*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Chuyển ngữ: Trần
Tróc nã tội phạm là nhiệm vụ quan trọng không thể trễ nải. Hừng đông vừa rạng, trải khắp Quan thành, Diệp Thiên Lang liền hạ lệnh cho La Vọng chia binh làm hai đường, một đường truy bắt tàn dư Tả – Dương đào thoát trên đại mạc, một đường đi thám thính tung tích của Nhất Đao Liên Thành. Đám nha dịch thuộc hạ vừa nhận lệnh rời đi, chưa được mấy bước đã thấy phòng của Khấu Biên Thành quạnh không bóng người, có lẽ trời chưa sáng đã vội vàng rời khỏi quán trọ.
Không chỉ tên đó, mà đến cả gã đàn ông tướng mạo có vẻ kỳ dị cùng với người đẹp giả trai cũng biến mất.
Giường chõng chỉnh tề, chăn gối sạch sẽ, trong phòng thoang thoảng hương rượu như có như không, tựa như chưa từng có người tới.
"Đại nhân, người đó đã đi rồi." Tiểu nhị chẳng biết đại nhân nào với đại nhân nào, chỉ học theo đám đao khách sát khí đằng đằng kia gọi vậy. Cậu ta thấy Diệp Thiên Lang đứng im không nhúc nhích, bèn gọi hắn một tiếng rồi tự ý bước vào trong phòng, đẩy phiến cửa sổ gỗ nặng trịch ra.
Xuân êm đềm, đêm đằng đẵng. Giờ phút này mây quạnh mưa tan, trời hửng sáng. Ánh nắng rọi vào phòng, rèm châu lóng lánh, khung cảnh trong trẻo thư thái, trái lại khiến cảnh lăn lộn giữa cát, dây dưa dưới trăng đêm qua chỉ như một giấc mộng xuân sau rượu.
Liên tiếp mấy ngày, Cẩm Y Vệ tìm người khắp trong ngoài Quan thành. Một đám loạn đảng phần lớn là những tên lỗ mãng bị thương, lại còn cắp nách hai đứa trẻ bên người, theo lý mà nói bất luận đi đến đâu cũng rất gây chú ý. Vậy nhưng nha dịch Cẩm Y Vệ gần như đã lật ba tấc đất ở Quan thành lên, cẩn thận tìm trong tìm ngoài, lục soát khắp mọi ngõ ngách, ấy thế mà đến cái bóng ma cũng chẳng thấy, tựa như đám người kia đã bốc hơi khỏi mặt đất vậy.
Kỳ hạn mà Ngụy Trung Hiền đưa ra trước khi rời kinh đã mỗi lúc một gần, Diệp Thiên Lang lại tựa hồ chẳng màng bắt tay vào chính sự, trái lại còn nhàn tản du ngoạn trong thành cùng La Vọng.
Khúc hát xưa có câu: Thịnh suy xưa nay vẫn vậy, binh đao có khi nào buông lơi.
Kể từ khi gia tộc họ Mục hiến đất cho Tống vào năm Ung Hi, chẳng hay có phải các vị hoàng đế đời sau đều không ham bành trướng mở rộng bờ cõi nữa hay không. Hoặc giả thời thịnh vốn đã với tay không tới, thời suy lại càng chẳng có hơi sức để tâm, càng khiến mảnh đất này mỗi lúc một xa rời binh đao chiến lửa, tựa như vài viên ngọc còn rải rác lại giữa biển cát này. Đặc biệt nhất trong số đó là Quan thành giàu có không kém gì kinh đô. Tuy không đến độ lầu son gác tía san sát hai bên đường, nhưng cũng mỗi bước một sạp buôn, năm bước một quán trọ, mười bước một đền miếu, trăm bước một vọng gác.
Muôn dặm cát vàng chỉ càng khiến luật trời có vẻ xa xăm. Đi cả nửa ngày cuối cùng mới có cơ hội nghỉ chân, hai người bước vào một quán rượu. Khách trong quán lác đác vài mống, vừa hay lại được thanh tịnh.
