Người Cũ Đường Mới

Chương 4



.:. 04: Tôi còn rất nhiều chuyện muốn dẫn em ấy làm.:.

Tập hợp trước khi tan giờ học, tôi và Lý Trì Thư cách nhau nửa sân đá bóng, giáo viên thể dục thổi còi tan giờ, tôi phóng ngay qua phía bên đó.

… Nhưng bị Tưởng Trì kéo.

“Chơi chút nữa đi, hôm nay không chạy bộ, còn nửa tiếng nữa mới vào học.”

“Tao không chơi, có việc rồi.”

Tôi bất chợt nhìn thấy thẻ cơm trong túi quần Tưởng Trì.

“Mày đưa thẻ cơm của mày cho tao dùng đi.” Tôi móc của tôi ra, “Mày dùng của tao.”

Tưởng Trì vừa đổi theo lời tôi vừa lầu bầu: “Mày làm gì thế?”

“Đừng hỏi.” Tôi cất phiếu vào túi, ngoái đầu nói chuyện, lướt nhanh tìm kiếm bóng dáng Lý Trì Thư tách khỏi dòng người ở lớp 25.

Tưởng Trì hỏi: “Chơi bóng nữa không?”

Tôi lắc đầu tìm Lý Trì Thư, cất bước muốn đi.

Tưởng Trì gọi với theo: “Vậy tao gọi người khác.”

“Mày gọi đi.”

Lý Trì Thư vẫn độc hành giữa đám đông, ánh nắng chói chang, em ấy hơi cúi đầu tai hứng nắng đỏ ửng, cầm cuốn vở từ vựng đọc, thường ngửa đầu im lặng học thuộc lòng.

Tôi đi ra rào chắn nhặt áo khoác của mình trở tay vác lên vai, đến khi lại gần em ấy mới lên tiếng: “Mình đã dặn cậu chú ý đôi mắt rồi mà.”

Em ấy ngẩng đầu, tôi nhân cơ hội cầm lấy cuốn vở từ vựng trên tay em.

“Cậu ăn chưa?”

Lý Trì Thư im lặng: “… Cậu đã hỏi rồi.”

“À đã hỏi…” Tôi mím môi, “Nhưng mình đói, cậu có thể đi lên lầu ba ăn với mình không?”

Trường trung học phổ thông số 1 có hai căn tin, bài trí tương tự nhau, ba lầu, lầu một là căn tin bình dân rẻ nhất, một món mặn chất cao lên trời chỉ 1 tệ 6, món chay có mấy hào, một bữa ăn cơ bản không được hai miếng thịt. Lầu hai khá hơn, món ăn cũng đắt hơn, chay mặn cân đối, một bữa cũng cỡ 10 tệ, đa số học sinh trong trường sẽ đến đây. Lầu ba là do nhà thầu bên ngoài nhận, món gì cũng có, chiên xào rán rang, lẩu khô, thỉnh thoảng còn có món Tây, giá cả cũng đắt đỏ hơn, đi một chuyến ít cũng 20, 30 tệ, nhiều thì trên 100, là nơi mà đôi khi mọi người muốn cải thiện khẩu vị món ăn sẽ đến.

(*) 20 CNY ≈ 69.000 VNĐ. 100 CNY ≈ 343.000 VNĐ

Ba năm cấp ba tôi chưa từng đi ăn ở dưới lầu ba, còn Lý Trì Thư —— Theo hồi ức em ấy kể với tôi nhiều năm sau, em ấy chưa từng đi ăn ở trên lầu một.

Nhưng dường như với em chuyện này không to tát, những gì em ấy không kịp thử trong đời có quá nhiều, những thứ chỉ có ý nghĩa vào thời thanh xuân, chẳng hạn như một cây kem tuổi thơ 1 tệ 5, món ăn cực kỳ khác biệt trên căn tin lầu ba, trái cây đóng hộp tươi trong siêu thị dưới lòng đất, không thể ăn được chúng vào thời điểm khao khát nhất cũng như khó khăn nhất thì qua 10 năm sau, dù khi đó Lý Trì Thư có thể mua ngàn thứ vạn món cũng nếm không ra mùi vị bản thân tha thiết mơ ước thuở nhỏ.

Lúc này em ấy ngơ ngác nhìn tôi: “Mình… đi với cậu?”

Tôi biết, Thẩm Bão Sơn gần như chưa từng gặp Lý Trì Thư mà thể hiện thái độ thân mật ở trước mặt em giống ngày hôm nay thì đúng là quá đột ngột, nhưng này đã là giới hạn thấp nhất tôi có thể chịu đựng. Nếu sống lại chỉ là một giấc mộng, chẳng biết lúc nào sẽ phải tỉnh. Mà tôi còn rất nhiều chuyện muốn dẫn em ấy làm.

Đời người dẫu ngắn cũng phải chừng mấy chục năm, tôi sống phí hoài gần 30 năm trong điều kiện vật chất sung túc, lần đầu tiên cảm thấy thời gian là đối thủ khó khống chế đến vậy.

