Thời tiết không đẹp, mây đen áp thành, mưa rào chợt giáng.
Mưa tam phục không rơi thì thôi, đã rơi là như trời trút ngân hà, đổ ào ào, ngoài cửa sổ mưa quất chuối tây nghe chan chát.
Bên ngoài bình phong sứ thanh hoa, đại phu bắt mạch mỗi giờ Mão hằng ngày thu lại chỉ đỏ: “Ngôi thai hơi bất ổn nhưng không có gì đáng ngại, Triệu phu nhân yên tâm.”
Trong thành Lạc Dương chẳng ai là không biết Giang Đô vương rời đi ba năm, nay hồi kinh chúc thọ phụ hoàng vừa nạp một phòng thiếp thất, sủng ái hết mực. Xuất thân con hát, rất giỏi giày vò, cứ dăm ba hôm lại lấy bụng ra làm mình làm mẩy, người hầu kẻ hạ chung quanh oán thán dậy đất.
Đàn bà quá gây sự, đàn ông sớm muộn gì cũng ghét bỏ, người ta đang ngầm kháo nhau, đợi mụn vàng trong bụng chào đời, chỉ e Triệu phu nhân sẽ chẳng được sống yên lành.
Lòng bàn tay áp lên cái bụng phồng, Triệu Nga Anh hỏi: “Khoảng bao giờ thì sinh?”
Cái bụng phồng như dưa chuột nửa chín nửa không trong ruộng, hái sớm thì chát mà hái chậm thì nát.
Đại phu đáp: “Cuối tháng Tám.”
Để lại toa thuốc an thai, lúc đứng dậy cáo lui, trong túi tay áo rơi ra một cuộn chỉ ngũ sắc, bên trên cắm mấy cái kim bảy lỗ. Đầu chỉ gài chặt bị lỏng ra, cuộn chỉ lăn lông lốc ra ngoài, đại phu đuổi sát theo mấy bước nhặt lên, luôn miệng xin lỗi.
Xỏ kim khất xảo là tập tục của người Lạc Dương vào lễ Thất tịch.
Triêu Nga Anh thoáng sững người: “Hôm nay là mồng bảy tháng Bảy?”
Lấy chồng rồi chỉ toàn chuyện lông gà vỏ tỏi, quên bẵng mất cái ngày trông ngóng lúc làm cô nương.
Tiểu a hoàn hầu bên người tiễn đại phu đi, trở về thấy Triệu Nga Anh tựa khung cửa sổ hóng mát, trong tay cầm chiếc quạt tròn mặt lụa vẽ hình kỳ lân tống tử1, phe phẩy khi có khi không.
1 Kỳ lân tống tử là quan niệm của người Trung Quốc, ý là kỳ lân tặng con – tranh vẽ hay hoa văn sử dụng và tặng chúc phúc cho các cặp vợ chồng trẻ hoặc bà mẹ đang bầu thường có hình ảnh này với ngụ ý chúc sớm sinh quý tử, mẹ tròn con vuông.
Màn mưa như rèm châu, Triệu Nga Anh hỏi: “Vương gia đang ở đâu?”
Tiểu a hoàn đáp: “Túy Tiên Lâu mới có vị hoa khôi, hôm nay là ngày đầu tiếp khách, nghe nói ca vũ song tuyệt, vương gia đi xem thử rồi ạ?”
Triệu Nga Anh cười giễu.
“Quyên Nhi, em có biết không?” Ả gọi tên tiểu a hoàn, “Ý trung nhân của ta là một người đàn ông trầm mặc hướng nội, thoạt nhìn chẳng có gì nổi trội, thực chất trong lòng lồng lộng chí lớn, giúp chàng như nguyện là mong ước trọn đời của ta.”
Quyên Nhi nhất thời do dự: “Ý phu nhân là… vương gia?”
