Gia đình cậu ấy dọn đi rất nhanh. Chỉ một tuần sau, khi tôi đi ngang qua căn nhà nọ lần nữa thì đã chẳng còn thấy sáng đèn.
Phùng Đình Đình và tôi cùng vào học trường phổ thông Kim Dương – một ngôi trường cấp ba gần nhà. Nghỉ hè lên lớp mười khá dài, ông bô Hồ bận rộn với quán cơm nên vắng mặt suốt, tôi cũng một ngày hai mươi lăm tiếng lông nhông bên ngoài.
Nào là đi hát karaoke, đi tiệm net chơi game, đi bơi… tôi gần như không lúc nào rảnh rỗi. Cuộc sống của tôi trở về như trước đây, đã chơi là phải quẩy tới bến. Tôi cưỡi xe đạp chở Đình Đình lên đường, xe lao bon bon, tay lái vững vàng, cảnh vật xung quanh vùn vụt lướt qua. Chỉ đến khi trông thấy cái cây phía trước, tôi mới hãm tốc độ lại.
Cổng nhà Bạch Tiểu Niên có một gốc cây hòe rất cao, nhờ đó mà dù dõi mắt từ xa cũng có thể thấy nhà cậu ấy rõ mồn một.
“Đã vậy thì… tới cổng nhà cậu ta ngồi chút đi.” Đình Đình nhảy xuống từ yên sau.
Tôi tần ngần giây lát, nhưng cuối cùng vẫn không xuống xe: “Không cần.”
“Giả vờ giả vịt cái gì… kìa, sao ông lại ngẩn ra nữa thế?”
“À ừm, đi thôi.”
Tôi qua tiệm sửa xe nhờ dỡ bỏ yên sau xe đạp.
Thực tế là một khi người ta không còn chạm mặt nhau thì mối quan hệ cũng rất dễ trở nên xa cách. Giã biệt người bạn đồng hành nhiều năm, thời gian đầu có thể chưa quen, nhưng lâu dần ta sẽ nhận thấy, thiếu đi người đó chưa hẳn đã không thể sống nổi. Thanh âm của cậu ấy, nét mặt của cậu ấy… Cái ôm của cậu ấy, nhiệt độ của cậu ấy… dần dà chẳng thể nhớ rõ.
Khe suối nhỏ ấy đã khô cạn, lá rụng và sỏi đá mỗi lúc một lấp đầy dòng nước ít ỏi, để rồi một ngày kia biến nó thành vùng đất bằng phẳng.
Nếu không nhìn thấy nhau thường xuyên thì lạnh nhạt với nhau kì thực là chuyện đơn giản. Tốc độ trả lời tin nhắn ngày càng chậm lại, một ngày, hai ngày, ba ngày… Từ chỗ tâm sự trên trời dưới bể đến chỗ chẳng còn lời gì để nói, hóa ra chỉ mất một tháng.
Khai giảng lớp mười, tôi quen thêm rất nhiều bạn học mới, phần mềm trò chuyện chuyển từ QQ sang wechat. Tôi ở kí túc xá tám người, chung sống vô cùng thân thiết. Chúng tôi cùng nhau trốn học, cùng nhau ẩu đả, cùng nhau bị phạt.
Tuy vẫn liên hệ với Bạch Tiểu Niên nhưng hai đứa tôi không gặp mặt. Nội dung nói chuyện của tụi tôi chỉ kéo dài vỏn vẹn vài trang, đa phần là tán dóc vô thưởng vô phạt, phiếm đàm linh tinh về sự khác biệt của đề bài kiểm tra giữa hai nơi.
Bạch Tiểu Niên sinh vào Tết ông Táo, sau Tết Dương lịch, ngày mười tám tháng Một. Sinh nhật tôi vào cuối tháng Tám, ngày hai mươi sáu. Sinh nhật cậu ấy giáp Tết, nhỏ hơn tôi một năm, cầm tinh con rắn.
Sinh nhật của tụi tôi một ngày thì rơi vào nghỉ đông, ngày kia rơi vào nghỉ hè, do đó rất ít khi mời bạn bè tham dự. Tiệc sinh nhật của chúng tôi đều là hai đứa ngẫu nhiên tổ chức cùng với dì Bạch hoặc ông bô Hồ.
“Sinh nhật tớ thì mời cậu là đủ rồi.” Trong ánh nến lập lòe phản chiếu, cậu ấy nhìn tôi thật chăm chú, đôi mắt như phát sáng từ bên trong. Tôi lại nghĩ sâu xa hơn: trong đôi mắt kia cũng nên như thế, chỉ cần có tôi là đủ rồi.
Năm lớp mười ấy, đúng sinh nhật của tôi thì gia đình dì Bạch đi du lịch ngoại tỉnh, vào sinh nhật Tiểu Niên thì tôi phải giúp việc trong tiệm cơm.
[ Hồ Gia Minh, sinh nhật vui vẻ nhé. ]
[ Sinh nhật vui vẻ nhé, Tiểu Niên. ]
Chỉ có hai tin wechat mà thôi.
Lên lớp mười một, các hoạt động tập thể càng thêm phong phú. Đình Đình đã thay ba đời bạn trai, tôi vẫn độc thân. Anh cả phòng kí túc là Cung Viễn tò mò hỏi tôi: “Minh Tử nhà ta điều kiện cũng khá, sao không chịu đi tán chuyện một chút hè? Anh thấy lúc nào cũng có em gái tới coi mày chơi bóng rổ, hôm nọ còn có mấy em túm anh lại hỏi xin wechat của mày đó.”
Tôi lắc đầu: “Không muốn nói chuyện.”
“Trong lòng có người rồi hả?” Cung Viễn vỗ vai tôi, “Bạn gái thời cấp hai? Hay là gặp chuyện tổn thương tình cảm?”
“Coi như là có người đi.” Người năm đó ngồi dưới mái hiên xem tôi chơi bóng rổ.
Bạch Tiểu Niên ít khi đăng tin trong vòng bạn bè, hầu hết là những bài tuyên truyền từ tài khoản công khai của các câu lạc bộ trong trường. Bản thân cậu ấy chưa bao giờ đăng kèm hình ảnh mà chỉ viết vài câu vu vơ, vừa như thể tán gẫu nhưng cũng vừa giống than thở.
[ Hôm nay mệt quá đi mất.]
[ Dạo này mình làm bài chậm đi, chắc là bởi vì đề càng ngày càng khó.]
…
[Thèm ăn hạt dẻ rang đường quá.] Đây là bài đăng hôm sinh nhật.
Đang nằm trên giường, tôi đột ngột bật dậy, thay quần áo phóng xe đạp về cổng trường cấp hai. Tôi muốn mua hạt dẻ cho cậu ấy. Mãi lúc đến nơi tôi mới phát hiện ra, đã qua mười giờ tối, cửa tiệm “Hạt dẻ Hoài Nhu” kia đã đóng cửa từ lâu.
Tôi đứng sững trước cổng trường một lúc, gió lạnh tạt qua mặt nên chẳng hay biết gì, tới lúc chạm vào, hai má đã ướt sũng.
Thì ra nếu thiếu đi cậu ấy, tôi thật sự không thể sống nổi.