Sáng hôm sau, từ tờ mờ gà gáy, Phúc đã cùng lão Phú Kiệm khởi hành. Đoàn thuyền gồm hai chiếc, chất đầy chiếu cói và các loại hàng hóa khác, nương theo đường nhỏ ra đến sông Hồng. Từ sông Hồng, đoàn tiếp tục đi ngược lên đất Long Biên, trước khi nhập vào sông Đuống, đến đất Thiên Đức. Thủy trình này, Phúc đã từng đi qua, khi còn làm phu trên thuyền của gã thương lái tên Lưu Hợi.
Dẫu vậy, chàng vẫn muốn đi lại, bởi không muốn bỏ qua bất cứ cơ hội nào. Mỗi lần cập bến, Phúc đều dùng khinh công hoặc thuyền nhỏ tỏa ra tìm kiếm. Lão Phú Kiệm dù bận việc giao thương vẫn chẳng nề hà, cất công cùng chàng.
Hai người tìm hết một dải từ Luy Lâu đến Lục Đầu Giang, nơi giao nhau của sáu con sông lớn, kết thúc tại bến Bình Than thuộc đất Cao Đức. Nơi đây có đền thờ Cao Lỗ Vương, một ngôi đền cổ kính. Đền có địa thế đặc biệt, nằm đúng khúc quanh, trên mỏm đất trồi ra, án ngữ cửa sông, nhìn xuống dòng nước lớn. Dù trải qua cả nghìn năm mưa gió, vô vàn các trận l·ũ l·ụt tàn phá, ngôi đền chẳng may may bị x·âm p·hạm. Đất quanh chân đền không những không bị xói mòn, ngược lại, còn bồi đắp, mở rộng theo thời gian.
Phúc được lão Phú Kiệm kể cho truyện xưa, biết rằng, Cao Lỗ Vương là danh tướng thời An Dương Vương, cách đấy cả ngàn năm.