Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân

Chương 13: Chương 13





Nghe hai chữ "cậu cả", tôi dường như tìm được vị cứu tinh, vội vàng quay đầu lại thì thấy Huy đầu trần đi đến, áo vest của anh ta dính mưa ướt đẫm hệt như quần áo trên người tôi.
Nước mưa tát vào mặt tôi đau nhói, không thể nhìn rõ người trước mặt nhưng chỉ cần có sự xuất hiện ở Huy ở đây, lòng tôi đã thấy yên tâm chưa từng có.

Tôi nói với anh ta:
- Anh cả.

Bí Ngô bị phạt quỳ, trời mưa… tôi sợ con bé...
Tôi còn chưa nói hết câu anh ta đã ngắt lời:
- Đứng đợi ở đây.
Nói xong, Huy đi thẳng qua người tôi rồi vào biệt thự chính.

Hai người bảo vệ lúc đầu kiên quyết ngăn cản tôi, bây giờ cũng không dám ho he động đến anh ta dù chỉ một tiếng, ngay cả một kẻ như tôi cũng được hưởng chút danh cậu cả của anh ta.

Khi tôi chạy theo Huy vài bước, tầm mắt có thể nhìn vào đến sân thì mới bị bọn họ cản lại.
Trong màn mưa trắng xóa, tôi nhìn thấy một bóng hình nhỏ bé xiêu xiêu vẹo vẹo đang quỳ dưới đất.

Nhận ra Bí Ngô của tôi, tôi gần như mất sạch kiểm soát, muốn hét to "Con ơi, mẹ đây, mẹ đây", nhưng cổ họng tắc nghẹn lại, không thể nào thốt ra lời được.
Nước mắt tôi ào ào rơi xuống, sự cay đắng thấm cả vào giọt lệ rồi hòa cùng với nước mưa chảy tong tong xuống gò má.

Tôi muốn chạy lại ôm lấy con, muốn dùng cơ thể của mình để che chắn cho đứa con gái bé bỏng của tôi nhưng lại không thể làm gì cả, chỉ có thể vừa khóc vừa nhìn bóng hình cao ngất kia nhanh chóng đi đến chỗ Bí Ngô.
Huy cả người ướt sũng, vừa cúi xuống định bế Bí Ngô lên thì bỗng dưng lại nghe tiếng quát:
- Nó đang phải chịu phạt, không được đưa nó đi đâu hết.
Lúc này, tôi mới để ý thấy ông nội của Bí Ngô và vợ chồng Hải đang đứng ở ngay hiên nhà, bọn họ đều trông thấy Bí Ngô quỳ dưới trời mưa tầm tã nhưng nhưng không một ai thương xót con gái tôi.

Tất cả đều đứng đó trơ mắt ráo hoảnh nhìn con bé, thậm chí ngay cả bây giờ cũng không định để Huy đưa Bí Ngô đi.
Thế nhưng, anh ta chẳng hề bận tâm đến những lời này mà vẫn cúi ôm Bí Ngô vào lòng, dùng toàn bộ thân thể mình che chắn cho con bé.

Huy lạnh nhạt nói:
- Con bé là do con đưa về, muốn dạy dỗ gì thì để con dạy.
- Anh dạy? Anh dạy nó kiểu gì mà để nó đẩy thằng Jin Jin xuống hồ cá? Nếu hôm nay không cứu kịp thì anh biết ra sao không? Trường An là cháu của anh, thế thằng Jin Jin thì không phải à? Anh định để con bé đó hại chết cháu trai nhà này có phải không?
- Bố tìm hiểu kỹ chưa?
- Giờ thằng Jin Jin còn đang sốt mê man, anh nói xem thế đã đủ chưa?
Từng hạt nước mưa nặng trĩu đập vào lưng áo của anh ta, nhưng lúc này, tôi lại có cảm giác như bờ vai ấy gánh được cả đất trời, có đủ bản lĩnh để bảo vệ mẹ con tôi.
Anh ta không cần hỏi đầu đuôi sự việc, nhưng vẫn bảo vệ Bí Ngô giống như bảo vệ chính con ruột mình, khiến tôi cảm động vô vàn.

