Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 7: Ma chẩn



 Bình minh dần rõ nét trên khắp đất trời Phù Lan.

​​Bóng tối êm ái, dày đặc đã lui bớt, thay vào đó là mặt trời đã ló rạng, dần hiện rõ rệt lên từ những mảng rừng còn nguyên màu xanh xám. Tôi ngưng thúc gót hài vào hông lừa, cố gắng để nó đi chầm chậm lại trước La Đạc trên con đường chạy dọc theo bờ suối. Từng ngóc ngách của Phù Lan thấm đẫm mùi thơm ngào ngạt của những bông bạch đàn cuối mùa, mùi ngai ngái của những ngọn dương xỉ tươi xanh. Tôi và La Đạc rong ngựa qua thảm cỏ ngút ngàn, nở bung xoè trắng xoá những cánh hoa cỏ dại li ti trắng xinh.

Đi tầm nửa canh giờ thì tới sông Mã Phù, trên sông có sẵn một con thuyền, lính canh đứng chờ đưa cả người và ngựa của chúng tôi băng qua sông. Mùa mưa đã qua, dòng chảy không còn quá dữ dội. Sông Mã Phù nước trong vắt êm ả, ngồi trên thuyền có thể nhìn thấy tận đáy sông. Trại Phù Lan nằm ở hữu ngạn con sông, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới được trước cổng thành.

Tên "Trại Phù Lan" nhưng hoàn toàn không phải "trại" như trong tưởng tượng của tôi, cũng khác xa so với doanh trại quân đội. Hoá ra "trại" là từ để chỉ một đơn vị hành chính. Tôi đứng ngoài ngước nhìn lên trên, toà thành rộng lớn dễ cao đến cả mấy chục thước được xây bằng những phiến đá kiên cố, vuông vức. Thấy có người lại gần, một lính canh trong vọng gác nhanh nhảu đánh thanh la. Ngay gần như lập tức từ phía sau thành lớp lớp binh lính nhô lên, chĩa thẳng cung tên về phía tôi. Trong kế hoạch tự sát của mình tôi đã từng tưởng tượng ra trăm nghìn cách chết khác nhau duy chỉ có việc trở thành "hồng tâm động" của đám binh lính thì chưa từng nghĩ đến. Tôi sợ đến mức cứng đờ chân tay, cả người lẫn lừa đều như hoá đá. Trái ngược với vẻ ngốc nghếch hèn hạ kia, La Đạc dong ngựa lên chắn phía trước cho tôi, ngẩng đầu nói lớn:

"Ta phụng mệnh chúa thượng hộ tống sứ giả đến trại Phù Lan. Còn không mau bẩm báo đến Ngự Bắc Vương!"

Một tên lính mình mặc giáp sáng loá thò đầu ra, xem chừng y là người có chức sắc nhất trong cả đám. Thấy tôi và La Đạc chỉ có hai người hoàn toàn vô hại, y lùi dần về phía sau rồi chạy biến đi báo tin. Cả hai chúng tôi đứng phía dưới chờ, cứ thi thoảng La Đạc rời ngựa đi chỗ khác tôi lại rú lên như điên:

"Đừng! Cứu tôi!"

La Đạc nhìn tôi ngán ngẩm:

"Không chết được, anh đừng lo!"

"Không! Tuột tay là chết đấy." - Tôi liếc nhìn đám binh lính vẫn đang giương cung ngắm về phía mình - "Sao tôi tin được kỹ nghệ bắn cung của họ chứ?"

La Đạc lắc đầu, lại răm rắp đứng lên trên giúp tôi che chắn một chút. Đành rằng tôi hèn hạ nhưng cũng không thể cứ thế mà vạn tiễn xuyên tim, bị tiễn về nơi chín suối được. Người không vì mình trời tru đất diệt, huống hồ tôi còn có trọng trách trên vai, giúp Long Đĩnh truyền tin dẹp tan phản loạn?

Tôi bốc phét đấy, tôi sợ chết trong đau đớn thôi.

