Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 31



Sáng sớm Đường Thận ghé thăm Phó phủ, bất ngờ phát hiện tiểu đồng Ôn Thư đã chờ cậu từ sớm.

Đường Thận ngạc nhiên: “Sao dậy sớm thế?”

Ôn Thư đồng tử nói liến thoắng: “Đường tiểu công tử, cậu cũng biết, tiên sinh nhà chúng tôi có tuổi rồi, hằng ngày chẳng có việc gì khác để làm, ngủ sớm, đương nhiên sẽ dậy sớm. Ngài vừa thưởng thức một chậu hoa hồng xong, hoa của Diêu đại nhân dâng tặng đấy ạ. Giờ thì ngài đang dùng bữa sáng trong phòng khách.”

Đường Thận tới phòng khách, Phó Vị hồ hởi ra lệnh: “Tiểu đồng tử, lấy cho Cảnh Tắc một bộ chén đũa nào. Cảnh Tắc, con ăn sáng chưa?”

Đường Thận: “Con ăn rồi ạ.”

Phó Vị: “No chưa?”

Đường Thận: “???”

“Chưa ạ.”

Phó Vị phất tay áo: “Thế đem một bộ chén đũa lại đây. Ngồi đi, Cảnh Tắc.”

Đường Thận: “…”

Phó Vị và Đường Thận cùng nhau ngồi tại chiếc bàn tròn dùng bữa sáng. Bữa sáng ở Thịnh Kinh khác với bữa sáng Cô Tô, bao gồm cháo loãng, kèm với chút bánh ngọt và bánh du thực1. Đường Thận tùy ý ăn chút chút, hai thầy trò dùng bữa xong thì Vương Trăn đến. Đường Thận không ngờ hôm nay Phó Vị rủ cả anh ta. Thấy trò cưng xuất hiện, Phó Vị nói: “Tử Phong, con đến muộn ghê, chúng ta ăn xong mất rồi.”

Khác với bộ quan phục tinh tươm màu đỏ thuần lần trước, hôm nay Vương Trăn mặc trường sam bằng gấm. Tôi tớ dọn sạch chén đĩa và đồ ăn thừa trên bàn; thầy trò ba người cùng đi đến thư phòng. Lư hương chạm rỗng trong thư phòng chưa đốt hương, Vương Trăn tự mình lấy hộp trầm trong ngăn kéo, nhẹ nhàng mở nắp lư đặt miếng trầm vào, đốt lên.

Chỉ trong chốc lát, thư phòng đã thoang thoảng hương trầm. Phó Vị ngồi ghế trên, Vương Trăn và Đường Thận một tả một hữu, ngồi ghế dưới.

Đường Thận nhìn Vương Trăn ngồi phía đối diện, nói: “Vương sư huynh.”

Vương Trăn: “Gọi Tử Phong là được rồi. Bánh ngọt Thái Kỳ trai có ngon không?”

Đường Thận: “Quả đúng là món ngon, mấy hôm trước đệ đã mua cho người hầu mang về nhà làm quà.”

Phó Vị nhìn hai người bọn họ: “Ơ kìa, hai đứa có chuyện gì mà ta không biết thế?”

Đường Thận đang định giải thích, Vương Trăn đã nói: “Tiên sinh gọi chúng con tới đây có việc gì?”

Phó Vị nhớ tới việc chính, bèn ngồi thẳng thắn người lên. Ông bảo với Đường Thận: “Cảnh Tắc, còn hơn bốn tháng nữa là đến kì thi Hương của con rồi. Con có tự tin không?”

Khắp Đại Tống có hai nơi thi khó nhất là Cống viện Giang Nam và Quốc Tử Giám ở Thịnh Kinh. Như Đường Thận phải gọi là vừa rời hang sói thì đi vào miệng cọp. Hơn nữa, kì thi Hương cũng chính là kì thi khốc liệt nhất trong ba khoa thi lớn. Mỗi năm Thịnh Kinh có đến hàng vạn tú tài ứng thi, nhưng mỗi khoa chỉ lấy đúng một trăm người, tỉ lệ chọi quá khủng khiếp.

Mặc dù vậy, với bàn tay vàng là trí nhớ siêu đẳng, kèm theo nhận thức và tư tưởng độc đáo của bản thân với văn bát cổ, Đường Thận chắc đến chín phần mười là mình có thể đỗ cử nhân. Nhưng kể cả thế, để đạt thứ hạng cao vẫn là việc rất khó khăn, cậu không dám cam đoan.

