Sấm Động Trời Nam

Chương 27: Kiếm hội khai mở



Võ đài trong ngày Kiếm hội được bài trí như là một sân khấu lớn với hai hàng trống cái chạy dọc bên hông, xung quanh cờ phướn bay rợp trời. Đối diện võ đài là khu vực quan tọa của thượng khách, với những hàng ghế tựa phủ nhung đỏ, xếp đặt lề lối. Lúc này tất cả đều đã có mặt. Hồ Nguyên ngồi ở ngôi chủ, bên tả có Ngũ hổ phái, lần lượt là Tản Viên Sơn, Thanh Sơn môn, Hoan Châu Thành và Bắc Sơn phái, bên hữu là gia tộc Nguyễn Đăng, Đinh hầu và các động chủ, hào chủ đất thượng. Đối với Hoàng Lão đạo chủ và người của Nguyên Tiên giáo, dù bên Ngũ hổ phái vẫn còn ghế trống, nhưng Hồ Nguyên cốc chủ vẫn sắp đặt ngồi sang cánh đối diện. Nhân sỹ võ lâm lúc này cũng đã tề tựu đông đủ, sơ qua có cả nghìn người.

Trong lúc tất cả còn đang nhốn nháo chọn cho mình một vị trí phù hợp, Phúc liền tách khỏi Lương Nhất Công, tìm về mấy người Hoàng gia trang. Đúng như chàng lo sợ, cả ba lạnh nhạt ra mặt. Phúc hắng giọng, rồi giả ho hai tiếng, nhưng không ai để ý. Chàng ngó qua sắc mặt của Thu Lệ. Nàng lạnh lùng, thờ ơ như lần đầu cả hai gặp gỡ. Trong lúc rối trí không biết phải nói thế nào thì Phùng Tâm đã tiên phong chất vấn:

- Anh Phúc quen với Thanh Sơn môn à?

- Kh...không. Ta không có biết Thanh Sơn môn.

- Vậy sao khi nãy tôi thấy anh đến chỗ bọn họ, còn tỏ ra thân thiết, vui vẻ nói cười

Phúc không biết nên trả lời như thế nào, đành lập lờ:

- Thực là ta không có quen biết Thanh Sơn môn. Chỉ là... thực ra là ... ta có quen thân với công tử Công của họ. Cả hai cùng trải qua chuyện nguy khốn, tưởng không có cơ hội gặp được lại nữa. Nay thấy nhau vẫn bình an vô sự nên mừng vui trong lòng. Tất cả chỉ có vậy, trước nay ta chưa từng có qua lại với Thanh Sơn môn.

- Lấy gì làm tin đây?

- Ta thề mà? Ta không có nói dối.

Cả hai đang đôi co thì Phùng Trí xen vào:

- Tâm, việc đó để sau đi. Giờ hãy tập trung lên võ đài. Bắt đầu rồi.

Hai hàng trống đông tây thúc dồn, Hồ Nguyên đứng giữa võ đài, lên tiếng:

- Thưa các vị tiền bối, bằng hữu, các anh hùng hào kiệt của võ lâm Lĩnh Nam, chào mừng đã đến với Mai Hoa cốc. Hồ thị từ khi nhập cốc, đến nay đã ba trăm năm, lấy hoa mai làm tên gọi, lấy việc đúc rèn làm nghiệp quý, trải qua nhiều thăng trầm, biến loạn, nhờ có phúc của trời đất, ơn trên của tổ tiên mà cơ đồ được gìn giữ, nghiệp quý được lâu bền. Con cháu Hồ thị luôn ghi nhớ ơn phúc ấy, chỉ mong mỏi được dốc hết tâm sức, làm cho đức xưa thêm tỏ, nghiệp xưa thêm sáng. Việc này không gì cụ thể, thiết thực bằng đúc rèn một thanh binh khí tốt, để nó có thể lưu truyền đến muôn đời sau. Cũng vì vậy, Mai hoa cốc mười năm qua đã dùng thứ sắt tốt nhất, dùng thợ rèn giỏi nhất, dùng kỹ nghệ tinh túy nhất để đúc lên một thanh kiếm, gọi tên là Bất Diệt. Nay Bất Diệt đã hoàn thành, xin mời các vị cùng thưởng lãm.