Anh ta nói:
- Thế bố định bắt Trường An phải quỳ dưới mưa cho ngang bằng với việc Jin Jin rơi xuống nước phải không? Jin Jin ốm nên bố cũng bắt Trường An ốm cùng, theo bố như thế mới là công bằng phải không?
- Nó làm sai, nó phải chịu phạt.

Dù sao quỳ dưới mưa cũng không chết được, nhưng rơi xuống hồ thì có đấy.

Đã là con cháu của nhà này thì phải chấp nhận.

Ở đây không có chỗ cho việc làm sai rồi xin tha thứ.
- Con nói rồi, Trường An có làm sai thì cũng chỉ con có quyền dạy dỗ.

Con mới là người giám hộ của con bé.
- Anh định dung túng cho nó đúng không? Cả cái đứa đàn bà kia nữa, ai cho phép anh để nó sang bên này? Nhờ có người mẹ như thế mà con bé Trường An mới học được đủ thói hư tật xấu đấy, anh tách ngay hai mẹ con nó ra cho tôi.

Con hư tại mẹ, anh nghe rõ chưa?
Nói rồi, ông ta lập tức quay đầu gọi bảo vệ:
- Bảo vệ đâu, tống cổ đứa đàn bà kia đi ngay cho tôi, mang nó ném ra ngoài ngay đi.
Nghe xong câu này, Huy đột nhiên gầm lên, hai mắt đỏ quạch nhìn về phía mấy người đang đứng trong mái hiên:
- Đừng có dùng cách bố huấn luyện bọn con với Trường An.

Có lẽ vì âm thanh anh ta nói rất lớn, mà cũng có thể là do bộ dạng của Huy khi ấy thực sự rất kinh khủng, lạnh lẽo đến mức người ta phát sợ nên sau đó không có ai nói năng câu gì, ngay cả mấy người bảo vệ cũng không dám chạy lại lôi tôi đi.
Ông nội của Bí Ngô nhìn chằm chằm anh ta rất lâu, rất lâu, thế nhưng vẻ mặt con trai cả vẫn không hề suy chuyển.

Huy nói:
- Trường An để con dạy dỗ.

Sau đó, ôm Bí Ngô đi thẳng về biệt thự bên này.

Khi anh ta đi lại gần tôi, tôi lập tức nhào đến ôm lấy con vào trong lòng.

Bí Ngô cả người nóng ran, lạnh đến mức mặt mũi trắng bệch, nó vừa thấy tôi đã lẩm bẩm bảo:
- Mẹ ơi, Bí Ngô lạnh, Bí Ngô sợ lắm.

Mẹ đưa Bí Ngô về bà ngoại đi, Bí Ngô không ở đây nữa đâu.
- Ừ, về bà ngoại.

Về bà ngoại.

Mẹ đưa Bí Ngô về bà ngoại, không ở đây nữa con nhé.

Mình về thôi, về thôi.
Tôi vừa khóc vừa lẩm bẩm, sau đó vội vàng ôm con chạy về biệt thự bên kia.

Khi vào đến phòng thì Bí Ngô của tôi đã mê man thiếp đi rồi, lúc anh ta đặt con bé xuống giường tôi mới phát hiện ra con sốt rất cao, người lớn ngấm mưa như thế còn không chịu nổi, huống gì một đứa bé mới mấy tuổi.
Tôi định chạy đi lấy thuốc thì anh ta nói:
- Thay đồ cho con bé trước đi.
- À… vâng.

Tôi biết rồi.
Trong lúc tôi và chị Oanh cuống cuồng lấy nước nóng lau người và thay đồ sạch cho con thì Huy có gọi bác sĩ đến.

Đo nhiệt độ mới thấy Bí Ngô sốt gần 40 độ, bác sĩ nói thiếu chút nữa là co giật, mà ở tuổi này nếu như co giật thì sẽ để lại di chứng não rất nặng nề.
May sao con bé uống thuốc xong thì cũng hạ sốt được chút ít, không còn nóng ran như lúc mới bế về nữa mà chỉ mê man rồi nói sảng.

