cảng thì sự liên lạc giữa loạn binh ở cảng với nội địa tất bị chia cắt, việc chiếm lại các cảng sẽ dễ dàng hơn.

Bát lang nhìn xuống thấy vua đã mỉm cười cùng các tướng khẽ gật đầu. Bát lang lại nói:

- Phản quân giành được các cảng tất sẽ ép các tàu thuyền thương gia không được đi ngược lên Bắc nữa mà sẽ phải vận chuyển hàng hóa thuế khóa về nơi mà phản quân đóng làm sào huyệt. Ở đây thần nghĩ chúng sẽ chọn thành Vạn An. Thành này là nơi năm xưa Mai Hắc Đế đã cho xây dựng ở Sa Nam, Nam Đường, bên bờ sông Lam, là nơi trung tâm của Hoan Châu. Vạn An lưng dựa Hùng Lĩnh, ba mặt được bao bọc bởi sông Lam, trong thì rộng rãi thoải mái, ngoài thì kín đáo như bưng. Năm xưa với thành Vạn An này, Mai Hắc Đế bên trong dấy động được dân cả ba mươi hai châu, bên ngoài thì liên kết được với các nước ngoại quốc Lâm Ấp nay là Chiêm Thành, Kim Lân nay là Tam Phật Tề và Chân Lạp cùng nhất tề đứng lên chống ách đô hộ của Đại Đường. Vạn An có thể chứa được cả dân quân, voi ngựa, khí giới, lương thảo của ba mươi hai châu và ba nước để mưu việc kháng chiến lâu dài với Đại Đường thì đủ biết thành có địa lợi ưu việt thế nào. Song song với việc chia quân ra các cảng, chính binh triều đình sẽ tiến thẳng tới sông Lam rồi ngược dòng tiến đánh Vạn An. Đạo này không cần đánh quá nhanh vì cắt được đường vận chuyển, quân địch càng lâu tất càng hoảng loạn, thậm chí có thể không đánh mà tan, tránh được cái họa ném chuột vỡ bình, thưa Thánh thượng và các tướng.

Nhà vua và các tướng lại mỉm cười gật đầu và vẫn chăm chú lắng nghe. Bát lang lại tiếp:

- Hoan Diễn thì có thể đánh chậm mà chắc, nhưng Định Phiên thì cần phải đánh nhanh và thắng nhanh. Thành trại Định Phiên bị bao vây tất lương thảo chỉ đủ trong vài ngày, nếu giao tranh tất sẽ hao binh tổn tướng và gây r·ối l·oạn vùng biên cương, nếu Chiêm Thành được tin đánh sang mọi sự sẽ càng khó kiểm soát. Vả lại Kênh Nhà Lê chỉ thông được tới cửa Sót vùng Nam Giới, mà việc hành quân trong kênh rạch sông ngòi uốn lượn không thể nhanh bằng đi thẳng đường biển. Thần cúi xin hoàng thượng cử thêm một đạo binh tức tốc chạy theo đường biển đổ bộ giải phóng Nam Giới rồi xuôi theo con đường bộ từ Nam Giới xuống Hoành Sơn để cứu viện Định Phiên và giành lại bốn cảng phía Nam, ổn định lại biên cương để nước ngoài không có cơ hội nhòm ngó.

Nhà vua từ tốn gật đầu, mỉm cười nhìn sang Khu Mật Sứ và nói:



- Chúng ta có hậu nhân của Phụ quốc Ngô Tử An, người kiến thiết kênh nhà Lê và cả đường bộ từ Nam Giới đến Hoành Sơn ở đây, Khu Mật Sứ thấy thế nào?

Khu Mật Sứ chắp tay đáp:

- Bẩm Thánh thượng, sách lược của Bát lang quá chu toàn rồi, thần chẳng thể thêm bớt lời nào, cúi xin hoàng thượng phê chuẩn.

Nhà vua nói:

- Được, ý Bát lang cũng rất hợp ý trẫm. Giờ việc của trẫm chỉ còn là chọn mặt gửi vàng nữa thôi. Lần này Bát lang lên Soái kỳ Long thuyền cùng trẫm nam chinh. Nay sau buổi chầu sẽ tức tốc lên đường. Ngô sứ chuẩn bị binh mã luôn cho trẫm.

Bát lang cùng các tướng lập tức cúi đầu đồng thanh thưa:

- Chúng thần tuân mệnh.

Điện Thiên An

Cấm thành Thăng Long

Buổi chầu sớm hôm sau

Hoàng đế ngồi trên ngôi cao, các quan tề tựu đông đủ. Hoàng đế ban chỉ cho lần lượt các tướng xuất chinh theo hai hướng, một đạo theo đường Kênh Nhà Lê đánh xuống Hoan Châu, một đạo theo đường biển giải phóng Định Phiên.



Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu thống lĩnh ba quân, cùng Bát lang hoàng tử, Thái úy Nguyễn Quang Lợi theo nhà vua lên Soái kỳ Long Thuyền chỉ huy cánh quân đánh xuống Hoan Châu qua kênh Nhà Lê. Đạo chính quân này sẽ tiến thẳng xuống sông Lam rồi ngược dòng bao vây Vạn An.

