Người Cũ Đường Mới

Chương 27



.:. 28: Yêu đương nồng cháy với Thẩm Bão Sơn đi thôi.:.

Không ngoài dự đoán qua hôm sau Lý Trì Thư bị cảm nặng hơn, tôi đưa em đi khám, không phát sốt, có lẽ một ngày nữa sẽ dần khỏi.

Em đi thăm bà ngoại ở viện dưỡng lão đến lúc về đã gần chiều, mệt lả người không thể vực dậy tinh thần, bị tôi giục uống thuốc nhét vào chăn ngủ hai tiếng, đến tận khi tôi gọi dậy ăn cơm vẫn không chịu tỉnh.

Tôi ngồi xổm bên giường vỗ Lý Trì Thư hai lần, em mới mơ mơ màng màng mở mắt: “Mấy giờ rồi?”

“5 giờ.” Tôi từ từ đỡ em dậy, “Có đỡ hơn chút nào không?”

Lý Trì Thư nói đầu óc thanh tỉnh hơn, lúc ăn chỉ lùa mấy đũa hời hợt rồi đặt đũa xuống, ngồi thẫn thờ trên ghế, chợt lên tiếng: “Thẩm Bão Sơn, em muốn xem hình anh chụp cho em.”

Tôi lấy điện thoại ra, Lý Trì Thư lướt tới lướt lui hai tấm hình tôi chụp em, cười thoáng tiếc nuối: “Em không có hình của anh.”

Tấm hình đầu tiên của tôi mà Lý Trì Thư có là hình chụp tập thể lớp 21 tốt nghiệp. Chiều hôm đó em đến văn phòng nhận hình giúp cả lớp, nhìn thấy một xấp hình in màu trong phong bì trên chiếc bàn đối diện với bàn chủ nhiệm lớp mình, tâm tư không khỏi quay cuồng.

“Nếu em can đảm hơn, em có thể lấy được tấm hình đầu tiên của anh.” Mấy năm sau, Lý Trì Thư kể chuyện này trong khi đang cầm một xấp giấy photocopy in màu, “Lúc ấy em nghĩ, có lẽ đây là vật duy nhất về anh mà em có cơ hội giữ nó trong đời.”

Nhưng Lý Trì Thư được giáo dưỡng từ nhỏ và đạo đức phẩm hạnh trong em ngăn cản khao khát rút đi một tấm trong xấp hình đó.

“Nếu lấy đi một tấm, hoặc thay thế bằng hình của lớp 25 thì sẽ có một người bạn trong lớp anh bị mất hình tốt nghiệp của mình.” Lý Trì Thư lắc đầu, “Mỗi người chỉ có một phần, em không thể làm thế.”

Thế là em nhân lúc buổi chiều vắng người lấy vội một tấm hình ở trên bàn chủ nhiệm lớp tôi, dùng 10 phút cuối trước giờ tự học chạy xuống tiệm photocopy ở lầu trệt, nhờ vả chủ tiệm in một bản có màu trong ánh mắt kỳ quặc của chủ tiệm, dùng giấy in phổ biến mất, không cần ép nhựa gia công, không cần tráng ảnh, chỉ in màu là đủ.

In màu đắt hơn mấy lần in trắng đen, trên đường đi Lý Trì Thư đã băn khoăn rất nhiều nhưng vì trong hình có Thẩm Bão Sơn, em quyết định dành một cơ hội hiếm hoi lúc còn trẻ không có nhiều tiền cho người ấy.

Một tấm hình in màu chất lượng kém và nụ cười mờ ảo của một người đã gánh vô số giấc mộng đẹp của Lý Trì Thư, được gìn giữ trọn 12 năm.

Tôi cầm điện thoại mở camera lên: “Bây giờ anh chụp với em một tấm.”

Lý Trì Thư cười né tránh: “Bây giờ em không muốn.”

“Vì sao?”

“Bị bệnh, chụp không đẹp.”

“Nói bậy,” tôi xoa người em, “Cục vàng làm gì cũng đẹp.”

