Mé cạnh nhà an dưỡng của Trung ương là khu vườn lớn của bệnh viện bách khoa.
Những "công xã viên" mỗi lần ở ngoài biển về thường đi qua khu vườn đó. Trong vườn này, Pa-ven ưa đến ngồi nghỉ dưới bóng một cây ngô đồng cành lá um tùm, gần một bức tường đá màu xám. Ở đây, ít khi có người đến quấy rầy. Ngồi đấy, có thể nhìn thấy tất cả đám dân nghỉ mát đi đi lại lại náo nhiệt trên những đường lớn và lối mòn của khu vườn; tối đến, ngồi đấy lại có thể nghe hòa nhạc mà vẫn xa lánh được cái cảnh chen chúc bực mình của một nơi tắm biển lớn.
Ngày hôm ấy, Pa-ven cũng vào ngồi dưới bóng cây ngô đồng. Anh khoan khoái nằm dài trên ghế chao bằng mây; tắm biển và tắm nắng mệt, anh thiu thiu ngủ. Khăn tắm bông và cuốn "Phiến loạn" của Phua- rơ-ma-nốp đọc chưa xong để trên mặt ghế chao bên cạnh. Những ngày mới đến nhà an dưỡng, Pa-ven vẫn luôn luôn bị căng thẳng trong thần kinh, bệnh nhức đầu liên miên không khỏi. Các giáo sư tiếp tục nghiên cứu căn bệnh phức tạp và kỳ lạ của anh. Bắt mạch, nghe tim suốt ngày làm anh mệt phờ và phát cáu. Bác sĩ điều trị là một người đàn bà có cái tên rắc rối lạ lùng: I-ê-ru-xa-lim-sích, một nữ đảng viên dễ có thiện cảm, vui tính. Bác sĩ khó nhọc đỡ Pa-ven dậy và bền tâm thuyết phục anh chịu khó theo bà sang cho các bác sĩ chuyên khoa khám. Pa-ven bảo lại bác sĩ:
- Thú thật với bác sĩ là tôi ngấy lắm rồi. Ngày năm lần bảy lượt cứ bắt trả lời những câu hỏi, lần nào cũng giống như lần nào. Bà ngoại đồng chí có loạn óc không? Cụ bốn đời về đằng họ nội đồng chí có đau bệnh tê thấp không? Tôi làm thế quái nào mà biết được các cụ đau bệnh gì. Tôi có trông thấy các cụ bao giờ đâu! Rồi mỗi vị lại muốn tôi thú nhận là mắc bệnh lậu hay một bệnh gì còn xấu xa hơn nữa. Còn tôi thì xin thú thật với bác sĩ rằng cái cảnh này khiến tôi cứ muốn gõ thẳng vào đầu họ. Xin các bác sĩ để cho tôi được yên. Nếu các vị cứ khám đi khám lại suốt cả tháng rưỡi trời tôi ở đây thì tôi đến hóa điên hóa rồ mất.
Bác sĩ I-ê-ru-xa-lim-sích nghe Pa-ven nói chỉ cười, tìm câu nói đùa vui đáp lại, nhưng mấy phút sau bà đã cầm tay Pa-ven dắt đi được rồi. Vừa dìu anh đi, vừa kể một câu chuyện lý thú, bà đưa anh đến cho bác sĩ phẫu thuật khám.
Ngày hôm ấy không phải khám gì cả. Còn một giờ nữa mới đến bữa cơm trưa, Pa- ven đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy tiếng bước chân đi vào. Anh không mở mắt: "Người ta tưởng mình ngủ thì người ta sẽ đi thôi". Pa-ven tính nhầm: tiếng ghế bên kêu ken két, có ai ngồi xuống. Thoang thoảng mùi nước hoa nhẹ. Pa-ven đoán người vừa ngồi xuống là đàn bà...
Anh mở mắt ra nhìn. Điều anh trông thấy trước tiên là một tấm áo dài trắng toát, đôi chân nâu rám nắng đi dép nhỏ bằng da dê, rồi một cái đầu xinh xinh, tóc cắt ngắn kiểu giả trai, hai mắt rất to và hàm răng nhọn nhọn như răng chuột nhắt. Người con gái mỉm cười, xấu hổ.
- Đồng chí thứ lỗi. Tôi có làm phiền đồng chí không ạ?
Pa-ven không đáp. Kể làm như thế thì không lịch sự tí nào, song anh vẫn hy vọng rằng mình im không nói, thì người con gái sẽ bỏ đi.
- Quyển sách này có phải của đồng chí không?
Chị lật lật từng tờ, giở xem cuốn "Phiến loạn".
- Phải.
Một phút im lặng.
- Tôi hỏi khí không phải, đồng chí có phải là ở bên nhà an dưỡng "Người công xã" không?
Pa-ven cựa mình, bực bội "Cơm gió tai ác nào xui con bé đến đây? Hừ, mình đang nằm nghỉ, chẳng có nói gì hết. Nó lại sắp hỏi mình đau bệnh gì đây. Đi quách đi cho rảnh" Anh càu nhàu nói:
- Không.
- Vậy mà hình như tôi có gặp đồng chí ở bên ấy.
Pa-ven sắp sửa đứng dậy thì có giọng trầm trầm của đàn bà hỏi :
- Đô-ra vào làm gì ở đấy?
Một người con gái tóc vàng, da rám nắng, mặc quần áo tắm biển lại ngồi bên mép ghế mây. Cô ta đưa mắt liếc nhìn Pa-ven.
- Tôi gặp đồng chí ở đâu rồi thì phải. Đồng chí công tác ở Khác-cốp có phải không?
- Phải, ở Khác-cốp.
- Hồi ấy đồng chí làm công tác gì nhỉ?
Pa-ven nhất định chấm dứt câu chuyện xem chừng sắp sửa kéo dài này.
- Làm ở sở đổi thùng.
Hai người con gái cười ồ lên làm anh cũng phải giật mình.
- Người ta không thể nói rằng đồng chí quá hòa nhã đấy, đồng chí ạ.
Thế là bắt đầu quen nhau. Sau này, Đô-ra Rốt- ki-na, ủy viên thường vụ thành ủy Khác-cốp, thường hay nhắc lại cái buổi đầu mới làm quen nhau ngộ nghĩnh này.
Pa-ven sang khu vườn nhà an dưỡng "Ta-la-xa" chơi để nghe hòa nhạc buổi chiều.
Bỗng gặp Giác-ki. Thật là kỳ ngộ. Chính là cái điệu kèn "phốc-tơ-rốt" đã làm cho hai người trông thấy nhau.
Trong buổi hoà nhạc, sau khi mụ nữ ca sĩ phốp pháp đã hoa chân múa tay như điên để chơi bản tình ca "Đêm ngây ngất ngát hương tình say đắm" thì một cặp nhảy lên sân khấu. Vai nam ăn mặc nửa kín nửa hở, đội mũ ống cao đỏ chót, đeo nhạc sắt bên hông, ngực thì lại đeo yếm áo sơ-mi trắng bốp, lủng lẳng chiếc cà-vạt. Tóm lại, y như biếm họa một người mọi. Vai nữ trông cũng kháu, trên người cũng chỉ che độc có vài mảnh vải. Trông thấy cặp đó thì cả đám "nép- man" béo ú, cổ bự như cổ bò, ngồi sau những ghế bành và ghế dài của những người bệnh nhà an dưỡng, xì xào tán phục. ( Nép-man: nép gọi tắt "chính sách kinh tế mới" áp dụng ở Liên Xô vào những năm 1921-1923 thừa nhận quyền tự do thương mại và cho phép mở mang xí nghiệp tư doanh nhỏ. Nép-man là chỉ bọn làm giàu trong thời kỳ đó).
Cặp đó ngoáy một điệu "phốc-tơ-rốt" vẹo hông. Không thể nào tưởng tượng được một trò kinh tởm hơn nữa. Tên đàn ông béo, đội cái mũ ống sao hết sức lố lăng, và đứa con gái dính lấy thịt nhau, uốn éo như kiểu khiêu dâm mất dạy. Ngồi sau Pa- ven, một lão bụng phệ khoái trá thở hổn ha hổn hển. Pa-ven quay mặt sắp đi ra thì ở hàng đầu, ngay sát sân khấu có người đứng dậy thét lên giận dữ:
- Các người chưa hết nghề đánh đĩ hay sao? Cút đi ngay lập tức.
