Thập Niên 60: Cuộc Sống Mỹ Mãn Của Vợ Trước Lót Đường Trong Niên Đại Văn

Chương 45



Hóa ra vào thời điểm này trong nguyên tác, cảnh tượng một bộ phận lớn thanh niên trí thức xuống nông thôn mà cô nghĩ chưa xuất hiện.
Nghĩ kỹ thì đúng là nguyên tác viết kiếp trước Lâm Tịch Tịch không kết hôn ở độ tuổi bây giờ.
Kiều Vi không ngờ lại sơ suất như vậy, không biết Lâm Tịch Tịch có nhận ra hay không.
Nghĩ lại thì cô cũng không sợ. Cùng lắm thì cô có thể giả vờ như không biết gia đình lão Triệu đến từ đâu.
Chỉ cần cô đủ tự tin, một người trọng sinh như Lâm Tịch Tịch sẽ không dám nghi ngờ cô.
Kiều Vi nghĩ không sai, lúc ấy Lâm Tịch Tịch lấp liếm lý do tại sao cô ta biết Bộ quần áo mới của hoàng đế, thuận miệng nói là học với thanh niên trí thức. Sau đó cô ta cũng không nghĩ nhiều, cho đến khi bị lãnh đạo Nghiêm dạy bảo một hồi mới chợt nghĩ đến chuyện đó khi chạy về nhà.
Chết thật, cô ta đã nói với Kiều Vi về thanh niên trí thức ở thành phố? Lúc này, thanh niên trí thức vẫn chưa lên núi xuống làng quy mô lớn đâu.
Lâm Tịch Tịch cũng đổ mồ hôi đầm đìa.
Cô ta là người trọng sinh, vì mê tín nên thực ra nội tâm cô ta cực kỳ sợ người khác coi mình là quái vật, vô cùng thiếu tự tin.
Lâm Tịch Tịch đứng trên đường suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng vui mừng, may mà lúc này chưa có TV, không giống như những năm chín mươi, khi mỗi nhà đều có TV, mọi người đều xem tin tức, thông tin không được phổ biến nhanh như vậy.
Rõ ràng Kiều Vi không biết sự phân bố của thanh niên trí thức vào thời điểm này.
Chắc là không lộ tẩy, may quá may quá.
Trở lại nhà họ Triệu, chị Dương đang ở trong sân, nhìn thấy cô ta thì hỏi: “Cháu đi đâu vậy?”
Lâm Tịch Tịch đối mặt với loại chuyện trong nhà này, đặc biệt là một phụ nữ trung niên như chị Dương, thì đã trở lại vùng an toàn của mình, cô ta lập tức bình tĩnh lại, vẻ mặt không đổi trả lời: “Cháu đi trả ghế.”
Ánh mắt chị Dương sâu xa: “Không phải mợ bảo Cương Tử và Anh Tử đi sao?”
“Cháu là chị, sao lại không làm việc mà lại để các em làm.” Lâm Tịch Tịch hùng hồn nói.
Chỉ cần đủ mạnh mẽ, đuối lý ba phần cũng trở thành hợp lý.
Quả nhiên, thấy cô ta thản nhiên như vậy, chị Dương hơi mất tự nhiên, ngẫm nghĩ rồi nói: “Cháu cũng lớn rồi, chẳng mấy mà lấy chồng, ít đến nhà cặp vợ chồng trẻ nhà họ Nghiêm kia đi.”
Lâm Tịch Tịch đồng ý, cô ta kéo nhẹ váy: “Mợ, váy này là của Kiều Vi ạ?”
“Đúng vậy. Người ta cho mợ vài cái.” Chị Dương cảm thán: “Cái cô họ Kiều này, mặc dù có rất nhiều tật xấu nhưng vẫn có con mắt tinh tường. Người ta là người thành phố, rất hào phóng.”
Lời này chọc đến ống phổi của Lâm Tịch Tịch.
Cô ta vội vàng mặc một bộ váy xinh đẹp đến trước mặt Nghiêm Lỗi khoe khoang, nào biết mình đang mặc chiếc váy cũ của vợ người ta.
Làm nhiều việc như vậy mà chẳng được gì, bực bội.
Ngày hôm sau là chủ nhật, đây là ngày chủ nhật đầu tiên của Kiều Vi sau khi xuyên qua.
Bà dì sắp hết, vẫn còn dây một chút nhưng không có ảnh hưởng gì đến cô. Kiều Vi phấn chấn tinh thần, cô dậy sớm, nấu cháo và mang đôi giày vải quân đội mới vào.
Đây là lần đầu tiên cô đi nó kể từ khi mua.
Nghiêm Lỗi cũng đứng dậy, nhìn thấy cô đi giày mới: “Đi nó làm gì?”
“Chạy bộ.” Kiều Vi ngồi xổm buộc dây giày: “Thân thể là tiền vốn của cách mạng.”
Nghiêm Lỗi cười: “Chờ anh, cùng nhau chạy.”
