Giáo sư Hà không chịu nổi đau thương mất vợ đột ngột, viện bảo tàng cũng cho ông nghỉ dài hạn, Hà Nghị Siêu sau khi tang lễ kết thúc được vài ngày cũng vội vã quay lại nơi công tác. Cả nhà chỉ còn lại một mình giáo sư Hà và Vương Hâm, ông liền dứt khoát giữ Tra Nghiêm Vân ở lại. Dù sao ngôi nhà của Vương lão gia cũng rộng rãi, hai người chọn lấy hai phòng mà ở.
Mãi cho tới ngày Thất Đầu của Vương phu nhân, cũng chính là ngày thứ tư sau khi Vương phu nhân mất. Hắn lúc này không hề chuẩn bị cho lễ Thất Đầu, mà chuẩn bị đi cản đường, hơn nữa không phải đi cản đường người nào khác mà là đi cản đường...quỷ sai.
Tra Nghiêm Vân đêm đó uống cùng giáo sư Hà mấy ly, tới khi giáo sư Hà thiếp đi vì say. Tra Nghiêm Vân dặn dò vị giáo sư Hà đêm nay cứ việc ngủ yên, không nên đi ra khỏi nhà, sau đó hắn lặng lẽ đi ra khỏi nhà.
Tra Nghiêm Vân không đi theo đường lớn tới của thôn, mà trực tiếp đi về phía ngọn núi có mộ phần của Vương phu nhân.
Tra Nghiêm Vân đứng trên ngọn núi đối diện với thôn, mộ của Vương phu nhân được chôn trên chính triền núi này. Tuy không phải là long huyệt phượng huyệt, nhưng cũng là nơi có phong thủy tốt, huyệt vị này chính là nơi sau khi Tra Nghiêm Vân tới thôn đã để ý tới.
~~~~~~~
Các triều đại trước, người có tiền đều muốn được chôn trong long mạch, nhưng làm sao mà một quốc gia có nhiều long mạch tới vậy được?
Long mạch của Trung Quốc từ Côn Lôn Sơn chạy theo hướng Đông Nam phân ra làm ba long mạch, Bắc Long là Âm Sơn, Hạ Lan Sơn tới Sơn Tây (Sơn Tây của TQ chứ không phải của Việt Nam), khởi nguồn từ Thái Nguyên chạy về phía biển. Trung Long ở Mân Sơn chạy về phía Tần Sơn (Hàng Châu) thì nhập biển. Nam Long từ Vân Quý, Hồ Nam tới Phúc Kiến, Chiết Giang vào biển.
Phía bên trái Côn Lôn Sơn là dãy Thiên Sơn, Kỳ Liên Sơn, Âm Sơn. Phía bắc có dãy A Nhĩ Thái (dãy Altai), Hạ Lan Sơn, Hưng An Lĩnh, Trường Bạch Sơn. Phía bên phải Côn Lôn Sơn có Đường Cổ Lạp Sơn (dãy Tanggula), Hy Mã Lạp Sơn (dãy Himalaya), dãy Hoành Đoạn Sơn. Long mạch của Côn Lôn Sơn ở giữa các dãy núi, không ngừng kéo dài về phía đông.
Chủ mạch bắt đầu ở vùng thành phố Tây An, Thiểm Tây (tức cố đô Trường An), sau đó ngoi lên ở phía đông Trung Nguyên (Hà Nam), đồng thời cũng có các nhánh nhỏ chạy theo hương bắc, hướng nam, hướng đông, hướng tây, tạo thành hệ thống dãy núi Côn Lôn.
Từ Côn Lôn Sơn tới Trung Nguyên thì trong đó có: hướng đông có Lục Bàn Sơn, Tần Lĩnh. Chếnh về hướng bắc có Thái Hành Sơn, chếch về hướng nam có Vu Sơn, Tuyết Phong Sơn, Vũ Di Sơn.
Hướng nam là Nam Lĩnh; còn có cả ngũ nhạc: Bắc Nhạc Hằng Sơn, Đông Nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Trung Nhạc Tung Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn (Chính là Ngũ Nhạc Kiếm Phái trong Tiếu Ngạo Giang Hồ).
Còn có phía đông là Hoàng Sơn và Ngọc Sơn ở Đài Loan, tây nam là Nga Mi Sơn. Đây đều là những núi nổi tiếng — tất cả long mạch lớn nhỏ, tạo thành một bức tranh rồng rắn lẫn lộn.
Cho nên có nhà chính trị gia nhạy cảm nói Trung Quốc là một con cự long đang ngủ say. Về mặt chính trị thì có thể đúng, nhưng từ phong thủy học thì nói như vậy là không đúng, bởi vì Trung Quốc không chỉ có một long mạch, mà là một đám rồng rắn lớn nhỏ không đồng đều.
Mỗi long mạch lớn đều có càn long, chi long, chân long, giả long, phi long, tiềm long, thiểm long. Theo phong thủy phải hiểu rõ ngọn nguồn, theo hình thế mà xét.
Núi là long thế, nước là long huyết. Cho nên, long mạch không thể là vùng cách qua xa núi và nước. Vì thế từ xưa tới nay, vùng non nước hữu tình chắc chắn là nơi phong thủy bảo địa (dịch đúng phải là nơi có núi cao được sông ngòi bao quanh).
