Mộng Chiếu

Chương 66: Ngoại truyện 3



Năm ấy, kẻ tha phương tìm được người bầu bạn.

.

.

.

Ta tung một nắm giấy tiền, chúng nương theo cơn gió mà bay lên, bay đi thật xa, thật cao. Chẳng biết chúng sẽ bay đi đâu, về đâu. Chỉ biết rằng chúng thật tự do và thoải mái, không có bất kỳ sự trói buộc nào

Chẳng mấy chốc ngọn đồi nhỏ rầu rầu xanh đã bị phủ trắng bởi giấy tiền. Bấy giờ nhang cũng đã tàn, gia gia tiến đến, vỗ nhẹ lên vai ta, giọng người nghẹn lại như có thứ vật mắc ở cổ không thể nuốt trôi xuống:

"Nào, đứng dậy đi, Uyển Nhi con."

Ta không nói gì, lặng lẽ gạt đi giọt nước mặn chát ở khoé môi. Gia gia cúi mặt, lọn tóc hạt tiêu của người che khuất mọi ý vị trong mắt. Kể cả có như thế, ta vẫn biết gia gia đang nghĩ gì.

Người khẽ giọng ôn tồn: "Giấy tiền cũng đã rải xong, bước đường cuối cũng đã tiễn. A Trân sẽ đi tìm a nương của nó thôi."

Bây giờ mới là cuối hạ thôi, cớ sao lại lạnh như vậy? Ta đưa mắt nhìn bia mộ không tên rồi lại rời xuống bát cơm trắng xới vơi lấm tấm bụi đặt bên gò đất nhỏ mà bốn bề xung quanh là cỏ dại và lá khô.

A Trân của ta, thật khổ cho đệ mà, đệ nằm đây lạnh lẽo biết bao. Đệ nằm đây, rồi nhiều năm sau ta có thể quay lại tìm đệ không? Chi bằng cũng trở về, trở về Liêu Châu - nhà của chúng ta, ta nấu cơm cho đệ ăn, thổi tiêu cho đệ nghe. Sao đệ lại không nghe lời ta rồi?

Ta buông thõng tay, thờ thẫn mà cười hỏi: "Gia gia... A Trân chết đi rồi... thật tốt."

"Thế gian này là bể khổ, đệ ấy mất rồi... không phải chịu dày vò nữa, không phải chạy nạn, không phải chịu cái đói cái rét nữa..." Cổ họng ta nghẹn lại, lời muốn nói ra rất nhiều nhưng lại chẳng thể, cuối cũng chỉ đành ngậm ngùi nuốt vào trong.

Má đã lạnh buốt từ khi nào.

Dịch bệnh đã mang đệ đệ A Trân của ta đến với mẫu thân. Ta vẫn nhớ, sáng nay ta còn cõng nó trên vai, nó nói muốn được về Liêu Châu, về nhà của chúng ta, ăn một bát cơm trắng thật lớn mà lâu nay chưa có cơ hội. Chỉ cần vậy thôi, chỉ cần một bát cơm trắng đơn sơ cũng đủ để nó vui cả ngày rồi, nó còn nói muốn chia cho ta một nửa nữa kìa.

Nhưng mà... Liêu Châu của chúng ta đã hóa thành tro mất rồi. Bằng hữu, a nương của ta cũng đã chôn lại nắm xương tàn nơi đó.

Nào có còn nhà để về.

Ta túm váy đứng dậy, hơi thở hỗn loạn lúc nhanh lúc chậm mà chính bản thân ta cũng không biết vì sao.

"Gia gia, đi thôi, nếu không sẽ muộn mất." Ta thở dài ra một hơi, các giọng lạc lạc khẽ cất lên. Người đàn ông đầu hai thứ tóc kia nhìn ta, vẻ bi thương trên mặt người hỗn tạp vô cùng. Ta biết người đã rất mệt mỏi, cái mệt mỏi đã khắc sâu trong mắt suốt bao năm qua.

...

Lá vàng đã rơi nhiều hơn, những làn gió mát mẻ chảy vào phương Nam làm xua đi cái oi bức của mùa hạ vừa rồi.