Đường Thận: “Học trò đương nhiên sẽ cố hết sức ạ.”

Phó Vị nghe thế thì nghĩ bụng, thôi xong, kiểu này là Đường Thận chẳng chắc chắn tí nào rồi. Vương Trăn trái lại không bày tỏ ý kiến, chỉ nhấc chung trà lên, dùng nắp gạt lá trà trên bề mặt cho hương bớt nồng, rồi nhẹ nhàng uống một hớp. 

Phó Vị và Lương Tụng đều được vinh danh trong nhóm Tứ nho thiên hạ. Trong khi trước đây Lương Tụng nhận khá nhiều học trò, thì Phó Vị hướng đến sự xuất sắc tuyệt đối2 – không nhận thì thôi, đã nhận là nhận ngay Vương Tử Phong. Trước mười hai tuổi, Vương Trăn vẫn thường xuyên theo học Phó Vị. Qua tuổi mười hai, đến năm mười bốn tuổi Vương Trăn đoạt tiểu tam nguyên đồng thí. Hai năm sau, chàng thi Hương đỗ Giải Nguyên. Năm sau đấy, chàng đỗ tiếp Trạng Nguyên. 

[2] Gốc: Tinh ích cầu tinh (đã giỏi còn muốn giỏi hơn)

Chàng chính là Trạng Nguyên Tam nguyên đầu tiên của cả triều đại.

Lương Tụng xứng đáng là tấm gương của mọi người thầy, học trò trải khắp thiên hạ. Còn Phó Vị…thì rõ là chẳng có tí kinh nghiệm dạy dỗ ai.

Trước đây Vương Trăn không khiến ông bận tâm, nhưng giờ ông lại nghĩ ngợi: Đường Thận sinh ra ở chốn thôn quê, điều kiện học không thể sánh bằng với Lang Gia Vương thị, ngay từ nền tảng đã kém hơn Tử Phong rồi. Thằng bé đỗ tiểu tam nguyên đồng thí ấy là nhờ thiên tư thông minh, nhưng muốn đỗ Giải Nguyên hay thậm chí là Trạng Nguyên trong vài năm ngắn ngủi thì khó như lên trời. Nếu để ba năm nữa hẵng đi thi, Đường Thận hẳn là có thể đạt thứ hạng tốt. Còn bây giờ cậu mới có mười lăm tuổi, bắt cậu thi đỗ Trạng Nguyên giống như Vương Trăn thì quá khiên cưỡng.

Phó Vị thở dài, hỏi: “Ở Quốc Tử Giám sao rồi con?”

Đường Thận: “Các thầy giáo, Bác sĩ3 trong trường đều chiếu cố con. Được vậy cũng phải cảm tạ bức thư tiến cử của Tử Phong sư huynh ạ.”

Nghe bốn chữ “Tử Phong sư huynh”, động tác gạt lá trà của Vương Trăn có hơi chững lại, chàng nhìn Đường Thận nói: “Tiểu sư đệ không cần đa lễ.”

Phó Vị hỏi Vương Trăn: “Gần đây bộ Hộ bận không?”

Vương Trăn mỉm cười: “Trời yên biển lặng, biên cảnh không có chiến loạn, trăm quan làm việc đúng chức trách, không có tin đồn tham ô. Vả lại giờ không phải dịp cuối năm, tiên sinh hẳn đang mong con đáp rằng rất thư thả nhỉ. Mỗi tội, bộ Hộ thì nhàn, nhưng con thì hơi bận đấy.”

Phó Vị: “Con bận cái gì mà ghê thế?”

Vương Trăn: “Chơi với chim, chăm sóc hoa, tiên sinh bận gì thì con bận nấy.”

Phó Vị: “…”

Ông nháy mắt ra hiệu với Vương Trăn: Tiểu sư đệ mới của mi còn lù lù ở đây nè, chừa cho vi sư chút thể diện đi. 

Vương Trăn nhẩn nha thưởng trà, chẳng nói chẳng rằng.

Đường Thận nhìn thầy trò hai người chiến đấu trong im lặng với nhau, manh nha nhận ra ẩn ý. Chẳng lẽ là, Phó Vị muốn để Vương Trăn dạy cậu học ư?

