Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 13: "Động phòng"



Trước cửa phòng của chúa thượng đám người ngự y đứng vây kín đen kín đỏ. Vừa lúc có hai vị ngự y già vừa chạy từ trong phòng ra vừa lắp bắp:

"Ma...chẩn. Thực sự là Ma chẩn."

Tôi nhìn quanh, trán ai nấy ướt rịn mồ hôi dù đương là mùa xuân tiết trời mát mẻ. Ma chẩn vẫn luôn là căn bệnh gieo rắc nỗi kinh hoàng cả về độ nghiêm trọng lẫn việc lây lan chóng mặt của chúng. Lúc này ngự y béo nhất trong đám tiến lên phía trước, chắp tay hô lớn:

"Chúa thượng nguy kịch, từ lúc tới phủ người đã sốt cao li bì không tỉnh, chỉ vận nước đổi dời. Khẩn xin lập tức báo tin này về cung để liệu bề chuẩn bị."

"Không được!" - Lịch Vũ gằn giọng.

"Đô chỉ huy sứ, tại sao không được? Nay bệnh tình nguy cấp, nước không thể một ngày không có vua. Chúa thượng đã hôn mê, nếu còn chậm trễ tin tức chỉ e sẽ xảy ra chuyện chẳng lành."

"Chuyện chẳng lành?" - Giọng nói của Lịch Vũ bỗng dưng lạnh tanh. Y vung kiếm, lưỡi kiếm chỉ vừa ánh lên dưới ngọn nến mập mờ đã nghe tiếng thét thất thanh, máu tươi bắn ra khắp nơi trên mặt đất. Tất thảy mọi người sững sờ, tên Thái y béo mập kia đã bị Lịch Vũ một đao cắt tai. Ai nấy thất kinh giật lùi ra xa, mặt cắt không ra hột máu. Bản thân tôi dù từng chứng kiến tình cảnh tương tự cũng không tránh được việc bị doạ cho mất mật, sợ đến nỗi hai chân như chôn chặt xuống nền đất.

"Đô chỉ huy sứ, người..." - Đám ngự y lao xao nhưng không dám nói to, đứng co cụm lại với nhau như thể làm vậy có thể an toàn hơn đôi chút.

"Chúa thượng lâm trọng bệnh, các ngươi không lo hết lòng cứu chữa mà đi suy tưởng đại sự, còn tự ý truyền ra những lời mình nghe được nơi cửu trùng ấy là tội bất trung. Ta cắt tai hắn làm gương, lần sau sẽ lấy đầu kẻ nào dám tiết lộ đại sự."

Lời nói của Lịch Vũ rõ ràng đến độ tôi cảm nhận được rõ da đầu mình run lên sau từng câu từng chữ. Khuôn hàm y bạnh ra, vết máu tươi hằn lên gương mặt sẹo khiến không chỉ tôi mà cả đám thái y run như cầy sấy. Dẫu vậy một thái y già nhất vẫn tiến lên cãi lý:

"Ngươi chỉ là Đô chỉ huy sứ, sao dám cả gan làm xằng làm bậy?"

Lịch Vũ cả cười:

"Ta nhận quyền ngoại khổn(2), kính giữ phương lược(3), chẳng may có làm chuyện càn rỡ sẽ tự mình chịu tội. Ở nơi này ngoài chúa thượng ra ai là người có quyền quyết định?"

Tất thảy mọi người lấm lét nhìn nhau. Trần Uy tiến lên phía trước, chắp tay:

"Là Đô chỉ huy sứ."

Lịch Vũ gật đầu hài lòng:

"Ta cần người ngay lập tức vào trong túc trực bên thánh giá. Ai hiến sức mình cho chúa thượng thì giữ lại. Những kẻ bất trung bắt nhốt hoặc giết ngay."

Cùng lúc này Thân quân rầm rập tiến lên, vòng trong vòng ngoài vây chặt đám quân y. Mấy người họ nhìn nhau lần nữa, người này đùn đẩy người kia. Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Trong tình hình căng thẳng mà ma chẩn lại vốn là dịch bệnh chín cửa tử một cửa sinh, chẳng ai muốn giơ đầu chịu báng. Cho dù là chúa thượng nhưng với tình hình căng thẳng như hiện tại chắc gì đã qua khỏi để trị đám thái y này tội thất trách?