Con cứ nắm tay tôi mếu máo:
- Mẹ ơi đừng đi mà, Bí Ngô không thích quỳ đâu, Bí Ngô muốn mẹ cơ.

Ông nội đừng bắt mẹ Bí Ngô đi.
- Bí Ngô về nhà bà ngoại cơ.
- Bố ơi, bố dậy đưa con với mẹ Chi về bà ngoại đi.
- Bố chưa đưa Bí Ngô đi tàu điện à?
- Bí Ngô không đẩy em Jin Jin thật mà.
Chắc vì sốt cao quá nên con bé nói sảng rất nhiều, tôi ngồi bên cạnh cũng thương đến đứt ruột, không muốn khóc nhưng nước mắt cứ lặng lẽ lăn dài trên má.
Càng thương con thì tôi lại càng căm phẫn những người ở bên biệt thự kia hơn, cứ nghĩ đến việc ba người nhà họ dửng dưng đứng nhìn con bé liêu xiêu quỳ dưới trời mưa rét, máu lạnh đến nỗi còn không muốn Huy đưa Bí Ngô đi, tôi lại thấy hận bọn họ vô cùng.
May mà hôm nay có Huy về kịp lúc, may mà anh ta không giống như những người kia, ngược lại còn che chở cho mẹ con tôi, thậm chí còn sẵn sàng cãi nhau với người nhà mình để bảo vệ Bí Ngô, thực sự, nếu không có anh ta thì tôi cũng chẳng biết phải làm sao nữa.

Bí Ngô mà bị co giật, cả đời về sau chắc tôi sống không yên.
Tôi ngồi ở cạnh con cho đến tận 2 giờ sáng, mệt với cả người cũng hâm hẩm nóng do bị dính mưa cảm nên hai mắt nặng trĩu, sau đó gục xuống thiếp đi ở giường con.

Trong lúc mơ mơ tỉnh tỉnh, tôi nghe có tiếng mở cửa và tiếng bước chân người đi vào phòng, nhưng không thể mở mắt ra được, chỉ lờ mờ cảm thấy người ấy đứng bên cạnh nhìn mẹ con tôi rất lâu, rất lâu, sau đó đèn ngủ trong phòng được giảm xuống rồi một lát sau tôi lại nghe tiếng đóng cửa.
Chập chờn ngủ không ngon cả đêm, ngày hôm sau mới 5 giờ tôi đã tỉnh dậy, sờ lên trán Bí Ngô thì thấy con bé đã hết sốt rồi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, chèn lại chăn cho con rồi đi xuống nhà định tự tay nấu một nồi cháo nóng cho con, nhưng khi xuống đến nơi thì đã thấy chị Oanh nấu gần xong rồi.
Chị Oanh bảo tôi:
- Bí Ngô thế nào rồi em? Còn sốt không?
- Sáng nay trán mát rồi chị ạ, không sốt nữa.
- Trộm vía, may quá.

Hôm qua mưa rét thế, chị cứ sợ nó bị cảm lạnh rồi sốt mấy ngày không dứt.

Cảm lạnh này nó ngấm vào tận trong xương ấy, mãi không khỏi đâu.
- Vâng, em cũng lo thế.

Mong là con bé không sao.

Mà chị nấu cháo gì thế ạ?
- Chị nấu cháo gà, tý nữa cho nhiều hành với tía tô cho giải cảm.


Nãy cậu Huy vừa mới nhắc xong, bảo chị nhớ nấu cháo cho Bí Ngô.
- À… thế hả chị?
- Ừ.

Sáng nay cậu Huy dậy sớm mà, vừa mới sang bên nhà chính rồi.

Chắc tý nữa về đấy.
- Vâng.
Tôi nghĩ mình nên cảm ơn Huy vì chuyện hôm qua nên lần đầu tiên chủ động pha cho anh ta một cốc café.

Lát sau, khi Huy từ bên nhà chính về, tôi mới mang café đặt lên bàn cho anh ta:
- Anh uống café đi.
Anh ta hơi nhíu mày, vẻ mặt đầy nghi hoặc nhìn tôi:
- Có chuyện gì?
- Không có chuyện gì, tôi chỉ muốn cảm ơn vì hôm qua đã đưa Bí Ngô về thôi.