Kêu tiểu nhị bày lên mấy vò rượu ngon, Diệp Thiên Lang ngồi xuống bên cửa sổ. Phóng mắt nhìn nghiêng ra bên ngoài chính là tòa tháp miếu cao nhất trong thành, rộng chín gian bễ nghễ, cao sáu trượng ngất ngưởng. Trong miếu, tường dát lưu ly, thềm ngói mạ vàng, đỉnh tháp dựng một bức tượng Phật Thích Ca hoàn toàn bằng vàng ròng, quả đúng là "Chư Phật thân kim sắc, bách phước tướng trang nghiêm".
Ven đường có người bán linh chi, bối mẫu, sâm bàn tay, cũng có người bán đồi mồi, sừng tê giác, đá bích tỷ, nhìn qua khó phân biệt thật giả, có vẻ vàng thau lẫn lộn. Còn có quán trà quán rượu, vì mời chào khách mà đều sai người tới kéo đàn nhị, múa điệu dân tộc Khương ở trước cửa, vô cùng nhộn nhịp, huyên náo ầm trời.
Hai ngày nay Lạt-ma trên đường rõ ràng đông hơn hẳn ngày thường, gần như đi đâu cũng thấy vài hòa thượng mặc áo cà sa đỏ, đội mũ vàng, một tay cầm bánh xe kinh luân không ngừng xoay chuyển, một tay cầm chày kim cương hoặc gậy chấp pháp, miệng lầm bầm niệm kinh không dứt, nhưng mắt lại láo liên, không ngừng ngó nghiêng tứ phía, hiển nhiên là đang tìm kiếm gì đó.
Thậm chí có những Lạt-ma chốc chốc lại quấy phá sạp hàng bên đường. Tuy La Vọng không hiểu tiếng phiên, nhưng lại có thể phỏng đoán từ bộ dáng đáng khinh của những kẻ đó. Đám Lạt-ma kia miệng rặt toàn tiếng gà kêu chó sủa khó nghe, nào có chút dáng vẻ mang lòng từ bi của người xuất gia.
La Vọng rời mắt khỏi đám hòa thượng đó, đứng dậy rót một bát rượu cho Diệp Thiên Lang, nói: "Mục Hách chuộng đạo Phật, vung tiền xây cất chùa chiền, thực chất là muốn lôi kéo chư phái Phật giáo và lượng giáo chúng đồ sộ. Nhà Hậu Kim đã lăm le Đại Minh ta như cọp rình mồi, lão chó dại này còn không chịu để yên! Người nơi này nào hay Thiên Khải đế nơi kinh thành, trái lại đều chỉ biết dựa hơi lão. Thuộc hạ mới nghe ngóng được, hai ngày nay phủ thổ ty giáo mác dựng sẵn, như lâm đại địch. Chỉ e lão chó dại kia đã biết đại nhân tới, lại không biết chuyến này đại nhân đến có mục đích gì, sợ đến nhũn cả chân nên mới làm quá lên vậy."
Dẫu có đứng trước mặt thiên tử Đại Minh, Diệp Chỉ huy sứ còn chưa chắc đã bỏ vào mắt, huống chi là hao tâm tốn sức vì một tên quan thổ ty với một đám hòa thượng, nhấc bát rượu lên đổ vào miệng: "Tòa Quan thành bé tin hin này vô duyên vô cớ mọc ra thêm hơn hai chục khuôn mặt lạ hoắc, nếu Mục Hách không phát giác ra được thì còn mặt mũi nào cai quản vùng Tây Bắc này nữa..."
La Vọng cũng đã làm một hớp rượu trong bát, cảm giác cứ như nuốt một ngọn lửa bỏng rát vào miệng, nóng đến độ cổ tay phát run. Vậy mà lại thấy đôi mắt phượng của Diệp Thiên Lang quét về phía tiểu nhị bàn bên, gọi: "Qua đây."