Pa-ven nhận ra người nói là Giác-ki.
Người đánh pi-a-nô thôi không chơi nữa, cây vi- ô-lông rít lên một tiếng lần cuối rồi im bặt. Cặp nọ trên bục cao cũng ngay người, thôi không uốn éo. Sau những hàng ghế dựa, có tiếng "suỵt, suỵt" giận dữ phản đối người đã thét lên kia:
- Rõ thật là đồ vô giáo dục! Phá đám một tiết mục của người ta !
- Cả châu Âu người ta nhảy như thế !
- Thật là loạn!
Nhưng trong đám những người nghỉ ở nhà an dưỡng "Người công xã" đến xem ở đây, có Xê-ri-ô-gia Gi-ba- nốp, bí thư Đoàn thanh niên liên quận Sê-rê-pô-vét, đang thọc bốn ngón tay vào mồm huýt sáo ầm ĩ. Nhiều người khác ủng hộ anh. Cặp nọ biến, như có trận gió thổi bay vù đi. Gã ba hoa giữ việc giới thiệu chương trình, giống như một tên đầy tớ láu cá, tuyên bố với người xem là ban hát đó sẽ đi khỏi ngay đây thôi.
- Cút đi đâu thì cút. Chẳng ai giữ.
Một chàng trẻ tuổi, mặc áo ngủ nhà an dưỡng còn chửi mát theo chúng mấy câu, khiến bà con ai nấy cười phá lên.
Pa-ven tìm đến hàng ghế đầu gặp Giác-ki. Hai người về buồng Pa-ven trò chuyện rất lâu. Giác-ki làm công tác tuyên truyền viên ở một đảng ủy liên quận. Giác- ki nói:
- Cậu biết mình lấy vợ chưa nhỉ? Mình sắp có con rồi đấy. Chẳng biết sẽ là trai hay gái.
- Thế à. Cậu lấy ai đấy?
Giác-ki rút ở túi ra một tấm ảnh, đưa cho Pa-ven xem.
- Cậu có nhận ra ai không?
Người trong ảnh: An-na Bô-khác.
- Thế Đu-ba-va giờ ở đâu? - Pa-ven hỏi lại, trong lòng càng ngạc nhiên thêm.
- Đu-ba-va hiện ở Mát-xcơ-va. Khi nó bị khai trừ khỏi Đảng thì cũng thôi không học Trường đại học cộng sản nữa. Giờ học Trường cao đẳng kỹ thuật. Theo tin đồn thì hắn đã được phục hồi. Nhưng phục hồi nó là sai lầm. Nó là một phần tử thối nát ... Cậu có biết Pan-cơ-ra-tốp giờ ở đâu không? Giờ nó làm phó giám đốc một xưởng đóng tàu biển. Còn tin tức những đứa khác, tớ không biết mấy.
Anh em mỗi thằng một ngả, công tác ở khắp mọi chỗ trong nước. Nhưng được gặp nhau, kể lại chuyện xưa thì thú thật.
Đô-ra đi vào cùng với mấy đồng chí khác. Giác- ki khép cửa lại. Đô-ra nhìn huân chương trên ngực Giác-ki hỏi Pa-ven:
- Bạn anh đấy à? Đảng viên chứ? Công tác ở đâu đấy?
Pa-ven không hiểu chuyện gì, giới thiệu vắn tắt Giác-ki với Đô-ra.
Đô-ra giải thích:
- Vậy thì Giác-ki cứ ngồi lại đây. Có những đồng chí mới ở Mát-xcơ-va đến, cho biết tin tức mới của Đảng. Định mượn buồng anh họp kín.
Trừ Pa-ven và Giác-ki ra, những người có mặt hầu hết là đảng viên bôn-sê-vích lâu năm. Bác-ta-ép, ủy viên ban kiểm tra Mát-xcơ-va nói chuyện về phe đối lập mới do nhóm tờ-rốt-skít Di-nô-vi-ếp và Ca-mê- nhếp đứng đầu. Đồng chí kết luận:
- Giữa lúc tình hình nghiêm trọng như thế này, chúng ta không thể vắng mặt.
Mai tôi về đây.
Ba ngày sau, nhà an dưỡng chưa hết hè đã vắng ngắt. Cả Pa-ven nữa, không nghỉ hết thời hạn đã quy định, cũng bỏ về.
Đảng không giữ anh lâu ở Trung ương Đoàn, chỉ định anh làm bí thư liên quận ủy một vùng công nghiệp. Một tuần sau, anh đọc bài diễn văn đầu tiên trước các cán bộ địa phương.
Dạo ấy đã về cuối thu rồi. Chiếc xe hơi của liên quận ủy đi về một quận bị rớt xuống vực bên đường. Trên xe có Pa-ven và hai cán bộ nữa.
Cả ba cùng bị thương nặng. Pa-ven bị giập đầu gối bên phải. Mấy ngày sau, anh được chuyển đi chữa ở một viện giải phẫu ở Khác-cốp. Các bác sĩ khám đầu gối bị sưng của anh và chiếu điện, đều tuyên bố là phải mổ ngay.
Pa-ven đồng ý.
Bác sĩ cao lớn đứng đầu hội đồng chẩn bệnh, kết luận:
- Vậy thì sáng mai sẽ mổ.
Rồi bác sĩ đứng dậy và tất cả các bác sĩ khác cũng đứng dậy theo đi ra.
Một phòng nhỏ sáng sủa cho một người bệnh nằm. Trong phòng sạch như lau như li và có mùi đặc biệt của nhà thương, cái mùi ấy Pa-ven lâu không ngửi đã quên khuấy rồi. Pa-ven nhìn chung quanh phòng. Một chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng bong và một chiếc ghế đẩu sơn trắng. Chỉ có thế thôi.
Một chị hộ lý mang cơm tối vào.
Pa-ven từ chối không ăn. Anh đang ngồi ngả người trên giường viết thư. Chân đau làm anh không nghĩ ngợi gì được. Bụng anh không muốn ăn.
Viết xong lá thư thứ tư thì thấy cửa buồng hé mở. Một người đàn bà trẻ tuổi, mặc áo khoác trắng và mũ trắng, lại đầu giường anh. Bóng tối nhá nhem, anh chỉ nhận ra đôi mày rất mỏng và đôi mắt to mà anh đoán là mắt đen. Người đàn bà một tay đỡ cặp da, một tay cầm lấy tờ giấy và cái bút chì, tự giới thiệu với Pa-ven:
- Tôi là bác sĩ điều trị của đồng chí. Hôm nay đến phiên tôi trực. Tôi sắp hỏi cung đồng chí đây, dù muốn hay không đồng chí thế nào cũng phải kể cho tôi nghe hết tất cả những điều bệnh viện cần biết về đồng chí đấy nhé.
Bà bác sĩ cười niềm nở. Nụ cười làm buổi "hỏi cung" đỡ nặng nề. Suốt một giờ liền, Pa-ven nói chuyện về mình và nói chuyện cả về những bà cụ tổ bốn đời nhà mình nữa.
Trong phòng mổ, đông người làm việc, ai nấy đều có lượt băng mỏng bịt lấy mồm và mũi.
Đồ mổ bằng kền sáng bóng, một chiếc bàn dài hẹp bề ngang và dưới mặt bàn một chiếc chậu to. Pa-ven nằm trên bàn, giáo sư chuyên về phẫu thuật cũng vừa rửa tay xong. Phía sau, những người giúp việc vội vàng sắp xếp đồ mổ. Pa-ven quay mặt đi. Một nữ y tá đang xếp dao mổ. Bác sĩ Ba-gia-nô-va cởi băng vết thương ở chân Pa-ven, nói rất nhỏ bảo anh:
- Đồng chí quay đi chỗ khác, nhìn thấy dễ xúc động, không lợi đến thần kinh.
- Bác sĩ bảo xúc động thần kinh của ai cơ?
Pa-ven mỉm cười có vẻ khinh thường.
Mấy phút sau, mặt nạ dày úp chụp lấy mặt anh.
Giáo sư giải phẫu nói:
- Đồng chí bình tĩnh nhớ. Chúng tôi sắp đánh thuốc mê. Đồng chí thở đi, thở chậm đường mũi và đếm một, hai, ba, bốn...
