Thập Niên 60: Cuộc Sống Mỹ Mãn Của Vợ Trước Lót Đường Trong Niên Đại Văn

Chương 28



Đến khi Kiều Vi kêu lên “ăn thôi”, anh vội vàng lấy thẻ kẹp lại, đi đến hỗ trợ.
Trên bàn cơm, anh nói với Kiều Vi: “Anh đã hỏi người để làm đồ kia cho em, có thể làm được, nhưng gỗ cần phải sơn dầu.”
“Chống mối mọt đúng không?” Kiều Vi nói tiếp.
Nghiêm Lỗi nhìn cô: “Cái gì em cũng biết.”
Thật ra cũng chỉ là kiến thức bình thường, nhưng đừng coi thường chuyện truyền bá thông tin. Đối với người thường tiếp xúc nhiều thông tin thì sẽ biết rất nhiều kiến thức. Nhưng những người được tiếp xúc ít thông tin thì có thể chưa nghe nói bao giờ.
Cho dù là ở thời đại bùng nổ thông tin vẫn có thể gặp được rất nhiều người thiếu hiểu biết trên mạng. Chưa kể đến thời đại truyền thông tin bằng việc gào thét này.
Nhưng Nghiêm Lỗi lại tự nhiên cho rằng đó là “trình độ văn hóa của cô cao”, “quả nhiên là người trí thức”.
“Còn khen em, khen biện pháp em nghĩ ra rất tốt.” Anh xới cơm, khen ngợi cô.
Kiều Vi phát hiện tính cách Nghiêm Lỗi rất tốt, có lẽ vì làm cán bộ, quen chỉ huy binh lính dưới quyền, nên anh không ngại khen ngợi và khẳng định người khác.
Điều này chứng minh anh là một người tốt, có thể thấu hiểu, dễ khai thông.
“Không có gì đâu, chỉ là nguyên lý đòn bẩy, tiết kiệm được sức lực hơn mà thôi.” Kiều Vi khiêm tốn nói.
“Nguyên lý đòn bẩy” gì đó cũng đủ để Nghiêm Lỗi sinh lòng kính trọng với kiến thức rồi. Cách anh nhìn cô thể hiện sự khao khát và kính sợ với kiến thức.
Không phải chứ? Không thể nào?
Kiều Vi nhớ tới bộ dáng người đàn ông này nỗ lực thể hiện “Em cứ xài tiền và phiếu thoải mái” ở trước mặt cô.
Đường đường là nam chính, chẳng lẽ thực chất bên trong lại tự ti à?
Thật ra ngoại trừ những người quá tự tin, thì hầu hết mọi người đều cần sự tán thành và khẳng định của người khác.
Nghiêm Lỗi xui xẻo ở chỗ sau khi nhập ngũ anh mới được xóa mù chữ, có lòng kính nể đối với tri thức, cho nên anh đã cưới một cô gái có văn hóa.
Cuối cùng người trí thức đó xem thường một kẻ chân đất như anh, chưa từng công nhận những ưu điểm và năng lực của anh mà đối xử với anh rất hờ hững.
Đời sau hay có mấy anh trai thấp kém thích kiểm soát bạn gái bằng cách hạ thấp họ.
“Em xấu như thế, làm gì có ai thích em ngoài anh cơ chứ?”
“Em ngốc như vậy, làm gì cũng không xong, ngoài anh ra làm gì còn ai chịu nổi em hả?”
Sau một thời gian, cô bạn gái dần trở nên mất tự tin và sợ phải rời khỏi người đàn ông ấy.
Tuy rằng nguyên chủ không đến mức hạ thấp Nghiêm Lỗi, nhưng sự coi thường của nguyên chủ cũng dẫn đến kết quả tương tự.
Ai cũng cần được khen. Thoạt nhìn Nghiêm Lỗi là loại người vừa có năng lực lại biết khen người khác, nhưng thật ra anh cũng cần được người khác công nhận.
Vì thế khi Kiều Vi dùng hai tờ phiếu công nghiệp còn cố ý nói cho anh biết trước một tiếng, sống lưng của anh ưỡn thẳng lên thấy rõ.
Kiều Vi cắn đũa, thấy nhu cầu đời sống tình cảm chưa được thỏa mãn của Nghiêm Lỗi, trong lòng cô đã biết cách dỗ người đàn ông này.
Cô đổi chủ đề nói chuyện: “Cái anh ở hợp tác xã cung tiêu đó họ Từ, em nói chuyện với anh ta một hồi. Anh ta nói sau này có đồ gì tốt sẽ giữ lại cho em một ít.”
Nghiêm Lỗi cười nói: “Được đó, đơn vị của bọn họ tốt lắm. Nếu anh ta nói có hai thùng thì anh nói em nghe, ít nhất cũng phải ba thùng. Nếu không thì sao hôm qua đã đến rồi mà hôm nay mới dám bày ra chứ.”
