Khu Mật Viện

Chương 9: Q1. Chapter 5.1. Điện tiền tổng quản



Q1. Chapter 5.1. Điện tiền tổng quản

Trú tắc kim ô chiếu

Dạ lai ngọc thố minh

Viên Chiếu

Thiền sư thế hệ thứ bảy dòng Vô Ngôn Thông

Cửa Tường Phù

Phía Đông hoàng thành Thăng Long.

Cửa Tường Phù là cửa phía đông của hoàng thành. Cổng thành ốp đá cao hơn hai trượng, đế thành kè đá rộng hơn bốn trượng, hai bên thành hơi thoải, xây theo kiểu vọng lâu trên lâu dưới thành, xung quanh ốp gạch. Cửa thành làm bằng gỗ, cổng vòm bo vuông, trán cổng khảm bia đá khắc ba chữ Tường Phù Môn. Hành lang vọng lâu cũng hoàn toàn làm bằng đá với bảy trụ sáu thành, trang trí hoa sen tám cánh. Vọng lâu xây bằng gỗ, phương đình tám mái, lợp ngói âm dương, tám đao trên mái khắc hình tám con Ma Kiệt Thần Long đang trườn dài trên sống, vươn đầu lên hứng ngọc. Ở đỉnh đao, đầu rồng hướng ra bốn phía, nghểnh lên cao, giữa đỉnh mái khắc lá bồ đề với tượng long phụng tranh châu, hai đầu hồi mái cũng có hai đầu thần long đang há miệng. Bốn cổng thành bốn phía đều xây giống nhau, chỉ khác vị trí và phương hướng, xung quanh là tường thành nối bốn cổng cao gần hai trượng. Sau các cổng, mặt trong thành đều có thang đá hai bên.

Mỗi cổng Long Thành đều có hai vệ cấm quân canh gác. Cấm vệ quân binh chế gồm mười vệ, chia năm hiệu tả hữu mỗi bên, tám vệ trấn bốn cổng và hai vệ gác cấm cung. Mỗi tả hữu vệ đều có một viên tướng chỉ huy, tám vệ trấn cổng hợp lại thành đội Điện tiền do Điện tiền tổng quản đứng đầu, chức này tương đương với Điện tiền chỉ huy sứ thời Đại Hành hoàng đế mà năm xưa Thánh thượng đã giữ trước khi đăng cơ. Ngày vật đổi sao dời, Thánh thượng đương nhiệm chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ cùng với Hữu thân vệ Nguyễn Đê, vốn là con trai của Định Quốc Công Nguyễn Bặc nhà Đinh, mỗi người mang thêm năm trăm quân túc vệ thân tín vào cung thất làm quân gác và gọi là đội Ngự tiền. Nay hợp cả thành mười vệ Cấm vệ quân và có tiền hậu, tả hữu, chánh phó rõ ràng, mỗi người đều có khắc trên trán ba chữ Thiên Tử Binh, trong cung là quân còn ra xa trường thì là tướng.



Đội Ngự tiền, còn gọi là Ngự lâm quân, danh chế chính thức là tả hữu Ngự Long quân, trực cấm cung, hậu cung và sân Long Trì, đội này do Tâm phúc tướng quân Lý Nhân Nghĩa làm chánh tướng, phó là Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu, binh chế tả hữu mỗi bên năm trăm quân tinh nhuệ nhất Long thành, hai tướng đồng thời là lãnh đạo của cả thập vệ cấm quân.

Đội điện tiền tám vệ chia tả hữu đứng bốn cửa.

Quân Trừng Hải tả hữu hai vệ gác cổng Diệu Đức phía bắc, binh chế mỗi bên hai trăm quân do Tả kim ngô vệ tướng quân Bùi Xa Lỗi lãnh ấn.

Quân Quảng Thành gác cửa Đại Hưng phía nam, do Hữu kim ngô vệ tướng quân Vệ Trúc đứng đầu cũng binh chế hai trăm mỗi bên tả hữu.

Cùng với quân Quảng Vũ của Tả vũ vệ Đàm Thản ở cửa Quảng Phúc phía tây và quân Phủng Nhật của Hữu vũ vệ Đỗ Giản ở cửa Tường Phù phía đông, cũng mỗi bên bốn trăm quân nữa. Tổng số Điện tiền là một ngàn sáu trăm quân nằm dưới sự điều khiển của Điện tiền tổng quản, vương tử Lý Phó, con trai của Dực Thánh Vương. Tổng cộng mười đạo Cấm vệ quân tất cả có hai ngàn sáu trăm tinh binh.