Hồ Phát tiến lên, hai tay bưng một tráp gỗ nâu trầm, đựng bên trong là Bất Diệt. Hồ Nguyên lấy kiếm, tuốt vỏ dương cao, những ánh kim quang tán phát. Lần đầu tiên, võ lâm được chứng kiến tận mắt Bất Diệt. Lưỡi kiếm sáng bạc, chuôi kiếm khảm đá ngọc bích ánh sắc xanh, đốc kiếm trạm khắc hình hoa mai, sắc sảo và thanh thoát kết hợp hài hòa, thật sự hoàn mĩ. Từ Bất Diệt tỏa ra kiếm khí mãnh liệt. Vị cốc chủ vung kiếm, một lần nữa chặt đứt xích sắt trong sự trầm trồ thán phục của tất cả.

- Thưa các vị, Bất Diệt chứa đựng tinh hoa ba trăm năm của Hồ thị, là báu vật của Mai Hoa cốc. Nhưng kiếm quý không phải để giữ làm riêng. Hôm nay, Mai Hoa cốc tổ chức kiếm hội, trân trọng mời các anh hùng hào kiệt tới dự, cùng nhau tỉ thí luận kiếm để tìm ra chủ nhân xứng đáng của Bất Diệt. Sau đây, việc chủ trì Kiếm hội sẽ giao lại cho Hồ Phát, con trai ta.

Cùng với đó, kiếm được trao lại cho Hồ Phát. Thiếu chủ Mai Hoa cốc phi thân lên Mai hoa trụ, cắm kiếm vào chính giữa đài đá. Từ trên đỉnh, Bất Diệt phản chiếu ánh mặt trời, tỏa ra hào quang chói lọi. Hồ Phát đáp xuống, dõng dạc tuyên bố:

- Thưa các bậc tiền bối, các vị anh hùng, Bất Diệt đã ở trên đây, bất cứ ai mong muốn đều có thể thượng đài tranh kiếm. Chỉ cần dùng kiếm nghệ đánh bại tất cả, sẽ là chủ nhân của Bất Diệt.

Cả võ đài rộn ràng hào hứng.

- Đao kiếm vô tình, tỉ kiếm đấu võ không tránh khỏi thương tích. Nhưng hôm nay là ngày quan trọng của Mai Hoa cốc, mong các vị anh hùng chiếu cố. Việc tỉ thí cốt phân cao thấp ở kiếm nghệ, không hướng đến sinh tử được mất, càng không nên dùng đến sát chiêu độc thủ, chỉ cần trúng chiêu, rớt đài hay rơi kiếm cũng đều coi là thua. Và một điều nữa, để đảm bảo công bằng, tất cả khi thượng đài sẽ đều dùng chung kiếm của Hồ thị.

Hai giá gỗ lớn được mang ra, đặt phía trước của võ đài, trên giá chứa mấy mươi thanh kiếm, tất cả đều đồng nhất hình dáng với Bất Diệt, chỉ là thô lược hơn. Hồ Phát tùy nghi chọn lấy một:

- Thưa các bậc tiền bối, các vị anh hùng, Hồ Phát tự biết tài nghệ không đủ, kiếm học chưa thông, nhưng vẫn mạo muội muốn được lĩnh giáo sở học các nhà. Xin mời.

Khẩu khí khảng khái, tay giang rộng kiếm, dáng đứng hiên ngang. Dù tài nghệ chưa trổ ra mà quần hùng đã cảm nhận được cái khí thế của vị thiếu cốc chủ. Từ mạn bên đông, một bóng người vọt lên, lao qua giá kiếm rồi đáp xuống võ đài, thân thủ và động tác lấy kiếm đều vô cùng gọn gàng, mau lẹ. Gã có tướng mạo thô kệch, đầu trọc chân trần, quần áo cũ rách, nom qua không phải kẻ có danh tiếng. Dù thượng đài nhưng gã không hề để ý tới đối thủ, nhìn chằm chặp thanh kiếm trong tay với vẻ đắm đuối:

- Kiếm tốt. Tuy thô nhưng vẫn là kiếm tốt.

Hồ Phát cẩn trọng thi lễ:



- Xin hỏi danh tính vị anh hùng đây, là người của môn phái nào?

Gã đầu trọc xua tay, giọng nói ồm ồm:

- Anh hùng cái gì chứ. Họ Cao tên Phạm, là người Trường Yên (Ninh Bình ngày nay) không môn không phái. Ta thì chẳng cao siêu gì để tranh Bất Diệt, nhưng vẫn muốn lên đài đánh một trận. Được cầm kiếm này cũng coi như được cầm Bất Diệt, thế là đủ rồi.