Tiếng người bị nghẹt dưới cái mặt nạ, bình thản trả lời:
- Được, nếu tôi mê đi, có văng lời chửi tục thì xin lỗi Các đồng chí trước.
Bác sĩ không nhịn được, hé môi mỉm cười.
Mấy giọt thuốc mê đầu tiên, mùi ngột ngạt, nôn nao.
Pa-ven hít thở mạnh và chậm, cố dằn từng tiếng, bắt đầu đếm: một, hai, ba, bốn ... Anh bước vào màn đầu tấn bi kịch của đời anh như thế đấy.
A-rơ-chom mở như xé đôi phong bì và không hiểu sao lòng bồi hồi, giở thư ra đọc. Mắt ngốn mấy dòng đầu rồi đọc lướt một mạch cả thư.
"Anh A-rơ-chom!
Em với anh rất ít khi viết thư cho nhau. Mỗi năm chỉ một hai lần. Nhưng cốt nội dung thư, chứ cần gì viết nhiều, anh nhỉ? Trong thư trước, anh cho em hay tin anh đã đem gia đình rời Sê-pê-tốp-ca đến làm ở một kho đầu máy nhà ga Ca- da-chin, để "dứt cho đứt rễ”. Em hiểu: rễ ấy là chị Schi-ô-sa, là ông bà sinh ra chị, là cái tư tưởng tư hữu nhỏ lạc hậu của họ... Cải tạo những người như chị Schi-ô-sa chẳng phải chuyện dễ. Em lo là đến anh cũng không cải tạo được chị ấy đâu. Anh cứ bảo: "Không còn tuổi thanh niên thì học khó vào". Vậy mà anh học tiến bộ lắm đấy. Anh cứ khăng khăng không chịu bỏ sản xuất để nhận công tác chủ tịch Xô-viết thành phố. Như thế không đúng, anh ạ. Anh đã chiến đấu giành chính quyền có phải không, anh? Vậy thì anh phải nắm lấy chính quyền. Ngay ngày mai, anh nhận trách nhiệm ấy đi và bắt tay vào công tác.
Giờ nói đến em. Có chuyện không hay, anh ạ. Em phải đi nằm bệnh viện. Bác sĩ làm thịt hai lần, đổ mất khá máu, sức mất đi nhiều, thế mà đến tận bây giờ, không ai dám nói là bao giờ em khỏi.
Em phải bỏ công tác, tìm ra được một cái nghề mới, cái nghề "con bệnh". Em chịu trăm sự đau đớn giày vò và kết quả là đầu gối bên phải tê liệt, trên người bao nhiêu là sẹo và sau hết, sự khám phá cuối cùng của các thầy thuốc:
cách đây bảy năm, em bị đá giáng vào xương sống. Ngày nay, thầy thuốc bảo vết thương ấy gay cho em lắm. Em sẵn sàng chịu đựng hết thảy, quý hồ sẽ được trở về vị trí của em trong đội ngũ.
Đối với em, trong đời không gì đáng kinh sợ hơn là sẽ phải xa rời đội ngũ.
Thậm chí em cũng không dám nghĩ đến cảnh ấy nữa. Cho nên em đề nghị các bác sĩ tha hồ làm thế nào thì làm. Chữa mãi chẳng ăn thua gì mà mây đen kéo đến lại càng dày hơn trước. Lần mổ thứ nhất đã khỏi, em vừa chập chững đi được em đã lại công tác ngay. Nhưng chẳng bao lâu lại quy lại bị đưa vào bệnh viên. Hiện nay em đã có giấy đi nghỉ tại nhà an dưỡng "Mai-nắc" ở Ơ- pa-tô-ri-a. Mai em sẽ lên đường. Anh đừng lo, anh A-rơ-chom ạ, chẳng dễ mà đem em đi chôn được đâu. Em đủ sức để sống ba đời người. Chúng ta sẽ thắng cuộc đời lần nữa, anh ạ! Anh giữ gìn sức khỏe, anh nhớ. Đừng có làm gì quá sức kẻo sau đó lại phải chữa chạy tốn kém cho Đảng. Năm tháng cho ta kinh nghiệm với hiểu biết, không phải để ta mang kinh nghiệm với hiểu biết đó vào nằm dài ở nhà thương.
PA-VEN CA-RƠ-SA-GHIN"
Trong khi A-rơ-chom cau đôi mày rậm, đọc bức thư này thì Pa-ven từ giã bác sĩ Ba-gia-nô-va. Bác sĩ bắt tay Pa-ven và hỏi anh:
- Mai đồng chí mới đi Cơ-ri-mê? Vậy ngày hôm nay đồng chí định đến chơi đâu?
Pa-ven trả lời:
- Chị Đô-ra chốc nữa sẽ đến đón tôi. Tôi đến ở chơi nhà Đô-ra qua đêm nay, và sáng mai chị ấy sẽ đưa tôi ra tàu.
Bác sĩ Ba-gia-nô-va biết Đô-ra là người con gái thường đến thăm Pa-ven.
- Đồng chí Pa-ven, ta đã đồng ý với nhau là trước khi đi, đồng chí sẽ đến gặp cha tôi, đồng chí có nhớ không? Tôi đã nói chuyện với cha tôi về đồng chí, đã trình cha tôi hiểu cặn kẽ về bệnh của đồng chí rồi đấy. Tôi rất muốn được ông khám bệnh cho đồng chí. Tối nay, đồng chí có thể đến để ông xem cho được.
Pa-ven đồng ý ngay.
Ngay tối hôm đó, nữ bác sĩ Ba-gia-nô-va đưa Pa- ven vào phòng thăm bệnh rộng lớn của cha.
Trước mặt con gái, nhà phẫu thuật nổi tiếng chăm chú khám bệnh cho Pa-ven, Ba- gia-nô-va đã đem ở bệnh xá về những ảnh chiếu điện cho những bản phân tích về bệnh của Pa-ven. Ông cụ bỗng nói một tràng dài bằng tiếng la-tinh. Pa-ven nhận thấy Ba-gia-nô- va đột nhiên tái mặt. Anh nhìn chăm chăm chiếc đầu hói của ông cụ, cố đoán một điều gì trong đôi mắt sắc của vị giáo sư già. Song ông cụ Ba- gia-nốp hết sức điềm tĩnh không lộ một vẻ gì.
Khi Pa-ven mặc lại quần áo rồi thì bác sĩ Ba-gia- nốp chào biệt anh; ông cụ phải đến dự một cuộc họp và ủy cho con gái nói để Pa-ven biết nhận xét của ông về bệnh của anh.
Trong gian phòng của Ba-gia-nô-va, đồ đạc bày biện cầu kỳ, Pa-ven nằm ra đi- văng nghỉ, đợi Ba-gia-nô- va nói. Nữ bác sĩ không biết bắt đầu thế nào và nói gì bây giờ, nên rất lúng túng. Cha của bác sĩ vừa tuyên bố : y học hiện thời chưa có phương tiện ngăn được sức tàn phá của chứng viêm ngày một phát triển trong cơ thể Pa-ven. Ông cụ không tán thành chủ trương dùng giải phẫu để trị bệnh này. "Chàng trẻ tuổi này chẳng chóng thì chầy sẽ bị tê liệt một cách bi đát. Thầy thuốc chúng ta bất lực, không có cách gì ngăn được đâu”.
Bác sĩ Ba-gia-nô-va tự nghĩ mình vừa là thầy thuốc, vừa là bạn, không thể nào nói hết sự thật cho Pa- ven nghe được, chỉ tìm lời nhẹ nhàng thuật cho Pa- ven một phần nhỏ sự thật mà thôi.
- Tôi tin chắc là bùn nóng vùng Ơ-pa-tô-ri-a sẽ có tác dụng quyết định và chỉ mùa thu này thôi đồng chí sẽ có thể trở lại làm việc.
Bác sĩ quên là có đôi mắt sắc đang chăm chú nhìn bác sĩ.
- Theo những lời bác sĩ nói, hay đúng hơn theo những lời bác sĩ không nói hết, tôi đoán hiểu bệnh của tôi trầm trọng đến mức nào. Bác sĩ chẳng còn nhớ tôi đã yêu cầu bác sĩ bao giờ cũng cứ nói thật hết với tôi. Đừng giấu tôi điều gì. Tôi nghe điều dữ chẳng đến nỗi ngất đi đâu và cũng chẳng cắt cổ họng tự tử đâu. Song tôi nhất định muốn biết tương lai bệnh tình của tôi sẽ ra sao? - Pa- ven nói dằn từng tiếng.