Tục ngữ có câu huynh trưởng như cha, việc sư huynh dạy thay thầy xưa nay không hiếm. Nhưng Đường Thận thấy Vương Trăn không có ý muốn dạy, vả lại bản thân cậu cũng không muốn cố đấm ăn xôi. Giờ cậu có chút e dè với Vương Tử Phong, nếu mỗi ngày đều giáp mặt, biết đâu lại có lúc khiến anh ta không vừa ý. Vô duyên vô cớ đắc tội Vương Tử Phong, cậu chẳng ham.

Đường Thận nói: “Việc đi thi, học trò chắc chắn sẽ thành công.”

Phó Vị: “Ồ?”

Đường Thận để ý thấy Vương Trăn cũng đặt chung trà xuống, hứng thú nhìn mình, cậu suy nghĩ giây lát rồi nói: “Thi Hương có ba trường, trường thứ nhất thi ba bài chế nghệ, một bài thơ thí thiếp ngũ ngôn bát vận; trường thứ hai thi năm bài kinh văn, trường thứ ba thi ba câu sách vấn4. Ngoài bài thơ thí thiếp ở trường thứ nhất ra, còn lại mười một bài đều là chế nghệ theo thể văn bát cổ.”

Phó Vị: “Nói cũng phải.” Ông bắt đầu nói bóng gió: “Tử Phong viết chế nghệ rất giỏi, ngày trước cả Lương Bác Văn cũng tán thưởng đấy.”

Đường Thận nghĩ bụng: Tam nguyên duy nhất của cả triều đại, được thánh thượng ban ngự bút là “Trạng Nguyên vô song”, có thể viết chế nghệ dở được sao?

Cậu bèn thưa: “Học trò cho rằng, bát cổ chế nghệ, kì thực cũng không phải không có nguyên tắc làm bài.”

“Con nói thử xem nào.”

“Mọi người đều biết, văn bát cổ có tám đoạn, chia làm phá đề, thừa để, khởi thủ…cuối cùng là hậu cổ, thúc cổ. Ai cũng cho rằng thi Hương là khốc liệt nhất trong ba kì thi, nhưng học trò lại thấy đây là kì thi dễ đỗ nhất! Lấy Thịnh Kinh làm ví dụ, hằng năm số tú tài ứng thi ước tính một vạn người. Trong đó, chắc chắn sẽ loại ít nhất hai ngàn thí sinh viết thể chữ sai tiêu chuẩn, viết xấu, viết thiếu nét, vi phạm quy cách.”

Vương Trăn bất ngờ lên tiếng: “Nói tiếp đi.”

Đường Thận liếc anh ta một cái: “Thế là coi như còn tám ngàn thí sinh. Trong mỗi kì thi Hương, quan chủ khảo đều là học sĩ Hàn Lâm viện, được phân công từ kinh thành đi khắp các địa phương coi thi. Sau khi phân công xong, số học sĩ có thể ở lại Thịnh Kinh chấm bài không quá mười người. Điều thêm các học chính, biên thư cấp lục phẩm, thất phẩm hỗ trợ sẽ nâng tổng số quan viên có thể chấm bài thi lên tối đa ba mươi người. Ba mươi người này chỉ có đúng ba ngày để chấm hết mười ngàn quyển thi. Bình quân mỗi người phải chấm một trăm bài mỗi ngày. Lấy trường thi thứ nhất của kì thi Hương để tính, mỗi ngày một giám khảo phải đọc ba trăm bài chế nghệ và một trăm bài thơ thí thiếp.”

Đường Thận lí luận tiếp: “Người chẳng phải bậc thánh hiền, sao có thể không mắc lỗi? Viết chuẩn chữ quán các, coi như thành công một nửa. Sau đó nếu bài viết ổn định, không lạc đề, không phạm kỵ húy, xác suất thi đậu cử nhân là năm phần mười rồi! Nếu phá đề, thừa đề dụng công viết tốt, khiến quan chấm bài hứng thú, cảm thấy mới mẻ, thì chỉ cần không viết sai, dẫu nội dung bình thường đi chăng nữa vẫn dễ đạt điểm cao. Bởi lẽ ấy, thưa tiên sinh, nhiệm vụ của học trò thật ra đơn giản lắm. Trong tám đoạn của bài bát cổ, học trò chỉ cần tập trung vào hai đoạn đầu. Những đoạn sau chẳng mong đột phá xuất thần, chỉ cần tập trung viết sao cho không sơ sẩy thì đỗ cử nhân là việc trong tầm tay.”

Đường Thận nói xong, thư phòng lặng im phăng phắc.

