Lên đến bậc thang cuối cùng, hiện ra trước mắt là gian tháp phòng lát gạch xanh, bốn phía là các ô cửa sổ chạm khắc hoa văn mở rộng, và hai phiến cửa đá hình vòm. Trước mỗi cửa đá đều có tăng nhân canh giữ, không cho quá nhiều người cùng lúc ra ngoài tháp.
Mọi người theo từng nhóm đi ra ngoài, sau đó từ phiến cửa đá bên kia quay trở lại. Đợi một lúc lâu mới đến lượt ba người A Hạ, trước mặt tăng nhân gác cửa còn đặt một chiếc bàn gỗ khắc hoa, trong hộp gỗ mở toang trên bàn là một chồng giấy màu sắc rực rỡ, in hoa văn Phật giáo phức tạp, mỗi tờ đều viết lời chúc phúc như "Lục thời cát tường", "Bình an hỉ nhạc",...
Loại giấy nhỏ, vuông vắn này còn được gọi là "giấy phúc", ngày thường không bán, chỉ có vào dịp hội chùa mới có. Giấy vào ngày Phật đản mùng tám tháng tư lại không giống, giấy lúc đó càng tốt hơn một chút, gọi là "giấy Phật". Ngoài việc phát giấy Phật, ngày Phật đản so với hội chùa còn có thêm một hoạt động khác là buổi tối từ trên tháp thả đèn Khổng Minh.
Năm nào nàng cũng tới đây, mỗi lần tới đều nhất định mua giấy phúc, một xấp thật dày chỉ mất mười văn. A Hạ cầm xấp giấy trong tay, bước ra ngoài cửa vòm.
Nàng không dám lại gần lan can đá, tháp chùa Thiên Quang nổi tiếng với độ cao chót vót của nó, vậy nên nếu đứng sát lan can nhìn xuống, chưa kịp ngắm được gì đã cảm thấy hoa mắt chóng mặt.
Nhưng nếu trông ra xa, khung cảnh lại khác biệt hoàn toàn. Trước mắt là bầu trời xanh biếc, những đám mây trắng sáng trôi bồng bềnh. Phía dưới là dòng sông uốn lượn quanh co, thuyền ô bồng, thuyền đánh cá, thuyền hàng xen kẽ ở giữa. Những ngôi nhà ở trấn Lũng Thủy cao thấp khác nhau, trên mái ngói đen, từng chiếc nong tre phơi đầy sản vật mùa xuân từ núi rừng và biển cả, ngẫu nhiên lại xuất hiện một mảng màu tươi sáng, không biết là cờ của tửu lầu nhà nào đang tung bay.
Thủy thôn sơn quách tửu kỳ phong1.
A Hạ thực thích những ngày trời quang lại có gió như thế này. Nàng bước lên phía trước vài bước, xòe bàn tay ra, những tờ giấy phúc xanh, đỏ, lam, tím khẽ lay động, tờ đầu tiên xoay tròn bay lên, những tờ khác nối tiếp theo sau, lộn nhào rồi bay về nơi xa.
Một xấp giấy phúc không tính là gì, nhưng khi tất cả giấy phúc trong tay mọi người trên tháp cùng bay lên, tạo thành một trận gió ngũ sắc rực rỡ, hòa vào nhau bay ra khỏi tháp. Có tờ thuận gió bay thẳng xuống, rơi vào trong chùa, có tờ lại bay đi, ẩn náu nơi rừng núi, cũng có tờ chao nghiêng rồi đáp xuống trên thuyền.
Mọi người gọi việc thả giấy phúc này là "rải phúc", ai nhặt được giấy phúc rơi xuống thì có nghĩa là phúc khí đã đến, vì vậy những người bên dưới đều ngửa đầu xoa tay, chuẩn bị đón tiếp phúc lành.
Điều này được gọi là "Thiên Độ tháp tiếp vạn phúc".
Sau khi rải phúc, A Hạ nhìn theo những tờ giấy phúc bay càng lúc càng xa, rồi biến mất trong ánh nắng vàng, sắc mặt nàng nhu hòa, xoay người cùng Sơn Đào và Hiểu Xuân quay lại tháp từ cửa vòm khác. Cầu thang xuống và lên không cùng một lối, cầu thang đá này rất đặc biệt, trên đó khắc đầy những kinh văn phức tạp, chồng chéo lên nhau.
