*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Nửa đêm trời bắt đầu đổ mưa rả rích, Thẩm Thiều Quang bị tiếng sấm ùm ùm đánh thức, nghe có vẻ động tĩnh không nhỏ, thế này thì rốt cuộc nạn hạn hán cũng đã được hóa giải rồi nhỉ? Lại nhớ tới nửa tháng trước thánh thượng đi cầu mưa, khóe miệng nàng nở nụ cười xấu xa, dù sao ông trời cũng phải chừa lại mặt mũi cho đứa con trai của mình ở nhân gian*, nếu không thì thật là xấu hổ.
* Chơi chữ: hoàng đế = thiên tử – con trai của trời.
Thẩm Thiều Quang cuộn tròn trong chăn, yên ổn nhắm mắt lại, trời mưa thật là tốt, không cần phải nhóm than bắc lò, có thể ngủ nướng rồi.
Sạp nhỏ có thể vì trời mưa mà làm biếng không mở, nhưng vào triều thì lại không được nghỉ.
Lâm Yến ngồi trên xe, liếc nhìn lục sự Liễu Phong đi trước một đoạn không xa, tay cầm ô, chân đi giày cỏ, ỉu xìu rũ đầu đi trong mưa, chắc là vì sợ đường trơn nên không dám cưỡi ngựa, đang đi tới nha môn.
Lâm Yến ra hiệu cho người hầu bên ngoài xe một cái, một người trong số đó lập tức đi xuống, tới gần Liễu Phong.
Liễu Phong quay đầu, từ xa xa hành lễ với Lâm Yến ở trong xe ngựa một cái, sau đó cùng tên người hầu kia đi tới.
Sau khi lên xe ngựa, Liễu Phong hơi mất tự nhiên, bụng lại cứ nhằm vào lúc này mà quấy rối, kêu ục ục. Mặt Liễu Phong lập tức nóng bừng lên, chỉ hy vọng tiếng mưa rơi bên ngoài có thể che giấu được âm thanh này.
“Không sao.” Lâm Yến cười cười, dừng một chốc, lại nói: “Món bánh rán kia thật sự ăn ngon thế sao?” Rõ ràng đằng kia có một người đang khoác áo tơi bán bánh nướng.
Mặt Liễu Phong lại càng đỏ hơn, lúng ta lúng túng đáp lại: “Hạ quan, hạ quan…”
Lâm Yến khẽ nâng tay.
Liễu Phong ngậm miệng lại, ngồi đàng hoàng.
Lâm Yến nhắm mắt dưỡng thần.
Thẩm Thiều Quang nói sao làm vậy, tới tận giờ thìn mới thức dậy, thong dong đi rửa mặt rồi che ô đi ra quán ăn bên ngoài ăn một tô hoành thánh thịt gà, vỏ bánh không đủ mỏng, nhân bánh lại nhỏ, may mà nước dùng còn có chút mùi vị.
Nàng lại chạy một vòng nữa, mua một chút ngũ cốc và rau xanh rồi chậm rãi đi về. Đi tới cửa sau căn nhà cũ của Thẩm thị, nhìn thấy một nhánh hải đường vươn ra từ bên trong, rơi xuống rất nhiều cánh hoa. Chà chà, mưa rơi trên đóa hải đường, cánh cửa khép chặt khoảng sân lặng yên, đúng là khung cảnh đầy ý thơ.
Thẩm Thiều Quang cố lục lại trí nhớ, đúng là có chút ấn tượng với bụi hải đường này. Mẫu thân của nguyên thân thích thu thập cánh hoa hải đường, cũng không phải là vì muốn chôn cất nó mà là để đổi lấy son, từng nói rằng “Nhan sắc khác biệt không gì sánh bằng”, vừa đúng lúc phụ thân đi tới, mỉm cười chọc ghẹo “Tiếc là không có mùi thơm”, mẫu thân liếc mắt quở trách, sau đó lại không kiềm được mỉm cười.
Nhớ lại khi đó, vị phu nhân này cũng giống như một gốc hải đường cao quý giữa chốn nhân gian, không chịu nổi sự gọt đẽo, chỉ chịu được một năm rồi qua đời, để lại nguyên chủ khi đó mới chỉ chín tuổi, nguyên chủ cũng chỉ chịu đựng được thêm một năm rồi cũng đi theo mẫu thân, đổi thành bản thân nàng tha hương đất khách.
Thẩm Thiều Quang nhìn cái “nhà” mà mình chưa từng ở này, nghĩ tới chuyện trước kia, có chút cảm khái.
Nghe nói người đang ở trong này là một vị thiếu doãn của phủ Kinh Triệu, vậy thì là một vị quan lớn mặc áo bào đỏ. Mặc dù ở ngay gần nhà đã nhiều ngày nhưng nàng lại chưa gặp qua, không biết người kia dáng dấp thế nào. Không biết bao giờ thì vị phó thị trưởng quản lý thành Trường An này sẽ đi thị sát tình hình buôn bán đồ ăn trên phố… Thẩm Thiều Quang bị suy nghĩ hài hước của mình chọc cười, nàng giơ ô lên, rảo bước quay trở lại am.