Ba-gia-nô-va dùng một câu bông đùa để đánh trống lảng.
Thế là tối hôm ấy, Pa-ven vẫn không làm sao tìm được sự thật. Khi hai người chia tay, nữ bác sĩ thủ thỉ:
- Đồng chí chớ quên có tôi là bạn của đồng chí, đồng chí Pa-ven ạ; cuộc đời đồng chí rồi đây phải đề phòng tất cả mọi sự bất thần xảy ra. Nếu đồng chí cần tôi giúp đỡ hay tham gia ý kiến, xin cứ viết thư. Tôi có thể làm được việc gì, xin làm hết sức.
Nữ bác sĩ ngó qua cửa sổ, nhìn theo bóng người cao lớn, mặc áo bành-tô da đang khó nhọc chống gậy bước chân xuống thềm đi ra xe ngựa.
Lại về Ơ-pa-tô-ri-a. Trời phương Nam nóng nực. Người miền Nam da rám nắng, đội mũ nồi nhỏ thêu chỉ vàng, tính tình ưa náo động. Chỉ mươi phút, xe ca đã đưa hành khách tới tòa nhà hai tầng xây bằng đá màu xám, nhà an dưỡng "Mai-nắc".
Bác sĩ thường trực phân phối bệnh nhân vào buồng. Khi bác sĩ đến trước phòng số 11, bác sĩ quay hỏi Pa-ven:
- Cơ quan nào gửi đồng chí đến đây?
- Trung ương Đảng cộng sản U-cơ-ren.
- Nếu vậy thì chúng tôi xếp đồng chí vào ở buồng này với đồng chí Ép-ne. - Bác sĩ giải thích thêm: - Đồng chí ấy người Đức, có đề nghị được ở chung với một đồng chí người Nga.
Bác sĩ gõ cửa. Có tiếng Nga lơ lớ trả lời.
- Cứ vào!
Pa-ven đặt va-li xuống sàn và quay ra nhìn người nằm trên giường có mái tóc vàng hoe, có một đôi dép màu xanh biếc. Đồng chí người Đức cười hồn nhiên đón chào Pa-ven.
- Gúd moóc-ghen, ghê-nô-xen( Tiếng Đức: Chào đồng chí ). Tôi muốn nói: Chào đồng chí. - Rồi giơ bàn tay xanh xao, ngón tay thon thon ra bắt tay Pa-ven.
Mấy phút sau, Pa-ven đến ngồi đầu giường Ép-ne và đôi bên trò chuyện sôi nổi bằng tiếng "quốc tế”, thứ tiếng mà chữ nghĩa chỉ là phụ, mỗi câu nói không hiểu thì lại dùng thêm óc đoán, tay chỉ trỏ và nét mặt làm điệu bộ - nói tóm lại, dùng thêm đủ mọi phép của một thứ quốc tế ngữ không văn tự.
Pa-ven đã hiểu ngay được là Ép-ne vốn là thợ bên Đức trong cuộc khởi nghĩa năm 1923 ở Hăm-bua, đồng chí bị đạn vào hông; vết thương cũ bây giờ lại loét ra, bắt đồng chí nằm liệt giường. Tuy bị đau đớn như vậy, đồng chí vẫn tươi tỉnh, và đức dũng cảm đó được Pa-ven rất lấy làm kính nể.
Pa-ven không thể nào mơ ước một người bạn nằm cạnh tốt như thế. Một người bạn "láng giềng" như vậy sẽ chẳng nói nhiều về bệnh mình và chẳng than thở luôn mồm từ sáng đến tối đâu. Trái lại, ở cùng buồng với một người như vậy, có thể quên hết nỗi đau buồn của chính bản thân mình. Pa-ven thầm nghĩ "Tiếc thật, mình chẳng biết một tiếng Đức quái nào cả".
Trong một góc vườn có kê nhiều ghế mây, một chiếc bàn tre, hai ghế bành có xe đun. Bộ "năm" mà anh em gọi đùa là "ban chấp hành của Quốc tế cộng sản" thường ra đấy nghỉ sau mỗi lần làm thuốc.
Ép-ne ngả người trên một chiếc ghế bành; Pa-ven thì bác sĩ không cho đi lại cũng ngồi trên chiếc ghế bành kia. Ba người bệnh nữa là đồng chí Vai-man béo phục phịch, người Ét-stô-ni, cán bộ giúp việc ở Bộ dân ủy thương mại nước cộng hòa Cơ-ri-mê; nữ đồng chí Ma-giơ-ta La-u-rin, người Lét-tô-ni, còn trẻ, mắt nâu, trông tưởng chừng như con gái mười tám, và đồng chí Lét-đê-nhếp, người Xi-bê-ri cao lớn, tóc ở thái dương đã hoa râm. Thế là năm người thuộc năm dân tộc: Một người Đức, một người Ét-stô-ni, một người Lét-tô-ni, một người Nga và một người U- cơ-ren. Ma-rơ-ta và Vai-man nói tiếng Đức, hai người làm phiên dịch cho Ép-ne và Pa-ven thân nhau vì ở cùng buồng, Ép-ne gần với Ma-rơ-ta và Vai-man vì nói chuyện được với nhau bằng tiếng Đức. Còn Pa- ven và Lê-đê-nhếp thân nhau vì cùng thích đánh cờ.
Trước khi Lê-đê-nhếp chưa đến đây thì Pa-ven là "vô địch" ở nhà an dưỡng. Anh đã đấu kịch liệt với Vai-man mới giành được chức đó. Vì thua cờ, anh chàng người Ét-stô-ni lầm lì này phát cáu. Anh ta từ lâu nuôi hận với Pa-ven vì trận thua cờ này. Nhưng rồi có một ông cụ già cao lớn đến nhà an dưỡng. Ông lão năm mươi tuổi mà trông trẻ lạ lùng, ông cụ ấy là Lê-đê-nhếp. Một hôm, Lê-đê-nhếp gạ Pa-ven đánh một ván cờ. Pa-ven có ngờ đâu ông cụ là tay lợi hại, đấm tốt đầu. Pa-ven là tay "vô địch" nên được ra đương đầu với bất cứ tay cờ nào mới đến nhà an dưỡng. Những trận như thế, người ta thường xúm lại xem đông. Đến nước đi thứ chín thì Pa-ven nhận ra Lê-đê-nhếp đi rất chắc, đã bắt đầu thế công, anh hiểu rằng anh đang đương đầu với một đối thủ nguy hiểm. Lúc ấy anh mới thấy anh đã ra quân không kín nước là dại.
Ván cờ ròng rã ba tiếng. Mặc dù đem hết cố gắng, đem hết tâm lực, Pa-ven cũng phải xin thua. Anh đã thấy, trước tất cả năm người chầu rìa, là mình thua mất.
Nhìn sang đối thủ: ông cụ Lê-đê-nhếp tủm tỉm cường một cách độ lượng. Lẽ tất nhiên ông cụ cũng thấy là Pa-ven thua rồi. Nhưng người xem vẫn chưa biết thắng bại về ai, cả Vai-man là người mong Pa- ven thua ra mặt, cũng chưa hề biết.
- Tôi bao giờ cũng kháng cự đến quân cuối cùng. Pa-ven nói thế. Và Lê-đê-nhếp gật đầu đáp lại câu nói mà chỉ có riêng cụ hiểu.
Pa-ven đánh với cụ Lê-đê-nhếp mười ván trong năm ngày: Thua bảy, được hai, hòa một.
Vai-man khoái quá.
- Cám ơn đồng chí Lê-đê-nhếp nhé! Đồng chí già hay thật ! Đáng đời cu cậu Pa- ven lắm ! Nó đã đánh bại những tay lão tướng chúng tôi. Giờ thì nó cũng lại bị một lão tướng đánh bại, ha, ha, ha!
Rồi anh ta quay ra trêu người đã thắng mình nay thất trận.
- Sao cậu, thua có thú không, cậu?