Trong lịch sử Trung Quốc xuất hiện ít nhất hai mươi bốn vương triều, nếu như tính mỗi một vương triều ứng với một long mạch, như vậy Trung Quốc ít nhất phải có hai mươi bốn long mạch: Hoàng Đế long mạch ở lưu vực Hoàng Hà.
Đại Vũ long mạch ở khu vực Trung Nhạc Tung Sơn.
Thương triều long mạch cũng ở vùng Hoàng Hà.
Chu triều long mạch ở Kỳ Sơn.
Tần triều long mạch ở Hàm Dương.
Hán triều long mạch ở huyện Phong.
Tây Tấn long mạch ở Tần Dương. Tùy triều long mạch ở Hoằng Nông.
Đường triều long mạch ở Trường An, Lũng Tây, Thái Nguyên.
Tống triều long mạch ở Khai Phong, Củng Nghĩa, Lạc Dương.
Nguyên triều long mạch ở vùng Mông Cổ.
Minh triều long mạch ở Phượng Dương An Huy.
Thanh triều long mạch ở Thẩm Dương.
Dĩ nhiên, những thứ này đều chỉ là phạm vi đại khái. Thực ra thì vị trí cụ thể của long mạch rất khó xác định, vì rồng hoạt động không cố định. Hơn nữa đại đa số long mạch đều theo thế núi thế nước mà sinh ra, cho nên mỗi khi có sự biến đổi về địa hình thì long mạch trong vùng cũng thay đổi theo.
Phàm là nơi hạ táng phù hợp, cũng không nhất định phải là long mạch. Dù có được táng vào long mạch đi chăng nữa nhưng không phải là người có vận số đế vương, được long khí che chở thì sao có thể chịu nổi. Nhẹ thì không được nhập luân hồi, nặng thì hồn phách trực tiếp tan thành mây khói.
Nhưng lòng tham của con người là vô đáy, vẫn rất nhiều kẻ có tiền muốn được chôn vào nơi long mạch, mong con cháu sau này vì thế mà được làm vua. Mấy ngàn năm qua, rất nhiều long mạch được phát hiện, cho nên khi khảo cổ phát hiện mộ táng thì có tới tận vài ngôi mộ trong cùng một tầng đất.
Cũng không thiếu chuyện nhiều người trong cùng thôn chôn cùng một chỗ, mà những ngôi mộ rải rác ven núi cũng thường là nơi phong thủy bảo địa.
Trong phong thủy cũng không thiếu những thuật tìm long mạch, "Địa Lý Ngũ Quyết" có long, huyệt, sa, thủy, hướng, tương ứng chính là "tầm long, nhìn đất, xem nước, chọn mộ, chỉ hướng".
Mạch máu của rồng là núi, đất là long nhục (thịt rồng), thạch là long cốt (xương rồng), cỏ cây là long mao (vẩy rồng). Tìm đầu rồng trước tiên phải tìm tới nguồn gốc ngọn núi, phải là nơi có sinh khí, phân âm dương.
Long mạch cũng phải theo thế núi, mềm mại mà không cứng nhắc, không phải là núi quá nhỏ, khí thế không lớn.
《Phong Thủy Mạn Hưng》của Lưu Bá Ôn có viết: "Tầm long chi kiền yếu phân minh, chi kiền chi trung biệt trọng khinh."
Đầu tiên phải phân rõ chân long án theo triền núi. Phàm là chân long chắc chắn có triền núi. Nhiều triền núi thì con cháu sẽ càng giàu có, nhưng nếu chọn mộ ở dưới triền núi thì sẽ mất đi sự bảo hộ của long khí, không tốt lành.
Sau khi tìm được chân long, phải xem kỹ thế nước, minh đường long hổ, chắc chắn là nơi huyệt kết. Thế của long mạch phải sống động. Trùng trùng nhấp nhô, đông tây uốn lượn.
Long mạch giống như cá nhảy chim bay, ngẩng đầu lên thì là rồng sống, mộ táng ở đó thì được lợi.
Nếu như thế núi xù xì cồng kềnh, giống như con rồng mệt mỏi cúi đầu, mộ táng vào đó thì hung.
Trong phong thủy còn phân ra rất nhiều loại long mạch khác: yếu gia cường long (chôn vào gia đình lụi bại, rồng được tiếp thêm sức lực), nhược long (rồng yếu), phì long (rồng béo), sưu long (rồng ẩn thân), thuận long (mọi sự thuận lợi), nghịch long (càn quấy), tiến long (mọi sự đi lên), thối long (mọi sự đi xuống), bệnh long (rồng bệnh), kiếp long (bị ức hiếp), sát long (giết chóc), chân long (là nơi phù hợp chôn vua chúa), giả long (chưa phải là rồng), quý long (cao quý), tiện long (hèn hạ, bỉ ổi).
Tất cả đều nói rõ hình thể long mạch trang nhã, hài hòa với khu vực xung quanh thì mộ táng sẽ an lành. Nếu như thế núi quái dị, đất đá lởm chởm, hình dáng hung ác thì long mạch nơi đó không tốt, chôn xuống ắt gặp tai họa.
Lời người dịch: Chương này chủ yếu nói về long mạch phong thủy nên hơi khó nuốt. May mắn là mình cũng hiểu một chút nên còn dịch được