Chiều hôm sau, tôi đưa Giang tới bệnh viện siêu âm. Kết quả không có gì bất ngờ, Giang không mang thai, con bé bị trễ kinh do sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Tôi chẳng buồn mắng Giang nữa, dặn nó tự biết chăm sóc yêu thương bản thân và giải quyết dứt khoát với Gia Huy, sau đó không can thiệp thêm.
Tháng trước tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc cho sếp, tôi chỉ cần tới công ty hỗ trợ hoàn thành nốt dự án và bàn giao công việc xong xuôi là có thể nghỉ. Tôi tiết kiệm được một số tiền nhỏ, đủ để tôi sống thoải mái trong ba tháng mà không cần phải làm gì cả, hơn nữa tôi vẫn đang làm người mẫu tự do, mỗi tháng có thể kiếm được khoảng 5-7 triệu nếu nhận job đều. Công việc trợ lý pháp lý hiện tại của tôi rất thuận lợi, qua Tết tôi có thể được tăng lương và nếu tôi kiên trì làm ở đây tới khi tốt nghiệp thì chắc chắn sẽ được lên nhân viên chính thức, bởi vậy, tôi đã phải suy nghĩ đắn đo rất nhiều trước khi quyết định nghỉ làm.
Thời gian gần đây tôi bắt đầu có dấu hiệu rụng tóc, mệt mỏi, cơ thể suy nhược, đau nhức đầu do phải cân bằng việc học và hai công việc làm thêm, trên công ty xuất hiện một số lời đàm tiếu không hay về tôi có liên quan đến cháu trai sếp, lại thêm kết quả thi giữa kỳ không như ý, mọi thứ ập đến cùng lúc khiến tôi bị áp lực kinh khủng. Tôi biết mình phải đưa ra sự lựa chọn, tôi chỉ là một người bình thường, tôi không thể tham lam muốn làm tốt tất cả mọi việc được.
Mấy anh chị trong công ty đã làm một bữa tiệc nhỏ để chia tay tôi, hôm nay tôi chỉ tới công ty để thu dọn đồ đạc và tạm biệt đồng nghiệp. Đồ đạc của tôi ở văn phòng không nhiều, mấy hôm trước tôi đã mang về nhà gần hết, còn một số đồ trang trí lặt vặt thì tôi đem tặng cho các anh chị cùng phòng. Sếp của tôi là một người rất tốt, chú ấy chủ động ngỏ ý sẽ viết thư giới thiệu cho tôi và nói tôi có thể quay trở lại làm nếu không tìm được công việc phù hợp.
Có lẽ do vừa nghỉ việc nên tâm trạng của tôi khá tốt, tôi nhắn tin rủ mấy đứa bạn qua nhà ăn lẩu, sau đó đi siêu thị mua đồ. Chiều nay Hà Nội có mưa lất phất, nhiệt độ giảm sâu, ra đường phải mặc áo phao và đeo khăn quàng cổ.
Tôi xách đồ về đến chung cư thì trông thấy người phụ nữ trung niên hồi trưa vẫn ngồi ở dưới sảnh. Bác gái khoảng 50 tuổi, dáng người nhỏ bé, khoác một chiếc áo phao tối màu đã sờn, bác ấy ngồi nép vào một góc sảnh, dưới chân là túi nylon và bao tải đựng gạo, trứng, rau củ. Tôi lên nhà cất đồ, sau đó mang xuống cho bác ấy một cái ghế nhựa và chai nước.
"Bác mang đồ từ dưới quê lên thăm con ạ?" Tôi đặt ghế xuống bên cạnh bác gái, "Bác ngồi đây đi ạ, con thấy bác đợi ở đây từ trưa đến giờ."
"Cảm ơn cô." Bác gái ngẩng đầu nhìn tôi cảm kích, gương mặt khắc khổ thoáng vẻ mệt mỏi.
Tôi đưa bác chai nước, hỏi thăm:
"Con bác không có nhà ạ? Bác có biết nhà anh chị ở đâu không, con đưa bác lên. Ở đây phải có thẻ dân cư mới dùng thang máy được ạ."
Bác gái lắc đầu:
"Con gái tôi vẫn ở kí túc xá trường, hôm nay tôi lên thăm thì bạn cùng phòng nó bảo nó chuyển ra ngoài ở với người yêu. Mấy đứa nó cho tôi địa chỉ, tôi hỏi thăm mãi mới đến được đây, gọi điện thì con bé gắt gỏng bảo không có nhà..."
Nghe đến đây, trong lòng tôi chợt dâng lên nỗi tức giận không tên. Tôi nhìn người phụ nữ khắc khổ trước mắt, nuốt xuống những lời không hay về con gái bác ấy, cẩn thận hỏi:
"Bác gọi điện lại cho con gái chưa? Trời lạnh thế này mà bác ngồi ngoài đợi suốt cả ngày khéo ốm mất."
