Toa Đô chiếm được Nghệ An lại được Trần Kiện chỉ đường đánh ra Thanh Hoá. Mặc dù tôi chỉ ngồi trong cũi sắt nhưng cũng chiêm ngưỡng được sức mạnh của bọn chúng khủng khiếp bao nhiêu.
Có điều quân của Toa Đô hiện giờ cùng lắm cũng chỉ còn bảy tám vạn, trong hai năm ở một nước nhỏ yếu như Chiêm Thành mà ông ta để thất thoát gần mười ba vạn quân. Một là cái chốn rừng thiêng nước độc Chiêm Thành quá ghê gớm, hai là Toa Đô cũng chẳng có gì đáng sợ.
Tôi thì lại thiên về vế thứ nhất hơn, bởi tôi mới vừa được nghe về tiểu sử người này.
Toa Đô là một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, vóc dáng cao lớn với cái đầu trọc cùng hàm râu quai nón trông có vẻ dữ tợn, theo như tôi thấy thì ông ta so với bọn Trần Kiện hơn hẳn về phong cách làm người.
Những truyền kỳ về Toa Đô không thiếu, ví như việc ông ta là kẻ kiêu dũng thiện chiến, nhờ những chiến công mà có ngày hôm nay. Toa Đô từng chỉ cầm một nghìn quân giữ Thái Xuyên, có trận chỉ một mình mà chém được đầu của ba trăm quân Tống.
Những chuyện đó là do con trai của Toa Đô tên là Bách Gia Nô đích thân kể cho tôi nghe, gã này không những nói sỏi tiếng ta còn biết nói cả tiếng Chiêm Thành, xem ra việc chịu cực chịu khổ ở Chiêm suốt hai năm qua đã tôi luyện gã thành một người thông thái.
Bách Gia Nô tuy thiện chiến nhưng tâm tính rất dễ nắm bắt, tôi chỉ dùng vài câu chuyện lừa lọc là đã lừa được anh ta tin mình sái cổ rồi. Chẳng biết bao năm qua trên chiến trường hiểm ác kẻ này làm sao mà sống sót nữa.
Tôi có lần nhìn phớt qua Toa Đô lúc Trần Kiện dâng tôi lên, dù Toa Đô chỉ nhìn tôi một cái nhưng Bách Gia Nô lại rất tốt bụng ném cho tôi chiếc áo choàng, thật làm kẻ đang rơi vào cảnh khốn cùng như tôi lấy làm cảm kích.
Chuyện đời tư của Thoát Hoan có vẻ rất kín kẽ nên Toa Đô chỉ nghe bọn Trần Kiện nói qua rồi để đó chứ không mấy bận tâm. Tôi thì lấy điều đó làm may mắn, nếu như ông ta xác định được là thật thì với tính cách này có khi tự mình đem tôi áp giải về Thăng Long rồi.
Nhưng cũng có thể là ông ta cảm giác được tôi là thứ hồng nhan hoạ thuỷ nên chẳng thiết tha để tôi gặp lại chủ mình.
Ngày Mười ba, tôi lại chính mắt nhìn thấy đội quân của Chiêu Minh vương đến Thanh Hoá hỗ trợ cho Trần Nhật Duật bị quân của Toa Đô do Trần Kiện chỉ điểm tập kích.
Giới hạn chịu đựng của tôi chắc cũng không còn lâu nữa, việc trải qua đói khát lâu ngày trên một chặng đường dài làm tôi cảm giác mình như mất đi rất nhiều thịt. Lâu ngày dài tháng ở cái chốn hung hiểm như chiến trường làm tôi chỉ muốn trở về cuộc sống chăm chồng dạy con.
Bách Gia Nô lại ngồi bên cạnh tôi sau cuộc chiến, trông thần sắc anh ta có vẻ mỏi mệt nhưng lúc kể với tôi đội quân của anh ta đã giết được hai tướng của Đại Việt, gương mặt bỗng trở nên hào hứng.
Tôi căng thẳng đến tột cùng vì chỉ qua những lời nói chung chung của Bách Gia Nô tôi chẳng biết được họ là ai, nhưng dù là ai đó cũng là một sự tổn thất to lớn. Đôi bàn tay tôi nằm dưới cũi sắt nắm chặt vào nhau đến rướm máu, càng thêm hận hai kẻ Lộng Kiện.