Pa-ven đành phải nhường chức "vô địch" cờ, song mất cái danh vọng trẻ con đó, anh đã được làm quen với Lê-đê-nhếp và ông cụ đối với anh sau này rất thân, rất quý. Pa-ven thua cờ là phải. Anh mới chỉ đi nước nào biết nước ấy, nên phải chịu thua bậc thầy đã nắm được hết phép bí truyền của cờ thế .
Rồi lại thêm một ngày kỷ niệm chung làm đồng chí già và đồng chí trẻ càng thêm gần gũi. Pa-ven sinh năm mà Lê-đê-nhếp vào Đảng. Cả hai là tiêu biểu rất điển hình của lớp vệ quân trẻ và lớp vệ quân già bôn-sê-vích. Một người giàu kinh nghiệm về đời và kinh nghiệm chính trị, đã từng qua nhiều năm đấu tranh bí mật, ra vào ngục tù của Nga hoàng và sau đó đã từng làm công tác chính quyền, giữ trọng trách của nhà nước. Một người thì mới qua một thời thanh niên sôi nổi và mới chỉ có tám năm tuổi đấu tranh thôi, nhưng sống thời thanh niên và tám năm ấy tốn sức hơn cả một đời người. Cả hai người, già cũng như trẻ, lòng còn hăng, máu còn nóng, nhưng sức khỏe đã hư rồi.
Tối đến ở phòng 11 là phòng của Ép-ne và Pa-ven, ồn ào, ầm ĩ như một câu lạc bộ vậy. Từ đấy truyền đi các tin tức thời sự chính trị. Thường thường Vai- man tìm cách tương vào một câu chuyện tiếu lâm tục tĩu mà anh rất lấy làm thú, nhưng cứ mở mồm kể thì bị Ma-rơ-ta và Pa-ven trừng mắt nhìn lại ngay. Ma-rơ-ta dùng lời mỉa mai tế nhị và sâu sắc bắt anh ta im và nói mỉa không xong, thì Pa-ven lại phải dính vào.
- Vai-man, anh tưởng chúng tôi thưởng thức cái lối pha trò của anh đấy phỏng?
- Pa-ven cất giọng đùng đùng nổi giận: - Tôi không hiểu làm sao anh có thể dung hoà những quan điểm . . .
Vai-man bĩu làn môi dày, mắt ti hí liếc nhìn mọi người có vẻ chế nhạo:
- Ta phải lập một cơ quan thanh tra đạo đức bên cạnh cơ quan Tổng giám đốc giáo dục quốc dân và đề cử đồng chí Pa-ven làm tổng thanh tra mới được. Ma-rơ- ta chọi lại thì còn có lý. Chị và phe phụ nữ, đối lập nhà nghề với tôi rồi.
Còn Pa-ven lại làm ra bộ ngây thơ cụ hay như người ta thường nói, làm ra bộ tí nhau của Côm-xô-môn... Tôi ấy à, tôi không ưa cái lối trứng đòi dạy khôn vịt.
Sau cuộc tranh cãi về đạo đức cộng sản ấy, vấn đề tục tĩu được đưa ra thảo luận về nguyên tắc. Ma- rơ-ta dịch cho Ép-ne nghe những quan điểm khác nhau.
Ép-ne tuyên bố.
- Chuyện tục tĩu không tốt.Tôi tán thành ý kiến của Pa-ven.
Vai-man phải rút lui ý kiến, nói dăm câu bông phèng để đánh trống lảng, nhưng rồi thôi không kể những chuyện tủ ấy của anh nữa.
Pa-ven tưởng Ma-rơ-ta cũng là Côm-xô-môn. Anh trông mặt Ma-rơ-ta đoán mới mười chín tuổi. Anh rất đỗi ngạc nhiên, một hôm nói chuyện với Ma-rơ- ta biết chị vào Đảng từ năm 1917, chị đã ba mươi mốt tuổi rồi và chị là một trong những cán bộ đắc lực nhất của Đảng cộng sản Lét-tô-ni. Năm 1918 chị đã bị bọn trắng kết án tử hình, song nhờ Chính phủ Xô-viết trao đổi tù binh, chị được lấy về cùng nhiều đồng chí khác. Hiện chị công tác ở báo "Sự thật" và đồng thời học nốt đại học. Hai người trở nên thân thiết lúc nào Pa-ven cũng không biết: Ma- rơ-ta thường hay sang chơi bên buồng Ép-ne, bắt đầu không rời "bộ năm" ra nữa.
Đồng chí Ê-gơ-lít, cán bộ bí mật, cũng người Lét- tô-ni, thường chế chị một cách tinh nghịch:
- Này Ma-rơ-ta, thế còn anh chàng Ô-dôn tội nghiệp ở lại Mát-xcơ-va một mình thì sao đây? Không được đâu nhớ!
Sáng sáng, cứ trước khi có chuông một phút thì có tiếng gà gáy lên giòn giã.
Ép-ne bắt trước gà gáy rất tài. Nhân viên nhà ăn cứ nháo lên đi tìm con gà nào lạc vào trong các phòng, song tìm mãi không ra, Ép-ne lấy làm thú vị về chuyện đó lắm.
Đến cuối tháng, Pa-ven thấy bệnh nặng thêm lên. Thầy thuốc bắt anh nằm. Ép-ne thương bạn, rất buồn. Anh thấy quý người thanh niên bôn-sê-vích giàu sức sống, sôi lên sùng sục không hề chán nản bao giờ, mà đã sớm mất sức lực. Đến khi Ma- rơ-ta kể cho Ép- ne nghe là các thầy thuốc đều nói bệnh Pa-ven sẽ phát triển đến chỗ bi đát thì Ép-ne đau đớn rụng rời.
Suốt cả thời gian nằm điều trị Pa-ven bị cấm không được đi lại
Pa-ven giấu được những cơn đau bệnh của mình để chung quanh không ai thấy. Chỉ có Ma-rơ-ta trông thấy mặt anh tái mét là đoán được anh đau lắm. Một tuần trước khi rời nhà an dưỡng này anh nhận được thư của Trung ương đoàn thanh niên U-cơ-ren cho phép anh nghỉ thêm hai tháng và căn cứ vào kết luận của các thầy thuốc nhà an dưỡng, Đoàn nhận thấy tình hình sức khỏe anh không cho phép anh trở về nhận lại công tác được. Kèm theo thư, Đoàn gửi cho anh một món tiền.
Pa-ven chịu đựng cái cú đầu tiên này như xưa kia anh đã từng chịu đựng những cú của Giu-khơ-rai dạy anh học quyền Anh: Xưa kia bị Giu-khơ-rai đấm, anh ngã khuỵu, nhưng rồi lại dậy ngay được.
Bỗng anh nhận được thư mẹ. Bà cụ viết cho anh bảo là ở hải cảng ngay cạnh Ơ-pa-tô-ri-a, bà cụ có bà bạn cũ tên là An-bi-na Quýt-xam đã mười lăm năm nay không gặp lại. Mẹ nhắn Pa-ven thế nào cũng sang thăm bà bạn. Bức thư ấy đã đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc đời Pa-ven.
Một tuần sau, Hội ái hữu của nhà an dưỡng tiễn chân Pa-ven ra tận bến tàu. Ép- ne ôm chặt lấy Pa- ven, hôn anh như hôn em trai của mình. Còn Ma- rơ-ta thì biến đâu mất. Pa-ven đi không gặp được Ma-rơ-ta để chào biệt.
Sáng hôm sau, Pa-ven lên bến, đáp xe ngựa, xe đỗ trước một căn nhà nhỏ có vườn chung quanh, Pa- ven nhờ bác xà-ích vào hỏi thăm, đúng là gia đình bà Quýt-xam ở nhà này.
Gia đình Quýt-xam có năm người : Bà cụ An-bi- na, người đẫy đà, có cái nhìn chậm chạp lờ đờ của đôi mắt đen, trên khuôn mặt nhăn nheo còn tàn dư của vẻ đẹp thời con gái, ông lão Quýt-xam, dáng người thô lỗ, khinh khỉnh, trông y như lợn ỉn.
Ông lão làm hợp tác xã; cô gái út là Thai-a thì ở nhà trông nom bếp nước, cô gái lớn là Li-ô-la trước kia đi đánh máy chữ, gần đây li dị với chồng là một tên vô lại say rượu bí tỉ. Hiện chị không có việc làm, ở nhà trông con và giúp mẹ chăm lo việc trong nhà.