Cảm ơn anh.
- Tôi đưa nó về không phải vì cô, khỏi cảm ơn.
Tôi biết chứ, tôi biết anh ta vì nghĩ cho em trai, vì thương đứa con duy nhất của Tuấn nên mới làm vậy, chẳng liên quan gì đến tôi cả.

Nhưng dù sao Bí Ngô vẫn là con tôi, thế nên tôi vẫn cười bảo:
- Vì ai thì cũng nên cảm ơn mà.

Nhưng mà…
Tôi hơi ngập ngừng, nhìn anh ta vài giây, thấy mới sáng sớm anh ta đi từ biệt thự chính về mà không tỏ vẻ khó chịu, thế nên mới hạ quyết tâm nói:
- Bí Ngô từ nhỏ đến lớn không biết nói dối, nó đi học mấy năm cũng chưa đánh bạn nào bao giờ, toàn bị các bạn bắt nạt thôi.

Tôi tin nó không làm những chuyện như đẩy Jin Jin xuống bể cá đâu.

Anh có thể giải thích với ông nội và chú thím con bé giúp tôi được không?
- Cô tin là một chuyện, người khác có tin con cô không lại là chuyện khác.

Việc cô làm là chứng minh con bé không có lỗi chứ không phải dùng trực giác để nói.

Đúng là người làm kinh doanh, ngay cả những việc nhỏ nhặt thế này cũng đòi hỏi phải có căn cứ.

Tất nhiên là tôi chẳng có căn cứ gì cả, lúc đó cuống nên chỉ biết nhảy xuống cứu thằng bé thôi, lấy đâu ra thứ gì để chứng minh?
Tôi đáp:
- Tôi không biết chứng minh thế nào cả.
- Cô nên nhớ, khi cô tìm ra cách để người ta tin cô thì mới có thể bảo vệ được con bé.

Hoặc nếu không có cách thì cũng phải biết đường gọi điện thoại cho tôi.

Cô nghĩ cô tài giỏi đến mức chỉ nói mấy câu là người ta tin con bé không làm sai à?
Tôi ngẩn ra mất một lúc, bấy giờ mới nhận ra mình sai ở chỗ nào.

Nhà giàu như bọn họ thì quy tắc và danh vọng là trên hết, tình cảm là thứ cuối cùng, thế nên tôi muốn bảo vệ Bí Ngô thì ngày hôm qua phải nói năng có bằng chứng, như vậy thì ông nội con bé mới tin Bí Ngô không sai.
Tôi định nhận lỗi với anh ta, tuy nhiên lúc này chợt nhớ ra một chuyện nên đổ tội ngược lại:
- Nhưng tôi không có số điện thoại của anh.
Nghe tôi nói vậy, sắc mặt lạnh lùng của Huy bất chợt cứng lại, dường như không nghĩ tôi sẽ trả lời một câu như thế.
Mà như vậy cũng đồng nghĩa với việc trong chuyện này lỗi sai không chỉ có mình tôi mà còn có cả anh ta nữa, vì anh ta không cho tôi số điện thoại nên tôi mới không có cách gì liên lạc khi Bí Ngô gặp chuyện.
Huy cau mày, ngắc ngứ mất vài giây mới miễn cưỡng trả lời:
- Không có thì cô không biết đường xin à? Đưa điện thoại đây.
Tôi móc điện thoại ra đưa cho anh ta, Huy cầm lấy, nhanh chóng ấn một dãy số rồi đưa trả lại tôi, sau đó cầm cốc café kia đi thẳng lên phòng.
Hôm đó, lần đầu tiên sau mấy tháng tôi đến nhà anh ta, Bí Ngô của tôi được nghỉ học khi bị ốm.

Tôi cũng xin nghỉ thêm một ngày để ở nhà với con, Bí Ngô bé tỉnh dậy thấy tôi thì lập tức cười toét miệng, cũng không đòi về nhà bà ngoại nữa mà chỉ bảo:

- Mẹ Chi ơi, mẹ Chi đừng đi đâu nhé.

Con cứ sợ mẹ Chi đi mất.
- Mẹ vẫn đang ở với Bí Ngô đây thôi, mẹ không đi đâu.