Triệu Nga Anh chỉ cười không nói, cầm quạt tròn ngâm nga: “Hỏi thế gian tình là vật chi? Mà đôi nhạn hẹn thề sinh tử? Trời nam đất bắc dang liền cánh, nóng lạnh mấy hồi vẫn bên nhau. Hoan lạc thú, ly biệt khổ, si tình nào thua gái phàm trần.”
Con hát lừng danh Tam Khánh Ban cất giọng, khiến tiểu a hoàn nghe mà mê ly.
Giang Đô vương không có nhà, vương phi Trương thị hôm nay về thăm nhà ngoại, có cả đống thời gian rảnh rỗi để mà phung phí. Triệu Nga Anh sai Quyên Nhi đi hái hoa phượng tiên, cố hương ả ở Miên Châu, Miên Châu có tập tục sơn móng tay bằng hoa phượng tiên vào lễ khất xảo.
Không bao lâu sau, Quyên Nhi ôm hoa về: “Nô tì vừa thấy đại tiểu thư một mình che ô ra khỏi cửa hông, bên cạnh chẳng có đứa hầu nào.”
Chuyện Tào Ngọc Doanh và Tạ Thiêm ầm ĩ đến cả phủ đều hay, bị Giang Đô vương cấm túc, chẳng biết tại sao lại chạy được ra ngoài. Ngày cưới của nàng và cháu ruột đại tư mã chính vào bảy ngày sau, mấy ngày trước đó đã khóc quấy cả ngày không nghỉ, vợ chồng Giang Đô vương tâm sức mệt mỏi, tính toán cưỡng bách trưởng nữ thành thân.
Tay phẩy quạt của Triệu Nga Anh khựng lại…
Tương ngộ buổi gió vàng sương ngọc, trên trời có Ngưu Lang Chức Nữ bắc cầu hỉ thước gặp nhau, nhân gian có nam nữ si tình đội mưu lén hẹn.
Ngắt cánh hoa phượng tiên bỏ trong bát sứ, Quyên Nhi lấy chày gỗ giã nát. Nước hoa đỏ au vặn từ cánh hoa ra, như độc ghen tuông trên cuống tim đàn bà, rỉ ra từng giọt, từ từ dâng ngập buồng tim.
Cánh hoa phượng tiên giã nát thoa lên móng tay, dùng vải ướt bọc lại từng ngón.
Quyên Nhi thấy Triệu Nga Anh thất thần, bất động mãi thì dè dặt lên tiếng: “Triệu phu nhân?”
Triệu Nga Anh hoàn hồn, xòe năm ngón tay ra, tỉ mỉ quan sát một hồi, bỗng cất tiếng: “Đại tiểu thư tự tiện rời phủ, đi mời vương gia.”
Giang Đô vương đang chìm đắm trong yến vũ sênh ca ở thanh lâu thì bị gọi về phủ, tay áo hãy còn vương mùi phấn. Y đã mất kiên nhẫn với Tào Ngọc Doanh, sai người thẩm vấn a hoàn mụ vú hầu hạ nàng.
Quây trong một tấc vuông hậu viện, ai nấy da mỏng thịt non, vì một chữ “Trung” nhẹ bỗng mà phải chịu khổ da thịt muôn từ khôn tả, chẳng mất bao nhiêu thì giờ đã khai ra toàn bộ.
Tiết A Ất lau khô máu nóng trên tay, hôm nay mưa dầm, mắt trái mù ngâm ngẩm đau. Hắn xoa con ngươi đã hoại tử, đi vào thư phòng bẩm báo: “Đại tiểu thư và Tạ thất lang hẹn nhau giờ Tuất rưỡi hội tụ ở rừng cây phía đông thành, rời khỏi Lạc Dương trong đêm.”
Giang Đô vương đứng chắp tay trước cửa sổ, sừng sững bất động, Tiết A Ất bỗng có cảm giác sống lưng y còng xuống, toát lên vẻ già cỗi.