Mỗi người xuống cầu thang đều sẽ chăm chú quan sát, vì vậy cũng không cảm thấy đường đi xuống dài, mà chỉ thấy còn chưa xem xong, đã đến điểm cuối.
Lúc này đã đến buổi trưa, bên ngoài tháp càng đông người hơn. Nhóm A Hạ đi qua dưới lang kiều, một làn hương hoa đào nồng nàn ập đến. Hai bên trồng rất nhiều cây đào, hoa nở rộ như tán ô, trắng như tuyết, hồng như má mỹ nhân, đi qua một vòng, trên người cũng nhiễm không ít hương thơm.
Một cây cầu tưởng chừng chỉ thích hợp cho văn nhân mặc khách thưởng thức phong hoa tuyết nguyệt như này, nhưng ở cuối cầu lại không phải bán thứ gì văn nhã, mà là bán món mì thịt hầm.
Trong góc sâu nơi hoa đào đã rụng hết, một gian quán nhỏ lẻ loi được dựng lên ở đó, trên mấy chiếc bàn nhỏ có lác đác vài người ngồi. Người bán hàng là một người đàn ông trung niên, ông ấy tự kê cho mình một cái quầy, sau khi xoa bột, tay ông ấy kéo ra những sợi mì dài, mảnh màu vàng nhạt.
Thấy ba người các nàng tới, trên mặt ông ấy hiện lên nụ cười hiền hòa, "Mấy cô bé ăn mì thịt hầm không?"
A Hạ gật đầu, miệng ngọt ngào, "Lão bá, làm cho chúng cháu ba phần mì nhé."
"Được thôi, muốn nước lèo đỏ hay nước lèo trắng?"
Nước lèo đỏ là nước hầm sau khi được múc ra tô sẽ cho thêm nửa muỗng nước tương để tạo màu, vị hơi mặn. Nước lèo trắng thì không cho thêm gì, chỉ dùng nước hầm đã nấu sẵn, màu sắc trong trẻo.
Khẩu vị của các nàng đều thiên về thanh đạm, tuy vẫn ăn được đồ dầu mỡ, nhiều tương, nhưng với mì thịt hầm thì cả ba đều nhất trí chọn nước lèo trắng.
Mì của lão bá là mì trứng thủ công, sợi nào cũng được nhào kéo đều đặn, dài mảnh và không dính vào nhau. Mở nắp nồi ra, đợi nước sôi rồi bỏ mì vào, thỉnh thoảng dùng vợt tre khuấy nhẹ.
Mì chín thì vớt ra cho vào tô sứ thô, sau đó múc một vá nước lèo trong từ nồi đất đỏ chan vào, rồi đặt một miếng thịt hầm lên trên, cuối cùng là thêm vài cọng cải thìa non xanh đã được chần qua nước sôi.
A Hạ thích nhất là ăn miếng thịt hầm to này, dùng thịt ba chỉ xương sườn, bỏ vào nồi đất hầm cùng nhiều loại gia vị cho đến khi thịt mềm rục. Khi cho vào nước lèo, phần mỡ béo sẽ dần tan ra, nhưng lại không hề gây cảm giác ngấy.
Nước lèo được hầm từ xương gà, nổi lên một lớp dầu mỏng và trong suốt, vị nước lèo đậm đà, rau xanh giòn ngọt. Sợi mì được làm bằng tay nên dẻo dai và trơn mượt, không dễ bị nát nhừ.
Các nàng ăn mì không quá cầu kỳ, chỉ cần ngon miệng là được, ăn xong một tô cũng không thấy điểm nào để chê. Bọn họ ngồi một lát rồi rời đi, hội chùa thường diễn ra đến tối, vậy nên mấy người A Hạ lại tiếp tục đi dạo quanh chùa.
Thấy có người cõng một cây rơm, trên đó cắm rất nhiều xiên kẹo hồ lô trong suốt lấp lánh, bọn họ liền mua một xiên vừa đi vừa ăn. Có người bày hàng đố chữ, bọn họ cũng lên đoán thử. Có đứa bé giận dỗi không chịu đi, ba người nhàn rỗi ngồi xổm ở đó, xem xem đứa bé khi nào sẽ đứng dậy, cuối cùng bọn họ không chịu nổi đành tự đứng dậy đi trước, lúc quay đầu nhìn lại thấy đứa bé kia vẫn còn nằm lăn ra đó ăn vạ.