Thấy tôi lắng đến vã hết cả mồ hôi mẹ mồ hôi con, La Đac quay lại an ủi:

"Anh Đam yên tâm, luật bất thành văn dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được giết sứ giả. Sứ giả là chỉ là người đưa tin, không có giá trị về mặt quân sự. Nếu có người phải chết, khả năng tôi bị giết còn lớn hơn anh."

Tôi chẳng biết thừa, mấy lời đường mật này nói cho ai nghe chứ?

"Thế từng có ai làm sứ giả mà bị giết chưa?"

La Đạc nghiêm túc ngẫm nghĩ, nói đoạn bảo tôi:

"Chưa có ai bị giết. Năm xưa tiên đế sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chiêm Thành cũng chỉ bị bắt nhốt lại thôi."

"Nhốt... lại?" - Tôi lau mồ hôi đầm đìa trên trán - "Thế chẳng phải làm tù binh hay sao?"

Một lần nữa La Đạc lại "trấn an" tôi bằng một câu hết sức thừa thãi:

"Anh yên tâm. Tiên đế lúc đấy giận lắm, sau đó đem quân sang chém Bê Mi Thuê tại trận. Chúa thượng là con của tiên đế, tính tình người cũng chẳng khác là bao."

Khoé miệng tôi khẽ co rút, nghe mấy lời đầy hào khí vui vẻ từ miệng tên La Đạc kia chẳng khác nào bảo tôi cứ yên tâm chết, cùng lắm thì Long Đĩnh sẽ báo thù rửa hận. Có cái con khỉ khô! Bà đây sống còn chẳng thấy đâu nữa là chết!

Đợi đến lúc cổng thành được mở ra, một tốp mấy mươi binh lính rầm rập tiến lại tôi chẳng còn thiết tha gì cuộc đời này nữa. Thôi thì thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng, tôi hít một hơi sâu, rút từ trong tay nải của mình ra hai chiếc "khẩu trang" hơi xấu do may vội may vàng tối qua, đưa cho La Đạc một chiếc.

"Cái gì đây?" - Đạc nhìn vật không rõ hình thù trong tay, quay lại mặt đầy nghi hoặc hỏi tôi.

Tôi hất hàm:

"Cẩn tắc vô áy náy, trong thành có dịch. Phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất bốn thước, anh hiểu không?"

La Đạc răm rắp nghe theo, vừa chuẩn bị xong thì quân của trại Phù Lan cũng áp sát, dẫn chúng tôi vào thành.

Cổng thành mở ra, một quang cảnh huy hoàng tráng lệ trái ngược hẳn với trong tưởng tượng sà vào tầm mắt. Phù Lan không đói nghèo như tôi vẫn tưởng tượng, dọc đường đi đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà nguy nga, tường dựng cao ngất màu đỏ tươi, trang trí bằng hình ô trám lồng vô cùng đẹp mắt. Những mái ngói đủ thứ hình dạng, có cái trông như mũi hài, có cái trông như mũi lá, có cái màu đỏ, có cái ánh vàng lại có cái màu xám. (0)

"La Đạc, ở đây đẹp quá đi." - Tôi không nhịn được mà cảm thán, y chang như một kẻ quê mùa lần đầu tiên bước chân ra thành thị.

"So với Hoa Lư thì chưa là gì đâu." - Dường như đã quá quen nên Đạc chẳng có lấy nửa phần chú ý. Tôi mặc kệ, nhất thời vì quang cảnh này mà quên mất chỉ vừa ban nãy mình đã lo lắng đến thế nào.

Ở thời kỳ này nhà ai khá giả có thể nhận biết được ngay, mái ngói sẽ màu xám chứ không phải đỏ tươi như những nhà khác, lại được trang trí thêm uyên ương hay linh thú. Tôi phải ngoái đầu lại mấy bận để nhìn những cây trụ trước cổng nhà ai bóng lưỡng, to bằng mấy người ôm, đặt trên bệ hoa sen điêu khắc vô cùng tinh xảo. Khắp con đường đều rợp bóng cây, dù trời vừa sang xuân chưa được bấy lâu nhưng những tán bồ kết hay hoàng lan đã kịp trổ lá xanh mướt, vài cây quýt lủng lẳng quả tròn mập, bé xinh như những chiếc đèn lồng nhỏ. Khung cảnh vừa lạ vừa quen, đẹp đến ngỡ ngàng. Dù đã xuyên không mấy tháng nhưng tôi chỉ sống nơi rừng thiêng nước độc, ngày ngày giáp mặt với lều trại, binh lính, ngựa, chưa từng được tới nơi phố xá như vậy.