"Để ta đi." - Giáo thụ Trần Uy bước lên trên.

Đúng là thầy của tôi, không hổ danh lương y dạy dỗ cả trăm học trò. Y đức của người là thứ tôi kính trọng hơn cả. Có thầy đương nhiên phải có trò, tôi cũng bước theo Trần Uy:

"Bẩm Đô chỉ huy sứ, để Đam hầu bệnh chúa thượng."

Đám Thái y xì xào bàn tán, hái độ khinh thường thấy rõ. Dù họ không dám tự mình đi nhưng cũng không tin tưởng để một tên nô bộc làm thầy thuốc trị bệnh cho chúa thượng. Tôi cũng chẳng để tâm nhiều mà chỉ kiên định:

"Đam từng trị ma chẩn ở thôn Nam Ninh, trại Phù Lan, cũng coi như có chút ít kinh nghiệm."

"Đây là học trò của ta hãy cho cùng vào. Nếu có bề gì ta sẽ chịu hết." - Trần Uy đỡ lời cho tôi.

Chỉ chờ câu đó của Giáo thụ ngay lập tức cả đám Thái y như sắp chết đuối vớ được củi khô, thi nhau gật đầu lia lịa. Tôi bẩm với Lịch Vũ:

"Đô chỉ huy sứ hãy cho khoanh vùng tất thảy những người từng hầu hạ chúa thượng. Nội trong mười lăm ngày những người ấy không phát bệnh mới có thể thả ra, bằng không e rằng bệnh dịch sẽ sớm lan ra khắp nơi. Người rõ cách làm nhất là La Đạc, xin người hãy cho truyền y để ngăn chặn ma chẩn."

Lịch Vũ gật đầu, triệu một toán Thân quân đến nhanh chóng vậy chặt toàn bộ nơi này. Tôi cúi chào rồi nối gót Trần Uy đi vào trong.

***

Tôi không phải bác sĩ được đào tạo chính quy, đừng nói đến Lời thề Hippocrates(4), với tôi thì kể cả y đức thì có cũng được không có cũng chả sao. Dù vậy tôi liều mình đi vào cửa tử, dùng một mạng của mình đổi một mạng của Long Đĩnh là có lý do riêng.

Một là phản loạn chỉ vừa dẹp yên, chiến trận với giặc Man phía Nam vẫn còn đang tiếp tục. Nếu tin tân quân đổ bệnh bị truyền ra thì đoán chừng chẳng bao lâu nữa sẽ thấy khắp nơi binh mã nổi dậy, mưa máu gió tanh phủ kín trời, bách gia trăm họ lầm than không kể xiết. Đó cũng là lý do mà Lịch Vũ bỗng chốc trở nên cực kỳ đáng sợ. Hẳn y cũng biết rất rõ hậu quả sẽ như thế nào nếu tin tức này bị lộ ra.

Hai là vạn nhất Long Đĩnh băng hà thì rất có thể người đăng cơ tiếp theo sẽ không phải là Lý Công Uẩn. Hiện tại Lý Công Uẩn chỉ mới là một Tứ sương quân phó chỉ huy sứ nhỏ nhoi, hoàng vị so với ngài ấy mà nói cách biệt một vạn tám nghìn dặm. Những kẻ có khả năng dấy binh đoạt ngôi nhất chính là anh em của Long Đĩnh. Ngự Bắc Vương ở Phù Lan, Ngự Man Vương ở Phong Châu hay một vị thân vương nào đó bất kỳ mà tôi còn chưa hay biết. Vậy thì lịch sử Đại Cồ Việt sẽ viết lại.

Lý do cuối cùng, dù không chắc chắn nhưng khả năng Long Đĩnh nhiễm bệnh do bức mật hàm tôi gửi về từ thôn Nam Ninh là rất cao. Tôi cần phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Nếu cứ tiếp tục thì một khi hiệu ứng cánh bướm đã xảy ra sẽ không cách nào ngăn chặn nổi.