Cũng có lúc đi mệt, bọn họ tìm một gian đại điện vào ngồi nghỉ, nghe lão hòa thượng niệm kinh Phật. Song A Hạ từ trước đến nay không phải là người có thể nghe vào, ban đầu ngồi rất nghiêm chỉnh, đến lúc sau ánh mắt đã trở nên mơ màng.
Một ngày trôi qua, mua được thật nhiều túi lớn túi nhỏ, sau khi mò mẫm trở lại khoang thuyền, nàng liền dựa vào vách thuyền ngủ thiếp đi, lúc về tới nhà nàng còn tưởng mình đang nằm mơ.
Nằm xuống giường chưa bao lâu đã chìm vào giấc ngủ sâu, trong mơ nàng thấy mình đang đứng trên một tòa tháp cao, giấy phúc bay phấp phới. Lại mơ thấy phí thức ăn cho mèo của bọn họ đã được tăng nhân nhìn thấy, tăng nhân lấy tiền mua thật nhiều cá, phơi thành cá khô nhỏ, rồi bảo tiểu sa di đút cho đám mèo nhỏ ăn.
Cuối giấc mơ là cảnh một đàn mèo con cuộn mình trên mái hiên, vừa ăn cá khô vừa lăn lộn.
Thế cho nên sáng sớm khi A Hạ tỉnh dậy, nhớ lại những việc trong giấc mơ, liền lấy cái hũ sứ Thanh Hoa đựng cá khô ra, chạy đến bên ổ mèo trên lầu.
Trời còn sớm, Niên Cao và Bánh Trôi là những con mèo cú đêm thực thụ, quậy phá cả đêm nên giờ vẫn chưa tỉnh. Bánh Trôi đang co mình ngủ dưới bụng Niên Cao, đầu thò ra vừa vặn đối diện với cửa ổ mèo. Bị ánh sáng chiếu vào, nó lấy móng vuốt che lại, rúc vào bên cạnh đầu Niên Cao.
"Nào, dậy dậy, chúng ta ăn cá khô nhỏ nào!"
A Hạ dùng ngón tay gãi gãi chúng nó, nhưng không có hiệu quả. Nảy ra một kế, nàng đặt cá khô ngay dưới mũi hai con mèo, lập tức đôi mắt tròn xoe của chúng mở to ra.
Chúng cọ đầu vào mu bàn tay A Hạ, kêu meo meo không ngớt, chỉ đến khi được ăn cá khô, chúng mới chịu im miệng. Cả ngày hôm đó, A Hạ đi đến đâu, hai con mèo liền theo tới đấy.
Nàng không khỏi cảm thán một câu, "Quả nhiên, cho cá khô ăn thì sẽ được làm mẹ!"
Ngày hôm sau, khi nàng vừa mới xuống nhà, đã nghe thấy bà nội và mẹ Phương thì thầm: "Vợ của Triệu Sơn sắp sinh rồi, rõ ràng là ngày dự sinh không phải hôm nay, nhưng đứa bé không chờ được nữa, muốn ra sớm."
"Này không phải là chuyện tốt," mẹ Phương vừa giúp bà nội thu thập đồ dùng cần thiết để đỡ đẻ, vừa nói: "Đứa nhỏ đã ở trong bụng mẹ được chín tháng, cũng đủ tháng rồi, sinh sớm một chút cũng tốt. Lễ tắm ba ngày và lễ đầy tháng đều phải đến dự, nên chuẩn bị một ít quà."
Bà nội đang chuẩn bị đáp lời, thì A Hạ dựa vào lan can gỗ chen vào một câu: "Thái bà, chị dâu của Hiểu Xuân sắp sinh ạ?"
Mẹ Phương bị nàng làm giật mình, vỗ vỗ ngực, tức giận nói: "Sao con đi mà không phát ra tiếng, làm lão nương ta suýt nữa bị dọa cho hồn vía lên mây."
"Con chỉ muốn biết thôi mà," A Hạ nhanh chóng chạy xuống cầu thang, lại hỏi một lần nữa, "Chị dâu của nàng hôm nay sẽ sinh sao ạ?"
"Sẽ sinh, ta vừa mới đi xem qua, sợ là không dễ sinh lắm."
Sáng sớm, bà nội đã vội vã chạy qua đó xem, đứa bé hấp thụ tốt, chỉ sợ đầu quá lớn, để sinh ra e là sẽ phải chịu một phen khổ sở.