Đoàn người Bát Lang vừa đến cổng thành, thì Hữu vũ vệ tướng quân Đàm Thản đã lật đật chạy từ trên vọng lâu xuống tiếp đón. Viên tướng mặc giáp màu nâu đồng, đầu đội khôi hình củ ấu, trong mặc áo lụa xanh đen thẫm, khoác áo choàng đen, râu quai nón hai bên. Đoạn y vái chào thiền sư Huệ Sinh cùng hoàng tử rồi dẫn đoàn người qua Tường Phù môn. Quanh cổng có khoảng năm mươi quân gác, đứng hai hàng trong vòm cổng thành và trên hai bên thành, cung kiếm đầu đủ. Trên tường thành có những toán quân cầm thương hai hàng tuần tra, vòng đi vòng về theo tốp hai mươi người một. Tất cả đám binh lính đều mặc giáp mây đội nón chóp nhọn.

Nguyên năm xưa hoàng đế gả Lĩnh Nam Công chúa Lý Bảo Hòa cho tù trưởng người Tày là Giáp Thừa Quí ở động Giáp Lạng Châu rồi lại phong Thừa Quí là Châu mục châu ấy, ban cho họ Thân, truyền đời tập ấm. Thừa Quí cảm kích đã cống tặng hàng ngàn bộ giáp mây được làm theo phương cách bí truyền của động Giáp. Loại giáp này mặc bên trong áo lụa, vừa nhẹ, vừa mát lại tự nổi khi xuống nước, được làm từ mây ngâm với những chất dung dịch chỉ động Giáp mới điều chế được, nên đao thương bất nhập, thủy hỏa bất xâm, sau họ Thân cũng thường xuyên cống giáp mây để trang bị cho những quân chủng khác nữa của Đại Cồ Việt, đặc biệt là tượng binh. Giáp làm bằng mây, giáo khiên nỏ thì làm từ gỗ Tư Lũy, cho vào nước trăm năm không mục là điều đặc biệt của binh sĩ phương Nam, đến các học sĩ của Trung Nguyên cũng còn phải công nhận gỗ Tư Lũy loại gỗ cứng nhất thiên hạ còn các võ tướng thì cũng dè chừng binh lực Phương Nam lắm.

Đi qua cửa Tường Phù là cả một quảng trường rất rộng là quảng trường Thái miếu, phía trước mặt cách cổng tầm bốn trượng là bức tường cao hơn một trượng có mái lợp âm dương để ngăn cách khu Đông cung với khu quảng trường. Bên góc bên phải của cửa đông ấy là tàng kinh Trần Phúc lưu trữ kinh kệ trăm nhà. Bên góc trái là bốn công trình nằm gọn gàng ở đông nam hoàng thành, đầu tiên là chùa ngự Thiên Hưng, góc trong là thái miếu, cạnh thái miếu ở sát tường thành phía nam là tàng kinh Đại Hưng và Tinh Lâu Ngũ Phượng trên của Đoan Môn.



Có những ngày lễ tết đặc biệt, cửa Tường Phù vẫn mở cho dân cư kinh thành vào chiêm bái, cúng lễ cầu an. Trăm họ đi vào cửa đông, hành lễ ở chùa và Thái miếu rồi xuôi theo hành lang đông nam hoàng thành ra ngoài theo cửa Đại Hưng. Các khu nhà trong đại nội đều xây bằng gỗ, sơn keo kèo cột màu đỏ th·iếp vàng và cùng một kiểu trang trí trên mái trên đao, chỉ khác nhau chắc là số cột số kèo, tầng cao tầng thấp và màu của ngói. Thềm nhà đều lát đá thành bậc tam cấp, với hành lang đá có mái nối các công trình với nhau. Trên mái trang trí loan phụng giữa có hoa sen tám cánh là các cung của hoàng hậu, công chúa và các phi tần, những điện còn lại thì khắc Ma Kiệt Thần Long và bồ đề long phụng ở giữa mái làm biểu tượng cho cung điện hoàng gia.

Đoàn người cùng hoàng tử đi đến thái miếu thì gặp một đám quan viên đang đứng xếp thành hàng ngang dọc để hành lễ. Hàng đầu tiên ba người Vũ Uy Vương đứng giữa, bên trái là Huyền Trung Vương, bên phải là Thái sư tướng công Trần Cảo, các quan cứ năm người một hàng đứng phía sau khoảng mấy mươi người nữa. Họ đều mặc áo giao lĩnh cuốn khăn xếp cho quan võ, áo viên lĩnh mũ quyển vân cho quan văn, hia thì màu đen còn áo thì màu đỏ tía, thắt đai nạm ngọc bích, các vị vương gia mặc viên lĩnh lụa vàng nhạt có thêu chìm hình rồng, trên đầu ai cũng cuốn khăn tang.