Lý Trì Thư vẫn không chịu: “Lần sau nha Thẩm Bão Sơn, bức hình đầu tiên phải chụp thật chu đáo mới được.”

“Ừ.” Tôi thấy em không chịu thì thôi, “Lần sau… Chúng ta chụp lúc đi du xuân, nhờ Tưởng Trì cầm máy ảnh chụp cho mình.”

“Được.” Lý Trì Thư lại cầm bát cơm lên ăn, ăn ngắt quãng, nhìn cơm trong bát bất ngờ nói, “Chụp xong in ra, đặt trong nhà của chúng ta sau này.”

Tôi khựng tay đang cầm bát.

Lý Trì Thư nói nhà của chúng tôi sau này.

“Ừ,” tôi kìm nén cơn sóng lớn trong lòng, gắp một miếng thịt gà bỏ vào bát em, bất cẩn gõ đũa vào thành bát vang thành tiếng, “Đặt ở chỗ nào trong nhà?”

Lý Trì Thư nhìn ra ngoài cửa sổ trầm ngâm, “Ừ… Ở đầu giường, trên tủ đầu giường hoặc là trên bàn. Anh thấy sao?”

“Ừ, để hết.” Tôi nói, “In thêm tấm lớn treo trên tường.”

Lý Trì Thư cười: “Hình đám cưới mới treo như vậy.”

“Sau này chúng ta đi chụp hình đám cưới.”

“Sao hai chúng ta chụp hình đám cưới được chứ?”

“Sao hai chúng ta không thể chụp? Em còn tính kéo theo Tưởng Trì?”

Lý Trì Thư rất bất lực: “Không phải…”

Tôi nhìn quầng thâm do quanh năm không có giấc ngủ ngon dưới mắt em, bất ngờ hỏi: “Lý Trì Thư, học kỳ sao em muốn sống chung với anh không?”



Mồng Bốn Tết ban Quản lý Ký túc xá đã mở lại, tôi đi cùng Lý Trì Thư liên hệ với trường làm thủ tục trả phòng ký túc xá, một ngày trước khi đi học lại em xách theo vali cực kỳ giản dị và túi xách nặng trịch đi cùng tôi về nhà.

Tất nhiên Lý Trì Thư đồng ý về nhà tôi sống tạm là kết quả của việc bị tôi vừa dỗ vừa lừa, điều kiện thứ nhất là nửa năm sau cha mẹ tôi đi công tác ở nước ngoài không về nhà, Lý Trì Thư không cần đối phó với các chuyện đau đầu khi sống một mình, thứ hai là phòng ký túc xá và nhà Lý Trì Thư quá lạnh lẽo, túi chườm nóng em dùng mấy năm cũng đã bị hư, mấy tháng đi học là mấy tháng bị cái lạnh quấy phá không thể ngủ ngon giấc. Tôi nói xoắn cả lưỡi cân nhắc thiệt hơn với em, cuối cùng lấy ưu thế lớn “đến nhà anh ở có thể thấy Khoai Tây mỗi ngày” ra để em không cứng rắn nữa.

Tôi với Lý Trì Thư đi con đường cổng lớn dành cho ô tô của khu dân cư, vào trong có một đoạn đường núi ngắn ngoằn ngoèo, kế vách núi là một hàng cây thông nhân tạo. Hôm nay không đi xe, trời vừa đổ mưa khu dân cư mù sương, từ khi em bước qua cổng lớn có thể nhận ra em căng thẳng hơn, cúi đầu im lặng, ngay cả bước đi cũng có sự cẩn thận không muốn giẫm nhầm mặt đường.

“Lý Trì Thư,” tôi gọi, “Lát nữa về nhà em muốn ăn gì? Anh làm cho em.”

“Ừ… Gì cũng được.” Em mím môi, nhìn túi xách của mình được tôi đeo trên vai, “Túi nặng không? Hay để em đeo cho.”