Những lời rất đỗi thành thực, khiến Hồ Phát thích thú:

- Được lắm, rất hào sảng. Ta xin lãnh giáo cao kiếm.

- Hà hà. Cao gì chứ. Ta họ Cao chứ kiếm lại không có cao. Hồ công tử, đánh nào!

Cả hai vung kiếm, lao vào nhau. Cao Phạm tuy tướng mạo có phần lam lũ thô kệch, nhưng kiếm pháp lại rất sắc sảo. Vừa bắt đầu là gã đã tràn lên, không hề kiêng dè, vọt đông vọt tây, liên tục đâm kiếm đàn áp đối thủ. Ngược lại, Hồ Phát thu kiếm thủ mình. Hai kiếm va nhau, âm thanh vang lên không ngớt. Gã họ Cao càng lúc càng nhanh, coi bộ là đã dốc hết thực lực ra thi thố, tiếng hú, tiếng cười đầy khoái trá:

- Há há. Kiếm tốt, kiếm tốt lắm.

Chứng kiến gã phô diễn tài nghệ, Lương Nhất Công cảm thấy hứng thú, nói:

- Không môn không phải mà kiếm nghệ tới mức này. Thiên hạ quả nhiên còn lắm cao thủ ẩn dật.

Phó hộ Đoàn Xuân Huy kế bên cũng hồ hởi đồng tình:

- Phải vậy mới đúng là Kiếm hội chứ. Không uổng công ta mong đợi.

Hai bên giao phong, thoáng chốc đã qua ba mươi chiêu. Cao Phạm có bao sở trường dường như đã đem ra thi thố hết, kiếm pháp dù vẫn lanh lẹ sắc sảo nhưng không còn gì mới mẻ. Ngược lại, Hồ Phát sau khởi đầu thăm dò, cảm thấy đã nắm rõ thực lực đối phương, liền xuất thủ. Một kiếm đâm nhanh trực diện, buộc đối thủ vội vã thu kiếm về, rồi vung cước đá vòng qua. Cao Phạm bị một cước như trời giáng đá bay khỏi võ đài, ngã chổng ngửa ra đất.

- Cao tiền bối, đã nhường rồi.

Hồ Phát thi lễ. Cao Lãm đứng ngay dậy, dù nhăn nhó vẫn tươi cười:

- Hồ công tử đánh hay lắm. Cao Phạm đã thua.

Rồi trả lại kiếm ngay ngắn trên giá. Hồ Phát liền lên tiếng:

- Cao tiền bối, khoan đã! Nếu đã yêu thích kiếm của Hồ thị, xin vui lòng giữ lấy.

Cao Phạm bất ngờ:

- Cậu cho ta à.

- Đúng vậy. Một người có lòng cảm mến như tiền bối, Hồ thị không thể phụ được. Xin cứ giữ lấy bên mình.

- Ha ha ha. Vậy ta xin nhé. Hồ công tử, cảm ơn cậu.



Gã kiếm sĩ hềnh hệch cười, cúi mình thi lễ đầy cảm kích. Cả quần hùng cũng đồng loạt vỗ tay tán thưởng:

- Hay lắm! Hay lắm! Rất hào phóng. Phải vậy mới xứng là Mai Hoa cốc chứ!

Hồ Nguyên chứng kiến con trai thể hiện trước mặt nhân chúng võ lâm, cũng mỉm cười tâm đắc. Sau khi tiếng hò reo kết thúc, Hồ Phát lại đứng giữa võ đài, tiếp tục:

- Các vị anh hùng, xin mời!

- Có Long Biên Nhất Phái.

Tiếng hô lớn đáp lại. Từ trong đám người mặc áo tràm đứng bên tây, một tay tung mình vọt lên, lúc băng qua giá kiếm tiện chân hất luôn một kiếm đi theo, động tác vô cùng điệu nghệ và đẹp mắt. Người này dáng vẻ đạo mạo, áo quần chỉn chu, trông qua cũng đoán được là có danh tiếng, thế lực.

- Trưởng môn Long Biên Nhất Phái Quách Nhị, xin được tiếp kiếm của Hồ công tử.

- Là đệ nhất phái chốn kinh kỳ, đã nghe danh từ lâu.