Vũ Uy Vương tiến lên trước minh đường, rút ba cây nhang, châm lửa đèn cày rồi lui lại hàng, chấp tay dâng hương trước ngực, đoàn của Bát Lang cũng tự động xếp thành hàng năm đằng sau ba người Huệ Sinh, hoàng tử, Lý Đạo Thành, cả hai đám người cùng vái ba vái theo Vũ Uy Vương. Làm lễ xong, đoàn quan viên di chuyển sang bên phải theo hành lang đông nam tiến đến cửa Uy Viễn. Khi đoàn quan viên vừa di chuyển thì nghe tiếng chào từ đằng sau.

- Tham kiến vương gia, tướng gia và văn võ bá quan.

Các quan viên di chuyển chậm lại, đứng tách ra hai đường, Vũ Uy Vương, Huyền Trung Vương cùng Thái sư Trần Cảo từ từ bước tới giữa hai bên tả hữu, nhìn ra thì thấy là thiền sư Huệ sinh, đang đi cùng Bát Lang hoàng tử, Vũ Uy Vương chắp tay trả lễ:

- Thì ra là đại sư Huệ Sinh và Bát Lang hoàng tử, thứ lỗi bản vương bận hương miếu không hành lễ từ xa được.

Vũ Uy Vương vẻ ngoài hiền hòa, mái đầu bạc chỉ còn lác đác ít sợi đen được búi gọn gàng, cài châm ngọc cẩn thận, khăn the cuốn trong, khăn tăng buộc ngoài, chòm râu bạc dài qua cổ. Vương là bậc trưởng thượng của nhà họ Lý, có trưởng nam là hoàng thân Lý Trưng Hiển đang đương chức Thái úy. Vương vừa cất tiếng đáp lễ, đoàn quan viên cùng nhau chắp tay đồng thanh:

- Tham kiến hoàng tử điện hạ, tham kiến đại sư.



Đoàn người theo Hoàng tử cũng chấp tay đồng thanh:

- Tham kiến hai vị vương gia, tham kiến các quan đại thần.

Đạo Thành thấy cha là Huyền Trung Vương ở đó cũng vái một vái, Huyền Trung Vương mỉm cười gật đầu.

Bát lang hoàng tử chắp tay hướng mắt nhìn sang Vũ Uy Vương rồi hỏi:

- Thưa hoàng thúc, chẳng hay hoàng thúc và các đại thần đã thấy hoàng huynh Đông cung thái tử trở về thành chưa vậy?

Vũ Uy Vương ôn tồn đáp:

- Bản vương cũng vừa đáp thuyền cùng các vương gia từ phủ Thiên Đức về Thăng Long. Được Thái sư Trần Cảo cho hay, Thái tử lãnh chức Đại nguyên soái, đang xuất binh dẹp loạn châu Thất Nguyên, được tin quay về, cũng đã về đến Thiên Đức. Hai tướng Ngự tiền là Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu cùng sáu trăm quân Ngự Long đã chuẩn bị trước xiêm y, đồ tế mang đến phủ Thiên Đức để đón thái tử về Thăng Long. Theo suy đoán của bản vương, chắc đoàn cũng sắp về đến Thăng Long rồi đó.

- Vậy chúng ta cũng vào điện thôi, cháu cũng phải chuẩn bị đồ hiếu. Chắc hoàng huynh về điện là đến giờ làm lễ. Hoàng tử nói.

Bỗng nghe tiếng của Huyền Trung Vương:

- Hoàng tử đi vào đại điện Càn Nguyên từ cửa Phi Long phía sau cung Nghinh Xuân, chúng tôi vào bằng cửa Đan Phượng, đó là quy chế. Vậy xin từ giã để Đạo Thành hộ tống hoàng tử nhập cung, dẫu sao lát nữa theo lễ, hàng hoàng thân quốc thích sẽ đứng hành lễ trong nội điện cạnh l·inh c·ữu của tiên vương, tôi cùng các vương gia đứng với các quan viên ở điện Tập Hiền, Giảng Võ hàn huyên, khi Thái tử về sẽ xin được vào sau. Cũng lâu chúng tôi không về kinh đô.

- Được, vậy chúng ta đi. Xin phép các vị hoàng thúc. Hoàng tử chắp tay vái hai vị vương gia rồi quay gót đi qua cửa Phi Long.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.