“Nặng gì đâu.” Tôi nâng một bên vai, cầm tay em ủ trong tay mình, “Em bị cảm chưa khỏi kìa, xì mũi muốn rách da.”

Em sờ nhân trung đỏ bừng của mình, ngắm khu xanh hóa tứ phía, Khoai Tây chạy từ đằng sau lên lượn vòng quanh Lý Trì Thư giúp em phần nào thả lỏng hơn.

“Anh thi đại học mà cha mẹ anh không về hả?” Em hỏi.

“Không về.” Tôi cười, “Họ nghĩ không phải chuyện lớn, cứ cố hết mình là được.”

Hầu hết thời điểm người ta tạo áp lực cho bản thân là do sự phán xét của thế giới bên ngoài. Cha mẹ tôi giác ngộ đạo lý này nên không tạo thêm áp lực cho tôi trong cái xã hội đã đủ chuyện trọng đại. Không ưu tú cũng chẳng sao, cố hết mình là được. Kết quả cuối cùng có thế nào họ vẫn vui vẻ tiếp nhận.

Trái lại, những thứ mẹ tôi cực kỳ coi trọng, ví dụ cuộc thi nhảy đường phố đầu tiên tôi tham gia cho vui năm 8 tuổi, lần đầu tiên tôi ra nước ngoài một mình học cách trượt truyết, năm 13 tuổi mày mò cách dựng video chúc mừng sinh nhật mẹ, giành giải quán quân trong cuộc thi đàn pi-a-nô, hay lần đầu tiên biểu diễn nghệ thuật trên đường phố với bạn bè năm lên 10… Những khoảnh khắc đó hầu như mẹ tôi luôn hoàn thành công việc sớm hoặc đi công tác đến xem, chưa bao giờ bà vắng mặt, chỉ để chụp một tấm hình lưu niệm cho tôi.

Căn phòng cất đàn pi-a-nô trong nhà treo đầy dấu ấn thời gian từ nhỏ đến lớn của tôi, nhỏ nhặt thôi nhưng thỉnh thoảng nhớ lại sẽ sung sướng trong lòng.

Lý Trì Thư từng nói tôi là một người không thiếu tình yêu thương, năm em nói câu ấy vẫn chưa gặp mặt cha mẹ tôi. Tôi hỏi sao em nhận ra, em thậm chí còn chưa từng tiếp xúc với bất kỳ người nào dành tình yêu thương cho tôi.

Em hỏi ngược lại: “Từ nhỏ đến lớn, từng có lúc nào anh căng thẳng cực độ chưa?”

Tôi nghĩ thật lâu: “Lần đầu tiên là.m tình với em có tính không? Anh sợ biểu hiện không tốt làm em không sướng. Ngoài ra thì hình như không có.”

Lý Trì Thư cười.

Cười xong em nói: “Thẩm Bão Sơn à, anh là một người sống thoải mái. Một người chưa bao giờ khuyết thiếu tự tin để mắc sai lầm là một người sống thoải mái.”

Trong đời tôi đã vô số lần trải nghiệm và mắc lỗi, dường như từ nhỏ cha mẹ đã cho tôi quyền được mắc lỗi —— Chẳng sao cả, dù mắc lỗi thì tôi vẫn là đứa con họ yêu nhất, kết quả bị sai sót thì họ vẫn thích, sau khi mắc lỗi tôi vẫn có thể nhận được lời khen giống như lúc thành công.

Nhưng cái tốt và cái xấu ông trời phân chia trong cuộc đời con người luôn được bảo toàn, tôi có vô số quyền được mắc lỗi trong gia đình chan chứa tình yêu thương, thế nên Lý Trì Thư, người chưa từng có được tình yêu thương, thậm chí còn không cho tôi được một lần phạm sai lầm. Tôi lơ là không trông nom em một lần, thế rồi vĩnh viễn mất đi em.