Bách Gia Nô bỗng nhiên luyến tiếc nói với tôi:
"Chiếm được Thanh Hoá thì ngày mai ta phải đưa quân đi hội quân với Trấn Nam Vương, không được trò chuyện cùng mi nữa rồi."
Tôi nghe Bách Gia Nô nói thì đoán rằng có lẽ Toa Đô thắng trận này hẳn không dễ, chắc là đang tìm cách hội quân với Thoát Hoan để kiếm thêm lương thảo cho đoàn quân đói khát. Nếu tôi đoán không lầm, Toa Đô sẽ không dại gì mà ở lại giằng co với Chiêu Minh Vương, gã sẽ cho Bách Gia Nô đi dò đường trước sau đó đại quân sẽ về Thăng Long.
Lúc này sự nhiệt huyết trong tôi bỗng ùa về. Tôi tỏ ra vẻ mặt chân thành nhất có thể, thở dài:
"May mắn thật!"
Bách Gia Nô nheo mắt nhìn tôi, tôi lại nói:
"Kiếp nay tôi không thể gặp lại chàng, bao giờ anh đến Thăng Long thì nói giúp tôi một câu thương nhớ!"
Bách Gia Nô lại nửa tin nửa ngờ hỏi:
"Thế chẳng phải dạo đó mi từ Đại Đô trốn về à?"
Tôi lại vờ như đau lòng tột độ, nước mắt như hạt châu rơi xuống song sắt, nghẹn ngào nói:
"Nói ra chắc anh không tin. Ngày đó chàng ở Đại Việt gây dựng thế lực là tôi ngày đêm ở bên, nhưng lúc chàng trở về Nguyên triều thì tôi bị vua Đại Việt bắt về làm vợ. Sau này chàng vượt đường sá xa xôi đến đây tìm mọi cách đưa tôi về Đại Đô, nhưng ai ngờ tôi bị gian tế bí mật đưa về nước. Thật ra tôi chưa hề muốn rời xa chàng."
Bách Gia Nô lại nhíu mày càng sâu:
"Ít hôm nữa chẳng phải mi sẽ được về cùng đại quân hay sao, khóc lóc cái gì?"
Tôi ho khụ khụ mấy tiếng, yếu ớt nói:
"Chỉ e cái mạng này không đợi được rồi!" – Đoạn lại cười bảo – "Nhưng anh yên tâm, nếu là chàng chắc chắn sẽ không trách tội cha anh đâu, chàng thương tôi như vậy mà. Anh cứ bảo rằng tôi chết nhưng vẫn sẽ ở dưới cầu thắng lợi cho chàng, chàng đừng trách những người vô tội."
Đúng vậy, nếu chết tôi sẽ nguyền rủa anh ta đánh đâu thua đó, sinh con không có hậu môn.
Bách Gia Nô thoáng giật mình, có vẻ thấy được sự việc lần này có thể can hệ tới cha con anh ta. Người trên đời là vậy đó, chỉ cần không liên quan tới mình thì dù có sóng thần động đất cũng không lo, nhưng hễ mà có liên quan thì dù một con kiến cũng phải lo sốt vó.
Bách Gia Nô ngẫm nghĩ một lát, bèn nghi hoặc:
"Làm sao ta tin tưởng mi được?"
Tôi quệt nước mũi trăn trối một tràng giống như ngày mai thì mình sẽ chết thật vậy. Sau đó chẳng biết chó ngáp phải ruồi thế nào lại nhắc đến Trà Luân. Nghe đến Trà Luân, Bách Gia Nô lập tức nhổm dậy, đôi mắt như phát sáng:
"Mi nói Trà Luân công chúa là bạn thân của mi, có thật không? Khéo quá, ta cũng rất thích nàng!"
Lần này tới lượt tôi mắt tròn mắt dẹt:
"Ơ, lần đó không phải nói Trà Luân sẽ lấy Thiếp Giam Can à?"
Bách Gia Nô vỗ đùi cái đét:
"Đến việc này mà mi cũng biết nữa thì chắc chắn là bạn của Trà Luân rồi. Trời ạ cái thằng khốn Thiếp Giam Can đó làm sao xứng với nàng, giống như gì ý nhỉ..? Là là...à, hoa nhài cắm cắm cái gì ý?"
