Trương Tám đưa ra ý kiến vô cùng rõ ràng. Một loại là tàu lớn, trọng tải lớn nhưng thời gian đóng lâu, phí tổn cũng lâu, một loại thuyền nhỏ, đóng nhanh nhưng trọng tải ít hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi kỹ thuật điều khiển tốt hơn. Chỉ có những người vùng Nam Dương, Thiên Trúc đi xa thì mới dùng đến những tàu buồm, còn người tàu thì chủ yếu dùng những tàu lớn bằng mái chèo để đi sát bờ biển.
Thực ra nếu so với các tàu hiện tại, Nguyễn Vô Niệm lại có một sự lựa chọn tốt hơn chính là lớp tàu Chu Ấn, là một loại tàu kết hợp giữa các kỹ thuật Đông – Tây, có sức đi biển tốt, ít nhất là trong vùng biển từ Nhật Bản đến Malacca. Thế nhưng cũng giống như những chiếc tàu bằng mái chèo của người Minh, tàu Chu Ấn quá to lớn, thời gian lâu, vốn lớn, đó không phải là ưu tiên của Nguyễn Vô Niệm, hiện tại hắn cần là một loại tàu nhỏ hơn, thời gian đóng nhanh, sức đi biển tốt, vừa để đi buôn, vừa để huấn luyện thuỷ thủ đoàn riêng của mình.
Nguyễn Vô Niệm lắc đầu cười nói.
- Ta không chọn hai loại thuyền đó, thực tế với những thuyền đó ta không đi được xa, cùng lắm là lanh quanh trong cái ao làng biển Đông này mà thôi. Cái ta thực sự muốn là phải đi sang vùng viễn Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, thậm chí là xa hơn nữa. Ta hiện tại cũng không đủ tiền để đóng được những loại thuyền mà ta mong muốn, vì vậy ý định của ta là đóng một loại tàu nhỏ hơn, có khả năng đi biển tốt, xa hơn các loại tàu này. Ta tin rằng làm một thợ thuyền, mong muốn của thầy Tám cũng là muốn con tàu của mình có thể đi biển càng xa càng tốt đúng không?
Lần này Trương Tám lại yên lặng không đáp. Quả thực đúng như vậy, Trương Tám là một thợ thuyền có nhiều kinh nghiệm, hắn cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời, vinh hoa phú quý đối với hắn thực tế chỉ là những điều vô nghĩa. Hắn mở xưởng cốt là không để nghề đóng tàu bị mai một, hai là hắn cũng không ngừng tìm cách đóng những con tàu tốt hơn, đi xa hơn. Hắn nhận ra được những con tàu của người Chăm, Trảo Oa với đáy cong, mũi nhọn rõ ràng đi biển tốt hơn các tàu của người Việt, người Tàu rất nhiều, do đó đã bỏ nhiều công sức học tập, nghiên cứu, hắn thường đóng những tàu cá để rèn luyện kỹ thuật, tìm cách cải tiến, Trương Tám hi vọng có thể đóng những tàu lớn hơn nữa, to hơn nữa, thế nhưng làm hắn thất vọng chính là quan, thương tìm đến hắn cũng chỉ là đóng những thương thuyền để đi trên sông mà thôi.
Nhìn thấy nét mặt của Trương Tám, Nguyễn Vô Niệm rõ ràng hắn đã động tâm. Nguyễn Vô Niệm nói.
- Thái Sung, lấy bản vẽ đến đây cho ta.
- Dạ, ông chủ.
Thái Sung lập tức đưa mấy tấm bản vẽ đưa đến. Hắn vác trên người đống bản vẽ cũng rất nặng nề. Nguyễn Vô Niệm trải ra một tấm bản vẽ tổng thể, Trương Tám lập tức kinh hãi nhìn chằm chằm vào tấm bản vẽ hỏi.
- Cậu… cậu lớn, đây là thuyền đi biển ư? Vì sao ta chưa từng thấy nó bao giờ?