***

Thấy tôi theo Trần Uy bước vào, Bạch Vỹ thoáng chút ngạc nhiên nhưng vẫn quỳ bên hầu cận chúa thượng. Long Đĩnh nằm im, hai mắt nhắm nghiền. Trần Uy nghiêm túc chẩn mạch một hồi rồi bảo tôi cũng tới xem. Thầy trò chúng tôi dùng ánh mắt trao đổi với nhau, nói đoạn Trần Uy lệnh cho tôi hãy cởi áo chúa thượng ra. Nói gì thì tôi cũng là con gái nhà lành, việc này có chút bất tiện nhưng cũng đành chịu. Tôi dồn sức lật nghiêng cơ thể vạm vỡ của Long Đĩnh, kéo áo y ra. Ngay nơi có hình xăm rồng rất lớn vùng bụng và ngực, ban sởi mọc dày chi chít. Ngay cả mặt mũi chân tay cũng không chỗ nào không lấm tấm nốt sởi đỏ.

Đợi Trần Uy xem xét xong tôi kéo áo lại cho Long Đĩnh. Toàn thân y nóng ran, xem chừng đã sốt cao mê man không tỉnh. Với tình trạng bệnh như thế này đoán chừng cách đây vài ba ngày hẳn đã có triệu chứng, chỉ là lúc đấy ban sởi chưa phát ra mà việc nước việc quân nơi chiến trường ngày đêm bộn bề, Long Đĩnh hẳn cứ thế cho qua. Trong phút chốc lòng tôi cảm thấy chua xót. Dù là chúa thượng uy phong lẫm liệt song đến lúc đổ bệnh lâm nguy bầy tôi lại sợ chết mà đùn đẩy, ai nấy chỉ lo cho thân mình mà chẳng thèm đoái trông đến. Đế vương bao đời, cuộc sống có bao giờ dễ dàng chứ?

Tôi theo Trần Uy đi ra gian phía bên ngoài. Bệnh tình của Long Đĩnh quả là không khả quan lắm. Xem qua chất lưỡi thì rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Chẳng những vậy vị chúa thượng kia còn ho liên tục, dù ngủ thiếp đi nhưng nước mắt vẫn ướt đẫm gối. Trần Uy ngồi xuống ghế đăm chiêu một hồi, vốn định thảo một thang thuốc nhưng còn chần chờ chưa quyết định.

Tôi hiểu tâm trạng của thầy mình. Giả như tôi, ở thôn Nam Ninh tôi có thể tuỳ ý góp chút tài hèn nhưng nơi cửu trùng(1) này chỉ cần một sơ sẩy sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh trăm vạn người. Áp lực mỗi lần bốc thuốc kê đơn là không nhỏ. Tôi đứng bên im thin thít, Trần Uy vẫy tôi, nói đoạn ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế đối diện.

"Trò nói ta nghe, trò định làm như thế nào?"

Tôi bối rối. Ở nơi khác thì chẳng có gì phải ngại nhưng trước mặt Trần Uy tôi có chút lo lắng. Đại khái cảm giác cũng tương tự như lúc bị giáo viên gọi lên bảng trả bài. Cẩn trọng suy nghĩ một hồi, tôi lí nhí:

"Bẩm Giáo thụ, chúa thượng hiện đang trong thời kỳ ma chẩn mọc lại sốt rất cao, cần thanh độc giải nhiệt cho người." - Tôi vừa nói vừa quan sát phản ứng của Trần Uy, thấy thầy vuốt râu đăm chiêu suy nghĩ tôi mới dám nói thêm - "Đam dâng phương thuốc Hoá thanh biểu thang gồm: Tiền hồ, chi tử, phòng phong, bạc hà, hoàng liên."

Trần Uy tiếp lời:

"Cát cánh, mộc thông, hoàng cầm, cam thảo. Lại thêm tri mẫu, ngưu bàng tử, huyền sâm, địa cốt bì, thiên hoa phấn, tang diệp và cát căn, liên kiều, đăng tâm nữa phải không?"

Tôi gật đầu liên tục, lúc này mới lấy lại tự tin:

"Dạ phải, dạ phải!"