Ông bà Quýt-xam còn có cậu con trai tên là Gioóc- giơ, xong Gioóc-giơ hiện ở Lê-nin-gơ-rat.
Nhà Quýt-xam niềm nở đón Pa-ven. Chỉ có ông lão nhìn khách một cách hằn học, nghi kỵ.
Pa-ven kiên nhẫn ngồi kể hết chuyện nhà cho bà cụ An-bi-na nghe và hỏi thăm lại về cảnh gia đình bà cụ.
Li-ô-la hai mươi hai tuổi. Tính tình rất đơn giản, tóc màu hạt dẻ cắt ngắn, nét mặt nở nang, cởi mở, cô thân ngay được với Pa-ven và không ngần ngại cho anh biết hết những chuyện uẩn khúc trong gia đình. Pa-ven nhờ đó biết được lão già Quýt-xam hành hạ cả nhà như một tên ác chúa, động ai có ý kiến gì hay ý định gì là lão ta đàn áp ngay. Lão ta ngu xuẩn, thiển cận, ti tiện, cả ngày gieo rắc khủng bố trong gia đình, cho nên con cái hờn oán, và bà cụ đã hai mươi năm trời nay phải đấu tranh với tính độc đoán ấy cũng sinh ra thù ghét lão. Các con gái luôn đứng về phía mẹ, chuyện lục đục, liên tiếp xảy ra trong gia đình làm cả nhà đều khổ sở. Ngày nào cũng như ngày nào, rặt những chuyện bực mình lớn, nhỏ.
Còn một con quỷ nữa trong gia đình là Gioóc-giơ. Cứ theo chuyện Li-ô-la kể thì nó thật là một thằng chẳng làm được trò trống gì, mà cứ lên mặt ta đây, huênh hoang hết sức, chỉ thích ăn ngon mặc đẹp, uống rượu chết thôi. Học hết trường chín năm, Gioóc- giơ cậy là con út được cưng, đòi mẹ cho tiền ra thủ đô học .
- Tôi muốn học lên đại học. Li-ô-la bán nhẫn đi. còn mẹ bán quần áo, đồ đạc.
Tôi cần tiền tiêu. Các người làm thế nào cho tôi thì làm.
Gioóc-giơ biết mẹ không từ chối mình bao giờ, và hắn lợi dụng mẹ chiều, thẳng tay đục khoét. Đối với hai chị thì khinh bỉ ra mặt, tự coi như bề trên nhìn xuống kẻ dưới. Thôi thì bà cụ bòn được ông lão đồng nào và Thai-a làm ra được đồng nào là bà gửi cho con trai tất. Thằng con thì thi gì cũng trượt liểng xiểng, vậy mà chẳng buồn tí nào. Nó ở trọ nhà chú nó, đánh dây thép liên tiếp về đòi mẹ gửi tiền ra, làm bà cụ phát hoảng.
Cô gái út là Thai-a, Pa-ven tới khuya mới trông thấy cô ta. Mẹ Thai-a đón ở cửa, khẽ nhắc con nhà có khách. Thai-a bối rối chìa tay ra bắt tay Pa-ven và trước mặt người khách lạ còn trẻ, cô thẹn đỏ chín má. Tay Pa-ven không buông ngay bàn tay nhỏ, cứng rắn, có nốt chai ấy.
Thai-a năm nay mới vừa mười chín tuổi. Người không lấy gì làm đẹp, song có đôi mắt nâu, cặp lông mày nhỏ xếch, cái mũi dọc dừa, cặp môi tươi và bậu khiến cho ai cũng ưa nhìn. Ngực trẻ của Thai-a bó căng trong chiếc sơ-mi cộc tay kẻ dọc.
Hai chị em ở hai buồng nhỏ xíu liền nhau. Buồng Thai-a có cái giường sắt hẹp, một chiếc tủ đứng đựng đồ vật bề bộn, với một gương con và trên tường treo chừng ba chục tấm ảnh chụp và ảnh in. Ở mặt cửa sổ hai chậu hoa tươi: hoa hương diệp và hoa thúy cúc hồng nhạt, màn cửa bằng tuyn có buộc băng xanh màu da trời.
- Thai-a không thích để cho đàn ông vào buồng mình đâu, nhưng đối với anh, anh xem, thật là đặc biệt đấy. - Li-ô-la nói đùa cô em như thế.
Tối hôm sau cả nhà ngồi uống trà bên buồng ông bà già, Thai-a ở lại phòng riêng, ngồi đấy, lắng nghe mọi người nói chuyện. Lão Quýt-xam vừa đưa tay quấy đường trong cốc nước, vừa nghếch mắt qua cặp kính nhìn khách ngồi trước mặt một cách chẳng ưa lành gì.
- Tôi không tán thành luật hôn nhân gia đình thời bây giờ. Muốn lấy nhau thế nào thì lấy tùy thích. Muốn bỏ nhau thì bỏ, chẳng ai ngăn được. Tha hồ là tự do.
Lão già cầm ngang thìa húp trà và lên một cơn ho. Khi đã ngớt cơn lão lại lấy tay chỉ mặt Li-ô-la:
- Như con bé này đây chẳng hạn. Nó ăn ở với nhân tình nó chẳng có phép tôi, rồi nó bỏ nhau cũng chẳng nói qua gì với tôi. Giờ thì mới sung sướng chứ, phải rước lấy mà nuôi cả cô ả lẫn thằng con chẳng biết bố là đứa nào. Đẹp mặt thật!
Li-ô-la đỏ nhừ mặt và quay nhìn Pa-ven mắt trào lệ. Pa-vẹn trừng cặp mắt nảy lửa, giặn dữ nhìn lão già hỏi lại:
- Sao cụ lại nói thế ? Theo ý cụ thì bắt cô ấy ở đời với thằng ăn hại ấy hay sao?
- Lấy chồng thì cũng phải xem cái mặt thằng chồng nó thế nào đã chứ!
Bà cụ An-bi-na phải nói chen vào. Bà cụ giận quá không sao nén hết giận được, nói bằng một giọng hổn hển:
- Ông lão này, sao lại đem chuyện ấy mà nói trước mặt khách! Thiếu gì chuyện để nói cơ chứ!
Lão già cũng chồm lên:
- Tao biết tao nói gì, không phải dạy! Người nhà này dám mở mồm mắng lại tao từ lúc nào thế ?
Đêm hôm ấy, Pa-ven nghĩ mãi về cảnh nhà Quýt- xam. Anh vô tình đến đây, tự nhiên bị tham gia vào tấn bi kịch gia đình này mà nào anh có muốn dây vào làm gì. Anh nghĩ cách giúp bà cụ và hai cô gái thoát cảnh áp chế của lão già. Cuộc đời riêng của chính bản thân anh khiến anh phải bó tay: bao nhiêu vấn đề không giải quyết được nảy sinh trong óc. Lúc này hơn lúc nào hết, anh thấy hành động quyết liệt khó khăn thật.
Chỉ có một biện pháp - tách gia đình này ra, mẹ với hai cô gái phải từ bỏ hẳn không bám vào lão già nữa. Nhưng cách đó chẳng đơn giản đâu. Ở tình thế anh, anh không thể dính đến cuộc cách mạng gia đình này được; vài ngày nữa thôi, anh sẽ đi khỏi đây, có lẽ chẳng còn bao giờ gặp lại những người trong nhà này nữa. Thôi, đành để cho đời mặc sao hay vậy, mà chẳng nên khuấy động bụi bặm cái nhà bé bằng lỗ mũi này lên làm gì. Nhưng cái mặt lão già cứ ám ảnh anh.
Pa-ven vạch hết kế hoạch này đến kế hoạch khác kế hoạch nào cũng thấy không thể thực hiện được .
Hôm sau là ngày chủ nhật, khi Pa-ven ra phố về, thì thấy ở nhà chỉ còn một mình Thai-a. Cả nhà đã đi sang chơi bên nhà người họ.
Pa-ven vào buồng Thai-a, người mệt, ngồi xuống một cái ghế dựa, Pa-ven hỏi:
- Sao cô không đi chơi đâu cho khuây khỏa?
Thai-a thỏ thẻ trả lời:
- Em chẳng muốn đi đâu cả.