Về tới am, Thẩm Thiều Quang đi ngâm gạo nếp, đọc vài trang sách, viết vài ba chữ, thế rồi cũng hết buổi sáng.
Bữa trưa nàng chỉ nhào ít bột mì, thêm một ít rau, lại đập một quả trứng, làm món bánh bột rau xanh, sau khi múc vào bát thì bỏ thêm hai thìa tương tỏi ớt tự chế, thế mà ăn vào cũng khá ngon miệng.
Ăn xong bữa trưa lại tự cho mình nghỉ ngơi một hồi, sau đó dậy đi làm đồ ăn.
Bởi vì hôm nay mua được gạo nếp loại tốt nên nàng quyết định làm bánh ngải oa oa để ăn.
* Ngải oa oa là một loại bánh rất phổ biến ở Bắc Kinh vào thời nhà Minh, được làm từ gạo nếp, bên ngoài lăn một lớp bột mì mỏng, nhân bên trong rất đa dạng. Vì bên ngoài bánh lồi lõm theo hạt gạo nếp nên được gọi là “oa” (lõm).
Thực ra ở triều đại này trong cung cũng thường làm bánh, nào là bánh long phượng thủy tinh, bánh tử long, bánh ngọc lương, tới ngày lễ ngày tết còn có bánh thù du, bánh hoa cúc, bánh gai phù hợp với từng ngày lễ. Tên gọi rất cuốn hút, nhưng lại chẳng hợp khẩu vị của Thẩm Thiều Quang, có lẽ là bởi vì người thời Đường ăn khá ngọt, ăn anh đào còn tưới cả tương mía. Vì vậy tới mỗi độ cuối xuân đầu hạ, Thẩm Thiều Quang đều cực kỳ hoài niệm món bánh ngải oa oa thường ăn ở kiếp trước.
bánh tử long
Cách làm ngải oa oa cũng không phiền phức lắm, hấp gạo nếp đã ngâm mềm thành cơm rồi nặn thành từng khối hình tròn, lăn với một ít bột mì làm vỏ, bên trong bọc đủ các loại nhân mặn, sơn tra, mè, mứt táo, bánh đậu, bất cứ cái gì cũng được.
Sau khi nặn xong bánh, nàng đặt lên bột nếp chín lăn một vòng, trắng bóc, có đôi chút ý vị khinh sương ngạo tuyết. Nghe nói có người dùng bột mì để lăn, nhưng trong nhà vẫn luôn dùng bột nếp, Thẩm Thiều Quang cũng cảm thấy dùng bột nếp mới chính tông.
Món bánh mà hôm nay Thẩm Thiều Quang làm không phải là món trước đây nàng đã từng ăn, khác biệt không ở chỗ bột nếp mà là ở nhân bánh, nàng dùng hoa mẫu đơn ướp mật mới làm mấy hôm trước.
Trong am có một gốc mẫu đơn khá lớn, lúc nở rộ có tới cả mấy trăm đóa hoa, khoe sắc đỏ rực rỡ, cực kỳ diễm lệ. Thẩm Thiều Quang nhặt không ít cánh hoa mẫu đơn, vốn là định học đòi văn vẻ làm vài cái túi thơm, nhưng lại đột nhiên nhớ tới trong Hồng lâu mộng có nhắc tới món hoa mẫu đơn ướp mật nổi tiếng cho nên mới đổi ý, dùng cối giã gạo để giã nát hoa, đổ đường và mật lên, ngâm suốt mấy ngày, mùi vị quả thật rất tốt.
Bây giờ nàng lười làm nhân bánh, vừa lúc dùng tới món này.
Ngải oa oa với nhân hoa mẫu đơn ướp mật chưa nói tới cái khác, chỉ riêng hình thức đã rất hấp dẫn, lớp vỏ trắng như tuyết, lớp nhân lại đỏ tươi, khiến người ta nhớ tới những cụm từ đầy hương diễm như mặt phấn hồng hơi thở thơm ngát.
Thẩm Thiều Quang đặt ngải oa oa vào trong đĩa sứ trắng, bưng đi chia sẻ với sư thái trụ trì đam mê mỹ thực.
“Đúng là một món tinh xảo!” Trụ trì còn chưa ăn đã cười đánh giá.
Cắn xong một miếng, trên mặt càng lộ rõ vẻ kinh ngạc: “Đây là hoa mẫu đơn sao?”
Thẩm Thiều Quang cười đáp: “Không phải trong viện có một gốc mẫu đơn sao? Ta là đường đường chính chính mượn hoa hiến Phật.”
Trụ trì lấy tay khẽ chọc Thẩm Thiều Quang. Hai người thường xuyên trò chuyện với nhau, bây giờ rất có nét giống bạn vong niên.