Hồi lâu sau, chợt cười lạnh: “Cô thật đúng là đẻ được đứa con gái ngoan… Bây giờ giờ nào?”
Tiết A Ất đáp: “Giờ Thân canh ba.”
Giang Đô vương phân phó: “Thông báo cho Đại lý tự khanh, thẩm vấn gia quyến Tạ tướng suốt đêm.”
Một người đắc đạo gà chó lên trời, ngược lại cũng vậy.
Đại lý tự tuân lệnh điều tra án Tạ tướng nhận hối lộ, gia quyến nhà ông ta và tài sản tịch thu từ phủ họ Tạ cùng bị bỏ ngục. Ngoài Tạ Thiêm không biết đang ở đâu thì từ cụ già tám mươi đến trẻ con trong tã, bảy mươi tám miệng ăn của nhà họ Tạ đều bị nhốt trọn trong nhà tù của Đại lý tự.
Giang Đô vương đang đánh cuộc, cược Tạ Thiêm là một con sói lẻ thật hay là người chí tình ngoài mạnh trong yếu.
Tiết A Ất đáp vâng, thấy không còn dặn dò gì khác thì không khỏi mở miệng hỏi: “Vương gia, có cần đón đại tiểu thư về phủ không ạ?”
“Không cần.” Ba lần bốn lượt, Giang Đô vương đã bực bội đủ, “Đâm phải tường nam khắc tự biết quay đầu lại thôi.”
Mưa tam phục tới mau đi cũng gấp, rơi chưa đầy một giờ đã ngơi. Sau cơn mưa gió mát nổi lên, giữa hè được một buổi sảng khoái hiếm hoi, giọt mưa còn sót lại trên mảnh ngói rơi xuống theo mái hiên, thi nhau thánh thót.
Lúc tiếng “tí tách” ngừng, Tạ Thiêm đến.
Thiếu niên thân tựa bạch dương, sau lưng đeo thanh kiếm ba thước, gầy đi rất nhiều, gương mặt xương xương bị nước mưa gột rửa trắng nhợt.
Cúi sống lưng thẳng tắp xuống, Tạ Thiêm dập đầu: “Cha tôi chịu phạt đúng tội, người nhà họ Tạ an hưởng mồ hôi nước mắt của nhân dân, vừa có danh lại vừa phú quý, Đại lý tự xử thế nào, tiểu tử cũng không oán hận nửa câu. Nhưng họa lao tù trước mắt phải chịu là vô duyên vô cớ, xin vương gia tha cho người vô tội.”
Mẹ đẻ và em gái ruột của Tạ Thiêm đều ở Đại lý tự, tra hỏi không thể thiếu dụng hình, nữ quyến nâng niu trong thâm khuê chịu sao cho đặng.
Giang Đô vương ngồi trên ghế thái sư, ung dung pha một ấm đại hồng bào, lúc này mới lên tiếng: “Người xưa có câu chớ khinh thiếu niên nghèo, nể mặt Tô chưởng môn, cô cho ngươi một cơ hội.”
“Nghe nói bình sinh ngươi tỉ võ với người ta thích nhất trò ‘đao xuất tay thu’, chưa từng thua trận.” Giang Đô vương nói, “Cô muốn mở mang tầm mắt, Tạ tiểu công tử thấy thế nào?”
“Tốt, thống khoái!” Giang Đô vương sai Tiết A Ất, “Đi mời Phùng thị lại đây.”
Người hầu mang từ trong nhà ra một cái ghế gỗ hoa lê dài hai thước đặt giữa sân. Một lát sau, Phùng Thiếu Mị đến, đang là giờ lên đèn, kho nồi cá chép được một nửa thì bị gọi tới, trên người dính mùi thịt và khói bếp.
Tạ Thiêm cau mày: “Tôi không đấu với phụ nữ.”
Thư đồng bưng giá cắm nến thắp sáng đèn đá hai bên, trong hoàng hôn, gương mặt mờ tối của người đàn bà chợt sáng bừng.
