Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 46: Bếp lại đỏ lửa



Mồng hai, Thẩm Thiều Quang tới am Quang Minh ngồi nói chuyện với Viên Giác sư thái cả một buổi.

“Bánh Kinh” của Viên Giác sư thái đã hoàn thành sơ bộ, trong đó miêu tả đủ các loại bánh canh, bánh nướng áp chảo, bánh hấp, bánh nướng, có bánh trắng từ tim bò của các nhà quyền quý trong kinh thành, có bánh nhụy từ hoa đào trong các quán rượu nhỏ ở Giang Nam, cũng có bánh nướng vừng nặng chừng mười cân của một người đàn ông để râu quai nón bày bán bên cạnh Dương Quan.

Lão sư thái không chỉ nói về các loại bánh mà còn nói về người, về cảnh, kể lại những năm tháng rực rỡ một đi không trở lại, Thẩm Thiều Quang đọc mà có thể nhìn ra được sự phồn hoa hưng thịnh của thời Đại Đường.

Bây giờ Thẩm Thiều Quang cũng chẳng nịnh nọt nữa, chỉ khẽ cảm khái: “Thật là tốt, thật là tốt…”

Viên Giác sư thái nhìn nàng, chậm rãi nở nụ cười.

Ngày mồng ba, Thẩm Thiều Quang cũng theo lệ đi một vòng các nhà hàng xóm, nói vài câu chúc tết, tặng chút lễ mọn, ăn kẹo nhà người ta.

Cầu gia phường đậu phụ nhất quyết lôi kéo Thẩm Thiều Quang ở lại ăn cơm bằng được. Nương tử Cầu gia dùng nấm rừng hầm với gà mái, không bỏ nhiều gia vị, cũng không kĩ càng tinh tế như Thẩm Thiều Quang, một tô đựng thịt đang bốc hơi nghi ngút, nước dùng thì đặc sánh. Lại chuẩn bị thêm một ít đậu phụ chiên, thịt dê hấp.

Ông cụ Cầu gia liên tục mời mọc: “Cô nương nếm thử món gà này xem”, “Cô nương nếm thử xem thịt dê hấp này có mềm không?”, “Cô nương nếm thử món thịt viên ngon miệng đại nương nhà ta nấu thử xem”…

Thẩm Ký là khách hàng lớn của phường đậu phụ Cầu gia, Thẩm Thiều Quang lại chỉ cho bọn họ gia vị thế nào cho vừa, phát triển thêm các loại váng đậu, đậu phụ khô, dầu đậu nành, nhờ vậy mà Cầu gia kiếm được thêm không ít tiền, lần này là mượn dịp mừng năm mới để cảm ơn nàng.

Nương tử Cầu gia nhìn thì chân chất thật thà nhưng miệng lưỡi lại rất khéo: “A gia lại nói đùa rồi! Ở trước mặt Thẩm cô nương đây, chỉ như ta thì nào dám xưng là “ngon”?” Sau đó lại nói với Thẩm Thiều Quang: “Làm không được tinh tế nhưng cũng mong cô nương đừng chê cười, nhất định phải ăn no đấy.”

Để tỏ ý mình thật sự yêu thích tay nghề của nương tử Cầu gia, Thẩm Thiều Quang thật sự đã ăn không ít, còn khen ngợi một phen, Cầu nương tử cười đến nỗi hai mắt híp thành đường thẳng.

Buổi trưa ăn một bữa no nê, tối về chỉ ăn một bát cháo nhỏ kèm món dưa muối do công chúa Vu Tam chuẩn bị.

Trong khoản muối dưa này, Vu Tam làm rất có phong phạm quý tộc. Từng đĩa từng đĩa nhỏ cũng có tới sáu bảy loại, có cải thảo muối, củ cải muối, dưa chuột muối, gừng tím muối, có sợi cũng có khối, có món thì thêm dầu vừng, có món lại trộn giấm chua, có món thì trộn tương vừng và tỏi giã…*

* Món dưa muối tham khảo “Say cũng chán” của Diệp Quảng Cầm. [tác giả]

Mỗi loại Thẩm Thiều Quang ăn vài ba đũa, cũng vừa đủ ăn hết một bát cháo, dạ dày cũng thoải mái.

Cứ ăn uống lộn xộn như vậy mấy ngày, chơi đến nỗi chân tay đều sinh lười, cuối cùng cũng đã tới ngày mồng sáu mở quán – ở thời này còn chưa có quan niệm đón thần tài, phần lớn các cửa hàng đều chờ qua mồng năm là mở cửa, thậm chí còn có không ít cửa hàng chờ qua tết Nguyên Tiêu mới mở cửa.