Kiều Vi kinh ngạc hỏi: “Sao thế? Th.am nh.ũng sao?”
“Sao em lại nghĩ ngay đến th.am nh.ũng? Sao có thể ăn chặn được chứ?” Nghiêm Lỗi ngạc nhiên với lối suy nghĩ của cô: “Nhà nước ấy mà, chỉ cần thiếu một cây kim thôi cũng bắt bọn họ móc tiền túi ra bù vào. Bọn họ chỉ là tiêu hóa nội bộ thôi. Nếu có thứ gì tốt thì họ sẽ ưu tiên mình mua trước, sau đó là người thân và bạn bè. Nếu không sẽ bị bạn bè thân quen mắng chết.”
“Khó khăn ghê.” Kiều Vi thở dài: “Em cắt thêm ít thịt mà bác gái ở phía sau cũng phải nói hai câu, cứ như sợ em lấy thịt chạy luôn vậy.”
Nghiêm Lỗi ngừng đũa: “Không đủ thịt ăn à?”
Kiều Vi cầm thìa xúc thức ăn bỏ vào trong bát cơm của anh: “Thì cũng chỉ là thêm chút dầu, chút mỡ lợn thôi mà.”
Các món ăn hôm nay đều được xào bằng dầu, món nào món nấy thơm phức. Nghiêm Tương ăn ngon đến mức không thèm nói chuyện, ăn không ngừng nghỉ.
Nghiêm Lỗi cũng yên tâm, ăn thêm vài miếng nữa rồi khen ngợi: “Thơm quá!”
“Mai còn ăn được thêm bữa nữa đó.” Kiều Vi nói: “Phải ăn hết thôi, trời nóng, để nữa thì hỏng mất.”
Nghiêm Lỗi nói: “Em xào rau thì cứ dùng dầu nhé, đừng tiết kiệm.”
Nghe Nghiêm Lỗi nói thế, Kiều Vi cũng yên tâm hơn nhiều. Tất nhiên cô muốn được ăn ngon uống ngon, thời đại này mọi thứ đều túng thiếu, lại coi trọng sự giản dị vất vả, cần cù tiết kiệm. Cô rất sợ Nghiêm Lỗi bảo cô tiết kiệm, nếu thế thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Bởi thế nên sức quyến rũ của một anh tổng giám đốc thích gì mua nấy là ở chỗ đấy đấy.
Kiều Vi nhìn Nghiêm Lỗi, cô bắt đầu cảm thấy gương mặt anh tuấn kia càng lúc càng dễ nhìn.
“Vâng.” Cô nói, cười híp mắt gắp thêm đồ ăn cho hai bố con.

Nghiêm Lỗi rời mắt đi, vờ như không có gì cúi đầu ăn cơm.
Nhưng làm sao mà không để ý cho được, vợ cười rạng rỡ, ánh mắt làm rung động lòng người, khiến người ta mất kiểm soát.
Sau khi cơm nước xong, hai vợ chồng ăn ý, Nghiêm Lỗi chủ động nhận rửa chén.
Nếu ở nhà khác thì làm gì có chuyện như vậy, ở đâu cũng là phụ nữ nấu cơm, rửa chén, ôm con dọn dẹp nhà cửa, lại còn phải giặt quần áo.
Nghiêm Lỗi tự thuyết phục bản thân mình: “Nấu cơm rồi mà còn rửa chén đúng là khó chịu.”
“Chứ còn gì nữa.” Kiều Vi nói: “Không phải là em không làm, mà là chúng ta nên quản lý và chia sẻ việc nhà một cách hợp lí, đúng không nào.”
Ba chữ “đúng không nào” nghe thật là mềm mại, trước đây Nghiêm Lỗi chưa từng được nghe giọng điệu như thế này.
Anh liếc nhìn Kiều Vi, cô mỉm cười nhìn anh, vừa ranh mãnh lại vừa xinh đẹp.
Ánh mắt hai người chạm nhau, dường như có một cuộc đọ sức không lời diễn ra.
Kiều Vi lấy hũ trong thùng ra, cười tủm tỉm rời đi.
Nghiêm Tương đứng ngóng chờ từ sớm, thấy cô cầm hũ thì hoan hô: “Mở hũ thôi, mở hũ thôi!”
Cậu bé đi theo Kiều Vi vào nhà bếp như một cái đuôi nhỏ.
Kiều Vi đi rồi Nghiêm Lỗi mới không nhịn được nở nụ cười, vừa cười vừa lắc đầu.
Cô ấy đúng là, không muốn làm việc nhà mà còn có thể ngụy biện được đến mức này.
Nhưng cảm giác này thật tuyệt vời, sau mấy năm kết hôn, cuối cùng Nghiêm Lỗi cũng có cảm giác được sống chung với một người bình thường.
Rửa mấy cái chén thôi ấy mà, có là gì đâu, rửa thôi.