Sau đó ông trời cho tôi sống lại, để tôi như đang đi trên băng mỏng cả đời, để tôi gạt bỏ hết mọi sự vô lo chăm sóc cho Lý Trì Thư thì mới bằng lòng khoan thứ cho tôi. Ông trời vĩnh viễn công bằng.

Không biết là nếp nhăn nào trong não Lý Trì Thư không được nhăn, không được cong mà em im lặng nửa buổi, hỏi: “Là do… anh sẽ xuất ngoại?”

“Hả?”

Môi em run run, lặp lại mấy lần, nhìn xuống đất: “Là do… anh sẽ xuất ngoại học đại học đúng không? Cho nên hai bác mới không xem trọng việc anh thi đại học.”

“Không phải ——” Tôi dở khóc dở cười, “Suốt ngày em lo lắng cái gì thế? Anh mà muốn ra nước ngoài cũng phải bàn bạc với em trước chứ? Em đồng ý đến đó anh mới đi. Họ chỉ đơn thuần nghĩ là anh thi tốt hay không tốt cũng không sao hết thôi.”

Lý Trì Thư gật gù: “Ra là vậy.”

Đi qua cửa gara, tôi dẫn Lý Trì Thư lên lầu, lúc đi vào thang máy có lẽ em không thể nín nhịn được nữa: “Nhà anh… lúc nào cũng cần đi thang máy hả?”

“Có thang bộ.” Tôi nói, “Nhưng anh sợ em không thoải mái, muốn em được nghỉ ngơi sớm nên đi thang máy lên lầu hai. Về sau cũng lắp thang máy trong nhà chúng ta.”

“Về sau chúng ta…” Em bắt đầu đếm từ nút thang máy tầng hầm số 2, “Cũng sẽ sống trong nhà năm lầu?”

Em tạm dừng: “Nếu anh muốn sống, có lẽ chúng ta sẽ mua nhà muộn một chút. Em phải để dành tiền mấy năm nữa…”

Tôi xoa sống mũi, cam chịu cắt đứt nỗi lo âu của em: “Nhà một lầu cũng có thể lắp thang máy, Lý Trì Thư à.”

Em không được tự nhiên.

Tôi xoa vai em: “Cứ từ từ tìm hiểu, dù sao mấy chục năm sau, ngày lễ ngày tết đều phải quay về ngôi nhà này.”

Lý Trì Thư: “Hả?”

Tôi quay đầu đi, cười mỉm, suy xét chuyện da mặt em mỏng không nói tiếp.

Nhập học lại, Lý Trì Thư khỏi bệnh hẳn nhưng vẫn còn trong tháng 1, thời gian lạnh lẽo nhất, trời nhanh tối mà lại lâu sáng, mỗi sáng tôi và Lý Trì Thư ngồi ô tô đi học đèn đường vẫn còn mở, đường cái vẫn tối đen âm u.

Tôi có thói quen chạy bộ buổi sáng mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu mỗi tuần, gần như duy trì nó đến năm 30 tuổi, cộng thêm những năm sức khỏe Lý Trì Thư không tốt, có chút động tĩnh trên giường cũng tỉnh giấc xem em có bị sao không, vì thế 5 giờ dậy không tính là chuyện khó với tôi.

Nhưng bây giờ Lý Trì Thư còn chưa quen. Trong kỳ nghỉ vì trời lạnh nên thỉnh thoảng em nằm nướng đến 7, 8 giờ, đã quen làm vậy một, hai tuần, giờ đi học lại phải quay về với đồng hồ sinh học cũ trở nên khó khăn hơn.

Vì tôi biết rõ khẩu vị của em, từ sau khi Lý Trì Thư dọn vào sống trở thành tôi dậy sớm xuống bếp làm điểm tâm, trong nhà có dì giúp việc cũng có thể ngủ thêm một lát. Mấy lần tôi chiên sandwich xong vẫn không thấy ai đi xuống, đi lên xem sao thì Lý Trì Thư buồn ngủ díu mắt, tôi dứt khoát bưng luôn bữa sáng vào phòng gọi em dậy.