Tôi ngồi trên lưng lừa, trong lòng nửa phần tán thưởng nửa phần bi thương. Những kiến trúc đặc sắc như thế này cho đến ngàn năm sau đã gần như mất dạng chẳng còn lại chút dấu tích gì nữa. Chiến tranh, bom đạn, sự tàn phá của con người... tất cả đã khiến Đại Cồ Việt huy hoàng như bị đánh cắp khỏi lịch sử. Tôi thở dài thành tiếng, còn chưa kịp tiếp tục tiếc thương cho lịch sử thì đã bị tiếng người ồn ã phía xa làm cho không cách nào tập trung được. Tiếng người khóc ai oán, tiếng la thất thanh. Mãi cho tới lúc này tôi mới chợt nhận ra từ nãy đến giờ dù phố xá nhà cửa hoa lệ là vậy nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người. Tôi quay sang hỏi binh lính đi ngay sát mình:

"Có chuyện gì vậy?"

"Dạ bẩm, không có gì."

Tên lính càng tỏ vẻ vô sự tôi càng nghi hoặc nhưng biết dù có hỏi thêm cũng chỉ phí lời nên đành chỉ giả bộ tảng lờ rồi tiếp tục tiến về phía trước.

Đi qua hai con phố nữa thì tên lính chỉ đường đi chậm lại, dừng trước phủ đệ treo một bức hoành phi rất to. Tôi không biết đọc nhưng cũng mơ hồ đoán ra đây là nơi Ngự Bắc Vương sống. Dù gì cũng đã tới nơi, sợ cách mấy cũng chỉ có thể chịu trận. Thôi thì chết sớm siêu sinh sớm, đến đâu hay đến đó.

Phủ Ngự Bắc Vương mở lớn cả ba cửa, tôi thẳng lưng đường hoàng tiến vào bằng cửa chính giữa. Trước đây mỗi lần đi chùa bà tôi đều dạy rằng chỉ được phép đi cửa nhỏ hai bên hông, cửa lớn chỉ dành cho yếu nhân(2) qua lại. Có lẽ cả bà và tôi đều không bao giờ tưởng tượng rằng có một ngày tôi - chính đứa cháu gái nhỏ của bà lại trở thành sứ giả, đường đường chính chính đi vào từ cửa lớn như thế này.

Tôi và La Đạc được quân lính dẫn đi qua một khu vườn lớn rợp bóng cây xanh với đủ loại chim vàng anh hoàng yến líu lo không ngừng, thoang thoảng hương hoa dành dành. Dù đương mùa xuân nhưng trong vườn cơ man là hoa nở trái mùa, thi nhau khoe sắc toả hương cũng đủ biết Ngự Bắc Vương này biết hưởng thụ cỡ nào. Đi hết khu vườn chúng tôi được dẫn vào một căn phòng khách rộng dễ gấp bảy, tám lần trại của Lịch Vũ. Khắp phòng không nơi nào thiếu đồ gốm sứ tráng men hoa lệ, những chiếc lư đồng sáng loá đẫm hương trầm. Phía bên trên một cậu trai trẻ chỉ chừng mười sáu, mười bảy tuổi đang ngồi, bộ dạng khó gần. Nhìn qua thái độ cung kính của quân lính tôi đoán ngay đây chắc chắn là Ngự Bắc Vương Lê Long Cân - em trai của Lê Long Đĩnh. Long Cân còn trẻ măng, nếu đi ngoài đường có va phải thì dù đánh chết tôi cũng không tin đây là phản tặc chống lại Lê Long Đĩnh. Gương mặt trẻ măng của Long Cân khiến sự lo lắng ban đầu của tôi cũng vơi đi bớt một nửa, nhẹ nhõm thở phào.