Hũ đào đông lạnh rất mát.
Chạng vạng, cả nhà cùng ngồi ngoài sân vừa nghe tiếng côn trùng kêu vừa ăn đào trong hũ, cực kỳ thoải mái dễ chịu.
Nhưng nước đường trong hũ ngọt quá, nếu ở đời sau thì Kiều Vi không bao giờ uống loại nước này, nhưng bây giờ thế giới thay đổi rồi, không thể lãng phí được.
Cô đổ nước đường ra chén, chia cho mỗi người một chén để uống.
Đừng nói là nước đường, đến bình thủy tinh cũng không được vứt đi, rửa sạch bình là có thể dùng làm cốc uống nước hoặc bình đựng đồ rồi.
Thời đại này không thể lãng phí bất cứ thứ gì, dù là thứ bản thân mình không cần nữa như quần áo cũ, giày cũ, cũng có thể đưa cho người khác.
Những bộ quần áo cũ rách nát đến mức không thể mặc nữa sẽ được thu về để tái chế thành vải bố. Vải bố khó mặc nhưng lại rất tiện, hơn nữa cũng không cần phiếu vải. Vì thế mà vẫn có rất nhiều người chịu mua vải bố làm quần áo để mặc.
Ngay cả Kiều Vi, một người đến từ xã hội có vật phẩm phong phú cũng phải nhập gia tùy tục.
Hơn nữa vào mùa đông thì các loại đồ ăn có thể sẽ ít hơn nữa. Cô từng nghe mẹ kể rằng lúc nhỏ phải ăn cải thảo dự trữ cả một mùa đông. Cô rửa sạch lọ đựng đào, vẩy vẩy nước: “Lát nữa đi mua cà chua, chúng ta làm một ít sốt cà chua nhé.”
Phải chuẩn bị chu đáo cho mùa đông sắp tới mới được.
Nghiêm Lỗi nói: “Được.”
Kiều Vi phơi chiếc lọ và nắp trên bàn nhỏ.
“Này.” Cô đá đá ghế tựa của Nghiêm Lỗi: “Ghế tựa này có kiểu lớn không, cái kiểu mà có thể nửa nằm ấy. Nếu có thì anh làm cho em một cái cỡ lớn đi, có thể kèm theo ghế nhỏ thì càng tốt, để em gác chân.”
Chiếc ghế Nghiêm Lỗi ngồi là một chiếc ghế tre nhỏ, ghế cao ngang đầu gối, lưng ghế có thể dựa nghiêng, thường thấy ở quê hoặc trong các bộ phim cận đại. Đời sau không còn thấy những chiếc ghế như thế trong các thành phố lớn nữa.
Hai ngày nay Kiều Vi ngồi ghế này cảm thấy rất thoải mái, muốn có một cái lớn hơn, hay nói thẳng ra là cô muốn một chiếc ghế nằm.
Trong nhà có sân, trong viện có cây, dưới tàng cây có bóng râm.
Đặt ghế dưới tàng cây nằm đung đưa, đúng là giấc mơ Kiều Vi hằng mong ước.
Nghiêm Lỗi nói: “Được.”
Kiều Vi ngẩng đầu lên, chống tay xuống bàn nhỏ nhìn anh.
Hoàng hôn vẫn chưa hoàn toàn tắt hẳn, ánh mặt trời màu vàng cam chiếu lên gương mặt người đàn ông này khiến cô cảm thấy rung động.
“Sao thế?” Anh hỏi: “Sao lại nhìn anh như vậy?”
Kiều Vi nói: “Lúc nãy anh nói ‘được’ hả?”
Nghiêm Lỗi bật cười giải thích: “Được, là đồng ý với em.”
“Vậy có chuyện gì ‘không được’ không?” Kiều Vi không khỏi hỏi.
Nghiêm Lỗi nói không suy nghĩ: “Những chuyện trái với nguyên tắc thì không được.”
“Lo xa quá, ý em là những chuyện trong cuộc sống, những chuyện của hai chúng ta thôi ấy.” Kiều Vi nhìn anh.
Nghiêm Lỗi ngẩng đầu, gương mặt rất nghiêm túc.
“Chỉ cần em chịu sống bên cạnh anh, trong chuyện của hai chúng ta, nếu là chuyện anh có thể làm được, anh sẽ không nói không với em.”
“Anh đúng là…” Kiều Vi không nhịn được cười, cô che mặt: “Anh thật sự rất là…”
Gia trưởng.
Có chút không nhịn nổi.
Nghiêm Lỗi không thấy buồn cười, anh rất nghiêm túc.
“Năm đó anh đã đồng ý với em.” Anh nói: “Em chịu theo anh đến đây, chỉ cần em muốn gì anh làm được anh sẽ làm ngay..”
Nhưng Kiều Vi Vi lại không hiểu tình cảm ấy của anh.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.