Tử Vong Tuần Hoàn

Chương 14: Câu Chuyện Thứ Ba (11)





  Tôi bị giam giữ mười bốn ngày thì được phóng thích, khí khái anh hùng lúc mới bước vào đây, đến giờ này đã bị gần nửa tháng trong đề lao làm tiêu mòn đi không sót lại chút gì. Ngước lên nhìn bầu trời cao mới cảm nhận hết được ý nghĩa của tự do.

Tôi đi thẳng tới nhà tắm công cộng gội rửa sạch sẽ, đến tối trở về nhà thì vùi đầu vào ngủ li bì, giấc ngủ tuyệt vời này diễn ra trong suốt cả một ngày một đêm.


Sáng sớm sau khi thức dậy, tôi đến công ty tìm Trương Đào, phát hiện cổng lớn công ty đã bị khóa chặt, đám nhân viên như chim thú vỡ tổ, muốn tìm một người hỏi han tình hình cũng khó.

Tuy không ưa gì nhân phẩm của Trương Đào, nhưng phải nói anh ta đối xử với tôi cũng không đến nỗi nào. Tôi quyết định tới khách sạn Hoàng Long để xem xem có manh mối nào của anh ta để lại không. Dù anh ta còn sống hay đã chết thì mình cũng phải làm rõ sự tình mới cảm thấy nhẹ dạ.

Một tháng nay tôi vẫn thường đi đi về về Hoàng Lâu Trấn, bây giờ tự nhiên cảm thấy rất thạo đường.

Nhưng theo lệ thường tôi đã dạo vài vòng rồi mà vẫn không tìm thấy cái khách sạn đó đâu. Trong lòng âm thầm cảm thấy rất kỳ quái, có thể do tôi toàn đến đó vào buổi tối, lần này lại đi vào ban ngày nên đã nhầm đường chăng?. Vậy là tôi cho xe đi chầm chậm, tỉ mỉ quan sát những tòa nhà kiến trúc bên đường.

Bỗng tôi phát hiện phía trước có tiệm ăn nhỏ mình đã từng vào trong cái hôm ăn cơm "Bá Vương" rồi bỏ trốn. Khách sạn Hoàng Long cũng nằm đối diện với cái tiệm ăn này. Nhưng liếc mắt trước sau, chỉ thấy có mấy hàng xe hơi đậu men theo lề đường, bóng dáng của khách sạn đã mất tiêu đâu rồi.

Tôi cho xe dừng lại, đi vào quán ăn nhỏ hôm trước, lạ thay, chào đón tôi lại không phải là bà chủ hôm nọ mà là một đôi vợ chồng trung niên, mùi vị bánh ngọt cũng không được ngon như lần trước.

Tôi hỏi họ khách sạn Hoàng Long nằm đối diện có phải đã được di dời?

Ông chủ vừa bận tính toán sổ sách vừa tiếp chuyện:

- Ở đây làm gì có khách sạn nào? Đối diện rồi đi tiếp chỉ có nghĩa trang Hoàng Long của tân khu Hoàng Lâu Trấn – Phố Đông thôi.

Vừa nghe được những lời đó thì thức ăn trong miệng tôi thiếu chút nữa phun vào mặt vị thực khách đang ngồi đối diện, vội lấy tay bịt miệng cố nuốt vào trong.

Bà chủ cũng đi lại tiếp chuyện:

- Ngày trước cũng có một khách sạn đấy, nhưng hai mươi năm trước một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nó hoàn toàn, ngay đến cư dân sống gần đây cũng bị lửa thiêu chết không ít, cửa tiệm này của chúng tôi cũng không thoát nổi, quán này là gia nghiệp do ông cha tôi truyền lại, cha mẹ tôi tôi cũng bị thiêu chết trong vụ hỏa hoạn năm đó, quả thật là quá thê thảm !

Ông chủ nghe bà chủ nói vậy như hồi ức lại chuyện cũ, thần sắc nhuộm nỗi bi thương:

- Phải đó, hơn một trăm người trong cái khách sạn đó và rất nhiều những người dân sinh sống xung quanh đều bị thiêu chết, sau này người ta cũng định cho xây một khách sạn khác, nhưng nghĩ tới có quá nhiều người bỏ mạng trong quá khứ, sợ xây lên lại không có ai dám tới, vậy nên mới quy hoạch khu đất đó làm nghĩa trang.