Bí Ngô ở đâu thì mẹ ở đó.
- Mẹ hứa đi, mẹ ngoắc tay con đi.
- Ừ, ngoắc tay.
- Ông nội có mắng thì mẹ cũng đừng đi nhé.
- Ông nội có đánh thì mẹ cũng không đi.
Con bé nghe tôi hứa thế thì sung sướng ôm chặt lấy tôi, mặc dù không nói ra nhưng nhìn bàn tay bé xíu của con cứ bám chặt lấy mình, tôi cũng đủ hiểu Bí Ngô không nỡ xa tôi và càng rất sợ phải tách ra khỏi mẹ.

Nhưng mà ngày hôm qua ông nội của con bé đã nói thế, chắc chắn về sau tôi rất khó có thể ở lại đây, nhưng mà không được gặp con nữa, tôi phải sống thế nào bây giờ?
Trong lúc tâm trạng tôi đang thấp tha thấp thỏm chờ xem họ có đuổi mình không thì ngày hôm sau, lúc tôi vừa đi học về thì đã thấy ông nội của Bí Ngô ngồi chờ sẵn ở biệt thự bên này.
Từ khi tôi đến đây, dù hai căn nhà cách nhau chỉ có gần một trăm mét thôi, thế nhưng ông ta chưa bao giờ đặt chân sang đây, hôm nay là lần đầu tiên.
Mặc dù trong lòng tôi vẫn còn rất ác cảm với ông ta, nhưng dù sao đó cũng là ông nội của con tôi, và cũng là người lớn, thế nên tôi vẫn lịch sự chào:
- Cháu chào bác ạ.
- Ngồi đi.
Tôi gật đầu, chậm chạp đi lại ghế sofa đối diện rồi ngồi xuống.

Ban đầu cứ nghĩ ông ta sang đây để đuổi mình đi, tuy nhiên, ông ta lại nói:
- Trường An thế nào rồi?
- Con bé đỡ ốm rồi, sáng nay đã đi học rồi ạ.
Ông nội của Bí Ngô nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt, ánh mắt ông ta sắc bén còn hơn cả ánh mắt Huy, mặc dù đã nhiều tuổi nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy người này còn có lòng dạ lạnh lẽo với anh ta nhiều.

Không phải, là lạnh lùng, mà là máu lạnh.

Dòng máu vốn có của người kinh doanh đã lăn lộn quá lâu trên thương trường.
Qua một lát sau, ông ta mới mở miệng bảo tôi:
- Chuyện hôm trước Trường An bị phạt, thực ra không hẳn là lỗi lo nó.

Nhưng phạt thì cũng đã phạt rồi, không thay đổi được nữa.

Thế nên tôi muốn bù đắp lại cho con bé.

- …
- Cô cũng có công cứu thằng bé Jin Jin, thế nên cô nói yêu cầu đi, cần thứ gì, nếu hợp lý tôi sẽ cho cô.
Đúng là cha con có khác, ngay cả cách ra điều kiện cũng giống nhau.

Lần trước khi Huy muốn tôi một tuần đến thăm Tuấn một lần cũng nói một câu na ná giống câu này.
Tất nhiên điều mà tôi thực sự muốn cũng chỉ có một mà thôi, nhưng họ sẽ không đáp ứng việc tôi đưa Bí Ngô rời khỏi đây, thế nên tôi nói:
- Cháu muốn về sau chuyện phạt Trường An để anh cả quyết định ạ.
- Cái gì?
- Bác đừng hiểu lầm, bởi vì Trường An rất quấn bác cả, nó cũng rất nghe lời của anh Huy, nếu như anh cả phạt nó thì nó sẽ chấp nhận và tự biết suy nghĩ về lỗi sai.

Cháu muốn giáo dục con cháu theo cách như vậy để nó trưởng thành.

Bình thường Trường An là đứa rất nhút nhát, cháu sợ giáo dục theo cách nghiêm khắc quá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nó.

Thế nên nếu như nó nghe lời của bác cả, cháu hy vọng bác sẽ cho anh Huy dạy dỗ Trường An.
Nghe tôi nói vậy, ánh mắt của ông ta đột nhiên nhìn tôi rất sâu, chất chứa rất nhiều điều phức tạp mà tôi không thể đọc hiểu.