Chân ta đã mỏi nhừ, hai mắt cũng chẳng thể mở to được nữa. Ta chỉ nhớ khi ấy có một đoàn người rất đông trước mắt ta, họ lớn bé già trẻ đều có, đến cả cách ăn mặc và ngôn ngữ cũng khác nhau. Có những người đàn ông cao lớn da trắng với đôi đồng tử xanh như những viên ngọc đeo trên tay các mệnh phụ. Khi ấy ta đã giật mình, chẳng dám tin đó là con người, hoảng loạn nấp sau lưng gia gia.

Người cười hiền từ gõ gõ vào đầu ta: "Đừng sợ, họ không làm hại chúng ta đâu."

Ta vẫn ngờ vực, chẳng dám tin tưởng tuyệt đối lời của gia gia. Ấy rồi người kéo tay ta lại, chỉ ta về trường thành hùng vĩ cao lớn trước mắt chúng ta mà nói:

"Uyển Nhi con xem, chúng ta đã đến Vĩnh Yên - kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời rồi đấy."

Vĩnh Yên sao? Ta dán chặt con mắt vào tòa thành cao vạn trượng ấy, miệng không ngừng lẩm nhẩm cái tên đầy mĩ miều này. Và rồi, ta bất giác rụt chân lại.

Sự hùng vĩ to lớn của nơi đế đô này như mang thứ sức mạnh vô hình đè nặng vào lồng ngực ta, cảm thấy bản thân mới thật nhỏ bé làm sao.

Hành lý gia gia mang theo không lớn, chỉ có một tay nải đựng đầy nén bạc mà cả nhà ta tích góp suốt bao năm ròng cùng một bọc vải gói mấy quyển sách của người, chúng đều là những quyển mà gia gia thích nhất. Hay nói đúng hơn, chỉ cần là sách thì người sẽ mang theo, đó là tài sản vô giá của người.

Quả là kinh đô của một nước, phố phường rộng lớn ngày đêm tấp nập người mua kẻ bán, những thứ đồ xa xỉ đắt đỏ tưởng chừng chỉ có trong sách vở như ngà voi, đĩa bát bằng vàng, áo gấm lụa là đều được bày la liệt tại đây. Chẳng thiếu gì cả.

Đi đến đâu ta đều muốn sà vào ngắm nghía một chút, tất nhiên là chỉ ngắm thôi vì ta đâu có tiền mua. Gia gia thấy ta vui vẻ sau một quãng thời điểm dài như vậy thì cũng cười nhiều hơn. Nhưng ta cảm thấy nụ cười ấy của người rất khó hiểu, nó như pha trộn sự chua chát.

Ta biết vì sao, người cũng biết.

Gia gia nắm lấy bàn tay ta, dắt ta đến một sạp hàng tơ lụa của lão nhân người Thiên Trúc, lão ăn mặc phong trần da hơi ngăm ngăm nom rất lạ mắt. Gia gia ta có biết chút tiếng của họ nên cũng trò chuyện được đôi câu. Người dùng một lượng bạc rất lớn để mua cho ta một chiếc áo choàng lông cáo thêu hoa lựu nhỏ rất tỉ mỉ.

Người choàng áo lên vai ra, cúi xuống cười nói, giọng khàn khàn: "Uyển Nhi, mùa đông năm nay sẽ lạnh đấy, đừng để bị cảm nhé con."

"Gia gia... giờ mới sang thu mà." Ta gạt tay người xuống, trong lòng cứ nao nao.

Người khẽ thở ra một hơi, cười cười: "Thời gian trôi nhanh lắm, con à."

Có lẽ là vậy thật, thời gian trôi rất nhanh, rất nhanh. Đó là thứ vô tâm vô tình nhất thế gian, nó không đợi ai, không buông tha cho ai và cũng chẳng ai chạy thoát khỏi nó.

Gia gia lại đắt tay ta đi khắp kinh thành, nhìn ngắm những thứ mà đây là lần đầu ta được chiêm ngưỡng. Lượng bạc trong tay nải cũng dần vơi đi, không phải để mua những món hàng xa xỉ mà là những chiếc áo ấm chuẩn bị cho mùa đông.

Ngày hôm ấy gia gia gọi ta dậy rất sớm, người cùng ta gói ghém đồ đạc vào tay nải, trả lại phòng cho bà chủ rồi chúng ta cùng đi trên con đường hoa lệ tràn ngập tiếng nói cười. Ta cứ im lặng, gia gia cũng vậy, chúng ta chẳng ai nói ai câu nào, giữ sự yên lặng tuyệt đối đến khi tới nơi.