Thẩm Thiều Quang và mấy người A Viên, Vu Tam quét dọn sạch sẽ trong quán một lượt, treo pháo lên cửa rồi đốt, thế là quán rượu nhỏ bắt đầu một năm mới.

Thấy Thẩm Ký mở cửa, các khách cũ lập tức chạy tới.

Thẩm Thiều Quang nói mấy câu chúc mừng năm mới, các thực khách cũng đáp lại, lại nói: “Mấy ngày này đúng là rất nhớ đồ ăn Thẩm Ký. Hôm qua đi ăn tiệc đầu năm, trong tiệc cũng có món lẩu, chỉ là kém xa lẩu ở đây.”

“Bao nhiêu ngày rồi chỉ ăn thịt với cá, thật đúng là nhớ cái món cải thảo chua ngọt của Vu Tam lang.”

Thậm chí còn có người dứt khoát dời luôn bữa tiệc đầu năm trong nhà mình tới đây, gọi toàn các món kinh điển như là “thịt mã não”, “sư tử đầu”, “gà chiên giòn”, “thịt phù dung”, “đậu phụ bát bảo”, lại thêm một giác lục nghị mới cất, cuối cùng còn gọi thêm hai lồng ngọc tiêm diện, cả chủ lẫn khách đều ăn uống vui vẻ.

Mới ngày đầu mở cửa trở lại mà công việc đã lu bù, tới tận tối Thẩm Thiều Quang mới có thời gian rảnh rỗi mà cắt hoa thắng.

* Hoa thắng vốn chỉ các loại trang sức hình hoa mà phụ nữ Hán thời xưa đội trên đầu. Hoa thắng ở đây chỉ các vật trang trí (thường là hình hoa) được cắt từ giấy hoặc các chất liệu mỏng khác, thường được dán lên tường, lên cửa sổ.

Tới thời hiện đại thì tục lệ mồng bảy ngày Người đã dần suy thoái, không còn là ngày lễ phổ biến khắp cả nước nữa, nhưng thời này thì vẫn còn rất long trọng.

Cái gọi là “ngày Người” thì nghe bảo là bắt nguồn từ truyền thuyết Nữ Oa tạo người. Người ta kể là Nữ Oa nương nương mồng một tạo gà, mồng hai tạo chó, sau đó lần lượt tạo các loại động vật lợn, dê, trâu, ngựa, tới ngày thứ bảy thì rốt cuộc cũng tích lũy đủ kinh nghiệm phong phú, tạo ra được loài người thông minh, cho nên ngày mồng bảy được gọi là “ngày Người”.

Vào ngày Người, tục lệ phổ biến nhất là dùng giấy thếp vàng, tơ lụa, giấy màu các loại, hoặc cắt, hoặc gấp, hoặc tết thành hoa thắng, sau đó mang dán lên bình phong, cửa sổ hoặc đội trên đầu.

Trong cung cực kỳ coi trọng mấy thứ tinh xảo xinh đẹp tỏ rõ tay nghề như thế này, hằng năm bọn họ đều nghĩ ra nhiều kiểu hình dạng mới, một phần là để thể hiện tay nghề, lấy lòng quý nhân, một phần cũng là để giết thời gian.

Thẩm Thiều Quang dồn gần hết kỹ năng vào nấu nướng, cũng dành một chút cho văn chương sách vở, cho nên mấy khâu may vá thêu thùa của nữ tử thì nàng không mấy thành thạo, nhưng khoản cắt giấy này thì lại rất tốt, cho nên Thẩm Thiều Quang vẫn luôn kiên định rằng mình có một đôi tay khéo léo, may vá không tốt chỉ là do không có thời gian luyện tập mà thôi.

Lúc còn ở trong cung, tranh ngũ cốc được mùa, rau quả tốt tươi do Thẩm Thiều Quang cắt chính là sản phẩm đại diện tạo nên tiếng tăm cho ngự thiện phòng, ngày hôm đó bất cứ người nào đi lĩnh đồ ăn cũng phải “tấm tắc” vài tiếng.

Nhân thắng, hoa thắng của các cung nữ khác phần lớn đều nhỏ nhỏ xinh xinh, nhưng hoa thắng của Thẩm Thiều Quang thì lại rất lớn, không chỉ lớn mà còn cầu kỳ tỉ mỉ, trong bức tranh rau quả kia có không dưới hai mươi loại rau quả, nho đặt cạnh lê, dưa hấu che mất một phần anh đào, sắp xếp đan xen vào nhau một cách hài hòa, không hề lộn xộn chút nào.

Có thể cắt được một bức tranh phức tạp như vậy chủ yếu vẫn là nhờ công lao mấy tiết mỹ thuật tạo hình, xử lý cho tốt vấn đề kết cấu rồi thì sau đó chỉ cần cẩn thận và tỉ mỉ là được, thật ra kỹ năng dùng kéo và cắt giấy cũng không khó học.