Trần Uy có vẻ như còn đắn đo nhiều nhưng cuối cùng cũng gật đầu.

"Cũng không còn cách nào khác, thầy trò ta phải liều một phen thôi."

***

Trần Uy bốc thuốc xong sai tôi đi sắc. Tôi cẩn trọng tự tay mình làm từ đầu chí cuối, lúc bát thuốc nóng hổi nghi ngút khói bốc lên còn ngồi vừa quạt vừa thổi, từ từ đút từng thìa cho vị chúa thượng kia. Tôi nhờ Bạch Vỹ đổi sang chăn mỏng hơn cho Long Đĩnh rồi mở hé cửa sổ cho thông thoáng. Người đang sốt càng đắp chăn dày, thân nhiệt càng lên cao và người bệnh sẽ càng cảm thấy lạnh hơn. Nếu sốt cao không hạ thân nhiệt kịp thời thì hệ thần kinh trung ương có thể bị ảnh hưởng.

Long Đĩnh dùng thuốc xong thì đâu chừng hơn một canh giờ sau bắt đầu hạ sốt nhưng vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại. Trần Uy ở gian ngoài nghiên cứu y thư, tôi cùng Bạch Vỹ ở trong này túc trực bên giường chúa thượng. Khoảng chừng giữa đêm tôi đang thiu thiu ngủ thì chợt nghe giọng đàn ông khản đặc gọi lớn:

"Mau! Mau chạy đi!"

Tôi choàng mở mắt thấy Long Đĩnh đang nắm chặt tay mình, mê sảng. Thấy tình hình không khả quan lắm tôi khẽ lay Long Đĩnh, gọi:

"Chúa thượng! Chúa thượng!"

Long Đĩnh không có phản hồi, chỉ mấp máy môi, khuôn mặt lộ rõ vẻ bi thương đến đau lòng.

"Đừng ở lại. Đi đi, đi đi!"

Long Đĩnh giữ chặt tay tôi, áp tay lên má mình. Đến lúc này tôi mới nhận ra thân nhiệt y rất cao, nóng ran như lửa đốt. Thôi chết, sao còn sốt cao hơn vừa nãy thế này? Chẳng nhẽ thuốc có vấn đề sao? Tôi lập tức gọi Bạch Vỹ tới, Vỹ hớt hải:

"Có chuyện gì?"

"Chúa thượng không ổn rồi. Mau gọi Giáo thụ tới đây!"

Bạch Vỹ còn chưa kịp rời đi thì Trần Uy ở gian bên ngoài nghe động liền chạy tới. Nhìn sơ qua tình hình người như đã đoán được, lập tức đi tới chẩn mạch. Đôi hàng lông mày đã bạc của Giáo càng thêm nhíu chặt lại, nói đoạn Trần Uy trầm giọng:

"Chuẩn bị châm cứu cho chúa thượng."

Là "con nhà nòi" đích thực thì việc châm cứu với tôi chẳng còn xa lạ gì. Dù vậy nhưng việc châm cứu trên người một vị quân vương thì khác hoàn toàn. Tôi biết rất rõ không phải cứ cầm cây châm lên rồi muốn châm vào đâu cũng được. Cần căn cứ vào vị trí nông sâu của bệnh, tình trạng của người bệnh và tác nhân gây bệnh, loại hình và xu thế chung của bệnh để chọn phương pháp châm cứu và các thủ thuật châm cứu cho chính xác nhất. Đấy còn chưa kể đến cơ thể có tới mười hai kinh mạch chính, tám kinh mạch phụ, kinh biệt, kinh cân, biệt lạc, tôn lạc, phủ lạc, ba trăm mười chín huyệt ở đường kinh chính, năm mươi hai huyệt ở đường kinh phụ. Chỉ tính riêng trên đường kinh cũng đã là sáu trăm chín mươi huyệt nằm trên mười bốn đường kinh cả hai bên, thêm hai trăm huyệt ngoài đường kinh, một kim châm cứu nhầm cũng có thể khiến tình hình Long Đĩnh thêm nặng, hôn mê hoặc bại liệt cũng không phải không thể xảy ra. Mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau chảy ra. Trần Uy giục:

"Nhanh lên, không kịp mất!"