"Tôi gọi được cho nó mỗi một cuộc, nó bảo giờ nó không có ở nhà rồi cúp máy, tôi lo nó bị thằng kia lừa nên phải ngồi đây chờ nó về mới yên tâm." Bác nhíu mày, những nếp nhăn trên trán xô hết lại với nhau, "Từ chiều đến giờ gọi mãi mà nó không nghe máy. Con gái tôi tên là Thu Hường, cô ở khu này có biết nó không?"
Tôi áy náy lắc đầu, ngồi xuống bên cạnh bác:
"Bác cho con số điện thoại bạn ấy, để con lấy máy của con gọi lại cho bạn ấy xem có được không."
Bác hơi ngần ngại, có lẽ sợ làm phiền tôi. Tôi thuyết phục thêm mấy câu bác gái mới dè dặt đọc một dãy số, còn lo làm tốn tiền điện thoại của tôi.
"Bác nghe máy đi ạ." Tôi ấn gọi, mở loa ngoài rồi đưa điện thoại cho bác gái, "Bác cứ nói chuyện thoải mái, con đăng ký gói dịch vụ 4G hàng tháng, gọi điện thoại nội mạng không mất phí đâu ạ."
Khoảng 10 giây sau có người bắt máy, là giọng nữ, có vẻ rất trẻ:
"Alo shipper đúng không ạ? Vứt đơn ở quầy bên phải sảnh chung cư giúp em, tí nữa em xuống lấy."
"Hường, mẹ đây." Giọng nói và biểu cảm trên mặt bác gái trở nên nghiêm khắc, "Mày chuyển ra ngoài kí túc xá ở với trai mà giấu không cho bố mẹ biết, mày còn trẻ người non dạ, một thân một mình ở Hà Nội, bị thằng kia lừa đến lúc ễnh bụng ra đấy thì biết tìm ai? Mày xuống đây cho tao, để tao gặp thằng kia nói chuyện rồi mày chuyển về kí túc xá ngay lập tức."
Người con gái ở đầu giây bên kia ngay lập tức trở nên gắt gỏng:
"Mẹ! Con lớn rồi, mẹ đừng có xen vào chuyện của con nữa! Mẹ chẳng bao giờ chịu tin tưởng con cả, hôm trước mẹ gọi điện cho chị quản lý ở chỗ làm thêm của con làm con xấu hổ với đồng nghiệp lắm rồi, giờ mẹ còn chạy từ quê lên đòi quản con nữa, mẹ vừa vừa phải phải thôi chứ!"
Bác gái quát to, giọng điệu y hệt như mẹ tôi ngày xưa:
"Tao làm vậy vì muốn tốt cho ai? Mày không phải con của tao thì sao tao phải quan tâm cho nhọc lòng hả? Tao ít học, tao không được đi học đàng hoàng tử tế nhưng tao còn biết con gái phải có liêm sỉ. Nhà mình nghèo, mỗi tháng bố mẹ chi tiêu dè sẻn mãi mới đủ tiền gửi lên cho mày ăn học, mày lấy đâu ra lắm tiền mà mua toàn đồ hiệu đăng lên mạng, con Vân không kể thì tao với bố mày cứ tưởng con gái tao ở Hà Nội đàng hoàng tử tế lắm. Trên đời không có thằng đàn ông nào cho không mày cái gì đâu, mày đi xuống đây gặp tao rồi quay về kí túc xá nhanh, đừng để đến lúc có chuyện gì thì hối hận không kịp."
Vài cô gái đi ngang qua bị tiếng mắng chửi làm cho giật nảy mình, họ tròn mắt nhìn bác gái rồi che miệng thì thầm với nhau gì đó. Giọng nói của người con gái trong điện thoại càng lúc càng trở nên khó nghe:
"Mẹ biết cái gì mà nói? Bây giờ là thời đại nào rồi mẹ còn lôi cái tư tưởng cũ rích cổ hủ đấy ra? Một tháng bố mẹ gửi cho con 2 triệu thì con sống thể nào được, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, đám bạn cùng phòng con ai cũng biết nhà mình nghèo, chúng nó khinh con ra mặt..."
"Mày đừng có thái độ mất dạy! Cái Vân bên cạnh nhà mình nó có sung sướng hơn mày không? Giờ nó đi làm thêm 2, 3 công việc, bố mẹ nó không phải chu cấp nữa, thi thoảng còn gửi tiền về nhà. Nó vẫn học giỏi, vẫn ngoan ngoãn..."