Phùng Thiếu Mị lấy dao mổ cá buộc trên đai lưng ra: “Tạ tiểu công tử, mời.”
Tạ Thiêm quỳ một chân ở một đầu ghế, cánh tay phải đặt ngang trên mặt ghế, lòng bàn tay úp xuống. Phùng Thiếu Mị đứng tấn trước ghế dài, hai tay nắm dao, giơ cao khỏi đỉnh đầu.
Phùng Thiếu Mị nói: “Đổi tay trái đi.”
Tạ Thiêm lắc đầu: “Tay phải thu mau.”
Tiết A Ất chụm đầu ngón trỏ và ngón cái vào với nhau tạo thành vòng khuyên, đặt dưới lưỡi, thổi: “Huýt…”
Dao mổ cá vung xuống, cắm ba phân vào gỗ, Tạ Thiêm ôm cổ tay cụt gào thảm, ngã ngồi xuống đất. Bàn tay cụt lăn lông lốc xuống ghế, dao quá nhanh, sau ba hơi thở mới rỉ máu, chảy dọc theo kẽ đá ra xa.
Phùng Thiếu Mị vẩy máu trên dao, chợt nhớ đến con lợn sữa giết khi còn bé.
Chặt móng lợn với chặt tay người cũng chẳng quá khác biệt.
Giang Đô vương không muốn giữ mạng Tạ Thiêm, chưa bàn đến chuyện Tào Ngọc Doanh, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, huống hồ Tạ Thiêm còn là kì tài võ học đến Hoài lão gia tử lúc còn sống cũng phải khen, dẫu không có tay phải cũng khó lường được tương lai có tro tàn cháy lại hay không.
Phân phó Tiết A Ất xử lí Tạ Thiêm, Giang Đô vương đang định quay về thư phòng thì thấy thư đồng lảo đảo chạy tới.
“Vương gia…” Thư đồng tái mét mặt, “Đại tiểu thư chờ mãi không thấy Tạ thất lang tới, nhất thời nóng lòng, sẩy chân ngã vào hố đá, gãy chân phải rồi!”
Trong tiểu viện phía đông, tiểu a hoàn thắp đèn, đóng cửa sổ, chặn đứng huyên náo bên ngoài.
Vải ướt quấn trên móng tay đã khô, Triệu Nga Anh cởi vải ra, giũ cánh hoa phượng tiên đã khô quắt đi, giơ năm ngón tay ra soi trước nến.
Đầu ngón tay sơn đỏ, diễm lệ ướt át.
***
Thân phận Tạ Thiêm trọng yếu, nhất là khi Đại lý tự đang điều tra vụ án Tạ tướng nhận hối lộ, cậu phải chết, phải im hơi lắng tiếng mà chết. Tiết A Ất điểm huyệt Tạ Thiêm, xách đai lưng cậu đi về phía địa lao vương phủ.
Lúc sắp tới nơi, thiếu niên bỗng mở miệng: “Tiết đại lang, anh có quen người phụ nữ nào tên Trần Xuân Nương không?”
Chân Tiết A Ất khựng lại.
Tạ Thiêm nói tiếp: “Nếu còn sống thì năm nay bà ấy khoảng bốn mươi hai tuổi. Lần đầu gặp anh đã có cảm giác quen quen, sau đó mới nhớ ra, anh giống Trần di nương thiếp của chú hai tôi đến sáu, bảy phần.”
Tiết A Ất nhắm mắt rồi mở lại ra: “Bà ấy chết rồi?”
“Năm ngoái bị bệnh qua đời, gặp trúng bệnh cấp tính, không phải chịu khổ gì nhiều.” Tạ Thiêm tò mò, “Trần di nương có quan hệ gì với anh?”
Tiết A Ất đáp: “Bà ấy là mẹ tôi.”
Tạ Thiêm kinh ngạc.