Tại Vân Đồn Trương Tám đã thấy được rất nhiều tàu, cả tàu đáy phẳng, đáy cong, dùng mái chèo hoặc buồm thậm chí là luân xa để di chuyển. Thế nhưng lần đầu tiên hắn lại nhìn thấy được một chiếc tàu lại có buồm hình tam giác, hơn nữa mũi và phía sau đuôi lại cao vút lên, trông rất khác biệt. Trương Tám chắc chắn hắn chưa hề thấy được chiếc tàu này trong đời.
- Đây là tàu Caravel, một phát minh của người Bồ Đào Nha.
Nguyễn Vô Niệm cũng không hề nhận nó là của mình mà nói thẳng, bởi vì lúc này ở phía Tây tàu Caravel của người Bồ Đào Nha đã chạy đầy đường rồi, chỉ là Nguyễn Vô Niệm cũng không biết rõ liệu rằng nó đã đến nhà Minh hay chưa mà thôi. Nguyễn Vô Niệm nói.
- Người Tây Dương kinh tế dựa vào biển, vì vậy kỹ thuật đóng tàu của bọn hắn vô cùng phát triển, những con tàu của bọn hắn đóng ra có khả năng đi biển xa, trọng tải tốt cũng như chịu được gió bão trên biển tốt hơn các tàu phương Đông rất nhiều. Ngoài ra buồm tam giác cũng sẽ giúp các thuỷ thủ dễ xoay trở, điều khiển hơn buồm hình chữ nhật, vì vậy tàu này cũng có khả năng đi ngược gió.
Nguyễn Vô Niệm bắt đầu chậm rãi giải thích từng chi tiết, Trương Tám lại chăm chú lắng nghe, cảnh tượng cứ như là một thầy giáo đang dạy học trò. Ấy vậy mà Trương Tám không hề để ý, rất chú tâm, thậm chí có lúc gật gù, có lúc xuýt xoa, hắn cảm thấy như trí tuệ của mình mấy chục năm nay ở trong ao tù nước đọng thì bỗng chốc lại được khai sáng.
Còn trong khi đó Đỗ Quân Đao và Thái Sung thì sớm đã ngủ gục, bọn hắn không nhe hiểu được những gì mà một già một trẻ này đang nói.
Trong khi đó Trương Tám càng nghe càng kinh hãi, bởi Nguyễn Vô Niệm lúc này đã nói đến không chỉ là giới thiệu về chiếc tàu mà còn là kỹ thuật đóng thuyền, thậm chí có một số thứ hắn chưng từng nghe đến. Trương Tám như có cảm giác mình đang đối diện với một thợ thuyền lão thành, dày dạn kinh nghiệm, chứ không phải là một thiếu niên mười mấy tuổi.
Thực tế nếu so về kinh nghiệm đóng tàu, Nguyễn Vô Niệm không thể nào bằng được Trương Tám bởi hắn chỉ làm nghề đóng tàu trong xưởng Nelson trong 5 năm mà thôi, thế nhưng Nguyễn Vô Niệm được thừa hưởng từ kỹ thuật đóng tàu trước thời đại hàng trăm năm, đặc biệt kỹ thuật đóng các tàu phương Tây. Nguyễn Vô Niệm cũng không hề giấu mà giảng giải cho Trương Tám. Dù sao lúc này hắn cần Trương Tám đóng tàu cho hắn.
Tàu Caravel rất quan trọng trong kế hoạch của Nguyễn Vô Niệm, ít nhất là trong mười năm tới, bởi vì trong mười năm này Nguyễn Vô Niệm chủ yếu là muốn đi mở rộng thị trường cho Đại Việt trước, sau đó mới chuyển sang bước tiếp theo. Tàu Caravel lại vô cùng phù hợp, khi đi được biển xa, giá thành cùng kỹ thuật dễ đóng hơn tàu Galleon, có thể sử dụng như một tàu bán vũ trang hoặc tàu huấn luyện cho các thuỷ thủ đi biển. Một mình Nguyễn Vô Niệm không thể điều khiển cả con tàu hay hạm đội, hắn cần một đoàn đội thạo biển, thạo thao tác tàu, do đó hắn càng cần có thời gian hơn bao giờ hết.
Muốn như vậy thì phải có được quyền tự do đi đến Vân Đồn, các tháo gỡ duy nhất chính là chính sách khuyến thương của bệ hạ, đưa nền kinh tế Đại Việt hướng biển. Không hiểu sao Nguyễn Vô Niệm đối với Diên Ninh hoàng đế luôn có lòng tin, hắn tin rằng nếu Lê Bang Cơ sống đủ lâu thì tuyệt đối sẽ đồng ý với ý kiến của hắn.