Sáng hôm đó tôi bưng sữa và mì vào phòng như thường lệ, chứng kiến một cảnh tượng rất buồn cười: Lý Trì Thư đã dậy, chắc bị đồng hồ đánh thức, ngoài rèm cửa bầu trời u ám, em ngồi trên giường vẫn chưa vén chăn lên, nhìn là biết chỉ mới rời khỏi gối nằm, mới tròng được hai tay vào áo phao chứ chưa mặc hết, treo lủng lẳng trên cánh tay như hai cánh của con chim cánh cụt —— Lý Trì Thư cứ để vậy ngồi ngủ tiếp.

Em nghiêng đầu, gà gật ngả trán về trước làm tôi nhớ lại em từng kể với mình, mùa đông hồi em còn đi nhà trẻ, bị mẹ gọi dậy tự mặc quần áo gọn gàng, trong lúc đợi mẹ làm bữa sáng thì lén ngủ gật trên giường giống thế.

“Quần áo vừa dày vừa nặng, hồi đó em mới hơn 3 tuổi, mặc chúng thậm chí không thể gập tay lại, vắt trên chăn y như chim cánh cụt.” Em kể.

Mẹ em làm bữa sáng xong, trở lại cắp nách bế em lên vừa bế đi ăn, vừa dỗ cho cục vàng của bà tỉnh dậy.

Tôi đặt sữa và bát lên bàn, ngồi ở mép giường vòng qua tay Lý Trì Thư ôm em lên.

Em gác đầu lên vai tôi, tôi nhẹ nhàng vỗ lưng em gọi: “Cục vàng… Dậy thôi.”

Em lẩm bẩm nói mớ.

Tôi nghiêng tai lắng nghe, tay vẫn vỗ nhịp nhàng: “Cục vàng nói gì vậy?”

Lý Trì Thư nửa tỉnh nửa mê dựa vào tôi: “… Mẹ ơi.”

Tôi khựng tay, Lý Trì Thư cũng choàng tỉnh cứng đờ người, ho khụ một tiếng ở trong lòng tôi, từ từ thoát ra.

Em xoa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, lầm bầm để ngụy trang: “Bị muộn rồi đúng không?”

“Vẫn còn sớm.” Tôi cúi đầu trộm cười, mặc áo lại đàng hoàng cho em, “Dậy rửa mặt ăn sáng, chúng ta cùng đi học.”



Lý Trì Thư đi vào nhà vệ sinh, tôi gấp chăn lại giúp em, vô tình xốc gối lên phát hiện một cuốn sổ nằm dưới gối. Cuốn sổ này không khác với những cuốn sổ khác của Lý Trì Thư, có thể thấy thường được lật mở, rất sạch sẽ nhưng bị quăn cong hết phần mép.

Ban đầu tôi tưởng là một cuốn sổ giải đề quan trọng hay là một môn học nào đó của Lý Trì Thư, định bụng xem xem là của môn nào để bỏ vào cặp cho em —— Xưa nay Lý Trì Thư rất có quy tắc, tất cả bài thi và vở của một môn đều được cất trong tài liệu riêng, bỏ vào trong cặp sách cùng những môn học khác.

Nhưng khi tôi lật vài trang thì phát hiện sự khác thường.

Đây không phải vở mà là cuốn nhật ký của em ấy.

Cuốn sổ này không dày, nhưng xem từ ngày bắt đầu ghi nhật ký thì Lý Trì Thư đã dùng bốn, năm năm.

Lý do là vì nội dung nhật ký của em ít ỏi đáng thương —— Ngày tháng và thời tiết viết cùng một hàng, sinh hoạt của một ngày chỉ gói gọn trong một dòng. Một trang giấy hai mặt là hình ảnh cuộc sống thu nhỏ của em trong hơn nửa tháng: Ăn, làm bài, hôm nay tiêu bao nhiêu tiền.

Một hàng mấy chữ, tuy chúng không phải trọn vẹn một ngày của em nhưng tôi nhìn thấy được mười mấy năm độc hành cơ cực của em.