Khi Nghiêm Tương tỉnh lại, nghe thấy trong sân có người nói chuyện.
Cậu bé dụi mắt, mặc quần áo rồi tuột khỏi giường đất, bước đến phòng ngoài thò đầu ra cửa sổ nhìn thì thấy mẹ đang ép chân lên bậu cửa sổ, còn bố ở bên cạnh vừa lấy muỗng khuấy nồi cháo vừa lẩm bẩm: “… Tiền vốn cách mạng của em quá yếu, anh phải rèn luyện em mới được.”
Mẹ cố chịu đựng nhưng người đàn ông đang cầm muỗng quá phiền, cứ cười nhạo mẹ mãi. Mẹ tức giận bỏ chân xuống, một tay chống nạnh, tay kia chỉ vào chóp mũi của bố: “Anh đừng đắc ý. Anh cho em thời gian, em sẽ nâng cao thể lực, không kém anh đâu.”
Bố cười haha.
Nghiêm Tương còn nhỏ, không hiểu rõ lắm, nhưng có thể cảm nhận được bầu không khí.
Đứa trẻ thò đầu ra, cũng nhếch miệng nở nụ cười trong nắng sớm.
Bố mẹ quay đầu lại, nhìn thấy cậu bé thì gọi: “Ra ngoài, rửa mặt, đánh răng rồi ăn sáng. Hôm nay có họp chợ lớn.”
Cậu bé hoan hô: “Đi họp chợ!”
Nói đến họp chợ, sự phấn khích của Kiều Vi không kém Nghiêm Tương chút nào, đây cũng là lần đầu tiên cô đi họp chợ lớn thế này ở nông thôn.
Thị trấn của bọn họ tên là trấn Hạ Hà, cách trấn không xa có một con sông. Khoảng cách từ nhà Nghiêm Lỗi đến bờ sông gần bằng quãng đường đi đến đại viện.
Họp chợ trên bờ sông, đó là nơi Nghiêm Lỗi thường tới đào bùn.
Các công xã của một số thôn gần đấy đã đến, mang theo nông sản và hàng thủ công của riêng họ. Có đủ loại phương tiện giao thông như xe chở hàng, máy kéo, xe ngựa xe lừa, thậm chí còn có thể nhìn thấy cả xe đẩy, xe cút kít.

Lúc Kiều Vi và Nghiêm Lỗi chạy bộ vào sáng sớm đã nhìn thấy nhiều bóng người đung đưa bên sông.
“Thôn Tứ Bình nổi tiếng về đồ dùng bằng trúc.” Nghiêm Lỗi nói với Kiều Vi: “Loại ghế nhỏ chắc chắn là có, nhưng loại to phải dựa vào vận may. Nếu không có thì tuần sau chúng ta đi trấn Thanh Sơn mua.”
Người đàn ông này nói được làm được.
Kiều Vi vui vẻ đồng ý: “Được. Đi hội chợ xem trước biết đâu có thì sao.”
Nhà ba người xách giỏ đan, cầm túi lưới vui vẻ đi về hướng bờ sông.
Dọc đường toàn người đi ra bờ sông họp chợ, đều là từng gia đình, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều nở nụ cười trên môi. Họp chợ thật sự là một sự kiện hoành tráng lại vui vẻ ở thời đại này.
Nó gần như là một sự kiện giải trí lớn.
Đến bờ sông, đây là lần đầu tiên sau khi Kiều Vi xuyên đến nhìn thấy nhiều người tụ tập lại với nhau như vậy.
Dường như người của cả thị trấn đều tập trung đến bờ sông. Không, thực ra không chỉ có người dân trong thị trấn mà còn có cả người từ các công xã khác đến bán hàng nữa.
Họp chợ thế này không có sản phẩm công nghiệp, nhìn qua toàn là nông sản và hàng thủ công. Đúng kiểu Kiều Vi thích.
Cô đi ngang qua một vài quầy hàng rồi không thể đi tiếp, nhìn cái này, sờ cái kia. Một lúc sau giỏ của cô đã đầy.
Nghiêm Lỗi chen đến kéo cô: “Hỏi được rồi, công xã thị trấn Tứ Bình ở bên kia.”
Mục đích chính hôm nay của Kiều Vi là chiếc ghế trúc to thoải mái, cô bỏ qua những thứ trước mắt, kéo Nghiêm Tương đi theo Nghiêm Lỗi đến chỗ công xã thôn Tứ Bình.
Thôn Tứ Bình nổi tiếng về đồ dùng bằng trúc, cả một khu rộng lớn toàn sản phẩm từ trúc. Sọt trúc, giỏ trúc, chổi trúc… thậm chí còn có rất nhiều ghế trúc nhỏ được bày ra, rõ ràng đây là sản phẩm rất được ưa chuông.
Quá may, Kiều Vi liếc mắt đã thấy hai cái ghế nằm bằng trúc ở sau một đám ghế trúc nhỏ!
Còn là loại có thể gấp lại!