Ta dừng bước, mặt không cảm xúc ngửa lên nhìn, lòng bàn tay siết chặt bọc vải ôm trước bụng. Sự hồi hộp đan xen sợ hãi đã gần như chiếm trọn cảm xúc của ta bấy giờ.

Những gì khi ấy ta nhớ chỉ là đại môn rộng thênh thang, hàng lính vận giáp phục uy phong và dáng hình một nam nhân đứng cô độc lạnh lẽo giữa những con người ấy. Người nọ quay lưng lại, thần sắc vẫn điềm tĩnh mà đầy suy tư, ông vừa nhìn thấy gia gia thì khoé miệng cũng bất giác cong lên.



Ta còn chưa kịp định hình mọi chuyện, gia ta đã kéo tay ta xuống rồi bắt ta hành lễ cùng. Ta không biết ông ta là ai, cũng không biết phải hành lễ thế nào cho phải phép, tay chân cứ lóng ngóng, cố cúi đầu sát đất nhất có thể.

Chỉ nghe văng vẳng bên tai tiếng của gia gia: "Bái kiến Thái phó đại nhân."

Ta sợ hãi không thôi, hai chân sau váy cứ run run. Ta chẳng nghĩ nổi cái gì, cũng chẳng dám nói điều gì.

Ta chỉ biết gia gia sắp bỏ rơi ta rồi.

Ta chẳng nhớ gì cả.

Rất lâu sau, người đưa tay quệt nhẹ đi hàng nước mắt đang lăn dài trên mặt ta, người hôn lên trán ta một cái rất nhẹ, tưởng chừng chỉ là một cơn gió thoảng qua. Gương mặt điểm vài nếp nhăn của người mỗi lúc một trở nên khắc khổ, mặc cho có đau thương thế nào thì người vẫn cố nặn ra nụ cười với ta rồi căn dặn, có lẽ đó cũng là lời cuối cùng ta nhớ được:

"Uyển Nhi, từ giờ Nhiếp phủ là nhà của con, Nhiếp ông Nhiếp bà là phụ mẫu của con, thành Vĩnh Yên là quê hương của con. Đừng bao giờ quên. Ta đi nghe con."

Không. Nhà của ta ở thành Liêu Châu, ông của ta là người, mẫu thân ta đã là nắm xương tàn, đệ đệ tỷ muội ta đều không còn. Sao người lại bắt ta chấp nhận những thứ giả dối này?

Giấy trắng mực đen đã rõ, giờ ta mất đi thân phận, mất đi tất cả rồi.

Ta ngoảnh lại, phía sau ta chẳng còn gì, một đoạn ký ức ta muốn quên đi. Ta trông phía trước, hình bóng gia gia tiêu tan tự bao giờ. Người ta muốn níu giữ nhất, cuối cùng cũng bỏ ta lại.

Trước kia vốn đã chẳng dư giả gì, nay làm con ở nhà người ta cũng đâu có gì thay đổi đâu. Có chăng trước kia là ở Liêu Châu, còn giờ đây là ở chốn phồn hoa này mà thôi. Nhưng ta đâu có cần, ta muốn về nhà, gia gia.

.

.

.

Hôm ấy, bóng chiều rợp hoa, gió thu mang theo hơi nước mát lạnh từ hồ sen. Trước hiên phòng, một nữ nhân nhỏ bé gầy yếu ngồi trên ghế lật giở từng trang sách đã ố màu. Hàng mi đen nhánh rủ xuống che đi đôi mắt có chiều sâu của nàng, hệt như đang ngủ trên ghế.

Ta rụt rè đến gần, trong đầu hiện lên vô vàn câu hỏi. Sao vị tiểu thư này lại gầy yếu như vậy? Sao lại không có hạ nhân nào ở đây? Đây liệu có đúng là Tam nương của Nhiếp thị không? Nhìn nàng ấy chẳng có gì giống một đại quý tộc cả.

"Bẩm... tiểu nữ là nô bộc mới vào phủ, được phu nhân và lão gia giao phó hầu hạ người..." Ta lấy hết can đảm mở lời trước, cứ ngỡ người kia sẽ kiêu căng chảnh chọe trước một kẻ thấp hèn này, đâu có ngờ nàng lại buông sách xuống rồi nhìn ta, ngây ngốc nói: "Hầu hạ? Vậy thật có duyên, ta tên Nhiếp Tư Mặc, ngươi tên gì?"