Không đợi Long Cân cho phép, tôi ung dung tự tại ngồi xuống, La Đạc đi theo tôi vòng ra đứng phía sau ghế. Thấy tôi có vẻ là một kẻ vô hại, Long Cân ra lệnh cho quân lính lui đi bớt. Tôi rút từ trong tay lá thư hôm qua, nói:

"Tôi là sứ giả lĩnh chỉ chúa thượng giao tận tay thư này đến Ngự Bắc Vương."

Bên cạnh Long Cân có một tên hầu trông có vẻ nhanh nhẹn được việc. Y chạy lại chỗ tôi, gấp rút nhận lấy lá thư rồi cung kính dâng lên cho chủ nhân. Tôi tỏ ra bình tĩnh, ngả người vào lưng ghế, thảnh thơi thưởng thức một ngụm trà.

Long Cân nhận thư từ người hầu, điệu bộ trầm tĩnh đặc biệt không ăn khớp với khuôn mặt búng ra sữa. Cân đọc thư, càng đọc hai lông mày càng nhíu chặt, nét mặt càng xấu đi. Gương mặt này có đến ba, bốn phần giống Long Đĩnh, đặc biệt là khi tức giận. Thấy tình hình có vẻ không khả quan lắm tôi ngồi im re, cố giảm sự tồn tại của mình xuống mức thấp nhất có thể. Ấy vậy mà ngay khi vừa đọc xong thư tay Long Cân đã cuộn chặt thành nắm đấm, ngay lập tức vò nát rồi hằm hằm nhìn tôi. Nhìn tôi? Nhìn tôi làm gì? Tôi đâu có viết ra bức thư đấy?

Tiếng lòng của tôi y nào nghe hiểu, ngay khi tôi còn đang tự phân bua một mình với vẻ mặt ngây thơ vô tội, Long Cân đã hô một tiếng:

"Bay đâu, giam bọn chúng vào thôn Nam Ninh. Hai ngày sau chặt đầu thị chúng!"

Tôi chết điếng người, "nụ cười thương mại" trên môi ngay lập tức vụt tắt.

"Ngự Bắc Vương, binh lính giao tranh không giết sứ giả, người làm gì vậy?" - Tôi không tin vào tai mình, lắp bắp hỏi lại.

"Không giết sứ giả?" - Long Cân cười nhếch môi, nụ cười tàn bạo khiến bao nhiêu ý niệm tốt đẹp của tôi dành cho y từ nãy tới giờ tan thành mây khói. - "Đi mà hỏi Long Đĩnh đi!"

Trời đất ơi!

Tôi đã làm gì sai?

Ai nói cho tôi tại sao tôi lại rơi vào tình huống này? Tôi đã làm gì đáng để bị chặt đầu thị chúng? Trời ơi là trời! Tôi thầm khóc trong lòng một vạn lần, nước mắt đủ để tạo ra thêm bảy con sông Mã Phù nữa. Biết ngay mà, chuyện tốt làm gì Long Đĩnh để đến tay tôi? Lịch Vũ ơi là Lịch Vũ, người hại chết thư đồng của người rồi!

Lời của Long Cân vừa dứt ngay lập tức quân lính rầm rập tiến vào. La Đạc bước lên một bước toan bảo vệ, tôi chặn y lại, buồn bã lắc đầu. Bảo vệ cái gì chứ? Chỉ có hai người thì mọc cánh cũng không thoát khỏi cái trại Phù Lan này. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, dù không thắng được cũng chẳng bị thương. Nếu cố quá chỉ e sẽ thành quá cố. Liền ngay sau đấy chúng tôi bị giải đi, chấm dứt cuộc thương thuyết ngắn nhất trong lịch sử.

***

Mãi cho tới khi bị điệu tới thôn Nam Ninh cả tôi và La Đạc mới vỡ lẽ tại sao trên đường phố lại vắng vẻ như vậy. Dọc tuyến phố chính chẳng qua chỉ là nơi đánh lừa kẻ khác bởi sự xa hoa, giàu có không hề tồn tại. Ở đây, thôn Nam Ninh này bao đói khổ, bao lầm than của dân chúng trại Phù Lan bị lột trần sạch sẽ, phơi bày tất thảy.

