Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 28: Những kẻ võ biền



Về đến nhà tôi tắm một cái rồi lăn ra ngủ thiếp đi mãi đến giữa chiều mới mơ hồ tỉnh dậy, tranh thủ qua thư trai lau dọn phòng, xếp gọn gàng giấy bút nghiên mực cho Lịch Vũ.

Ở trong phủ đã lâu nhưng tôi ít khi giáp mặt mọi người, một phần vì sáng đi tối muộn mới về, một phần vì công việc của tôi cũng chỉ quanh quẩn từ phòng tôi qua thư phòng và ngược lại. Phủ Đô Chỉ Huy Sứ đầy tớ gái cũng chỉ có vài người lo chuyện chợ búa y phục tuổi tầm tứ tuần trở lên, về căn bản ban ngày ban mặt nhưng cũng yên tĩnh như ở đình chùa. Lịch Vũ không ưa tiếng ồn ấy vậy mà hồi ở doanh trại tôi "hai ngày một trận nhẹ, ba ngày một trận nặng" gây đủ thứ huyên náo phiền hà, kinh động khắp từ doanh trại sang đến Phù Lan, Cùng Giang. Vẫn còn được ở trong phủ Đô chỉ huy sứ phục vụ thì ân đức của Lịch Vũ với tôi mà nói lớn hơn trời bể.

***

Từ sau trận chiến ở Cùng Giang thì tất thảy binh lính hành quân về Hoa Lư, chủ yếu ở sống vòng ngoài bảo vệ kinh thành. Những người bị thương cũng được tuỳ mức độ đều được tập kết và điều trị tại đây. Tôi và các học trò khác của Trần Uy được phân chia theo ca chăm sóc thương bệnh binh trong trại, luân phiên mỗi hai ngày một lần.

"Anh ta thế nào rồi?" - Tường hỏi.

Tôi vừa gỡ lớp thuốc băng bó khỏi người binh lính nọ vừa giơ ra cho Tường xem.

"Vết thương kín miệng, bây giờ có thể dùng bột tứ sinh cơ(1) được rồi."

Tường gật đầu hài lòng, liếc thẻ tre ghi tên của thương binh rồi tiếp tục đi kiểm tra các binh lính khác.

"Thật có phúc quá!." - Thương binh nọ hớn hở bắt chuyện với tôi ngay khi Tường vừa rời đi.

"Đúng rồi, phải có phúc lắm vết thương mới mau lành như vậy." - Tôi cười.

"Không." - Thương binh lắc đầu quầy quậy - "Ý tôi là phải có phúc lắm mới được anh Đam chữa bệnh cho."

Được người khác khen tôi thích chí nhưng vẫn ghi nhớ mình phải khiêm tốn:

"Không không! Tôi chỉ là học trò, còn đang kém cỏi lắm."

Thương binh kia bẽn lẽn gãi đầu cười:

"Cả trại này ai cũng thích anh hết. Họ bảo không có quân y nào thay băng nhẹ nhàng như anh."

Vừa được khen xong thì con quỷ xấu xa trong tôi lại trỗi dậy, cứ nhìn cuộc đời người khác yên bình là tôi không chịu được. Tôi nhếch môi cười với thương binh bằng vẻ mặt vô cùng tà ác:

"Hay là tôi thử mạnh tay hơn nhé?"

"Ấy chết ấy chết. Đừng! Anh đừng làm vậy." - Thương binh cười hề hề.

Thấy bên này có vẻ xôm tụ, người gãy chân đang nằm giường bên cạnh gọi với sang:

"Anh Đam ới! Nếu anh không sợ thì về làm em vợ của tôi."

Tôi cười ha hả:

"Thân tôi là phận nhà nghèo. Anh có mời trèo thì tôi cũng chẳng dám leo."

Đám binh lính cười rộ lên. Tôi ở doanh trại suốt mấy tháng liền cũng nắm được sơ bộ một chút. Binh lính phần đa là người ít học cộc cằn, hiếm hoi lắm mới có vài ba người biết viết chữ ngâm thơ. Vừa vặn thế nào tôi lại mù chữ, ghép vào sống cùng với họ lại thành ra hợp tính nhau. Nhưng thường dốt thì hay bày đặt nói chữ. Những ngày trị thương tôi hay tranh thủ thể hiện tình độ "thơ phú" của mình, đương nhiên kỹ nghệ nói lái thần sầu cũng được tranh thủ giới thiệu đến bạn bè gần xa. Xét về câu cú quy luật thì sai bét nhưng dù gì cũng toàn lính tráng, trình độ văn hoá tương đương nhau nên chỉ lấy câu chữ làm vui, chẳng hề nề hà.

Trong lúc tôi đang thao thao bất tuyệt đủ thứ trên đời thì một người chống nạng khập khiễng đi tới, vỗ vai tôi "bốp" một cái thật to.