Ta ngây người ra đó một hồi lâu, cuối cùng mới luống cuống hành lễ đáp lại: "Tiểu nữ không có họ, tên Uyển Nhi!"

Giọng nàng ấy rất nhỏ nhẹ, mềm mại, cứ như tiếng tiêu ngân bên tai. Ta nghe người trong phủ nói, vị Tam nương này từ khi sinh ra đã yếu ớt nhiều bệnh, năm ba tuổi mới có thể xuống giường, đến bây giờ việc di chuyển vẫn phải có sự hỗ trợ của người khác. Bọn họ còn nói tính tình của nàng rất kỳ quái, chẳng nói chẳng rằng gì, coi mọi thứ xung quanh chỉ là hư vô.

Nhiếp Tư Mặc nhìn ta rồi cười nói, gương mặt non nớt thanh thuần của đứa trẻ sáu tuổi ấy tuy thấm đượm mỏi mệt nhưng thật khiến người ta dễ chịu: "Uyển Nhi, lại đây ăn mứt quả với ta không?"

Ta tròn mắt, cuối cùng mới lon ton chạy lại, đỏ mặt nhìn nàng ấy, ta chỉ là một hạ nhân, đối tốt vậy để làm gì?

"Này, ăn đi, đây là mứt quả mà nhị ca ta mang về sau chuyến đi, rất ngon đó."

...

"Tiểu thư à, mấy cuốn này để đâu?" Ta vừa gọi hỏi vừa thu xếp đống sách mà tiểu chủ từ bày ra. Nàng nhúng tay vào thau nước ấm trong phòng tắm, gọi vọng vào: "Để lên kệ hết đi, ta đọc xong rồi."

"Tiểu thư à, đến giờ uống thuốc."

Nàng bưng cái chén lên, húp thật nhanh như thể đó là một món canh rất ngon chứ không phải thứ thuốc đắng ngắt gì. Đến khi cạn đáy thì mới buông chén xuống, nàng vơ lấy áo, choàng nhanh lên người rồi hớn hở: "Nhanh nào Uyển Nhi, chúng ta đi đến chỗ Nhị ca, huynh ấy lại mang quà về đấy!"

"Tiểu thư à, dậy thôi nào."

"Tiểu thư à, phu nhân mang điểm tâm đến cho người này."

"Tiểu thư à, người đã dán mắt vào bàn cờ đó hai canh giờ rồi đấy, đi ngủ thôi!" Ta cau mày gắt giọng, tiểu chủ tử như cũng biết sợ như nỗi sợ ấy không tài nào lấn át được "chí khí" của nàng. Nhiếp Tư Mặc còn không thèm nhìn ta, trong miệng nàng lẩm nhẩm gì đó rất khó nghe, chỉ biết đó không phải là nói với ta mà là nhưng thứ rối rắm loằng ngoằng mà nàng tự nghĩ tự thuật lại. Một lúc sau tiểu chủ tử mới liếc ta, cười gượng vội vã nói: "Đợi ta một chút, ta sắp phá xong thế cờ rồi!" Vừa dứt câu nàng đã quay mặt vào bàn cờ luôn mà không thèm bận tâm đến kẻ nô đang hậm hực này.

Ta bất mãn giậm chân: "Một chút của người là bao lâu? Đi ngủ mau, trời lạnh rồi!"

"A, tìm ra rồi! Lão tiên sinh đừng mơ thắng được ta!'

"Đi ngủ!"

...

"Tiểu thư, chậm thôi không ngã giờ!"

"Tiểu thư à, đông năm nay tuyết rơi dày lắm, khoác áo vào đi."

"Tiểu thư, đại phu tới rồi."

"Tiểu thư, vào trong thôi, đừng để bị nhiễm lạnh. Nhị công tử sẽ về mà, người đừng nóng vội."

"Tiểu thư... người ho ra máu từ sao giờ?"

"Tiểu thư, ta có cái này ngon lắm, muốn thử không? Suỵt, khẽ thôi."



...

Đó là một ngày cuối đông, tuyết trên mái ngói đã tan từ sớm. Ba hôm trước Nhị công tử đa rời phủ cùng đoàn thương người đi về phía Đông, tiểu chủ tử cũng không buồn bã là bao, vẫn cười nói với ta như thường khi.