- Biết tại sao tôi đồng ý để cô ở bên này với bác cả của Trường An không?
- Dạ không ạ.
- Là để cô sống theo nguyên tắc của đứa con trai thành công nhất của tôi.
Nói đến đây, ông ta nhếch môi cười nhạt:
- Nó là đứa giỏi giang, thông minh, lý trí, là đứa được tôi kỳ vọng nhiều nhất, cũng là đứa sống đạo đức nhất.

Nhưng cô cũng đừng ảo tưởng nó đối xử tốt với cô, con trai cả của tôi đơn giản là đứa sống có tình nghĩa nên mới bảo vệ Trường An.

Nếu như không hiểu nó, chắc chắn tôi sẽ nghĩ nó đang bảo vệ cho hai mẹ con cô.
- À… vâng, cháu hiểu ạ.
- Hiểu thì tốt.

Ông ta gật gù, rục rịch đứng dậy rồi bảo tôi:
- Việc thằng Tuấn bị tai nạn là việc gia đình tôi không mong muốn, thậm chí đón Trường An và cô đến đây cũng là bất đắc dĩ.

Gia đình tôi không chấp nhận con dâu như cô, kể cả giờ con trai tôi nằm một chỗ, tôi cũng không coi cô là con dâu.

Với tôi, chỉ có Trường An là cháu.


Thế nên mong cô cũng nhớ kỹ cho tôi, con trai của gia đình tôi, dù là con trai cả hay con trai thứ, cô cũng không thể với đến được.

Tốt nhất là đừng ôm hy vọng hay làm ra những hành động gì để Trường An phải xấu hổ.
- Cháu biết ạ, cảm ơn bác đã nhắc nhở.
Ông ta không nói thẳng là có đồng ý với yêu cầu của tôi hay không, nhưng tôi nghĩ không phản đối tức là đồng ý.

Và ông ta cũng sợ tôi dụ dỗ đứa con trai giỏi giang nhất của mình nên mới nhắc tôi tự chú ý thân phận, loại người như tôi không đáng để làm con dâu nhà danh gia.
Thực ra tôi nghĩ việc này ông ta nên để dành để nhắc con dâu thứ hai nhà mình mới đúng, bởi vì cô ta mới là người bất chấp hết luân thường đạo lý để dụ dỗ anh cả.

Còn tôi, tôi nói ra yêu cầu đó cũng chỉ mong Bí Ngô của tôi không bị người ta chèn ép quá đáng mà thôi.

Dù sao, người đối xử tốt nhất với con bé trong ngôi nhà này cũng chỉ có Huy.
Và chuyện ông nội của Bí Ngô biết con bé không thực sự có lỗi, và biết cả chuyện tôi cứu Jin Jin, việc này có lẽ cũng do anh ta chứng minh nhỉ? Chứng minh bằng những thứ có căn cứ như anh ta đã từng nói với tôi.

Bảo vệ con bé bằng hành động chứ không phải bằng trực giác.
Người đàn ông này, rút cuộc là lòng dạ anh ta thâm sâu đến bao nhiêu đây…
Mấy ngày sau đó tạm thời mọi việc quay trở lại bình yên như cũ, ông nội của con tôi và Phương không đả động gì đến tôi nữa, cũng không ai đuổi tôi, có điều vài hôm sau thì bể cá Koi to tướng trong biệt thự đã bị phá bỏ.
Từ khi đến đây, tôi đã ấn tượng với bể cá này nhất, mỗi khi nhớ con hay tâm trạng không vui, tôi thường nhìn mấy con cá để tìm lại chút yên bình.

Giờ bể cá to này bị đập bỏ cũng cảm thấy có chút tiếc nuối.
Nhưng có lẽ còn một người nữa tiếc nuối nhiều hơn tôi, bởi vì hôm bể cá bị người ta phá đi, chị Oanh có nói với tôi một chuyện:
- Bể cá này ngày trước mẹ cậu Huy thích lắm.
- Thế hả chị?
- Ừ, giờ đập đi chắc cậu ấy buồn lắm.