Nhưng tôi vẫn miễn cưỡng tìm lý do qua loa để em ấy không thể phản bác: “Bọn Tưởng Trì sắp chơi bóng rổ, không ai đếm xỉa mình.”

Tôi bất ngờ nói: “Cậu đi với mình đi.”

Tỏ vẻ mềm mỏng là thủ đoạn cực hữu dụng, kể từ lúc này tôi càng ngày càng thông thạo rất nhiều thứ, giỏi sử dụng các loại gương mặt đáng thương để bắt thóp Lý Trì Thư đâm lao phải theo lao.

Đúng như dự đoán, em ấy đắn đo một giây xong cúi đầu trả lời: “Ừ.”

Vì không phải giờ ăn nên lúc này chỉ có lác đác vài người trên lầu ba căn tin.

Tôi mua hai phần cơm cà ri gà, đẩy một đĩa đến trước mặt Lý Trì Thư.

Em ấy vội nói: “Mình không cần.”

“Mình đã mua rồi.” Tôi đưa cái muỗng cho em, “Cậu ăn với mình đi.”

Ngày xưa Lý Trì Thư học đại học vẫn không biết mùi vị của cà ri như thế nào.

Nghe phóng đại lắm đúng không? Lần đầu tiên nghe em ấy kể tôi cũng có phản ứng giống thế.

—— “Sao vậy được?!”

Nhưng em ấy chỉ bình tĩnh cười nói: “Thật mà.”

Nụ cười đó không làm bạn nghĩ mình đã xúc phạm em ấy, nhưng cũng không thể hiện dấu hiệu nói đùa, Lý Trì Thư chỉ điềm tĩnh nói với bạn: Em ấy thật sự chưa từng ăn cà ri.

Thời em ấy đi học chuyện quan trọng nhất là học tập, quan trọng thứ nhì là tiết kiệm tiền. Liều mạng học, liều mạng tiết kiệm tiền. Thắt lưng buộc bụng một phần tiền tách làm hai ra dùng. Trong tình huống tránh bị chết đói chết cóng, sử dụng thêm một hào cho chuyện ăn uống cũng là lãng phí.

Tôi vẫn nhớ mọi chuyện em ấy kể với mình, chỉ quên mỗi chuyện cà ri trên lầu ba căn tin trường cay xé họng.

Muỗng đầu tiên Lý Trì Thư bị cay mặt đỏ tía tai. Tôi vội vàng mua nước nhưng lầu ba chỉ có nước ngọt, bèn hỏi: “Cậu thích Sprite hay Fanta?”

Trong lúc bị sặc không nói nên lời mà em ấy còn có thể đánh giá qua lại hai đồ uống trước quầy bán.

Lý Trì Thư đảo mắt một vòng, tôi biết ngay em đang nghĩ gì: Em ấy đang đoán xem cái nào rẻ hơn.

Tôi đi thẳng ra quầy, trùng hợp bếp mang lên một ly nước cam, bưng nó đến cho Lý Trì Thư, em ấy ngửa đầu uống hơn phân nửa.

(*) Ngoài lề: Bên Trung có kiểu ví von “Em là nước cam của anh” khi tỏ tình. Nước cam là thức uống quan trọng, bổ dưỡng, ngon lành, tức là chỉ bạn chiếm vị trí rất quan trọng trong tim người đó, bạn là người mà người đó thương nhất.

Tôi mua một phần thịt bò hầm khoai tây không cay, san một chút cơm sang đĩa của em ấy, trộn thức ăn với cơm giúp em.

“Cảm ơn cậu,” em ấy ngoan ngoãn đợi tôi trộn cơm, nói thẳng thắn, “Những cái này bao nhiêu tiền… lần sau cậu quẹt thẻ của mình…”

“Quẹt cái gì mà quẹt.” Tôi nói, “Đây là do Tưởng Trì chơi bóng rổ thua mời mình ăn, không thể phí của trời, chẳng lẽ cậu muốn trả lại cho cậu ấy?”

Nói xong tôi móc thẻ ra. Trên thẻ là nụ cười ngờ nghệch toe toét của Tưởng Trì đầu to.

Lý Trì Thư không nói gì nữa.

Tôi hỏi: “Cuối tuần sau được nghỉ nhiều, cậu có sắp xếp gì chưa?”

“Sắp xếp?” Em ấy phản ứng ngay, lắc đầu, “Chắc là đến lớp tự học.”

Nhà Lý Trì Thư cách trường không xa nhưng một năm bốn mùa em ấy đều trọ trong trường, trừ khi nghỉ đông và nghỉ hè ra thì hiếm khi về nhà. Trong nhà không còn ai, bà ngoại duy nhất cả tinh thần và cơ thể đều xảy ra vấn đề từ sau khi cha mẹ em ấy xảy ra chuyện, quanh năm ở trong viện dưỡng lão bầu bạn với các ông cụ bà cụ, lo thân mình còn khó huống chi chăm sóc cho Lý Trì Thư.