Bắt đầu một ngày nào đó từ hai năm trước, trong nhật ký của em xuất hiện Thẩm Bão Sơn, bấy giờ từ một dòng chữ thỉnh thoảng sẽ biến thành hai, ba dòng, cơ bản đều là Lý Trì Thư thật thà ghi chép lại những lần gặp mặt ngẫu nhiên với tôi, quần áo tôi mặc lúc đó, cộng thêm suy đoán ngắn gọn về nơi tôi sẽ đến: Có lẽ Thẩm Bão Sơn đi chơi bóng rổ, chắc Thẩm Bão Sơn đi ăn, hình như Thẩm Bão Sơn liếc mắt qua phía bên mình, có thể là Thẩm Bão Sơn không quen biết mình.

Câu chữ của em tựa trái đắng không mùi, dù là ở vùng đất riêng tư nhất của mình cũng không pha trộn bất kỳ cảm xúc gì, chỉ đơn thuần là ghi chép, ghi chép lại một cuộc đời bị sự im lặng và lòng tự ti đày ải đến chốn không thấy ánh mặt trời.

“Đồ lừa đảo…” Tôi lật ra sau, cuối cùng lật đến ngày tôi gặp lại em ở kiếp thứ hai, tức năm tháng trước, hàng chữ bên dưới ngày tháng bỗng phóng to hơn, mắt tôi cũng nhòe đi, “Lý Trì Thư, đồ lừa đảo…”

Những năm chung sống tôi từng hỏi em có thói quen viết nhật ký không, khi đó tôi đang ngồi xem phim ở nhà với em, nữ chính bị mắc bệnh mỗi ngày tỉnh lại sẽ mất trí nhớ, khi cô đến độ tuổi hoa râm, người yêu cũng già đi giống cô, mỗi ngày đều cầm một cuốn sổ tự thuật tình yêu cả đời của họ bằng giọng điệu của một người bạn.

Lý Trì Thư xem phim đó xong thì nói với tôi: “Nếu em cũng có thể mắc bệnh này thì tốt quá. Em có thể quên đi tất cả, chỉ cần anh kể cho em chuyện liên quan đến anh, vậy thì mỗi ngày trong trí nhớ của em chỉ có anh. Em nghĩ em sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.”

Tôi nói: “Hay, sau này nếu em bệnh, mỗi buổi sáng anh sẽ cầm cuốn sổ đi quyến rũ em.”

Tôi hỏi: “Lý Trì Thư, ngày xưa em có thói quen viết nhật ký không?”

Lý Trì Thư trả lời: “Không.”

Tôi hỏi: “Vì sao không viết?”

“Không có gì hay để viết.”

Đoạn thời gian đó em vẫn hay chê thuốc Alprazolam bệnh viên kê không có tác dụng, 12 giờ uống mà đến 3 giờ vẫn không ngủ được, sau đó đổi một loại thuốc ngủ mạnh khác. Khi xem phim Lý Trì Thư uống nửa viên, trong lúc nói chuyện với tôi dần dần buồn ngủ: “Ngày xưa ngày nào của em cũng giống nhau, nếu viết nhật ký thì viết một ngày là xong nội dung của 10 năm. Mỗi ngày viết nó không gọi là viết nhật ký, gọi là chịu phạt.”

Tôi bị em chọc cười, Lý Trì Thư dựa vào lồng n.gực tôi nhắm mắt lại.

Tôi cụp mắt quan sát khuôn mặt nhạt màu huyết sắc của em, bất chợt nảy ra suy nghĩ hỏi: “Nếu có thể quay về 10 năm trước, em sẽ làm gì?”

Mãi lâu sau Lý Trì Thư vẫn không lên tiếng, tôi tưởng em đã ngủ.

Ngờ đâu lông mi em run run, nói: “Trước tiên đi tìm Lý Trì Thư 18 tuổi, nói với cậu ta đi tìm Thẩm Bão Sơn ngay bây giờ đi, nói cậu ta đừng sợ, Thẩm Bão Sơn rất dễ gần.”