Thẩm Thiều Quang cắt mấy bông hoa đơn giản để luyện tay trước, thấy A Viên ở bên cạnh lại chợt nổi hứng đùa giỡn, thế là cắt một bức nhân thắng mập mạp, búi tóc hai vòng, tay xoa thắt lưng đưa cho nàng ta.

A Viên thích không nỡ buông tay, cẩn thận cầm lấy: “Thật là đẹp mắt… Thật là đẹp mắt…”

Cả Vu Tam và A Xương đều rất ngạc nhiên trước tay nghề của Thẩm Thiều Quang. Vu Tam cầm lấy bức hoa sen Thẩm Thiều Quang vừa cắt xong, liếc nàng một cái: “Còn có cả bản lĩnh này…”

A Xương cũng cười nói: “Thật không ngờ là cô nương lại khéo tay như vậy.”

A Viên dời mắt khỏi nhân thắng cắt chính mình, ngẩng đầu lên, vẻ mặt hết sức đương nhiên: “Cái này thì đã là gì? Cái gì cô nương cũng làm được!”

Kiểu fan mù quáng như A Viên thế này làm Thẩm Thiều Quang có cảm giác áp lực gấp bội, đang định giải thích vài câu thì Vu Tam đã nói bóng nói gió: “Đúng vậy, cái gì cũng làm được. Xuân phiên bên ngoài kia cũng khóc luôn.”

Thẩm Thiều Quang: “…”

A Xương cười trộm.

A Viên hết sức căm phẫn: “Xuân phiên làm sao hả? Xuân phiên làm sao hả? Có thể bay là được rồi chứ hả?”

Nhìn thấy thực lực của fan hâm mộ nhà mình, Thẩm Thiều Quang không giải thích nữa, híp mắt cười, yên tâm cắt tranh rau quả tốt tươi.

Bởi vì không phải là lần đầu cắt tranh thế này, bản vẽ tốn mất hai ngày tết để vẽ đã vẽ xong, bây giờ chỉ cần kiên trì dùng kéo từ từ mà cắt là được.

Dù vậy thì cũng phải tới tận nửa đêm mới hoàn thành cả bức tranh. Thẩm Thiều Quang không cho A Viên thức cùng mình, A Viên lại giữ vững nguyên tắc của một fan trung thành, khoác chăn ngồi trên giường xem Thẩm Thiều Quang cắt, mãi tới lúc thật sự không kiên trì nổi nữa mới nghiêng đầu xuống gối.

Sáng sớm hôm sau, đến cơm A Viên cũng chẳng vội ăn, chỉ lo đi dán bức tranh to đùng này.

A Viên hỏi Thẩm Thiều Quang xem dán chỗ nào, Thẩm Thiều Quang cười đáp: “Dán ở bên ngoài tường, ở chỗ ông cụ hôm trước dán giấy tìm chó ấy, còn cả chỗ Sở cô nương dán giấy tìm người nữa.”

“Được rồi!”

Mấy bông hoa đóa hoa khác thì A Viên đều dán hết lên cửa sổ, lên bình phong và vách ngăn trong quán – chỉ trừ bức nhân thắng mập mạp kia thì bị giấu đi.

Nhân thắng cắt từ giấy đỏ rất bắt mắt, bất cứ người nào đi ngang qua cũng phải ngoái đầu lại nhìn, sau đó thì biết là quán rượu Thẩm Ký đã mở cửa trở lại, sau đó lại nhớ tới các món ăn ngon của Thẩm Ký. Cái con sâu tên thèm ăn này, không lôi nó ra thì không sao, nhưng đã lôi nó ra mà không thỏa mãn nó thì không thể nào về được. Trước sau tết đã bao nhiêu ngày không tới Thẩm Ký ăn, đúng là thật sự rất thèm.

Nếu nói hôm qua mấy người tới đây đều là fan trung thành của Thẩm Ký thì hôm nay, phần lớn đội ngũ fan hùng hậu đã chính thức trở lại. Thẩm Ký lại lần nữa chật ních.

Quán rượu Vân Lai thì còn chưa mở cửa – bởi lẽ ngày tết, phần lớn mọi người đều chọn ở nhà đãi khách, người ra ngoài ăn rất ít, vì vậy hằng năm cứ qua mồng mười mới mở cửa trở lại. Phùng chưởng quỹ đi bộ loanh quanh trong phường, nhìn thấy đám hồng, sơn tra, dưa hấu đỏ rực trên tường và cả đám khách đi ra đi vào liên tục, bất đắc dĩ lắc đầu, rời đi.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.