Nàng ngồi trước hiên nhà, hôm nay không phải ngồi để đọc sách mà là nhấm nháp nước đậu đỏ bốc khói nghi ngút.

Thật nhanh, đã năm năm ta ở Nhiếp phủ, ba năm ta theo hầu hạ tiểu cô nương ốm yếu này, cũng chứng kiến nàng lớn lên từng ngày mà cũng quên mất dáng vẻ của chính bản thân.

Nhiếp Tư Mặc vẫy vẫy tay gọi ta lại, miệng nàng cong lên thành một nụ cười mờ nhạt. Ta cũng tiến lại, còn đang nghĩ xem chủ tử gọi ta có việc gì thì nàng đã lên tiếng trước:

"Ngồi đi." Ta tròn mắt, toan từ chối nhưng nhìn vào đôi mắt tha thiết của người trước mặt thì lại chẳng thể. Ta ngồi xuống bên cạnh nàng, lẳng lặng chờ xem tiểu chủ tử sẽ nói gì tiếp theo.

Nàng thở ra một làn khói trắng, mắt hướng về gốc đào trước hiên cùng cái xích đu đã phủ dày bụi. Ta biết tiểu thư đang nhớ ai, nhưng... nàng không muốn cho ai biết, chỉ lặng lẽ nhìn cảnh vật mà nhớ lại chuyện cũ.

"Uyển Nhi này, ngươi kể cho ta về gia đình ngươi, có được không?"

Ta lặng người, chẳng biết thưa đáp sao cho phải phép, trước nay có ai hỏi về gia đình ta đâu có chứ, thực ra... cũng chẳng có gì đáng để kể cả. Cái phận đời rách nát chẳng đáng nửa xu này mà người cũng muốn nghe?

Nàng ấy cười nhạt, rủ mắt: "Thật xin lỗi, ta đã nói lời không phải. Nếu ngươi không muốn... cũng không cần phải kể."

"..."

Ta im lặng, khoé mắt cứ cay cay. Nữ nhân này khi sinh ra trong gia đình phú quý, chẳng phải lo cái ăn cái mặc, y phục luôn là lụa gấm cao sang, bước chân khỏi phủ nào ngựa nào kiệu đón đưa. Nàng ấy nào có hiểu được nỗi niềm của hạng lê dân bần cùng chúng ta?

Chẳng biết dũng khí lấy từ đâu ra, ta dụi dụi khoé mắt rồi nói với nàng, giọng không lớn không nhỏ:

"Tiểu thư... ta có một thỉnh cầu."

Nàng nghiêng mặt, trong mắt tràn ngập sự mong mỏi: "Ngươi nói đi."

Ta không dám nhìn thẳng mắt nàng, thưa: "Ta muốn đi thăm một người, chúng ta đã xa cách năm năm rồi."

...

Tiết thanh minh đất trời quang đãng, ngọn đồi trọc xưa kia nay đã phủ một màu xanh tươi mới, gió mát thổi xào xạc trên những tán cây, thổi về cả nhưng ký ức tưởng chừng đã phủ bụi mờ.

Ta đưa mảnh khăn nhỏ lau đi những vết bẩn bám trên tấm gỗ rồi cầm cây chổi cùn quét hết đám lá khô rơi quanh gò đất lạnh.

Tạ trời, thật may làm sao cuối cùng ta vẫn có thể quay lại đây tìm đệ. Ta sợ mình sẽ chết vì đói, vì khát hay vì dịch bệnh. Hoặc là… một trận lũ nào đó sẽ xới tung phần đất nơi đây mà đem đệ đi thật xa. Haiz, chí ít ông trời vẫn còn thương chúng ta.

"Tiểu thư... bia mộ của đệ ấy vẫn chưa có gì. Chữ ta không đẹp, người có thể giúp ta không."

Nhiếp Tư Mặc cười buồn, chấm nhẹ đầu bút vào nghiên mực, nhỏ giọng: "Đệ đệ ngươi tên gì?"

"A Trân."

Bàn tay nhỏ nhắn cùng bút tre đưa nhẹ trên mặt gỗ cáu bẩn đôi chỗ đã mục rữa, con chữ mềm mại ngay ngắn hiện lên, không ngờ tên của đệ đệ trong Hán tự lại đẹp như vậy. Cuối cùng ta cũng không sợ quên đệ rồi, sự tồn tại của đệ trên thế gian cũng không còn bị phủ nhận nữa.