Tôi tự vấn bản thân tại sao phương thuốc kia với người ở Trại Phù Lan có thể làm thuyên giảm bệnh tình nhưng với Long Đĩnh thì không? Thậm chí là bệnh tình còn có phần nặng hơn? Cơ địa mỗi người mỗi khác và tình trạng bệnh cũng không giống nhau, hiện tại Long Đĩnh đã mê man suốt mấy canh giờ, sốt cao mê sảng, có dấu hiệu của nhiễm độc thần kinh, nếu còn chần chờ chỉ e là lành ít dữ nhiều.

Bạch Vỹ đã nhanh nhẹn đỡ Long Đĩnh ngồi dậy, bảo tôi lột đồ của Long Đĩnh theo chỉ thị của Trần Uy. Lần thứ hai trong ngày, dù rất không muốn nhưng tôi vẫn phải làm theo.

Trần Uy để Long Đĩnh ngồi tựa vào Bạch Vỹ, hơi cúi đầu, quay cổ qua lại phải trái để xác định vị trí huyệt đại chuỳ rồi sau đó giữ tay đánh dấu vị trí, bảo Vỹ để Long Đĩnh nằm sấp. Kim đầu tiên được châm xuống, Long Đĩnh vẫn không hề có phản ứng gì. Trần Uy tìm huyệt thứ hai - hợp cốc. Hợp cốc nằm ở kẽ xương đốt bàn tay hai và ba huyệt ở trên cơ liên cốt mu bàn tay một, phía dưới đốt bàn tay hai. Châm 8/10 thốn, cứu điếu ngải chừng ba đến bảy phút. Sau đó tiếp tục cho cách huyệt ​​túc tam lý, phế du, xích trạch, nội đình.

"Chúa thượng có đau họng không?" - Tôi quay sang hỏi Bạch Vỹ.

"Có" - Bạch Vỹ gật đầu.

Vốn dĩ việc châm cứu đã kết thúc nhưng nghe câu hỏi của tôi Trần Uy rút kim châm thêm tại huyệt thiếu thương.

Châm cứu trước nay luôn là việc khó khăn căng thẳng, châm cứu cho chúa thượng càng áp lực hơn bội phần. Việc vừa xong cả ba chúng tôi người ướt sũng như tắm, Trần Uy cất gọn đồ nghề của mình vào hộp gỗ. Tôi lẽo đẽo theo thầy mình đi ra cửa. Tới gian ngoài Trần Uy hỏi:

"Với tình trạng hiện tại của chúa thượng, trò định xử trí ra sao?"

Tôi sợ mình lại phạm sai lầm bèn chỉ đứng im vân vê gấu áo. Trần Uy vỗ vai tôi:

"Vừa nãy có phải trò đã dâng phương thuốc tốt nhất mà trò có thể nghĩ ra không?"

Tôi gật đầu quả quyết:

"Đam đã tận tâm tận lực, chỉ là..."

Trần Uy lắc đầu:

"Thế là đủ."

Tôi hiểu ý của Giáo thụ. Miễn là trên không thẹn với trời, dưới không thẹn với lòng, toàn tâm toàn sức cứu chữa bệnh nhân thì có điều gì để mà e sợ? Tôi ngẫm nghĩ một hồi, cuối cùng hỏi Trần Uy:

"Dạ bẩm Giáo thụ, tới đây trò tính dùng bài Hoá ban thang gồm sừng trâu, tri mẫu, huyền sâm, gạo tẻ và cam thảo, người thấy sao ạ?"

Trần Uy đi đi lại lại trong phòng, cân nhắc thật kỹ về liều lượng mỗi loại với tôi. Nói đoạn Trần Uy gật đầu, cười khổ:

"Chúa thượng đang lâm nguy, ta đành liều cái mạng già này cùng gia quyến. Nguyện một lòng dốc sức, những chuyện khác chỉ có thể phó mặc cho trời."