"Mẹ đừng so sánh con với người khác nữa! Thích thì mẹ đẻ đứa khác mà nuôi cho đúng ý, con sống khổ sở theo ý mẹ 18 năm rồi, đến giờ mẹ vẫn chưa buông tha cho con được à?"
Tôi cố tình lảng ra chỗ khác để bác nói chuyện với con gái được tự nhiên, dù sao tôi cũng là người ngoài, để một người không quen biết chứng kiến chuyện xấu trong gia đình sẽ khó xử lắm.
Nhìn bác, tôi cứ nhớ đến mẹ. Mẹ cũng từng dặn dò tôi từng chút một khi tôi chân ướt chân ráo lên Hà Nội, mỗi ngày mẹ sẽ đều đặn gọi điện hỏi thăm tôi, dù mẹ hay mắng tôi nhưng luôn lo lắng cho tôi, dường như cả cuộc đời mẹ chỉ xoay quanh tôi. Tôi hiểu thái độ chống đối của cô con gái kia, tôi biết cái cảm giác tù túng ngột ngạt khi bị mẹ kiểm soát, tôi cũng từng muốn chống đối, thậm chí có lúc tôi đã nảy sinh suy nghĩ muốn sa đọa và hủy hoại bản thân để trả thù mẹ. Nghĩ về mẹ, trái tim tôi đột ngột đau quặn lại, tôi bắt đầu cảm thấy hai mắt mình mờ đi và việc hít thở dần trở nên khó khăn. Vào những ngày tháng bị tù hãm đến phát điên, tôi đã từng cho rằng tình thương của mẹ như một khối u, nhưng đến khi một phần máu thịt ấy thực sự được cắt đi, tôi lại đau đớn không tả nổi.
May mắn thay, cuối cùng tôi vẫn không đi sai đường. Có lẽ vì tôi yêu mẹ, cũng có lẽ do tôi quá hèn nhát, hành động chống đối mạnh mẽ nhất tôi dám làm là tự ý đổi nguyện vọng trường đại học.
Tôi đợi khoảng 2 phút thì bác gái nói chuyện điện thoại xong, bác trả lại điện thoại cho tôi, đôi bàn tay gầy gò hơi run rẩy, vành mắt đỏ hoe. Tôi thoáng ngạc nhiên, người phụ nữ mới giây trước vừa hùng hổ mắng chửi con gái giờ đây chợt trở nên yếu đuối và mệt mỏi, dường như toàn bộ sức lực và tuổi trẻ của bác đã bị đứa con rút cạn.
Từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng chứng kiến mẹ khóc, trong mắt tôi, lúc nào mẹ cũng cứng cỏi và mạnh mẽ, mỗi lần tôi làm gì sai mẹ sẽ đánh tôi rất đau, mẹ không dỗ dành tôi, cũng không nói những lời yêu thương với tôi. Tôi chợt nghĩ, liệu mẹ tôi có từng giống người phụ nữ này không? Mỗi khi đánh tôi lằn tím khắp người, liệu mẹ có đau lòng, có âm thầm khóc giống như vậy không?
Bác gái dùng mu bàn tay quẹt vội dòng nước mắt trực trào, cúi xuống xách túi rau và túi trứng đưa cho tôi, nghẹn ngào:
"Con gái tôi không chịu xuống, giờ cũng muộn rồi, tôi phải ra bến xe luôn không hết xe mất. Tôi từ quê lên chỉ có ít gạo với rau, giờ không mang về được, cô nhận cho tôi vui. Cảm ơn cô nhiều lắm."
Tôi vội cảm ơn bác rồi hỏi:
"Giờ bác ra bến xe nào ạ? Nếu gần thì để con đưa bác đi, con cũng đang cần ra ngoài mua ít đồ."
Bác gái cảm ơn tôi mãi, liên tục khen tôi là cô gái tốt. Tôi gửi tạm bao tải gạo và túi rau cho bác bảo vệ, quay lại hầm lấy xe máy chở bác gái ra bến xe Yên Nghĩa. Trời vừa chập tối, bên ngoài không còn mưa nhưng càng lúc càng lạnh. Bến xe vẫn còn rất đông đúc, xe máy và taxi đỗ kín xung quanh cổng, tiếng xe cộ, tiếng mời chào, cãi vã ồn ào vang lên khắp nơi. Thấy bác gái liên tục ho khan, tôi dứt khoát cởi khăn quàng cổ đeo cho bác, nhẹ nhàng nói:
"Bác quàng khăn vào cho ấm, trời lạnh dễ ốm lắm."
Bác gái từ chối không muốn nhận, nói rằng hôm nay đã làm phiền tôi quá nhiều.