Bà thở dài, liếc nhìn A Hạ. Lúc trước mẹ Phương nói muốn sớm chuẩn bị cho chuyện hôn sự, bà không từ chối, nhưng cũng đã nói rõ là nhất định phải đợi đến khi con bé tròn mười tám tuổi mới gả đi.
Mười lăm, mười sáu tuổi vẫn là độ tuổi cơ thể đang phát triển, lúc này mà lấy chồng sinh con, đa phần không giữ được mẹ mà chỉ giữ được con, hoặc là cả mẹ lẫn con đều không qua khỏi. Bà nội đã chứng kiến quá nhiều, nên mới không nỡ để cháu gái gả chồng sớm như vậy.
Bên ngoài truyền đến tiếng thúc giục, bà nội cũng không suy nghĩ nữa, vỗ vào tay A Hạ, "Ta biết con thân thiết với Hiểu Xuân, nhưng hôm nay nhà họ bận rộn, con đừng có đến xem náo nhiệt, chờ đến lễ tắm ba ngày rồi hãy qua."
"Vâng."
A Hạ vốn định đi theo, nhưng không được phép nên chỉ có thể nhìn bà nội xách hộp gỗ ra ngoài, mẹ Phương nghĩ ngợi thấy không yên tâm, cũng đi theo cùng.
Nàng chỉ có thể ở nhà một mình, không ngờ hai người đi mãi đến chạng vạng tối mới trở về, trông dáng vẻ mệt mỏi.
"A nương, thái bà, uống miếng nước trước đã."
Nàng vội vàng rót hai ly nước ấm từ bên cạnh đưa qua, hai người uống một hơi cạn sạch. Ông nội đang đan sọt ngẩng đầu lên hỏi: "Đã sinh ra chưa?"
"Sinh ra rồi ạ, nặng bảy cân, là một đứa bé trai," mẹ Phương tặc lưỡi, "Hành nương nó cả nửa ngày, thiếu chút nữa là mất nửa cái mạng."
Cha Phương cảm thán: "Đứa bé này cũng quá to rồi."
Bà nội đi bưng chậu nước rửa tay, phụ họa: "Còn không phải sao, hiếm thấy đứa bé nào to như thế, hôm nay ta suýt nữa thì thất thủ, may mà ngôi thai đúng, không thì e rằng mạng cũng khó giữ. À phải rồi, ngày kia nhà họ làm lễ tắm ba ngày, đến lúc đó chúng ta đều đi nhìn tiểu tử béo kia một cái."
"Đi thêm bồn2, đến lúc ấy phải mua mấy loại quả mừng mới được."
Mẹ Phương tính toán, còn A Hạ trong loại tình huống này hoàn toàn không chen lời vào được, chỉ có thể yên lặng lắng nghe.
Liền tới rồi ngày lễ tắm ba ngày, vẫn là mẹ Phương dẫn nàng đi cùng, không thể như thường ngày một mình chạy qua được.
Hôm nay Triệu gia có việc vui, đèn lồng trước cửa đều thay một đôi, màu đỏ rực, còn treo cả lụa đỏ lên, cha Triệu mẹ Triệu gặp ai cũng tươi cười, hàn huyên rồi mời mọi người vào trong.
Thấy mẹ con nàng tới, mẹ Triệu lập tức nở nụ cười thật tươi: "Ôi, Tiểu Cần và A Hạ đến rồi à, mau vào đi, đang đợi các ngươi đấy."
"Lấy chút đồ nên chậm trễ, lão thái thái nhà ta đã vào trong rồi à?" Mẹ Phương nhấc nhấc đồ vật trong tay, hỏi.
"Vào trong rồi, ta bên này đón tiếp vài người nữa xong, cũng sẽ vào. Nếu không một phần nhờ lão thái thái nhà ngươi, thì làm sao có được đứa cháu nội trắng trẻo, bụ bẫm thế này chứ."
"Đứa bé này mệnh tốt, sinh ra đã khỏe mạnh."
Sau khi hàn huyên xong đi vào, trong căn phòng dùng để làm lễ tắm ba ngày đã đông nghịt người, ai cũng muốn nhìn đứa bé bụ bẫm này một cái.
A Hạ vừa vào đã nghe thấy tiếng trầm trồ nổi lên khắp nơi, "Đứa bé này thật là khỏe mạnh, đứa nhỏ nhà ta khi sinh ra trông như con mèo con vậy, chỉ có hơn bốn cân một chút."