Tôi cúi đầu ăn: “Vậy cậu có thể đi một nơi với mình không?”

Nhớ đến chuyện em ấy ưu tiên việc học trên hết, tôi mau mắn bổ sung: “Không làm lỡ việc học của cậu, đi cùng mình đến đó, cậu muốn làm gì thì làm không ai quấy rầy cậu.”

Em ấy không lên tiếng.

Lát sau mới hỏi: “Nhà cậu à?”

“Không phải.”

Nói thật tôi còn chưa nghĩ ra.

Em ấy hỏi thử: “Có bạn cậu đi cùng không?”

“Không, chỉ có một mình mình thôi.”

Hình như Lý Trì Thư thở phào.

Ở độ tuổi này em ấy không giỏi giao thiệp với bạn đồng lứa xa lạ, đặc biệt là một đống bạn bè có điều kiện gia đình tốt của tôi, ai nấy đều toát ra vẻ ngây thơ chưa từng trải không biết việc đời, sự ngây thơ ấy càng khiến Lý Trì Thư sinh ra suy nghĩ cần chiếu cố những người không hiểu thế nào là nghèo túng như bọn họ.

Ví dụ có một năm tụ tập, Lý Trì Thư kể hồi em ấy 5, 6 tuổi, lần đầu tiên đi theo cha mẹ đến chỗ làm nhìn họ sản xuất than tổ ong, Tưởng Trì nhếch miệng hỏi: “Than tổ ong là gì?”

Tôi đưa ảnh cho cậu ấy xem, cậu ấy chỉ vào hình trợn trắng mắt: “Còn có người sử dụng thứ này hả?”

Năm ấy Lý Trì Thư cụp mắt cười cười, lâu sau mới trả lời: “Lúc em còn bé, mùa đông dựa vào nó sưởi ấm.”

Tưởng Trì luôn miệng xin lỗi, hết sức áy náy và chân thành nhưng Lý Trì Thư không muốn nhìn thấy vẻ áy náy đó nhất. Rõ ràng em ấy từng sống rất cơ cực, bạn bè sau này biết chuyện sẽ có tâm trạng tiêu cực tội nghiệp em ấy, cứ như thể quá khứ là vết sẹo không thể chạm vào, thật ra em ấy không muốn né tránh nó đến thế.

“Sao?” Đợi tất cả sự thăm dò bất an và mất tự nhiên của em lắng xuống, tôi mới ngẩng đầu lên nhìn, “Sao? Cậu đi không?”

“Xa không?” Em hỏi.

“Không xa. Hai tiếng lái xe.” Tôi đáp, “Nhưng điều kiện không được tốt, nơi đó hơi tồi tàn, có lẽ là ở nông thôn. Kết thúc kỳ nghỉ sẽ quay về.”

Em ấy nghĩ ngợi, gật đầu: “Được.”

Có lẽ Lý Trì Thư thật sự không đói, chỉ ăn non nửa đĩa bò hầm khoai tây, nếu không phải trong trường không có lò vi sóng hâm nóng thức ăn, chắc chắn tôi sẽ không phớt lờ ý muốn đóng gói mang về trong ánh mắt em ấy.

Sau khi về lớp tôi đến bên cạnh Tưởng Trì: “Dù là trong huyện của chúng ta hay là ở nông thôn, anh trai mày cũng quy hoạch hết đúng không?”

Tưởng Trì mơ hồ: “Ừ, sao?”

“Mày nhờ anh ấy tìm giúp tao xem có thể thuê căn nhà nào ở nông thôn được không? Nhà dột nát, điều kiện tồi tàn, tốt nhất là loại nhà nền xi măng, nhưng không đến nỗi không có điện nước… Chậc không có cũng được, chỉ cần tồi tàn là được. Hỏi giúp tao nhé, tao muốn thuê một căn.”

“Mày thuê làm gì?” Tưởng Trì “ồ” một tiếng, “Sao ngày hôm nay mày lạ thế?”

“Tao có việc cần dùng.” Trong đầu tôi chỉ toàn là chuyện nhà cửa, “Nhớ hỏi giúp tao, càng sớm càng tốt, trễ nhất là tuần sau tao cần dùng rồi.”

Tưởng Trì hơi cáu: “Mày không nói sao tao hỏi được?”

Tôi chớp mắt ra hiệu: “Mày phải nghe bằng được?”

Tưởng Trì đáp: “Phải nghe.”

Tôi nói: “Tao muốn theo đuổi người ta.”

“Theo đuổi?” Tưởng Trì nghe xong mặt mày hớn hở, nhấc chân ghế lên nhích ghế về phía tôi, “Là kiểu theo đuổi tao đang hiểu à?”

“Ừ.”

Cậu ấy toe toét: “Mày để ý ai?”

Tôi trả lời: “Lý Trì Thư.”

Tưởng Trì té khỏi ghế.

Phản ứng khi nghe chuyện này giống y hệt kiếp trước.

– – – – – – – – – –
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.