"Bác đừng ngại, lúc nãy bác cũng cho con nhiều đồ ăn và gạo mà." Tôi đè tay bác gái lại, giúp bác thắt khăn quàng cổ, "Hồi xưa mẹ con sức khỏe yếu nên cứ thay đổi thời tiết là lại bị ốm, đến mùa đông mẹ con phải mặc thật nhiều áo và quấn khăn quàng cổ, cơ thể mình ấm áp thì sẽ không ho nữa."
Tôi làm lơ cơn đau thắt nơi lồng ngực, dịu dàng mỉm cười. Lần nào nhớ đến mẹ cũng đau đớn như vậy, giống như trái tim tôi bị ai đó khoét mất một lỗ, cái lỗ ấy mãi mãi ở đó, tôi có dùng thứ gì để lấp đầy thì vết thương cũng chẳng thể lành lại. Tuy vậy, tôi vẫn thích nghĩ đến mẹ và kể về mẹ, dẫu rằng mỗi lần như thế tôi sẽ rất đau, tựa như con cáo liếm máu trên lưỡi dao, biết là bản thân bị thương đấy nhưng không làm cách nào cưỡng lại được sự ngọt ngào.
"Cảm ơn con gái." Bác nắm tay tôi, chân thành nói, "Bố mẹ con chắc chắn là người có phúc."
"Dạ con cảm ơn bác." Tôi gật đầu, cười thật tươi.
Tôi lặng lẽ nhìn theo bóng lưng người phụ nữ trung niên gầy gò, nhỏ bé lững thững tiến vào trong bến xe, mãi đến khi bóng dáng ấy mất hút trong biển người tôi mới rời đi. Tôi về nhà chuẩn bị bữa tối trong trạng thái mất tập trung, tâm trạng của tôi bị sự kiện hồi chiều kéo xuống đáy vực, mãi cho đến khi Trang xuất hiện tôi mới thấy vui hơn một chút.
Trang mang theo hoa quả, một ít viên thả lẩu và đồ ăn vặt. Vừa vào nhà con bé đã liến thoắng:
"Mày ơi sáng nay tao đi thư viện gặp bạn Gia Đăng!!! Gia Đăng chủ động chào tao cơ! Lúc đấy thư viện kín người rồi, Đăng thấy tao loay hoay tìm chỗ, thế là bạn ấy gọi tao đến ngồi chung luôn."
Tôi mỉm cười, giúp Trang cất đồ lên kệ bếp, im lặng lắng nghe.
"Lần trước nữa tao còn gặp bạn Đăng ở nhà xe cơ, xe của tao bị đẩy vào sâu trong cùng, không làm cách nào lấy ra được." Trang lẽo đẽo theo sau tôi, tiếp tục kể, "Bạn ấy dắt từng cái xe một ra để lấy xe giúp tao ấy! Ôi người đâu mà vừa đẹp trai, học giỏi lại còn tốt tính."
"Mày với bạn Đăng có duyên nhỉ." Tôi bật cười, thái rau thơm và hành khô cho vào bát trộn để làm gỏi, "Thế còn bạn Hoàng thì sao?"
Trang nhăn mặt, giọng nói cao lên một tông:
"Hoàng thì liên quan gì?"
Nồi nước lẩu sôi lăn tăm, mùi thơm nồng của gia vị và xương hầm lan tỏa khắp gian bếp. Tôi tắt bếp, vớt xương ống ra một cái bát tô riêng, thản nhiên nhún vai:
"Tao tưởng mày với Hoàng chơi thân lắm?"
"Chơi thân thôi chứ, có phải nam nữ chơi thân là sẽ có tình cảm đâu." Trang tỏ vẻ phản đối, "Thằng Hoàng không phải gu của tao, mà tao cũng không phải gu của nó, không có chuyện bọn tao thích nhau đâu. Eo, nghĩ đã thấy da gà nổi hết lên rồi này."
Tôi tủm tỉm cười:
"Sao mày biết mày không phải gu của Hoàng?"
"Tao nghe thấy nó nói chuyện với mấy thằng nó hay chơi chung mà." Trang lấy táo trong túi cho vào một cái rổ inox, xả nước đầy bồn rửa, "Nó bảo gu nó là mấy bạn chân dài, dáng chuẩn, kiểu quyến rũ trưởng thành cơ. Nó chê tao trẻ trâu suốt, tao cũng chê nó, gu tao là kiểu con trai nhẹ nhàng, tri thức, trông thư sinh, quan trọng là phải học giỏi."
Tôi nghĩ đến ánh mắt của Hoàng khi cậu ta nhìn Trang, đột nhiên thấy hơi tội nghiệp Hoàng. Tôi cố gắng cứu vãn:
"Hoàng cũng học giỏi mà, tao nghe nói Hoàng là á khoa đầu vào còn gì."