Phó Vị hồi tưởng lại bức thư Lương Tụng từng viết để khoe đồ đệ với mình. Quả nhiên, ông bạn già của mình tính tình cương trực, không nói ngoa bao giờ, đứa học trò này của ông ta đúng là nòi rồng phượng, tương lai sáng sủa vô cùng.

Thế là Phó Vị bỗng sinh lòng muốn dạy dỗ. Có thể tự tay bồi dưỡng được quyền thần thứ hai của triều đại này thú vị gấp mấy lần chim chóc hoa lá. Lòng Phó Vị hừng hực ý chí chiến đấu, nếu đặt vào thời hiện đại, e chỉ có hai từ để hình dung mong muốn lúc này của ông: Dưỡng thành!

Nhưng trước khi Phó Vị kịp lên tiếng, Vương Trăn đã cười nói: “Tiểu sư đệ, đệ nói đúng lắm. Nhưng điều kiện tiên quyết để những điều đệ nói áp dụng được, ấy là chữ Quán các của đệ phải khiến người ta tấm tắc ngợi khen, phá đề, thừa đề cũng phải đủ mới mẻ độc đáo.”

Đường Thận nghẹn.

Lí thuyết lúc nào cũng tròn vo mà hiện thực thì hay méo mó. Cậu vận dụng mẹo ăn điểm hồi thi đại học để đi đường tắt, nhưng cũng không dám chắc mình có thể thành công.

Phó Vị: “Viết chữ thì có gì khó, chữ của Tử Phong nổi danh thiên hạ…” Là nhờ sự chỉ bảo của người thầy tài ba này chứ ai.

Ông chưa nói hết câu, Vương Trăn đã mỉm cười xen vào: “Tiên sinh khen con viết chế nghệ giỏi, còn khen con viết chữ đẹp, là có ý bảo con thay mặt thầy dạy dỗ tiểu sư đệ phải không ạ?”

Phó Vị: “Ể?”

Vương Trăn thở dài: “Lệnh thầy, Tử Phong nào dám chối.”

Phó Vị: “…”

Đường Thận: “…”

Vừa nãy ai than bận lắm, hết phải chăm hoa rồi phải chơi với chim ấy nhỉ?

Nhưng Phó Vị không phủ nhận lời Vương Trăn. So với ông, để Đường Thận tiếp xúc nhiều với Tử Phong thì có lợi cho con đường làm quan tương lai của cậu hơn.

Tiễn hai học trò ra về, Phó Vị xách lồng chim, sai Phủ Cầm đồng tử tìm thức ăn cho chim giúp mình. Ông trêu con chim hoàng yến trong lồng tre, nhớ lại một câu thơ rồi lẩm nhẩm đọc: “Nga nhi, tuyết liễu, hoàng kim lũ? Lương Bác Văn à Lương Bác Văn ơi, ông gửi đứa học trò này cho ta khác nào đào cho ta một cái hố to. Ý của ông sao ta không hiểu chứ. Chúng ta đều có tuổi rồi, nên chịu khó dưỡng già, tội gì phải dây vào những sự phiền hà. Đây là thời đại của tụi trẻ chúng nó.”

Đường Thận rời khỏi Phó phủ mà hoang mang tột độ.

Tại sao Phó Hi Như và Vương Tử Phong chơi chẳng đúng bài gì sất?

Trước khi tới Thịnh Kinh, Đường Thận nghĩ tới nghĩ lui xem phải xây dựng quan hệ với Phó Vị thế nào, rồi tiếp cận Vương Trăn từng bước ra sao. Ai ngờ hôm nay cầu được ước thấy, Phó Vị thì gửi gắm cậu luôn cho Vương Trăn, mà Vương Trăn cũng thuận nước dong thuyền, chẳng hề cự tuyệt.

Đường Thận đột nhiên có cảm tưởng mình lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử.

“Họ thật lòng coi mình là học trò, là sư đệ!”

Lòng Đường Thận ấm áp hẳn.

Ra ngoài Phó phủ, Vương Trăn hỏi: “Tiểu sư đệ đến Quốc Tử Giám phải không, ta tiễn đệ một đoạn nhé?”

Đường Thận lắc đầu đáp: “Không cần đâu Tử Phong sư huynh, hôm nay đệ đã xin nghỉ ở Quốc Tử Giám rồi, giờ đệ muốn đi mua ít đồ ạ.”