Tiết A Ất buông tay thả cậu xuống, đỡ cậu dựa vào tường ngồi xuống. Thiếu niên rất nhếch nhác, chỗ đau không thuyên giảm, mặt trắng như giấy, mồ hôi lạnh thấm ướt tóc mai, tiếng thở dốc nặng nề.
Cậu cảm ơn, run môi mở miệng: “Trần di nương cưới chú hai tôi sinh được hai người con trai, đứa lớn mấy ngày trước chết yểu, đứa nhỏ còn sống, tên là Tạ Khê, là con út của chú hai, chưa từng gặp người ngoài. Chú hai tự biết lần này khó lòng thoát chết, trước khi xảy ra chuyện đã treo đầu dê bán thịt chó giấu thằng bé đi, tôi biết ở đâu.”
Dừng một chút, Tạ Thiêm hỏi: “Có đủ đổi lấy mạng tôi không?”
Tiết A Ất không đáp mà hỏi ngược lại: “Đứa lớn tên gì?”
“Tạ Hồng.” Tạ Thiêm nói, “Chắc hẳn anh đã nghe nói, mấy ngày trước đêm nằm trên giường bị người ta đâm chết.”
Chỗ giấu Tạ Khê là một tiểu viện hẻo lánh phía tây thành, chuyện xảy ra quá đột ngột, Tạ nhị gia không kịp đứa con út rời khỏi Lạc Dương, chỉ để lại hai nô bộc trung thành chăm nom. Tiết A Ất đi theo Tạ Thiêm tránh né người hầu giữ cửa, lần mò trong bóng tối đi vào buồng trong.
Trên sập cuộn tròn một bé trai bảy, tám tuổi, khuôn mặt nhỏ nhắn đặt trên gối, ngủ say sưa.
Tạ Khê và Tạ Hồng giống nhau sáu, bảy phần, mũi và tai thì rất giống Thúy Thúy. Mẹ rời nhà mười bảy năm, Tiết A Ất không nhớ nổi trông bà ra sao nữa.
Không cẩn thận chạm phải má Tạ Khê, thân mình đứa trẻ mềm ấm, Tiết A Ất rụt tay về như bị sắt nóng làm phỏng.
Đi ra giải huyệt cho Tạ Thiêm: “Cậu đi đi.”
Thiếu niên hoạt động cánh tay cứng ngắc, thõng xuống, dưới tay áo bên phải trống trơn, đong đưa qua lại theo động tác. Cậu chưa nhổ giò, thấp hơn Tiết A Ất nửa cái đầu, cổ tay cụt đau đớn khó nhịn, lưng thiếu niên vẫn thẳng tắp như xưa, y hệt thanh kiếm ba thước sau lưng.
Đây là một viên ngọc thô chưa qua mài giũa, nhoáng cái đã bị hủy hoại trong khoảnh khắc.
Bất đồ nảy sinh lòng mến tài hiếm hoi, Tiết A Ất nói: “Giang Đô vương là người lòng dạ hẹp hòi, đi rồi đừng quay lại nữa.”
Nửa đêm canh ba, chiêng trống phu canh đã gõ mấy lượt, ve kêu không dứt bên tai, oi bức ngột ngạt. Rõ ràng mưa đã tạnh từ sớm mà con mắt trái mù lòa của Tiết A Ất lại vẫn còn đau, hắn tâm phiền ý loạn.
Có cửa tiệm còn chưa đóng cửa, ánh nến lớn chừng hạt đậu chói mắt khôn kể.
Ngửi thấy mùi thịt, Tiết A Ất mới nhận ra mình đói, từ lúc sáng sớm ra cửa đến giờ chưa bỏ được miếng nào vào bụng, hắn gọi một bát mì suông.
Dọn món lên là một cô bé, mười hai, mười ba tuổi, tóc buộc thành hai búi bèm bẹp. Thấy Tiết A Ất ngồi thẫn thờ như tượng phật trong miếu thì không khỏi gọi: “Khách quan?”