Pa-ven sực nhớ đến những kế hoạch nằm nghĩ đêm qua và định bụng thử xem kế hoạch của mình thế nào. Anh liền bắt đầu nói thẳng vào đề ngay, nói vội vã để nhỡ có ai vào khỏi đứt quãng:
- Thai-a ơi, chúng ta sẽ xưng hô với nhau bằng "anh em" cho thân mật. Việc gì phải giữ cái kiểu lễ phép phương Đông làm gì! Anh sắp đi khỏi đây. Anh đến nhà em giữa lúc tình cảnh anh cũng đang lúc khó khăn, chứ không anh đã làm cho câu chuyện xoay hẳn chiều hướng khác. Trước đây một năm thì anh đã đem cả bà cụ và hai em đi nơi khác. Đối với những bàn tay như em và Li-ô-la thế nào cũng kiếm được việc làm. Không tài nào làm ông lão chuyển được đâu. Nhưng bây giờ thì anh không thể giải quyết như thế được. Chính anh cũng chẳng biết đời anh sẽ ra sao, cho nên thật như người ta nói, anh đã bị tước khí giới trước cuộc đời rồi. Giờ thì làm thế nào? Anh sẽ thử về xin được đi công tác xem sao. Các thầy thuốc viết về bệnh anh những cái quái gì ấy và các đồng chí của anh bắt anh phải nghỉ chữa bệnh mãi không biết đến bao giờ. Nhưng ta phải làm thay đổi ngược cảnh này ngay tại đây . . . Anh sẽ viết thư cho mẹ anh và sẽ nghĩ cách chấm dứt tình cảnh này. Anh thế nào cũng không bỏ mặc cụ với hai em. Nhưng Thai- a này, anh hỏi em nhớ: cảnh sống của nhà này và nhất là riêng đời em cần phải đảo lộn lại tất cả. Em có đủ can đảm làm như thế không và em có muốn làm thế không?
Thai-a ngẩng mặt lên và khẽ trả lời:
- Muốn thì em muốn lắm, nhưng không biết em có đủ can đảm không.
Pa-ven hiểu vì sao Thai-a trả lời còn lưỡng lự.
- Không sao, em ạ. Quý hồ em cũng muốn như thế thì ta sẽ thu xếp được thôi.
Nhưng anh hỏi em, em có nặng tình gia đình ràng buộc không?
Thai-a bị hỏi đột ngột, không trả lời ngay. Mãi sau mới nói:
- Em rất thương đẻ em. Thầy em làm khổ đẻ em suốt một đời người. Thằng Gioóc- giơ lại bòn rút hết của đẻ. Em nghĩ tội cho đẻ em lắm. .. Tuy đẻ quý thằng Gioóc-giơ hơn em...
Hai người nói chuyện với nhau nhiều lắm. Khi cả nhà đi chơi gần về, Pa-ven hỏi đùa:
- Cũng lạ thật! Làm thế nào mà ông lão chưa bắt em lấy chồng nhỉ?
Thai-a giãy nảy:
- Em không lấy. Em cứ trông chị Li-ô-la là đủ biết rồi. Em thế nào thì thế, nhất định chẳng bao giờ lấy chồng đâu!
Pa-ven cười:
- Ra cô thề suốt đời ở vậy phải không? Thế nếu có người hiền lành dễ thương thì sao?
- Em không lấy! Khi còn lượn qua cửa nhà mình ve vãn thì anh nào cũng hiền lành dễ thương lắm.
Pa-ven làm lành đặt tay lên vai người con gái:
- Thôi, chẳng nói nữa. Chẳng lấy chồng, đời người ta vẫn có thể sống được.
Nhưng em đã quá giận đám thanh niên đấy. May quá anh lại không bị em ngờ là anh có ý hỏi em, không thì anh cũng rất khó xử lý - Nói rồi, Pa-ven thân ái đặt lòng bàn tay lạnh ngắt của mình lên mu bàn tay người con gái đang bối rối thẹn thùng.
Thai-a dịu dàng:
- Những người như anh chọn những đám khác, chứ chọn những đứa con gái như em làm gì?
Mấy hôm sau, Pa-ven đáp xe lửa về Khác-cốp. Thai- a, Li-ô-la, bà cụ An-bi-na và em bà cụ là bà Ra-da đi ra ga tiễn anh. Lúc chia tay, bà cụ nhắc, và Pa- ven hứa không quên hai cô em, sẽ giúp hai cô thoát khỏi cái vũng lầy gia đình này. Đám người ra tiễn Pa-ven từ biệt anh như từ biệt một người nhà thân thiết. Thai-a ứa nước mắt. Tàu đi đến xa, Pa-ven còn trông thấy Li-ô-la vẫy khăn tay trắng và cái áo cộc kẻ sọc của Thai-a.
Đến Khác-cốp, Pa-ven không muốn phiền Đô-ra, vào nhà bạn quen là Pê-chi-a Nô- vi-cốp. Anh nghỉ ở đây và tới trụ sở Trung ương gặp A-kim. Đến lúc trong phòng chỉ có hai người, Pa-ven đề nghị giao ngay công tác cho anh. A-kim lắc đầu:
- Không được, Pa-ven ạ. Chúng mình đã nhận được kết luận của ban y tế và của Trung ương Đảng ghi rõ như sau: "Vì bệnh Pa-ven trầm trọng, phải đưa đồng chí ấy vào viện thần kinh học để được điều trị và không thể cho đồng chí ấy công tác được"
- Bao giờ họ chẳng viết thế, anh A-kim ạ. Tôi tha thiết đề nghị anh cho tôi được làm việc. Tôi lang thang trong các bệnh viện mãi cũng vô ích thôi.
A-kim từ chối:
- Đã có quyết định thì bọn mình không thể nào không thi hành. Cậu nên hiểu, Pa-ven ạ, như thế chỉ là tốt cho cậu thôi.
Nhưng Pa-ven cố tình đòi mãi, khiến A-kim không nỡ chối từ, đành phải đồng ý.
Ngày hôm sau, Pa-ven đã làm ở văn phòng mật của ban bí thư Trung ương Đảng.
Anh tưởng cứ bắt tay vào việc là đủ cho sức khỏe đã mất đi có thể dần dần trở lại. Nhưng mới ngày đầu, anh đã nhận thấy là mình nhầm. Anh ngồi bàn giấy tám giờ liền không ăn uống gì, vì không đủ sức từ tầng ba đi xuống ăn bữa sáng và bữa trưa ở nhà ăn bên cạnh: chốc chốc, lúc thì tay bại hẳn, lúc thì chân liệt đi. Đôi khi cả người bại liệt và ngây ngấy sốt. Có hôm đã đến giờ đi làm mà anh không làm sao bước chân xuống giường được. Mãi mới nhấc được người dậy, đến cơ quan, anh thất vọng nhận ra mình đi chậm mất một tiếng đồng hồ. Nhiều lần như thế, anh em mới phê bình anh, và anh hiểu: đấy là bước đầu đi đến những điều anh ghê sợ nhất trong đời anh - phải xa rời đội ngũ.
A-kim còn cố giúp anh hai lần nữa, giao cho anh công tác khác. Nhưng điều không tài nào tránh khỏi đã xảy ra: Đến tháng thứ hai thì anh phải nằm liệt trên giường. Anh mới nhớ đến bác sĩ Ba-gia-nô-va lúc chia tay và viết thư cho bác sĩ. Bác sĩ ngay hôm ấy đến thăm anh. Anh được bác sĩ cho biết điều cốt yếu nhất đối với anh: anh đau như thế không nhất thiết phải đưa vào nhà thương.
- Vậy ra đời tươi đến nỗi tôi không cần đi chữa bệnh nữa. - Anh cũng nói đùa một câu cho vui, song không lòng nào cười được.
Vừa hơi lại người một chút, Pa-ven đã lại đến Trung ương đề nghị trao công tác. Nhưng lần này thì A-kim rất nghiêm. Anh cương quyết bắt Pa-ven vào nhà thương. Pa-ven giọng nghẹn ngào:
- Tôi không đi đâu hết, đi là vô ích, tôi biết có ý kiến chuyên môn bảo thế.
Tôi chỉ còn một cách: Xin Đảng cấp cho tiền trợ cấp và xin thôi công tác.