Hai bên trọng thị chào nhau. Phía dưới, nhân chúng bàn tán:

- Long Biên Nhất Phái, chẳng phải là chuyên về đao sao?

- Đúng vậy, bảo vật truyền ngôi của họ là một cây đao mà.

- Ta nghe nói gã họ Quách là đao kiếm song tu đó. Để xem thế nào.

Phúc thì nhớ đến cái chuyện mới kể hôm qua của lão Kiếm Tặc. Chàng tưởng tưởng khuôn mặt nghiêm nghị, có phần hơi cau có của vị trưởng môn khi phải thò tay nhặt cây đao quý trong đám phân lợn thối hoắc, không nhịn được đành tủm tỉm cười một mình.

Trên võ đài, hai bên giao đấu. Lần này, Hồ Phát không thăm dò nữa, mà chủ động t·ấn c·ông đối thủ. Vị thiếu chủ liên tiếp đâm ba kiếm, nhắm thẳng giữa ngực. Quách Nhị bình tĩnh gạt qua, đồng thời xoay người một cách điệu nghệ, vung kiếm chém ngang hông. Hồ Phát tung mình lên không né tránh, rồi đâm kiếm xuống. Nhưng kiếm vừa đâm xuống thì người đã vụt mất ra sau. Quách Nhị lướt đi trên sàn đấu như chiếc lá liệng đi trong gió. Y vỗ một chưởng, tức khắc lại vọt lên cao hơn trượng:

- Trả lại kiếm cho ngươi!

Sau tiếng quát lớn là những kiếm đâm xuống. Hồ Phát không hề nao núng, khoa kiếm xoay tròn đỡ lấy. Hai kiếm quện vào nhau, tiếng "leng keng" như trà vào song sắt. Chứng kiến kẻ trên người dưới đối kiếm đầy đẹp mắt, Phúc thấy thích thú mà buột miệng:

- Hay!

Chàng cố tình hô to cốt gây chú ý, nhưng Thu Lệ chẳng màng tới, chỉ chú tâm theo dõi cuộc đấu. Thực ra không riêng mình Phúc, đám đông nhân sỹ cũng đều thích thú hô lên, duy có Đoàn Xuân Huy là thấy không vừa mắt, phàn nàn:

- Cái tay họ Quách kia đánh cái gì mà như múa vậy. Cứ chọt chọt quơ quơ chẳng đâu vào đâu. Cái đó mà gọi là kiếm à.

Gã cứ thế chê trách, khiến Khúc Vĩnh Lâm phải nhắc nhở:

- Chú Huy, Kiếm hội là chốn đống người, không được tùy tiện phát ngôn.

- Nhưng mà đúng là ...

Phó hộ của núi Tản Viên định cự lại, nhưng trước ánh mắt nghiêm nghị của người anh trưởng hộ đành thôi. Lúc này, cuộc đấu đã kéo ngoài năm mươi chiêu. Hồ Phát càng đánh càng hăng hái, trong khi Quách Nhị cũng tỏ ra không phải hữu danh vô thực. Bóng hai người phiêu động khắp sàn đấu, tiếng binh khí va nhau chát chúa. Vị thiếu cốc chủ suy tính trong đầu:

"Long Biên Nhất phái quả nhiên có cân lượng. Cao thủ hãy còn ở sau, ta phải kết thúc sớm, không để dây dưa mất sức được"



Nghĩ như vậy rồi dồn sức tràn lên, xuất liền mấy chiêu, chỉ thấy bóng người và kiếm lấp loáng. Quách Nhị xoay xở chống đỡ, dần dà bị bức lui ra sau. Bất chợt, Hồ Phát áp sát, nhu kiếm xoay vòng khóa lấy binh khí của đối thủ, rồi một kiếm vu hồi cắt ngược lên. Vị thiếu chủ hành chiêu đầy quỷ dị. Gã ttrưởng môn bị phế kiếm, lại ở thế tựa lưng vào cột đá, ai cũng chắc mẩm chỉ còn nước chịu trận.