Cổ họng ta nghẹn lại, muốn nói lời cảm ơn với tiểu chủ tử nhưng lại chẳng thể thốt ra lời nào. Ta ước gì khi ấy nước mắt ta sẽ không rơi, nhưng ta đã không làm được. Ta đổ gục bên vai Nhiếp Tư Mặc, oà khóc thật lớn như một đứa trẻ, nàng ấy cũng tựa đầu vào ta, lặng lẽ nhìn vào tấm bia lạnh rồi lại nhìn trời.

"Cứ khóc đi."

"Gia gia từng nói... đừng buồn, cũng đừng quá nhớ nó, vì làm thế chỉ khiến nó vấn vương lại cuộc sống nghèo đói này mà không thể ra đi thanh thản. Nhưng ta không làm được, ngay cả gia gia cũng đâu thể đâu."

"Nó mất ngay trên vai ta, mất vì đói, vì bệnh tật. Nó nói muốn về nhà với a nương, muốn về Liêu Châu sống những ngày trước kia. Ta đâu dám nói nhà chúng ta đã bị "họ" đốt sạch rồi."

"Người ta vẫn bảo, sống trong thời loạn chết đi là hạnh phúc nhất."

Năm năm đâu có ít ỏi gì, nó đủ dài để một kẻ vô phước như ta nhìn thấy kỳ tích. Cửu tử mở ra biết bao lần đếm không xuể, ta mơ màng nghe thấy tiếng a nương gọi ta về ăn cơm, có tiếng gia gia dạy chữ cho đám nhỏ trong thành, thấy chúng cười cười nói nói thật hạnh phúc biết bao. Ta muốn bước đến, ôm lấy a nương, muốn ngồi bên gia gia mài mực cho người, muốn cõng A Trân đi hái hoa trước hiên nhà như trước kia.

Tiếng khóc rống, tiếng gào la oán thán, mùi hôi tanh bẩn tưởi của những lưu dân ấy lại một lần nữa kéo ta về thực tại.

Họ bỏ ta cả rồi.

Nhiếp Tư Mặc ôm lấy ta, nàng nhìn vào xa xăm, chẳng biết thứ tâm tư trong mắt nàng là gì. Có lẽ là tiếc thương, có lẽ là mỉa mai, mà cũng có thể là vô vọng đến cùng cực: "Nắm cát vàng trong lòng bàn tay chớp mắt đã trôi rồi. Đoạn đường còn lại phải bước tiếp đi thôi."

"Ta làm muội muội của ngươi, ngươi là tỷ tỷ của ta, Nhiếp phủ là nhà của ngươi, Vĩnh Yên là quê của chúng ta. Gia đình đâu cần chung máu mủ."

___

Góc tám nhảm:

Đăng nốt chap cuối trước khi cáo quan về ở ẩn (nói vậy thôi chứ lúc rảnh tôi vẫn onl để đọc truyện, chỉ là sẽ hơi lâu)

Tình hình là tôi đang có dấu hiệu lung lay trước bộ truyện này, không biết nói làm sao nhưng đại loại là cảm thấy nản ấy (tạm thời thôi) -_- Tôi nghĩ nó cũng đến từ nhiều lý do mà có lẽ cái lý do to bự nhất là chặng đường ôn thi 9 tháng phía trước.

Năm nay cũng là cuối cấp nên có nhiều chuyện phải bận tâm lắm, thành ra bỏ bê đứa con này khá nhiều. Tôi đang tính sẽ tạm drop nó đến tháng 6 năm sau tức là tháng 6 năm 2023 ấy :)) Tôi không biết lúc quay lại có còn độc giả hay không, cũng chẳng biết đến lúc ấy có còn cảm hứng viết hay không. Nhưng với tôi thì một khi còn có người ủng hộ thì tôi sẽ cố hết sức để đi đến cuối chặng, làm tròn trách nhiệm với đứa con tinh thần này. Hiện tại tôi vẫn tranh thủ những lúc rảnh để viết tiếp, dự là lúc comeback sẽ đăng ba, bốn chap một lúc luôn.

Tôi biết bây giờ ai cũng bận nên mọi hoạt động ngoài lề cũng chững lại để ưu tiên cho việc cá nhân. Dù sao cũng chúc cho con đường học tập và công việc của bạn thật thuận lợi, hẹn ngày gặp lại <3
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.