Vương Trăn không nhiều lời, leo lên xe ngựa, bảo: “Thế thì mấy hôm nữa gặp lại, đệ biết phủ Thượng thư ở chỗ nào rồi nhỉ?”

Đường Thận hỏi: “Sư huynh có muốn đệ chuẩn bị gì trước khi bái phỏng không?” Ví dụ như viết một bài chế nghệ, một bài thí thiếp để anh ta xem trình độ mình thế nào?

Thế mà Vương Trăn lại bảo: “Mang người đến là đủ rồi.”

Đường Thận: “Dạ?”

Vương Trăn cười thanh lịch: “Đến phủ Thượng thư, chỉ cần mang theo chính đệ là được.”

Vương Trăn nói thế, thành ra Đường Thận lại càng không yên tâm.

Vương Tử Phong có thể thi đỗ Trạng nguyên, được ban ngự bút là “Trạng nguyên vô song”, quả thực là một kì tài. Lương Tụng đã từng nói: “Ta đã từng gặp người đọc một lần là không quên,” hẳn người ấy chính là Vương Trăn. Đường Thận cũng có thể đọc một lượt là in vào đầu, thậm chí thuộc làu làu, nhưng ấy là bàn tay vàng ông trời ban tặng cậu sau hai kiếp nên cậu không lấy đó làm tự tin. Riêng Vương Trăn thì đúng là chân tài thực học.

Đường Thận về nhà, trước hết viết một bài chế nghệ, rồi lại tỉ mỉ làm thêm một bài thơ thí thiếp. Viết xong, cậu chưa hài lòng lắm, bèn dùng lối chữ trâm hoa chép lại mấy lượt, rồi lựa hai bài tốt nhất viết lại bằng thể Quán các.

Lúc này, quản lí Lục cũng vừa từ phủ Cô Tô tới Thịnh Kinh.

Đường Thận thu xếp cho ông ta ở lại nhà mình.

Quản lí Lục gặp cậu thì báo cáo: “Tình hình ở Cô Tô vẫn ổn lắm. Các hương thân đều là người mềm nắn rắn buông, họ nghe đồn tiểu đông gia tới Thịnh Kinh, còn bái Phó đại nho làm thầy, liền để yên cho lầu Tế Hà và Hậu cần Đường thị ngay, hầu như chẳng có ai dám táy máy nữa. Nghe Diêu Tam nói, tiểu đông gia gọi tôi lên Thịnh Kinh là để mở chi nhánh của lầu Tế Hà ở Thịnh Kinh nhỉ? Lúc trên thuyền tôi cũng suy nghĩ suốt, Thịnh Kinh giáp với nước Liêu, dê bò nhiều vô kể, phương án này khả thi đấy!

Đường Thận: “Đúng ý ta đấy, chỉ có điều hiện giờ ta đang bận chuẩn bị thi Hương. Hết thi Hương lại đến xuân năm sau thi Hội, không dứt ra được.”

Quản lí Lục: “Tiểu đông gia không cần vội, kì thực tôi cũng không vội. Trước hết tôi cứ ở lại Thịnh Kinh đã, chúng ta dù sao cũng không phải người bản xứ, lạ đường lạ lối, cần phải nghiên cứu rõ xem mở cửa hàng thế nào mới được. Ngày mai tôi sẽ đến nha hành mua mấy người đầy tớ, trước hết chúng ta làm quen với tình hình Thịnh Kinh đã.”

Đường Thận cười: “Thế thì tuyệt.”

Ba ngày sau, Đường Thận cầm hai bài chế nghệ và thí thiếp đã viết đi tới phủ Thượng thư.

Quản gia phủ Thượng thư đã biết tên cậu, liền dẫn ngay vào hoa viên trong phủ, thưa rằng Vương Trăn còn đang tiếp khách, phiền Đường Thận chờ một lát. Đường Thận dạo chơi trong vườn, thấy khu vườn có một hồ nước nhân tạo, thả hơn mười chú cá chép hoa màu sắc sặc sỡ, chú nào chú nấy béo quay béo cút, hẳn là thường xuyên được cho ăn đẫy bụng.

Lại ngắm nghía những ngọn giả sơn lởm chởm, trăm hoa khoe thắm. Riêng gốc liễu ven hồ dường như chẳng thiết ganh đua, nghiêng mình soi bóng nước, cô độc một nỗi thương thân. 

Đường Thận đang ngắm, chợt có giọng nói du dương cất lên từ phía sau: “Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát?”