Nhưng mà để thì chắc là sợ sau này lại xảy ra chuyện như hôm trước, thế nên mới phải đập đi.
- Mẹ anh ấy mất rồi hả chị? Từ khi em đến đây tới giờ, chưa nghe nói đến bà nội của Bí Ngô bao giờ.
Chị Oanh thở dài:
- Ừ, mất rồi, mất từ hồi chị mới đến đây làm.

Gần 15 năm rồi đấy.

Nhưng mà người nhà này ai cũng sống lạnh lùng hay sao ấy em ạ, nghe nói bà chủ ốm nặng thế nhưng ông chủ cũng không ngó ngàng gì mấy đâu.

Đợt ấy cậu Huy thì học Ha vớt ha viếc gì đấy, ở nước ngoài ấy.

Cậu Tuấn thì lêu lổng chơi bời.

Cậu Hải thì thỉnh thoảng ngó ngàng đến mẹ vài cái xong rồi thôi.

Xong rồi chắc bà chủ tâm lý rồi buồn nhiều nên mới mất sớm thế, chứ bệnh đó chữa được mà.
- Chắc là hồi đó bà nội của Bí Ngô thương anh cả nhất hả chị?
- Ừ, thương nhất, vì cậu Huy nhìn thế thôi chứ sống tình cảm nhất.

Nhưng chị nghe nói ông chủ từ nhỏ đã tách 3 đứa con trai ra khỏi mẹ hay sao ấy.

Ông chủ nói mẹ thì hay chiều chuộng con cái, dễ làm 3 đứa con yếu đuối, hay dựa dẫm.

Mà 3 cậu con trai này thì sau phải thừa kế cả cái sản nghiệp này, yếu đuối thì không làm được việc gì nên mới tách ra khỏi mẹ.

Ngày trước chị nghe cái cô giúp việc già già trong này kể sơ sơ thế thôi, chứ lúc chị đến thì các cậu ấy cũng lớn rồi nên không biết.

Với cả cô giúp việc đó cũng nghỉ rồi.
Nghe chị Oanh nói thế, tôi mới lờ mờ hiểu tại sao hôm trời mưa đó, Huy đã nổi khùng lên nói " Đừng có dùng cách bố huấn luyện bọn con với Trường An".

Hóa ra việc tách mẹ và nghiêm khắc rèn luyện con cái là một vết sẹo trong lòng anh ta.

Anh ta không bênh vực tôi, cũng không hẳn là bênh vực Bí Ngô, đơn giản chỉ là Huy không muốn quá khứ đó lặp lại.
Biết được chuyện này, tự nhiên tôi lại thấy hơi thất vọng, nhưng ngẫm kỹ lại cũng lại thấy thương thương anh ta.

Tối hôm đó tôi xin chị Oanh một chai rượu to, cầm hai cái ly cũng to luôn rồi lên phòng chờ đợi, tôi nghĩ chắc hẳn hôm nay tâm trạng Huy sẽ không vui nên muốn cùng anh ta uống rượu.
Hôm ấy Huy về rất muộn, tôi đợi đến gần 12 giờ đêm mới thấy phòng bên cạnh sáng đèn, không ngoài dự đoán của tôi, 30 phút sau anh ta mặc áo choàng tắm đi ra, theo thói quen vẫn nhìn về phía hồ cá Koi, mặc dù nó đã bị phá bỏ nham nhở.
Huy đứng trầm lặng nhìn một lúc, tôi cũng ở bên này nhìn anh ta một lúc, mãi một lúc rất lâu sau đó tôi mới hạ quyết tâm cầm chai rượu và hai chiếc ly đi ra ngoài ban công.
Thấy tôi xách theo rượu, anh ta hơi ngạc nhiên nhìn nhìn.

Còn tôi ngại ngùng nâng hai chiếc ly trên tay lên, lắc lắc:
- Anh có muốn uống rượu không? Tôi mới xin được chai này ở dưới nhà bếp, có 5 độ thôi.

Mà thấy trên nhãn dán hai hôm nữa hết hạn rồi nên rủ anh uống cho đỡ phí..



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.