“Sau đó thì sao?” Tôi hỏi.

Lại trôi qua một lúc lâu.

“Sau đó…” Lý Trì Thư nói chuyện đã gần như là nói mớ trong mộng, “Xin lỗi cậu ta. Xin lỗi cậu ta năm 18 tuổi… đã cố gắng sống tiếp.”



Lúc Lý Trì Thư đi ra nhà vệ sinh trùng hợp tôi vừa cất cuốn nhật ký về chỗ cũ, em ngồi xuống ăn sáng, bất ngờ ngước mắt quan sát tôi mãi.

“Sao?” Tôi hỏi với vẻ khó hiểu.

Em vớt mì ra rồi thả xuống bát lại: “Sao… mắt anh đỏ vậy?”

Tôi nghe xong xoa khóe mắt: “Còn đỏ hả? Lúc nãy bị rụng sợi lông mi vào, anh khó chịu muốn chết.”

Lý Trì Thư ghé qua: “Nó rơi ra chưa? Giờ còn khó chịu không?”

“Em nhắc đến thì hơi nhói lại.” Tôi rút hai tờ giấy chậm vào khóe mắt, thở ra, giục em, “Ăn mì nhanh đi.”

Vào thang máy rồi Lý Trì Thư vẫn nhìn mắt tôi, tôi đổi đề tài chỉ vào màn hình hiển thị: “Còn 5 giây nữa sẽ xuống bên dưới, nếu em còn buồn ngủ có thể ôm anh ngủ ba giây.”

“Hai giây kia thì sao?” Lý Trì Thư hỏi.

“Hai giây kia dành để hôn anh.”

Dứt lời, tôi lập tức khom người hôn em một cái, lúc tách khỏi Lý Trì Thư thì cửa thang máy cũng trùng khớp mở ra.

Tôi kéo em đi ra: “Em xem, vừa khít luôn kìa?”



Thời gian học 12 trôi qua rất nhanh, đầu xuân cũng qua rất nhanh, trước nay Lý Trì Thư luôn ghét thời tiết lạnh giá, sau khi cởi bớt từng lớp áo trên người rõ ràng em đi đứng nhẹ nhàng thoải mái hơn.

Sau chuyến du xuân là buổi lễ 100 ngày, tôi với em in ảnh chụp chung của chúng tôi đặt ở đầu giường, một tấm gia đình ba người gồm chúng tôi và Khoai Tây, một tấm tôi và em ấy, còn một tấm tôi hôn em thì Lý Trì Thư sống chết không chịu cho tôi in, chỉ đành tạm thời gác lại trong điện thoại tôi.

(*) Lễ tuyên thệ 100 ngày: Sự kiện đánh dấu 100 ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho học sinh lớp 12 bên Trung Quốc.

Mỗi ngày, dì bắt đầu chọn ra những cành hoa tươi nhất bên ngoài nhà hoặc trong vườn cắ.m vào bình hoa mỗi góc nhà, tôi đợi thời tiết dần nóng lên thì nhờ dì trồng một ít hoa dành dành trong vườn.

Ngày tốt nghiệp, Lý Trì Thư bước ra khỏi phòng thi, đợi tôi bên ngoài trường học 10 phút.

Mặt trời chói chang, mùa hè rực rỡ, tôi chạy vội ra cổng trường cầm một bó hoa dành dành hồi sáng giấu ở yên sau xe đạp chạy ngược đoàn người, băng qua huyên náo, cuối cùng tìm thấy Lý Trì Thư đứng dưới bóng cây.

Tôi đeo chiếc túi em thích, đưa bó hoa ra trước mặt em, có vài giọt sương mai bắn từ cánh hoa lên cổ áo em.

Tôi nói: “Lý Trì Thư, mùa hè đến rồi, yêu đương nồng cháy với Thẩm Bão Sơn đi thôi.”