Nam Ninh không có nhà ngói trắng, không có cột trụ gỗ, không có lá đề hay hoa sen trang trí. Thôn Nam Ninh lụp xụp trong những túp lều tranh rách như tổ đỉa. Khắp nơi từ mặt đất đến trên những chiếc chõng tre, trên bậc thềm hay ngay cả lối qua lại đều không thiếu người nằm la liệt. Những người hom hem gầy gò, quần áo rách bươm. Vài người trong số họ nổi mẩn đỏ, thi thoảng gãi gãi như lên cơn nghiện.

Tôi và La Đạc biết một khi tới đây thì đã chẳng có cửa quay về. Nam Ninh hẳn là nơi Ngự Bắc Vương cho nhốt những người bệnh hòng hạn chế dịch lây lan. Tôi đeo "khẩu trang" lên, ra dấu cho La Đạc đừng lại gần rồi chầm chậm tiến đến một đứa bé đang nằm mê mệt trên tay mẹ. Thấy có người lạ, bà mẹ ngẩng đầu, giương đôi mắt thâm quầng, kiệt quệ vì đói, vì mệt mỏi nhìn tôi. Tôi gật đầu nhẹ:

"Phiền chị, tôi có thể chẩn mạch cho cháu không?"

Bà mẹ có vẻ như đã tuyệt vọng nên chẳng đoái hoài gì mà buông lỏng tay đang ôm đứa trẻ ra. Tôi ngồi xuống kiểm tra qua thân nhiệt. Đứa bé sốt khá cao, nước mũi chảy không ngừng, thi thoảng người cuộn lên bởi những cơn ho như muốn xé toạc cả lá phổi. Tôi nhíu mày, tay bóp nhẹ tách miệng quan sát, rêu lưỡi trắng, niêm mạc miệng có ban chẩn đối diện với răng cối trên một và hai. Khoan đã, tôi tỉ mẩn quan sát thật kỹ. Đây chẳng phải là... hạt Koplik(2)  hay sao?

Tôi quay lại nhìn La Đạc, hai tay vô thức run rẩy:

"La Đạc, anh cách xa một chút, người này mắc bệnh sởi!"

"Sởi?" - La Đạc tròn mắt.

Tôi gật đầu:

"Phải, sởi chính là dịch ma chẩn!"

Ở thế kỷ 21, dịch sởi không còn quá đáng sợ do y học phát triển cùng tiêm chủng được mở rộng, hầu hết trẻ em đều được tiêm phòng trong những năm đầu đời, trong đó có cả tôi. Tuy nhiên sởi cũng từng là một trong những đại dịch đáng sợ nhất trong lịch sử loài người. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, tỷ lệ tử vong cao. Ở Đại Cồ Việt bây giờ mà nói, bất kể ai trong trại Phù Lan này đều có nguy cơ đã dính bệnh. Bất kể ai đều có nguy cơ sẽ chết vì dịch, kể cả tôi!

Chú thích: 

(0) Do thiếu sót về tư liệu, quang cảnh trại Phù Lan được dựa trên các tư liệu về thành Hoa Lư cùng thời và tưởng tượng của tác giả. 

Miêu tả trong phân đoạn được phỏng theo các kết quả tìm được trong hai bài nghiên cứu:

- Khai quật di tích cố đô Hoa Lư năm 2009 - 2010: Kết quả và vấn đề (Nguyễn Văn Đoàn)

- Kết quả thám sát và khai quật di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) năm 1998 (Tống Trung Tín - Trần Anh Dũng - Lê Thị Liên - Bùi Xuân Quang)

(1) yếu nhân: (要人) Người giữ chức vụ quan trọng của quốc gia.

(2) Koplik là những nốt nhỏ xuất hiện bên trong miệng, là dấu hiệu sớm của bệnh sởi rất đặc trưng trong giai đoạn đầu
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.