"Anh thì nghèo cái gì? Chẳng phải do anh không màng tiền tài danh lợi, bỏ cả chức Thái y chúa thượng ngự ban sao? Thật xứng đáng là học trò của Thừa."

Nghe đến có người dùng mấy chữ "không màng tiền tài danh lợi" để nói về mình tôi liền thấy ngứa ngáy. Ai? Ai nói là tôi không màng đến tiền bạc vậy? Tôi chỉ có hai đam mê duy nhất trong cuộc đời: một là tiền và hai là thật nhiều tiền. Vậy nhưng tôi phải từ bỏ cái chức danh kia đều có ẩn tình cả.

Ở trường kinh tế chúng tôi được dạy một thứ gọi là "chi phí cơ hội(2)".

Giả sử tôi đang muốn sống một cuộc đời tốt đẹp ở Đại Cồ Việt khi xuyên không. Tôi có hai phương án:

Một: Trở thành Thái y hầu cận chúa thượng, đường thăng quan tiến chức rộng mở, có khả năng tậu được nhà riêng, xe (ngựa) riêng.

Hai: Tiếp tục làm thư đồng "cấp cao", tuy không giàu nhưng Lịch Vũ còn no thì chắc chắn tôi cũng không bị bỏ đói.

Vẽ ra như thế này thì mọi thứ rõ ràng lắm rồi, chi phí cơ hội của việc không trở thành Thái y là không có nhà không có xe (ngựa). Thực tình mấy cái này tôi không cần lắm, mà cần thì hưởng ké của Lịch Vũ cũng được. Lại tiếp tục so sánh Lịch Vũ và Long Đĩnh xem hầu cận ai thì hơn. Tôi tuy không thông minh nhưng cũng đủ biết ở cạnh vua như chơi với hổ, hơn nữa còn là một con hổ siêu to khổng lồ mang tên Lê Long Đĩnh. Thương vụ này tôi xin được từ chối.

Vậy mà ngay cả khi từ bỏ chức Thái y chỉ xin đổi lại một câu hỏi, ngày hôm ấy Long Đĩnh cũng không thể khiến tôi hài lòng.

Nhớ lại ngày hôm đó...

"Bẩm chúa thượng, có phải người đã gặp Đam vào đêm đi dạo trong rừng Mã Phù không?"

Long Đĩnh không trả lời.

Tôi tiến lại thêm chút nữa, vươn người gần sát vì sợ y không nghe rõ, toan thì thầm thì Long Đĩnh bất chợt quay đầu lại, hai chúng tôi mặt đối mặt ở một khoảng cách rất gần.

Khi mắt tôi chạm mắt Long Đĩnh khoảng không phía trước như biến tan. Tôi nghe rõ tiếng tim mình đập, cơ hồ những tháng ngày của một nghìn năm xưa cũ chảy trôi trước mặt. Long Đĩnh không trả lời mà chỉ nhìn tôi rất lâu, rất lâu. Tôi soi rõ bóng mình trong đáy mắt y. Đôi mắt đen thẫm như trời đêm, tựa như thống khổ, tựa như bi ai, tựa đè nén. Tôi vốn dĩ chỉ là một thất phụ(3) sao có thể hiểu hết được lòng người, huống hồ đó còn là bấc đế vương?

Long Đĩnh hơi mím môi, đưa tay lên.

Theo phản xạ tự nhiên nhất, tôi lùi lại.

Long Đĩnh tiến lên phía trước một chút, tôi hết đường lui đành nhắm mắt ngồi im chịu trận. Một cảm giác vừa thô ráp vừa ấm áp truyền đến. Đôi bàn tay chai sạn vì gươm đao chinh chiến, đôi bàn tay thô ráp của một người đàn ông khẽ khàng đặt lên má tôi, nửa rụt rè nửa mạnh mẽ, tựa hồ kẻ võ biền(4) sợ làm xước nhẹ một cánh hoa mai.

Tôi choàng mở mắt.

Long Đĩnh cười khổ:

"Thanh Đình..."

_______

Chú thích:

(1) bột tứ sinh cơ: loại thuốc làm chóng mọc tổ chức hạt, sinh cơ và chóng liền da. Nguyên liệu gồm: Phấn cao (20g), Phấn cây chè (16g), Ô long vỹ (8g), Phèn phi (8g), tán bột mịn rắc lên vết thương.

(2) Chi phí cơ hội: Chi phí cơ hội của một lựa chọn thay thế được định nghĩa như chi phí do đã không lựa chọn cái thay thế "tốt nhất kế tiếp".

(3) thất phụ: người đàn bà tầm thường.

(4) Võ biền: theo Từ điển Đào Duy Anh, nghĩa đen là cái mũ của người quan võ, dùng hoán dụ để gọi chung các quan võ, dần dần mở rộng để chỉ những người ưa dùng sức mạnh nhưng học thức kém, không có đầu óc (hàm ý chê bai).

*Lưu ý: tại ngữ cảnh này, từ võ biền mang hàm ý gốc, không phải nghĩa mở rộng.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.