Khu mật tả hữu phó sứ Lý Đạo Kỷ, Xung Tân, các tướng Dương Bình, Quách Thịnh, Nguyễn Khánh, mỗi người chỉ huy một đạo thuyền theo đạo chính quân, tới Hoan Diễn sẽ tách quân đánh ra các cửa biển giải phóng các cảng Hoan Diễn.

Thái bảo Đào Xử Trung cùng Hữu tâm phúc Đào Văn Lỗi năm xưa đã từng theo vua chinh phạt Chiêm Thành bằng đường biển nên sẽ thống lĩnh đạo quân theo đường biển giải phóng Định Phiên.

Đông Cung Thái tử Lý Nhật Tôn làm Giám quốc, toàn quyền xử lý việc triều chính khi vua Nam chinh. Tả tâm phúc Lý Nhân Nghĩa, Thái sư Lương Nhậm Văn, Thái phó Lưu Đàm, Khu Mật Sứ Ngô Đinh, Điện tiền Đô thống Đàm Toại Trang ở lại kinh sư phò trợ Giám quốc.

Khu Mật Viện đã chuẩn bị thuyền bè, lương thảo, binh mã. Sau buổi chầu sớm lập tức xuất phát.

Cuối buổi chầu sớm, các tướng lui xuống về chuẩn bị cho cuộc Nam chinh. Nguyễn Khánh ra đến cửa Quảng Phúc phía Tây Hoàng Thành thì đã thấy sư họ Hồ chờ bên ngoài. Khánh cùng gã đi thêm một đoạn tới chỗ vắng người. Sư họ Hồ nói:

- Đại ca sắp theo vua Nam chinh à? Anh gọi em tới chắc có chuyện gấp cần sắp xếp.

Khánh khẽ gật đầu, nở môt nụ cười nham hiểm và nói:

- Mày thả bồ câu cho Hoan, Ái đi. Đạo chính quân Nam chinh sẽ đi theo đường Kênh Nhà Lê. Chẳng mấy khi có cơ hội cả Hoàng đế, Bát lang và Lê Phụng Hiểu cùng đi một thuyền. Chờ Soái kỳ Long thuyền đến sông Thạch Luyện đoạn chân núi Xước sẽ cho phục binh hành thích. Phen này cho chúng hiểu thế nào là Hùm núi Xước, nước sông Châu. Hùm chuẩn bị làm thịt Thần long rồi đây.

Sư họ Hồ gật đầu đáp:

- Vâng, thưa anh. Thời cơ quả là ngàn năm có một.



Khánh cười đáp:

- Có cái tiếc là lần này Thái úy cũng chung thuyền với vua, cung tên không có mắt, đao kiếm lại vô tình có khi đến Thái úy cũng gặp nguy tai.

Sư họ Hồ hỏi lại:

- Vậy phải làm sao thưa ông anh?

Khánh đáp:

- Sao trăng gì? Tại ông Thái úy vắn số thôi. Cho ông ta theo phò vua nơi chín suối thôi. Chứ không thể bỏ qua cơ hội này được. Mày nhớ dặn bọn Hoan Ái cứ Soái kỳ Long thuyền mà đánh g·iết, không phải chừa một ai. Còn mày và Đàm Đô Thống ở kinh lo việc mấy thằng sư sãi, đạo sĩ đi nhé, làm cho kín đáo, ngay ngắn vào.

Sư họ Hồ đáp:

- Đã rõ, thưa Định Thắng tướng quân. À không, thưa tân hoàng đế mới đúng nhỉ?

Khánh cười ha hả rồi đáp:

- Được rồi, thế thôi. Tao đi chuẩn bị binh mã xuất kích đây.

Nói xong, Khánh bỏ lại sư họ Hồ rồi rảo bước tiến đi về phía Thập tam trại.

Chỉ nửa canh giờ sau, đại quân của Triều đình đã lại tập trung đông đủ bên bến Đông Bộ Đầu Hòe Nhai, nơi đã có những chiến thuyền xếp hàng bắc ván chờ sẵn dăng kín mười hai bến Đông thành. Các vệ quân binh lần lượt bước trên ván lên thuyền Nam chinh.

Đoàn thuyền xuôi theo sông Cái đi qua hành cung Lý Nhân xứ Sơn Nam, xuôi theo sông Đáy qua phủ Thiên Trường lộ Hải Thanh rồi tiến ra biển qua cửa biển Đại An. Từ cửa Đại An, đại quân chia làm hai đạo, một đạo xuôi thẳng đường biển nhằm hướng Nam Giới, trại Định Phiên thẳng tiến. Một đạo rẽ vào cửa Lạch Bạng ở Ái Châu, xuôi dòng sông Bà Hòa để theo Kênh Nhà Lê tiến xuống Hoan Châu. Thuận gió Bắc, đoàn chiến thuyền hừng hực sĩ khí, lướt trên mặt nước nhẹ nhàng như bay.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.