“Trước kia bọn ta cũng từng ăn cánh hoa mẫu đơn, nhưng mà là chiên lên ăn, nói cho cùng thì vẫn không ngọt được như cái này của ngươi, mà màu sắc cũng đẹp mắt.”
Thẩm Thiều Quang không hề giấu giếm, nói rõ cách ướp hoa mẫu đơn, hai người lại thảo luận xem có thể cải tiến như thế nào.
Vừa ăn bánh ngọt vừa uống trà xanh, đĩa ngải oa oa cũng vơi đi, Thẩm Thiều Quang ăn hai cái, Tịnh Thanh ăn hai cái, bốn cái còn lại thì đều thuộc về trụ trì.
Cho dù như thế thì trụ trì vẫn còn chưa thỏa mãn.
Thẩm Thiều Quang cười nói: “Gặp phải thời tiết này thì mới có bánh nhân mẫu đơn ướp thế này, bình thường dùng nhân đậu hoặc mứt táo là tốt rồi.”
Trụ trì đột nhiên nhớ ra: “Mấy ngày nữa là lập hạ rồi, so với cái bánh hoa này thì bánh đậu mà trước kia trong am chúng ta hấp thật đúng là quá ẩu thả, hay là năm nay đổi thành cái này đi?” Thời này có tập tục tới ngày lập hạ thì ăn bánh hấp, nghe nói là có thể tránh bị mẩn nóng.
Tịnh Thanh nhanh chóng đồng ý. Thẩm Thiều Quang cảm thấy, làm ni cô mà có thể làm lên tới cảnh giới như lão trụ trì thì đúng là tốt thật.
Nào biết sau đó Tịnh Thanh lại tới nhờ Thẩm Thiều Quang giúp đỡ: “Nếu bánh này chỉ là làm cho trong am chúng ta ăn thì không dám nhờ vả Thẩm thí chủ, nhưng mà đồ ăn vào các dịp lễ tiết hằng năm thì đều tặng cho các hộ thân thiết bên trong phường một ít, nếu làm không tốt thì sẽ khiến người ta chê cười.” Tịnh Thanh nói năng rất lễ độ: “Cũng mong thí chủ chỉ bảo cho.”
Đã mượn chỗ ở của người ta, gặp chút chuyện nhỏ thế này đương nhiên là phải giúp, Thẩm Thiều Quang đồng ý.
Bởi vì nhân thủ có hạn mà số lượng cần làm lại nhiều, Thẩm Thiều Quang liền kiến nghị làm bánh nhân đậu sa, bởi vì cho dù là hấp, giã hay lọc thì số lượng nhiều ít đều tốn công như nhau.
Vào thời này, bánh nhân đậu sa vẫn còn là một món quý giá, cũng không phải vì nguyên liệu đắt tiền mà chỉ là vì công đoạn chế biến rất phiền phức. Có người nói bánh nhân đậu sa của phủ Quắc Quốc phu nhân thời Thiên Bảo là ngon nhất, được xưng là “linh sa hấn”, lại đặt nhân bánh bên trong lớp vỏ bánh giầy từ gạo nếp, mà lớp vỏ bánh này đã được giã tới lúc chuyển sang màu trong suốt, lộ ra màu sắc nhân bánh bên trong, cho nên được gọi là bánh giầy thấu hoa.
* Quắc Quốc phu nhân Dương thị, tên thật chưa rõ, là người huyện Vĩnh Nhạc, Bồ Châu, một trong những người chị của Dương Quý phi. Bà nổi tiếng có nhan sắc mà không cần trang điểm, được vinh hiển do em gái Dương Quý phi đắc sủng.
** Thiên Bảo là niên hiệu của Đường Huyền Tông (năm 742-756).
Trụ trì vừa xem Thẩm Thiều Quang hướng dẫn các ni cô rang đậu sa vừa nhắc lại điển cố với nàng: “Mấy năm trước, ở Đông Thị thành Trường An có một xưởng bánh làm món bánh giầy thấu hoa này cũng rất đẹp mắt. Nhờ làm bánh tốt mà chủ nhân của nó được cất nhắc làm quan viên ngoại, người đời gọi là viên ngoại bánh hoa*.”
* Dẫn từ “Thanh Dị lục”. [tác giả]
Thẩm Thiều Quang cười rộ lên, người ta nói nghề nào cũng có trạng nguyên, quả thật là như vậy. Sau đó nàng lại tiếc nuối, tiếc rằng mình là nữ tử, nếu không cũng có thể cân nhắc con đường thăng quan tiến chức như thế này.
Tịnh Từ đứng bên cạnh, nghe Thẩm Thiều Quang nói chuyện phiếm với trụ trì thì không khỏi kinh ngạc, chưa từng thấy trụ trì nói chuyện vui vẻ như vậy bao giờ. Chắc không phải là Thẩm cô nương này bỏ bùa trụ trì rồi chứ? Nhìn số bánh nhân đậu sa này, nàng ta lại không khỏi tính toán tiền nong, tốn kém bao nhiêu, rồi có thể thu lại được bao nhiêu tiền áp giỏ từ các hộ trong phường.