"Nhà ta cũng thế, còn sợ không nuôi sống nổi."
Trong lúc đang treo những dải giấy màu xung quanh, bà nội bưng một chậu nước thơm đến, vì là bà đỡ nên bà cũng phải hỗ trợ làm lễ tắm ba ngày. Sau khi đổ nước thơm vào bồn, tiền mừng và các loại quả cũng được thả xuống. Bồn gỗ vừa to vừa tròn, những bạn bè thân thích đến dự đều ném lễ vật của mình vào trong bồn.
Dùng que gỗ quấy nước trong bồn, sau đó ôm tới một đứa bé được bọc trong vải, vẫn chưa mở mắt. A Hạ nhìn thoáng qua, thật là bụ bẫm, trong đầu nàng nảy ra một ý nghĩ khác hẳn với mọi người, nàng nghĩ, béo thế này, chỉ sợ áo bách nạp Hiểu Xuân làm sẽ không mặc vừa mất.
Nhưng chẳng mấy chốc nàng đã không nghĩ đến chuyện này nữa, xem bà nội tắm rửa cho tiểu tử béo, miệng bà lẩm bẩm: "Trước gội đầu, làm vương hầu, sau rửa lưng, giỏi hơn bạn bè đồng lứa..."
Tắm xong còn phải chải đầu, súc miệng, cuối cùng chấm chút hoàng liên vào miệng đứa bé, đắng đến nỗi nó òa lên khóc lớn, bà nội bế nó, thuận miệng nói lời chúc: "Ngoan ngoãn nào, ba ngày đầu ăn hoàng liên đắng, sau này ngày ngày ăn mật ngọt."
Như vậy lễ tắm ba ngày mới tính chính thức kết thúc, Triệu gia còn pha trà nguyên bảo chiêu đãi mọi người vào sảnh đường dùng.
A Hạ không thấy Hiểu Xuân đâu, nên cùng mẹ Phương đi ra ngoài, nàng tò mò hỏi: "Con của Triệu tẩu tử đã đặt tên chưa ạ?"
"Còn sớm lắm, ít nhất cũng phải đợi đến đầy tháng mới thỉnh người đặt tên," mẹ Phương nắm tay nàng, "Tên của con, ta và cha con cũng là suy đi nghĩ lại, mới kịp đặt trước ngày đầy tháng."
"Vậy tại sao lại gọi là Phương Tri Hạ ạ?"
A Hạ nghiêng đầu nhìn mẹ hỏi, mẹ Phương bật cười, "Tất nhiên là vì con sinh vào mùa hè. Lúc đó sinh con xong trời mưa nhiều ngày, còn không cảm thấy nóng, sau khi con chào đời, mới biết là mùa hè đã đến rồi."
Nàng bĩu môi, "Nương lại nói lung tung, ca con bảo là lấy từ câu thơ 'liên vũ bất tri xuân khứ, nhất tình phương giác hạ thâm'." (tạm dịch: Mưa liên miên chẳng hay xuân đã quá, ngày trời trong mới biết hạ đã sâu.)
"Vậy con biết rồi còn hỏi ta."
Mẹ Phương cười nàng, nhưng quả thật cũng không sai, lúc sinh A Hạ, nàng rất ngoan, chẳng phải chịu khổ chút nào, ngay cả khi đến tam phục, cũng vì trời mưa mà không cảm thấy quá nóng. (Tam phục: ba ngày nóng nhất trong mùa hè.)
Hai mẹ con vừa nói vừa bước vào sảnh đường, còn đang nghĩ xem ngồi bàn nào thì đối diện có một phụ nhân đứng dậy vẫy tay. Nàng ta mặc một chiếc áo ngoài dài màu xanh lục, da trắng, lông mày thanh mảnh.
"Tiểu Cần, A Hạ, lại ngồi bên ta này."
"Đi thôi, Thịnh di của con gọi chúng ta qua kìa."
A Hạ vừa nghe giọng đã biết là ai, chính là mẹ của Thịnh Tầm. Nàng vội bước tới ngồi bên cạnh dì ấy. Vừa mới ngồi xuống, mẹ Thịnh liền thân thiết ghé lại gần, nắm lấy tay nàng, lời nói có chút trách móc, "A Hạ, sao tiểu tử nhà ta vừa đi Sơn Đình, con liền không chịu đến nhà ta chơi nữa phải không? Uổng công ta ngày ngày nhớ con, cái con bé vô lương tâm này."