Tôi dỡ trán, không dám nói anh ta là kẻ dốt mà còn học đòi chơi chữ.
"Hoa nhài cắm bãi phân trâu!"
"Đúng rồi! Đúng như vậy đấy!" – Bách Gia Nô lớn tiếng khẳng định.
Tôi khinh thường nhìn anh ta, Thiếp Giam Can không xứng thì anh xứng chắc, nếu lần đó tôi không chính tay nghe Trà Luân kể về chồng sắp cưới của cô ta thì không chừng đã bị bộ dạng ngu ngốc của thằng nhãi này lừa.
Bách Gia Nô như tìm được đồng minh liên tục luyên thuyên về Thiếp Giam Can không xứng với Trà Luân thế này thế nọ làm tôi váng vất cả đầu, nhờ thế càng trông vẻ yếu ớt bệnh tật của tôi càng thêm thuyết phục.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy tình chị em của tôi và Trà Luân dạo đó có tác dụng, dù là tình chị em cây khế động là đổ.
Bách Gia Nô nói đến mức khô nước miếng rồi thở dốc nhìn tôi, bộ dạng hả hê vô cùng. Tôi lại khen anh ta và Trà Luân xứng đôi như thế nào, ngày trước Trà Luân kể về anh ta ra sao dù tôi biết ả ta nhiều khi còn không nhớ được mặt của gã. Gương mặt của Bách Gia Nô đúng kiểu trông qua là quên ngay, xấu không xấu đẹp không đẹp, là kiểu rất chung chung. Đứng trong một toán lính không thể biết anh ta là người nào nếu như bộ quần áo không có phần xa xỉ.
Ước chừng Bách Gia Nô đã xiêu, tôi lại giở giọng buồn rầu:
"Thật ra tôi chỉ cần đi theo Trần Kiện cũng có ngày được gặp lại chàng ấy. Nhưng tôi cũng đến lúc sức cùng lực kiệt rồi, sợ là chết trên đường gian khổ. Phần vì tôi cực kỳ ghét hai kẻ đó nên chẳng muốn chúng lập công trước mặt điện hạ, phần lại sợ anh bị liên luỵ, nhỡ đâu tôi chết Thoát Hoan nổi trận lôi đình thì sao?"
Bách Gia Nô lấy tay đấm lên cũi sắt một cái, nổi giận quát:
"Không, ta sẽ không để mi phải chết!"
Tôi nhìn song sắt bị lõm vào một mảng, khẽ nuốt nước miếng đánh "ực", không những có tài bắn cung cưỡi ngựa mà quyền cước của tên này cũng thật là...
Rốt cuộc cũng có lúc tôi thoát khỏi cái cũi sắt khốn nạn này. Lúc Bách Gia Nô đỡ tôi dậy, cả người tôi không một chút sức ngã nhào vào người anh ta.
Bách Gia Nô đánh giá:
"Gầy quá, xem ra ta không cứu mi thì chỉ vài ngày nữa là mi chầu ông bà ông vải rồi!"
Đúng rồi, nhờ ơn anh tất, lần này tổ quốc sẽ ghi công anh.
Chuyến đi về Thăng Long lần này Bách Gia Nô cùng với hai tướng dưới trướng dẫn theo một cánh quân khoảng hai vạn từ Thanh Hóa đi ngược lên.
Bách Gia Nô hết tám phần tin tưởng vào câu chuyện mà tôi bịa ra, để tôi ngồi trước ngực anh ta trên ngựa. Tôi có chút khó chịu, hằn hộc bảo:
"Như thế này Thoát Hoan không xé xác anh ra mới là lạ!"
Bách Gia Nô cười hề hề có vẻ không để tâm, đáp:
"Quân lính của ta chỉ toàn là kẻ thô bỉ, ta phải đưa mi an toàn trở về mới dám nhận công chứ!"
Mọi chuyện thường không được suôn sẻ như ta suy nghĩ, tôi ngồi trên lưng ngựa suốt nửa ngày đường nhưng vẫn không có cơ hội chạy trốn khỏi ánh mắt như chó săn của Bách Gia Nô. Trừ những lúc đi vệ sinh còn lại anh ta đều không cho tôi chút cảm giác riêng tư nào cả.