- Nãy giờ ta nói thầy có hiểu không?
Nguyễn Vô Niệm cảm thấy cổ họng hơi rát liền uống một ngụm nước chè để cho họng mình dịu lại. Trương Tám nãy giờ nghe Nguyễn Vô Niệm nói cứ như đang xem vô tự thiên thư, hắn ngần ngại một lúc rồi nói.
- Cậu lớn vừa rồi nói rất nhiều, lão đã già, đầu óc không được nhanh nhạy lắm, đa phần là hiểu, nhưng còn có một số nơi còn khúc mắc, kỹ thuật dù nghe qua thế nhưng vẫn chưa làm bao giờ, không biết ngoài thực tế có làm được hay không.
Nguyễn Vô Niệm cũng không thất vọng, dù sao Trương Tám cũng không phải là thiên tài, xem qua cái gì là nhớ cái đó như hắn, do đó nghe một lần không hiểu được hắn sẵn lòng nói lại. Nhưng có một vấn đề khác quan trọng hơn, hắn hỏi.
- Nếu như thuần thục kỹ thuật ta vừa nói, ta giao cho thầy Tám đóng tàu không ngại chuyện tiền bạc thì mất bao lâu mới có thể đóng thành?
Trương Tám không khỏi tính toán một chút, lát sau hắn nói.
- Nếu như đủ tiền mà nói giao cho xưởng ta đóng cũng phải mất chừng hai năm mới có thể đóng xong một chiếc
Nguyễn Vô Niệm không khỏi sửng sốt.
- Lâu như vậy sao? Rõ ràng so với những tàu của người tàu chúng nhỏ hơn rất nhiều.
Trương Tám lắc đầu nói
- Cậu lớn thông cảm, để thuần thục một kỹ thuật không phải là chuyện dễ, chưa kể đến đến ta cũng chưa thể thuần thục được, phải truyền dạy lại cho các thợ bạn và thợ học việc để bọn hắn biết làm mới được. Xưởng của ta cũng chỉ có mấy chục thợ, hằng tháng đều có nhận tàu buôn vào sửa chữa, rất khó có thể phân ra thêm nhân lực để đóng tàu này, nhiều lắm là được mười thợ, mà cứ cho toàn bộ thợ của xưởng vào đóng thì cũng phải tuyển thêm thợ nung, thợ rèn vào để giúp đỡ, thời gian hai năm đã là rất khả quan rồi, thậm chí có thể mất năm năm. Về sau nếu thuần thục thì thời gian sẽ rút xuống rất nhiều.
Trương Tám nói chuyện vô cùng rõ ràng, hắn rất muốn đóng con tàu kia, thế nhưng nếu Nguyễn Vô Niệm cần gấp, hắn không thể nào đóng ra được một chiếc thuyền trong vòng một năm được.
Nguyễn Vô Niệm cũng biết Trương Tám nói có lý, hắn nghĩ nghĩ một chút, Nguyễn Vô Niệm nói.
- Thầy Tám, có một việc ta nói ra thì hơi đường đột, thế nhưng ta muốn nhập cổ phần vào xưởng của ngươi.
- Nhập cổ phần?
Trương Tám không hiểu ý tứ của Nguyễn Vô Niệm là gì. Nguyễn Vô Niệm nói.
- Tức là ta bỏ tiền năm trăm quan, bỏ kỹ thuật ra dạy cho ngươi, ngươi phụ trách dạy lại cho những thợ khác, quản lý, mở rộng xưởng. Ta chiếm 49 phần trăm cổ quyền, còn lại 51 phần trăm cổ quyền còn lại là của ngươi, vì vậy ngươi vẫn có quyền quyết định, xưởng vẫn là của ngươi năm trăm quan này không tính vào tiền đóng tàu mà sẽ là mở rộng thêm nhà xưởng, thêm ụ tàu, thuê thêm thợ. Chúng ta cùng hướng đến mục đích chung là đóng được những con tàu đi biển xa nhất cho Đại Việt.