Đúng khoảnh khắc thắng bại phân định, Quách Nhị nhanh như cắt lắc đầu sang trái, đồng thời xoay kiếm thúc ngược lên. Cổ tay Hồ Phát bị chuôi kiếm thúc trúng khiến chiêu thức chệch đi, cắt lên vách đá. Ngay tức thì, Quách Nhị nhảy vọt cao hơn năm thước, tọa ngay trên đầu đối phương, tư thế sẵn sàng đâm xuống. Hồ Phát ngước mắt chỉ thấy một bóng đen choáng hết khoảng không, liền vội vã thoái lui, trầm mình thủ thế. Nhưng gã trưởng môn không phát chiêu, mà đạp gấp cước vào cột đá, mượn lực lộn người ra sau. Khi Hồ Phát kịp trở mình quay lại thì mũi kiếm đã đâm đến trước ngưc trái nửa thước, nghe v·út một tiếng, thực là nhanh lẹ. Cả cơ thể Hồ Phát bị du đi theo kiếm lực, va đến rầm vào cột đá. Tình thế đột ngột trở lên hung hiểm khiến một số che mắt không dám nhìn, số khác thốt lên khe khẽ. Sự tĩnh lặng xuất hiện. Trên võ đài, Hồ Phát và Quách Nhị đều đứng im bất động, từ xa ngó đến chỉ thấy tấm lưng áo.

- Sao rồi? Kết quả sao rồi?

- Có trúng kiếm không vậy?

Đám đông mơ hồ phỏng đoán. Sau thoáng chốc, Quách Nhị lững thững lui bước, tay cầm kiếm buông thõng. Đến lúc này, tất cả mới thấy được sự tình. Hai ngón tay xù xì, chai sạn của Hồ Phát đang kẹp chặt lấy lưỡi kiếm của Quách Nhị, găm vào vách đá, còn thanh kiếm trong tay chàng thì đang kề trên cổ đối thủ.

- Quách trưởng môn, đã nhường rồi!

Hồ Phát điềm nhiên lên tiếng. Gã trưởng môn lúc này vầng trán vã mồ hôi, hai mắt còn mở to ngỡ ngàng, miệng khẽ mấp máy:

- Hồ công tử, kiếm hay lắm.

Đám đông nhân sỹ ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đã xảy ra bởi bị khuất góc nhìn. Nguyên trong lúc nguy cấp, vị thiếu chủ của Mai Hoa cốc đã đánh vung tay trái lên, dùng chỉ pháp bắt lấy mũi kiếm. Hành động này thực là liều lĩnh, cũng thể hiện bản lĩnh không hề nhỏ. Khúc Vĩnh Lâm quay qua nói với Hồ Nguyên:

- Hồ cốc chủ. Thiết thủ công quả nhiên là một trong tam bảo của Mai Hoa cốc, còn Hồ công tử thực tài nghệ. Xin chúc mừng!

Hồ Nguyên dè dặt.

- Khúc trưởng hộ đã quá khen rồi. Kiếm hội mới chỉ bắt đầu, cao nhân hãy còn ở sau.

Nghe đến tam bảo, Đoàn Thu Nguyệt thắc mắc:

- Bác Lâm, tam bảo là gì vậy?

Khúc Vĩnh Lâm giải thích:

- Tam bảo Là ba thứ quý dùng để đúc rèn của người Hồ thị, bao gồm Huyền Thiết, Ô Thạch và Thiết Thủ công. Trong đó, Thiết thủ công là luyện cho đôi tay cứng rắn như sắt đá, có thể chịu được cái nóng của lửa. Ta nghe nói ở Mai Hoa cốc, thợ rèn nào cũng được truyền món công phu này.

- Thì ra là vậy, bảo sao khi nãy Hồ công tử lại tự tin tay không bắt kiếm. Thật là lợi hại.

Đám người xung quanh nghe Khúc trưởng hộ thuật lại thì không khỏi kiêng nể. Trên võ đài, Hồ Phát lại lên tiếng:

- Các vị anh hùng, xin mời!

Từ đâu, một giọng nói truyền tới:

- Cái gì mà anh hùng chứ? Không phải anh hùng có tranh kiếm được không?

Thanh âm vang động, giọng điệu có phần bỡn cợt. Tất cả cùng gióng mắt tìm kiếm, riêng Phúc thì đã nhận ra:

"Là lão Kiếm Tặc"

Quả nhiên là vậy, lão Kiếm Tặc đang nằm vắt vẻo trênngọn liễu cao chót vót ở mạn tây, xéo mắt trông xuống. Bị mọi người phát hiện, lãoliền rời xuống, lộn nhào mấy vòng trước khi đạp vào chiếc trống cái, chuyểnmình lao lên võ đài. Chiếc trống đánh một tiếng "tùng" thật to.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.