Đêm hôm đấy tôi thức trắng, tự mình sắc thuốc rồi tìm cách cho Long Đĩnh uống. Bạch Vỹ mệt quá đã ngủ gục trên bàn trà từ bao giờ. Tôi mon men ngồi dưới đất, đặt tay lên trán chúa thượng. Tình trạng của Long Đĩnh có vẻ khả quan hơn nhưng cũng khó để nói trước. Tôi không dám ngủ dù hai mắt chỉ muốn díu lại. Ngộ nhỡ Long Đĩnh xảy ra chuyện gì mà tôi ham ngủ không hay biết thì sẽ ân hận suốt đời. Chi bằng túc trực bên cạnh, nếu Long Đĩnh nửa đêm tỉnh dậy mà cần gì cũng có tôi ngay đây.

Long Đĩnh đã cắt sốt, trên trán lúc lúc lại ướt rịn mồ hôi. Tôi dùng chiếc khăn lụa mỏng thấm nhẹ cho y. Tuổi chỉ vừa đôi mươi nhưng chinh chiến nơi chiến trường không nghỉ, so với những vị thân vương khác tôi từng gặp thì Long Đĩnh trưởng thành hơn rất nhiều. Duy chỉ có vẻ phong nhã hào hoa của dòng dõi đế vương là không hề suy chuyển. Cũng phải thừa nhận trong tất cả anh em của "Khai Minh Vương" thì y là người phong trần nhất, cũng là người có đôi mắt thâm trầm nhất, đẹp nhất mà tôi từng thấy.

Tôi tự vả cho mình một cái thật đau! Giữa đêm giữa hôm ngồi ngắm bạo chúa Lê Long Đĩnh thì chắc chắn tôi đã chán cái mạng quèn này.

Nếu yêu quý mạng sống của mình, hãy tránh xa Lê Long Đĩnh!

______

Chú thích:

(1) cửu trùng: Chín lần, chín bậc. Chỗ vua ngồi. Cũng chỉ nhà vua. (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

(2) ngoại khổn: tức "khổn ngoại" (ngoài cửa khuyết). Thời cổ vua sai đại tướng ra trận thường cử hành lễ đưa tiễn, nhà vua đích thân đẩy vào bánh xe của đại tướng nói: "Từ cửa khổn vào trong thì ta làm chủ, từ cửa khổn trở ra thì tướng quân chế ngự", ý nói giao toàn quyền, về sau cũng được dùng chỉ chung việc coi quân trị dân ở các địa phương. (Tống Sử)

(3) phương lược: Đường lối để làm việc lớn.

(4) Lời thề Hippocrates: Ở nhiều quốc gia và cả Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.

(5)huyệt đại chuỳ: huyệt đạo lớn thứ 14 của mạch Đốc, tên gọi huyệt đại chùy có nghĩa là phần xương lớn nhô lên. Huyệt này chính là phần nằm trên chỗ lồi lớn của ụ xương đốt sống cổ thứ 7.

(6) huyệt hợp cốc: huyệt hợp cốc: thuộc đường kinh đại trường (đại tràng), huyệt thứ tư. Hợp cốc nằm trên mu bàn tay, tại vị trí giao nhau (hợp) của miệng hang (cốc)do đó mà huyệt vị có tên là hợp cốc.

(7) huyệt túc tam lý: hay còn gọi là hạ lăng, hạ tam lý, tam lý, quỷ tà, là huyệt vị thứ 36 trên đường kinh Vị.

(8) huyệt phế du: nằm ở vị trí gần sát với phổi, là huyệt đạo thứ 13 của cơ thể tại vùng bàng quang kinh, nơi kinh khí của phế thấm trực tiếp vào bên trong cơ thể.

(9) huyệt xích trạch: Huyệt ở chỗ trũng (giống cái ao - trạch) cách lằn chỉ cổ tay một xích (đơn vị đo ngày xưa), vì vậy gọi là xích trạch (Trung Y Cương Mục).

(10) Đoài theo Kinh Dịch có nghĩa là cửa (môn), miệng (khẩu), ví như cái đình. Huyệt ở phía trong (nội) so với huyệt lệ đoài, vì vậy gọi là nội đình (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

(11) thiếu thương: hay huyệt quỷ tín thuộc kinh Phế.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.