Nhưng tôi nhất định không làm thế. Các đồng chí không có quyền cắt đứt công tác của tôi. Tôi mới có hai mươi bốn tuổi đầu, tôi không muốn lang thang mãi trong các nhà thương mà sống nốt cuộc đời tàn tật, trong khi biết rằng nằm nhà thương mãi cũng không đi đến đâu. Các đồng chí phải cho tôi một công tác thích hợp tình cảnh của tôi. Tôi còn có thể làm việc tại nhà riêng hay ở hẳn một cơ quan nào đó . . . Có điều là đừng bắt làm một anh cạo giấy, ghi sổ công văn đi đến. Công việc phải làm cho tôi vui thích, để tôi khỏi cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Giọng Pa-ven càng nói càng vang lên và càng xúc cảm. A-kim thấu hiểu những tình cảm sôi nổi trong lòng người thanh niên mới gần đây còn tràn đầy biết bao lửa sống. Anh hiểu tấn bi kịch của Pa-ven; anh biết rằng nếu phải xa rời chiến đấu và lùi tít về hậu phương, đối với Pa-ven, một người đã từng hiến cả cuộc đời ngắn ngủi của mình cho Đảng, điều đó ghê sợ đến nhường nào. Anh quyết định dùng mọi biện pháp thuộc phạm vi anh giải quyết để cứu Pa-ven.
- Thôi được, Pa-ven ạ, cậu đừng lo nữa. Mai ban bí thư sẽ họp. Mình sẽ đặt vấn đề cậu. Mình hứa với cậu hết sức cố gắng giải quyết.
Pa-ven nặng nề đứng dậy và chìa tay ra bắt tay A-kim.
- Anh A-kim ơi, anh có thể nào đinh ninh được rằng cuộc đời tôi sẽ dồn tôi vào một góc và sẽ đè bẹp tôi không? Trái tim tôi còn đập ngày nào - nói đến đây anh nắm tay A-kim kéo đặt lên ngực mình và A-kim thấy rõ tiếng tim đập thình thịch và gấp. - Không ai bắt được tôi xa rời Đảng. Chỉ có cái chết mới làm tôi từ bỏ đội ngũ mà thôi. Anh nhớ thế cho, anh A-kim nhé.
A-kim im không nói. Anh biết những lời Pa-ven vừa nói không phải là những câu nói thường, mà là tiếng kêu của một chiến sĩ bị thương nặng. Anh hiểu rằng những người như Pa-ven không thể nào nói và làm khác được.
Hai hôm sau, A-kim báo tin cho Pa-ven biết là đã xếp cho anh một công tác phụ trách ở bộ biên tập báo của Trung ương; nhưng muốn được nhận công tác ấy cần phải kiểm tra trình độ văn hóa, xem có thể phục vụ trên địa hạt văn học được không. Bộ biên tập báo niềm nở tiếp anh. Phó tổng biên tập là một nữ chiến sĩ già, công tác bí mật lâu năm, nay là ủy viên Ban kiểm tra Trung ương Đảng U-cơ-ren. Đồng chí ấy hỏi Pa-ven mấy điểm:
- Đồng chí đã theo học đến đâu?
- Chỉ có ba năm tiểu học thôi.
- Đồng chí đã theo học ở Trường Đảng nào chưa?
- Chưa ạ.
- Điều đó không quan trọng, có nhiều trường hợp không học ở một trường nào mà vẫn trở nên một người viết báo giỏi. Đồng chí A-kim đã nói chuyện với chúng tôi về đồng chí. Chúng tôi có thể trao công tác cho đồng chí, không phải việc ở đây, mà việc mang về nhà làm được và nói chung chúng tôi sẽ tạo những điều kiện làm việc thích hợp với hoàn cảnh đồng chí. Song muốn làm được công tác ấy, phải hiểu nhiều, biết rộng mới được. Nhất là về mặt văn học và ngôn ngữ học.
Mới nghe mấy câu mào đầu, Pa-ven cũng có linh cảm thấy không xuôi rồi. Trong nửa giờ nói chuyện với đồng chí phó tổng biên tập, anh thấy đã rõ mình thiếu nhiều hiểu biết quá. Đồng chí phó tổng biên tập đưa anh viết thử một bài, Pa- ven viết xong, đồng chí ấy lấy bút chì đỏ gạch đít có đến ba mươi chỗ văn viết sai mẹo luật và nhiều lỗi về chính tả nữa.
- Đồng chí Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin ạ, đồng chí có nhiều khả năng lắm. Nếu đồng chí chịu khó tích cực học tập thì tương lai có thể trở nên một cán bộ trợ lý văn học. Nhưng hiện thời đồng chí viết chưa thạo. Xem bài đồng chí viết thấy là đồng chí chưa nắm được văn Nga. Điều đó không lạ: đồng chí đâu có thời giờ học. Nhưng có điều rất tiếc là chúng tôi không xếp công tác cho đồng chí được.
Tuy nhiên, tôi cũng nhắc thêm lại lần nữa: đồng chí rất có khiếu về văn. Nếu bài đồng chí viết, vẫn nội dung ấy mà đem chữa văn đi thì sẽ là một bài báo rất hay. Song ở đây thì chúng tôi lại cần người có trình độ chữa được bài người khác kia.
Pa-ven chống gậy đứng dậy. Lông mày mắt phải mấp máy giậm giật.
- Đồng chí nói, tôi rất đồng ý. Văn hay chữ tốt gì tôi ấy! Tôi đốt lò giỏi, chữa điện được, biết cưỡi ngựa tài, huấn luyện thanh niên thạo, nhưng trên mặt trận của các đồng chí thì tôi là một tên vũ dũng không hợp.
Pa-ven cáo từ ra về.
Đến chỗ hành lang rẽ sang bên, anh suýt ngã. Một bà đang cầm cặp ở tay lại đỡ anh .
- Đồng chí sao thế? Trông đồng chí mặt tái xanh quá.
Mất mấy giờ đồng hồ, anh mới hồi lại được. Anh khẽ ẩy bà kia ra, rồi nặng nhọc chống gậy lê chân đi.
Từ ngày hôm ấy đời Pa-ven xuống dốc. Không còn nghĩ đến công tác được nữa.
Càng ngày anh càng phải nằm liệt giường, có khi suốt cả mấy ngày, không bước đi đâu được. Trung ương miễn công tác cho anh và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội Trung ương phát trợ cấp cho anh. Anh nhận tiền trợ cấp cùng với giấy chứng nhận tàn phế không lao động được. Trung ương cũng cấp cho anh một số tiền và bản lý lịch của anh cùng với giấy phép đi đâu tùy anh chọn. Anh nhận được thư Ma-rơ-ta mời anh về nghỉ ở nhà mình. Anh cũng có ý định lên Mát-xcơ-va với hy vọng mong manh là đề nghị với cơ quan Trung ương Đảng toàn Liên Xô cho anh một công tác nào không phải đi lại. Nhưng đến Mát-xcơ-va, các đồng chí cũng lại bảo phải nghỉ mà chữa cho khỏi và hứa đưa anh vào nằm một bệnh viện tốt. Anh từ chối.
Mười chín ngày sống ở nhà Ma-rơ-ta trôi qua lúc nào không biết, Ma-rơ-ta có bạn là Na-đi-a Pê-tác- sơn. Ban ngày, Pa-ven ở nhà một mình, Ma-rơ-ta và Na- đi-a sáng sáng đi làm, mãi đến tối mới về. Pa-ven đọc liên miên không lúc nào rời sách. Nhà Ma-rơ-ta nhiều sách. Tối đến, có các bạn lại chơi.
Anh nhận được nhiều thư ở dưới cảng miền Nam gửi lên. Gia đình Quýt-xam mời anh về chơi: Cuộc đời lại càng siết chặt thêm cái dây thòng lọng, bà cụ và hai cô con gái cầu cứu anh.
Một buổi sáng Pa-ven từ giã căn nhà yên tĩnh ở phố Gút-xi-át-nhi-xốp ra đi.
Con tàu tốc hành đưa anh về phương Nam, đi ra miền duyên hải ấm áp ở Nam Cơ- ri-mê, tránh cho anh cái mùa thu ẩm ướt, mưa sùi sụt của phương Bắc. Ngồi trên tàu, anh nhìn qua cửa sổ, trông những cột dây thép chạy qua. Đôi mày cau nhíu lại và trong đôi mắt ủ dột của anh thầm ẩn ý chí cưỡng lại số mệnh.