Lòng tôi băng giá, xương cốt như rã rời.

Bà chủ nói mẹ mình đã bị chết trong vụ hỏa hoạn năm xưa, mà tiệm ăn này không có chủ nhân nào khác, chẳng lẽ người phụ nữ lớn tuổi tiếp đón tôi hôm nọ chính là vong hồn của mẹ chị ta?

Tôi lại thăm dò:

- Ông chủ à, quán này có phục vụ buổi tối không?

Ông chủ trả lời:

- Quá ba giờ chiều là đóng cửa, tầm ấy khách vãn, ban ngày kinh doanh phục vụ cho những khách tới đây tảo mộ, còn tối đến chẳng có ai muốn đến đây đi dạo đâu, haha...buổi tối mà mở cửa chắc chỉ phục vụ cho ma thôi.

Tôi nghe xong mà nổi da gà, cũng không hỏi thêm gì nhiều, lập tức bước ra khỏi quán. Trước khi lên xe, tôi chợt nhớ tới chuyện phục vụ viên 311 đã nói với tôi, họ đã nhốt Vương Tuyết Phi trong một chiếc hộp rồi chôn trước cửa.

Tâm tưởng tôi nếu chưa làm rõ chuyện gì, đêm về nhất định ngủ không ngon giấc. Nhiều lúc rất căm thù thói hiếu kỳ của bản thân mình, biết rõ không nên đi, nhưng hai chân tôi cứ ngấp ngứ không yên, vậy là toan cất bước đi vào nghĩa trang.

Có thể tiết thanh minh vẫn còn cách xa, nên trong nghĩa trang không có lấy một bóng người đi tảo mộ, bia mộ san sát nhau, được sắp đặt hết sức chỉnh tề, trên con đường nhỏ hẹp trồng rất nhiều tùng, chúng mang vẻ trầm mặc kính cẩn sừng sững đứng ở đó.

Nhìn lên bia mộ thì đều thấy có số hiệu, rất dễ để tôi tìm thấy bài mộ 311, tấm ảnh trên mộ cũng chính là nhân viên phục vụ nam tôi đã gặp ba lần trước đó. Tôi nghĩ nhất định anh ta cũng là nạn nhân của trận hỏa hoạn năm xưa. Chúng tôi tuy âm dương đôi đường, nhưng đã nhận nhầm nhau thành anh em họ, trong lòng tôi quả thực cũng có chút cảm tình với cậu ấy, lần sau đến đây tôi nhất định sẽ mang hoa tươi rượu trắng tới để cúng bái cho người dưới mộ, cũng coi như để tỏ lòng tưởng nhớ đối với cậu ta.

Tỉ mỉ quan sát xung quanh, nơi này quá nửa đều là phía trước cửa phòng 311 của khách sạn, không biết cậu ta chôn chiếc hộp ở đâu nhỉ? Dưới chân thì toàn là gạch đỏ phủ đất, một viên gạch đối diện với bia mộ bị vương vãi những mảnh vụn, tôi nghĩ rất có thể chiếc hộp đã được chôn ở đấy.

Lấy tay nhẹ lật gạch, quả nhiên không tốn chút sức nào cũng bửa được nó lên. Bên dưới là một hộp tro cốt thể tích không lớn, màu đỏ thẫm, phía trên được gắn đá, còn xung quanh các mặt lại được trang trí hoa văn.

Tôi quên hết những lời dặn dò của phục vụ viên 311, lấy tay từ từ mở thành khe hở nhỏ, tò mò muốn biết Vương Tuyết Phi sao lại bị nhốt trong một chiếc hộp nhỏ như này.

Vừa mở chiếc hộp, bên trong liền có một thứ gì đó giống như con bướm bay ra, con bướm đó hai cánh đón gió, mỗi lần sải cánh lại to ra gấp bội, trước mắt tôi hiện lên một tình hình không thể tưởng tượng nổi.

Trong nháy mắt, con bướm đó đã phồng to như một chiếc dù, trên mình nó là những vằn vàng vằn đen, giống như ong vậy, hai cánh lại như bướm, hoa văn trên đôi cánh như cây lá cỏ hoa, màu sắc sặc sỡ, dù là họa sỹ tài ba cũng không thể vẽ được đẹp như vậy...  


Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.