“Đúng không?” Nghiêm Lỗi quay đầu hỏi Kiều Vi: “Đó là loại em muốn phải không.”
“Đúng đúng đúng, chỉ có hai cái thôi, mua nhanh!” Kiều Vi vội vàng lắc tay Nghiêm Lỗi. Từ sau vụ đào vàng đóng hộp, cô hiểu rất rõ nếu nhìn thấy đồ tốt phải ra tay trước chiếm lợi thế: “Em muốn cả hai cái.”
“Em ngồi một cái không đủ hả?” Nghiêm Lỗi khó hiểu hỏi.
Kiều Vi trách anh: “Đồ ngốc, tối mùa hè em với anh mỗi người một cái ngồi dưới mái hiên ăn dưa trò chuyện không được à?”
Ánh mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ.
Tim Nghiêm Lỗi đập mạnh.
Thử tưởng tượng, cảnh chạng vạng tối ăn cơm xong hai vợ chồng ngồi dưới mái hiên, nắm tay nhau nói cười đúng là ấm cúng và tốt đẹp.
“Được, mua cả hai luôn!”
Nghiêm Lỗi đi qua hỏi và trả giá, thoáng chốc đã xong, anh quay lại nói với Kiều Vi: “Anh dẫn họ chuyển đồ về nhà trước.”
Nhưng Kiều Vi lại chỉ vào một vật khác: “Đó là cái gì vậy?”
Cũng là sản phẩm bằng trúc, bốn chân cao bằng chiếc bàn nhỏ nhưng có hình chữ nhật, khung trúc, lớp ngoài được đan bằng trúc, hoa văn giống với chiếu trúc.
Nghiêm Lỗi nghĩ bụng đúng là người thành phố nên không biết, anh nói: “Không phải là giường trúc sao.”
Mùa hè trời nóng có người sẽ ngủ trên giường trúc này, nhưng chủ yếu là những người làm đồng qua đêm dùng để ngủ ngoài đồng.
Kiều Vi đi qua ấn mấy cái, đan bằng trúc nên có độ đàn hồi nhẹ. Cô lại thử ngồi lên, khá thoải mái.
“Cái này.” Cô vỗ lên giường nói: “Em muốn cái này.”
Hôm nay cô đã chạy bộ buổi sáng nên tinh thần rất tốt.
Cô ngồi trên giường ngửa đầu nhìn Nghiêm Lỗi, trong mắt tràn đầy mong đợi.
Nghiêm Lỗi hỏi thẳng người kia: “Bao nhiêu tiền?”
Cuối cùng Nghiêm Lỗi vác một cái chổi trúc lớn, xách chiếc giỏ đan đã đầy ắp của Kiều Vi nói với cô: “Hai người đừng lạc nhau đấy.”
“Em có cái này rồi.” Kiều Vi giơ tay lên lắc lắc.
Bởi vì Nghiêm Tương quá nhỏ, cô cố ý làm một cái dây buộc lên cổ tay mình và Nghiêm Tương, vòng tay chống trẻ đi lạc.
Thế nên Nghiêm Lỗi dùng một chiếc xe ba gác dẫn người của thôn Tứ Bình kéo một cái giường trúc và hai cái ghế nằm có thể gấp bằng trúc mang về nhà trước.
Đến nhà, hướng dẫn người dỡ ghế trúc và giường trúc xuống. Ghế trúc được kê dưới mái hiên, giường trúc tạm thời để trong sân đợi Kiều Vi về xem cô muốn để ở đâu. Anh lại xếp những thứ lặt vặt trong giỏ Kiều Vi mua vào trong nhà, dọn sạch giỏ để mang đi cho Kiều Vi.
Lúc anh định quay lại chợ tìm vợ và con trai, ngoài cửa có người đến lớn tiếng hỏi: “Đây có phải nhà họ Nghiêm không?”
Nghiêm Lỗi đi từ trong nhà ra: “Đúng.”
Là một người đồng hương, anh ta lớn giọng hỏi: “Vợ anh họ gì?”
Nghiêm Lỗi: “… Kiều.”
“Đúng rồi. Đúng là của nhà anh.” Người kia cởi dây buộc trước ngực thả đồ cõng trên lưng xuống nói: “Vợ anh bảo đưa tới đây.”
Là một chiếc tủ mây nhỏ hai cánh.
Nghiêm Lỗi mở cửa tủ nhìn, bên trong có ba tầng giống giá sách. Bên trên còn có hai ngăn kéo.
“Cái này dùng để làm gì?” Anh hỏi.
“Muốn dùng làm gì cũng được.” Người kia nói: “Để bát, treo quần áo, để sách gì cũng được. Tùy anh thôi.”
Người kia nói xong liếc nhìn Nghiêm Lỗi: “Anh là công nhân viên chức hả?”
Nghiêm Lỗi trả lời: “Phục vụ cho nhân dân.”
Người kia cười hềnh hệch: “Cán bộ nói hay thật. Vợ anh… rất giỏi, rất giỏi mua đồ.”

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.