"Đâu có, Thịnh di nói oan cho con rồi, mấy ngày trước con vừa đến chơi mà. Có liên quan gì đến việc Thịnh Tầm ca có ở nhà hay không đâu ạ." A Hạ nào chịu nhận những lời này.
"Còn không phải do ta mong ngày nào con cũng qua chơi sao."
Mẹ Thịnh vừa nói vừa nhìn A Hạ, dáng người tốt, khuôn mặt dễ thương, miệng lại còn ngọt ngào. Nàng ta nhìn mà thèm, chỉ tiếc là tiểu tử ngốc nhà nàng ta vẫn chưa thông suốt.
Mẹ Phương ở bên cạnh cười vui vẻ, nhấc nắp tách trà ra để tản bớt hơi nóng, nghiêng đầu hỏi: "A Liên, Thịnh Tầm nhà ngươi có nói khi nào sẽ về không? Đi ra ngoài cũng được một thời gian rồi nhỉ."
"Ngươi xem trí nhớ ta này, vừa thấy các ngươi đã định nói, thế mà nói đến nói đi lại quên mất," gương mặt mẹ Thịnh rạng rỡ, "Hôm qua có người tới báo tin, bảo là đã đến vịnh rồi. Ta định ngày mai sẽ tổ chức tiệc đón gió tẩy trần ở đó, nhà mình không cần động tay gì đâu, lại còn có thể ra biển ngắm cảnh. Sáng mai ta sẽ cho thuyền đến đón các ngươi, đừng có mà nói không đi đấy nhé. Tiểu Cần có thể không đi, nhưng A Hạ thì nhất định phải đi."
A Hạ nghe vậy rất vui, "Bá phụ, Thịnh Tầm ca và Tam Thanh ca đều về rồi ạ? Tiệc đón gió con sẽ đi, còn phải gọi cả bọn Hiểu Xuân đi cùng nữa."
"Gọi, gọi hết, tất cả đều đi, đến lúc đó để Thịnh Tầm nhà ta lái thuyền chở mọi người dạo một vòng." Mẹ Thịnh một lời đồng ý ngay.
Nàng ta lại lặng lẽ ghé sát tai A Hạ thì thầm: "Thịnh Tầm ca của con còn mang quà về cho mỗi người các con đấy."
"Là cái gì vậy ạ?" A Hạ bị bộ dạng thần thần bí bí của dì Thịnh làm cho cực kỳ tò mò.
"Không biết, nó nói là cho con, chắc chắn con sẽ rất thích."
Thực ra mẹ Thịnh biết rõ, nàng ta còn đã đặc biệt đến vịnh một chuyến, chỉ là không nói ra thôi, ai tặng thì để người đó nói.
Nhưng quả thật, câu này đã khiến A Hạ càng thêm tò mò và háo hức.
Chú thích:
(1) Trích từ bài thơ Giang Nam Xuân- Đỗ Mục.
(2)"Thêm bồn": một công đoạn trong lễ Tắm ba ngày. Người trong nhà phân theo thứ tự trên dưới, lớn nhỏ theo tôn ti, lần lượt thêm từng muỗng nước nhỏ vào trong chậu, đồng thời sẽ thả tiền đồng vàng bạc vào đó. Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong nghi lễ. Mọi người có thể thêm thỏi vàng, bạc, tiền đồng, hoặc các loại quả khô như, long nhãn (quế nguyên), vải, táo đỏ, đậu phộng, hạt dẻ, v.v. Mỗi khi có một người cho thêm nước vào chậu, bà đỡ sẽ nói: " Nước chảy không ngừng, thông minh lanh lợi."; khi có người thêm quả khô như táo đỏ, long nhãn thì bà lại nói: "Sớm ngày tự lập. ("sớm (枣)" với "táo (早)" là hài âm, "hạt dẻ (栗)" với "lập (立)" là hài âm), liên sinh quý tử ("liên" là liền ngay, là chúc sớm có quý tử), ("quế" với "quý" là hài âm ); quế nguyên, thời xưa chỉ việc thi Hương, thi Hội, thi Đình liên tiếp giành được các chức Giải nguyên, Hội nguyên, Trạng nguyên." (Nguồn: )