Đặt bát mì lên bàn, e sợ thực khách xảy ra chuyện ở đây, cô bé khuyên nhủ: “Khách quan, tục ngữ có câu rất hay, dân coi ăn là trời. Ngài có chuyện phiền lòng đến đâu cũng phải lấp no bụng trước đã chứ, phải không?”
Tiết A Ất cầm đũa lên, gắp một miếng to tọng vào miệng, nhai nhồm nhoàm.
Cô bé xoay người định đi, thực khách sau lưng bỗng cất tiếng: “Biết vì sao con mắt này mù không?”
Chẳng đợi đối phương trả lời, Tiết A Ất tự hỏi tự đáp: “Mẹ chê cha nghèo, chạy theo khách quý từ Lạc Dương tới. Tôi nghe lỏm được khách quý họ Tạ, mười tuổi đã cãi cha một trận to, chạy ra ngoài tìm mẹ. Mặt mũi lấm lem chạy đến Lạc Dương, khó khăn lắm mới mò tới trước cổng nhà họ Tạ, nói với gác cổng muốn tìm mẹ, gã đạp tôi một cước, chém tôi một đao, thế là con mắt này mù.”
“Hôm ấy trời cũng mưa như hôm nay vậy, tiếng mưa rơi rả rích,” Hắn nói, “Con mắt mù kia rất đau, rất đau.”
Cô bé thấy rõ vết sẹo trên mắt trái của Tiết A Ất, chém từ xương lông mày đến xương gò má, lùi lại một bước.
“Gã lôi tôi sang một bên vừa đạp vừa đá, tôi lựa lúc gã sơ sẩy, cướp lấy đao, chém đầu gã.” Tiết A Ất chợt cười, “Đó là người đầu tiên tôi giết.”
Cô bé trắng bệch mặt chạy đi.
Tiết A Ất cầm đũa hút sợi mì, để lâu một lúc, mì đã nở ra mềm nhũn, không bỏ muối, nhão ngấy vô vị.
Thật ra hắn không thích trẻ con, mẹ bỏ nhà đi từ thời niên thiếu, cha ra ngoài mưu sinh, Thúy Thúy trong tã hở ra là khóc không thôi, không khỏi phát phiền.
Bát mì nhanh chóng thấy đáy, móc vài đồng tiền ra đặt cạnh bát sành, Tiết A Ất vòng về đường cũ.
Hắn quay trở lại tiểu viện giấu Tạ Khê, thừa lúc người ở chưa tỉnh, bế bé trai đi.
Trên đường về, trời đã sáng bảnh, thành Lạc Dương yên ắng rộ lên huyên náo. Bị tiếng con buôn rao hàng đánh thức, đứa bé trong lòng cựa quậy, mở mắt.
Tỉnh lại bị người lạ ôm trong lòng mà Tạ Khê chẳng khóc chẳng quấy, chỉ chớp mắt.
Bấy giờ Tiết A Ất mới cảm thấy không đúng.
Hắn ngồi xổm xuống, nhìn thẳng vào mắt Tạ Khê, ánh mắt đứa bé đờ đẫn vô hồn, như con phỗng người Tây Dương mang đến.
Tạ Thiêm giấu lời không nói hết: Tạ Khê sinh ra đã là đứa ngốc, năm tuổi mới biết nói, nhát gừng từng chữ, trẻ tám tuổi mà tâm trí không khác gì ba, bốn tuổi. Bằng không Tạ nhị gia đã chẳng liều mạng cá chết lưới rách, táng cả nhà họ Tạ đồ sộ như vậy theo con.
Phố chợ nhộn nhịp, ngựa xe như mắc cửi.
“Tiểu… Khê,” Tiết A Ất nắm cánh tay bé trai như bắt cái phao cứu mạng cuối cùng, “Gọi đại ca đi.”