Thật nhiều năm sau, Lý Trì Thư với tôi đi New Zealand nghỉ mát, một hôm mưa mát mẻ em ngồi trước cửa sổ đọc sách, đến lúc ấy tôi mới một lần nữa nói ra điều mình gác trong tim mấy năm trời: “Lý Trì Thư à?”

“Ừ?” Tầm mắt em vẫn dừng ở trang sách, chỉ nhẹ nhàng đáp lại bằng giọng mũi.

Tôi lề mề đi đến cạnh em, đối diện với làn mưa bụi lất phất, hỏi: “Em có từng viết nhật ký không?”

Lý Trì Thư trả lời: “Có viết chứ. Em vẫn đang viết.”

Nói xong, em ngẩng đầu nhìn tôi hai giây: “Anh muốn đọc không?”

“Em muốn cho anh đọc?”

“Ừm…” Lý Trì Thư trầm tư, “Nhật ký của em nhất tẻ nhạt, anh chắc muốn xem không?”

Tôi ngồi xuống tatami kế bên em: “Em kể với anh đi. Chọn cái nào thú vị kể với anh.”

“Thú vị?”

Em khép sách lại, nghĩ ngợi: “Điều thú vị nhất là một buổi sáng của năm học 12, em đứng bên bàn bóng bàn học từ vựng thì anh bất ngờ ném bóng rổ đến chân em, nói: ‘Chào cậu, Lý Trì Thư’. Em cảm thấy đó là ngày thú vị nhất trong đời mình.”

Em nói đến đây thì nhìn tôi: “Thẩm Bão Sơn, sao ngày hôm đó anh bỗng nhiên tìm em?”

Tại sao? Nên giải thích thế nào với Lý Trì Thư tôi với em yêu nhau mấy năm nhưng kết cục là cách biệt như trời với đất? Nên giải thích với em ra sao khi tôi đã cố gắng hết lần này đến lần khác nhưng vẫn chỉ đành trơ mắt nhìn em mệt mỏi rơi xuống?

“Anh chỉ mơ thấy một giấc mơ ở trên lớp.” Tôi nói, “Anh nghĩ là mẹ em báo mộng cho anh.”

Cho đến khi kết thúc cuộc đời, tôi vẫn không rõ rốt cuộc hai kiếp kiếp nào mới là mộng cảnh. Nếu giờ phút này mọi thứ chỉ là giấc mộng thì nó là một giấc mộng đẹp vô cùng, trăm năm đến khi chết tôi cũng không muốn tỉnh lại.

Nhưng tôi sẵn lòng tin cuộc sống ở tuổi 30 khô cằn kia mới giống giấc mộng hơn, là một sự phó thác và dặn dò của mẹ Lý Trì Thư ở trên thiên đường để tôi “khai sáng” sớm hơn, tìm lại sứ mệnh mình đánh mất. Bà không đành lòng cục vàng của bà chịu khổ nên chọn tôi đến bảo vệ thay cho bà.

“Mẹ?” Lý Trì Thư hỏi, “Anh mơ thấy mẹ em?”

“Không phải.”

Tôi nhìn vào mắt em, trong đôi con ngươi đen láy là hình ảnh phản chiếu của tôi, hình bóng tôi mười năm như một ngày.

Tôi nói: “Anh mơ thấy… bên em cả đời.”



Ngày 9 tháng 6, trời quang

Tốt nghiệp.

Lạc Khả tặng mình một bó hoa dành dành tươi, mặc dù cậu ấy tặng cho mỗi một người trong lớp nhưng đây là lần đầu tiên mình nhận được hoa. Hoa dành dành thật sự rất thơm. Cảm ơn Lạc Khả, mình rất thích, mình sẽ luôn thích nó.

Thẩm Bão Sơn, có phải em không còn cơ hội gặp lại anh không?



Ngày 9 tháng 6, trời quang.

Mùa hè bắt đầu, chính thức sóng đôi bên Thẩm Bão Sơn.

– Xong chính truyện –
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.