Đường Thận sửng sốt, xoay người lại, liền thấy Vương Trăn bước ra từ gốc liễu. Chồi liễu xanh ngát phớt qua mỏm vai chàng, rủ trên áo trường bào gấm trắng. Đường Thận định thần, nói: “Sư huynh sao lại biết câu thơ này?” Chợt cậu nhớ ra: “Đệ quên mất, sư huynh xuất thân Lang Gia Vương thị, là người Kim Lăng.”

Vương Trăn xòe bàn tay, giờ Đường Thận mới phát hiện, hóa ra nãy giờ trong nắm tay chàng giấu mồi cá.

Đường Thận ngơ ngẩn nhìn chàng, Vương Trăn mỉm cười: “Cho cá ăn không?”

Đường Thận chẳng có cách nào khác ngoài nhận mồi, thả vào hồ cá theo Vương Trăn.

Mồi cá rơi xuống nước tạo thành những gợn sóng hình tròn, bầy cá chép ùa vào tranh ăn. Đường Thận chợt phát hiện thì ra đây chính là thủ phạm khiến chúng béo núc ních.

Vương Trăn vừa rải mồi cho cá, vừa hỏi: “Câu thơ sau câu ấy là gì?”

Đường Thận ngập ngừng giây lát, đáp: “Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.”

“Sau đó thì sao?”

Đường Thận: “…” 

Cô gái không hay buồn nước mất, 

Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa

Thơ vong quốc chính hiệu đây chứ đâu!

Đường Thận: “…Hết rồi ạ. Đệ bắt gặp trong một cuốn sách, sách ấy không tìm lại được, đệ cũng không nhớ rõ nửa sau.”

Vương Trăn: “Đáng tiếc.”

Cho cá ăn xong, Đường Thận bèn lấy ra bài chế nghệ và thơ thí thiếp đã chuẩn bị sẵn. Vương Trăn không ngạc nhiên khi cậu có sự chuẩn bị, chàng cầm văn và thơ của Đường Thận lên đọc. Xem xong, chàng nhận xét: “Viết khá đấy.” Đoạn, chàng bỏ hai tờ bài sang một bên. “Tiểu sư đệ đã từng nghĩ thử xem, quan chủ khảo kì thi Hương Thịnh Kinh bốn tháng nữa là ai chưa?”

Đường Thận trợn mắt hãi hùng, nhìn Vương Trăn bằng vẻ mặt không thể tin nổi.

Đệt, lại còn thế nữa?

Chưa thi, Vương Tử Phong đã định dắt cậu đi cửa sau đến mức này?

“Chẳng lẽ lại là sư huynh?”

Vương Trăn bật cười. Đường Thận mấy năm nay ăn uống đầy đủ nên cao vống lên, nhưng vẫn thấp hơn Vương Trăn một cái đầu. Vương Trăn cúi xuống nhìn Đường Thận mặt mày hốt hoảng, bỗng cảm thấy vừa tức cười vừa đáng yêu quá chừng. Tiểu sư đệ của chàng bình thường rất thông minh lanh trí, nhưng cậu làm sao mà giấu được tâm tư trước chàng và tiên sinh.

Chung quy vẫn chỉ là một thiếu niên tuấn tú tuổi mười lăm.

Vương Trăn thả nốt chỗ mồi cá trong tay vào hồ, chàng nghiêm mặt, ra chiều suy tư, đôi mày khẽ cau, như thể đang đấu tranh nội tâm dữ dội. Hồi lâu sau, chàng mới thở dài, nghiêm nghị nói: “Tuy huynh không phải là học sĩ Hàn Lâm viện, nhưng nếu tiểu sư đệ mong muốn thế, thì huynh sẽ cố gắng phấn đấu làm chủ khảo thi Hương năm nay. Chỉ có điều, tiểu sư đệ này, ta với đệ vốn là trò cùng thầy. Chi bằng để tiên sinh trục xuất đệ khỏi sư môn trước, kẻo lúc huynh làm chủ khảo, đệ lại không được vào thi để tránh hiềm nghi. Nếu vậy mà không xong, tiểu sư đệ còn viết bằng chữ Quán các, thì huynh hứa sẽ banh mắt mà kiếm cho ra bài của đệ trong mười ngàn bài thi, nha?”

Vương Trăn cười rất duyên, Đường Thận thì: “…”

Cái tên Vương Tử Phong này đúng là không tin nổi!

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.