Tiểu nhị nghe tiếng gọi, quay đầu lại cũng phải trợn tròn mắt ngạc nhiên. Biên cương gió cát lớn, ai nấy đều mặt xám mày tro, chỉ riêng vị công tử này mày mắt như ngọc, không nhiễm bụi trần, đặc biệt là vòng eo nhỏ nhắn quấn thắt lưng bạch ngọc, quả là phong tình đến cô nương cũng phải thua xa.
Chỉ có điều càng ngẫm càng thấy ắt hẳn là một con ma bệnh, bằng không sắc mặt sao có thể trắng bệch ghê người đến thế, bèn thuận miệng thưa: "Khách quan còn có gì căn dặn?"
"Một vò rượu trắng, lại pha hơn hai bát nước vào." Diệp Thiên Lang ngước nhìn tiểu nhị, "Có phải không?"
Người này dáng vẻ bình tĩnh, ngữ khí ôn hòa, nhưng cảm giác ớn lạnh lại bất giác phả thẳng vào mặt, khiến người ta lạnh tóc gáy. Tiểu nhị lập cập, lắp bắp đáp: "Không, không phải... Tệ, tệ quán toàn bán rượu hảo hạng, tuyệt đối không có pha..."
Chưa dứt lời, chợt thấy tay của vị công tử trước mặt nhẹ nhàng chụp lấy vò rượu, một luồng sức mạnh khác thường sượt qua người, còn chưa kịp phản ứng lại, đã nghe thấy tiếng đổ vỡ rầm rầm vang lên phía sau.
Nương theo tiếng động quay đầu lại, bản thân lông tóc vô thương, ấy vậy mà tấm bình phong bằng đá vân mẫu to oạch kia đã chia năm xẻ bảy, rơi rụng lả tả.
"Rượu không ngon không hề gì, nhưng rượu không mạnh, ta liền vặt đầu nhà ngươi đem chưng rượu uống." Diệp Chỉ huy sứ phất nhẹ tay áo, quát khẽ một tiếng với tên tiểu nhị sợ đến đần cả người kia, "Đi đi."
Rượu một lần nữa bày lên bàn quả nhiên gặp lửa là cháy. La Vọng không dám uống tiếp, chỉ nói: "Để chống lại phe đạo Hồi, đám hòa thượng này nhân số đông đảo, hơn nữa còn đều luyện võ từ nhỏ, quả thực là một lực lượng chiến đấu không thể xem thường. Huống hồ ngoài mặt là người cửa Phật thanh tâm quả dục, thực chất đại đa số đều đã đầu quân cho Mục Hách, suốt ngày đi làm mấy việc cấu kết bẩn thỉu, nối giáo cho giặc."
"Cũng chưa chắc." Diệp Thiên Lang lắc đầu, nhấc tay uống cạn rượu mạnh trong bát, "Giáo phái nhà Phật rất nhiều, lại tập trung đông ở phía đất Tạng. Mục Hách tuy là quan Cửu Châu, nhưng chỉ dựa vào một mình hắn, chưa chắc đã có thể khiến tất cả đệ tử nhà Phật nghe lệnh."
La Vọng tựa hồ vẫn còn chưa an tâm: "Nhưng mà nghe tin bọn Triệu Tấn thăm dò được, lão chó dại này hình như còn cấu kết với cả Nhất Đao Liên Thành. Còn có lời đồn nói rằng Nhất Đao Liên Thành đã là rể tài nhà Mục Hách, chẳng mấy bữa nữa sẽ cưới con gái độc nhất của quan thổ ty về làm vợ."
Diệp Thiên Lang tựa hồ đã sớm lường trước được, mí mắt còn chẳng buồn nhấc lên: "Quan – giặc cấu kết chẳng phải chuyện gì lạ lẫm. Dưới trướng của Nhất Đao Liên Thành có đến gần vạn người, nếu không có Mục Hách âm thầm chống lưng, chẳng lẽ lại thực chỉ dựa vào trấn lột cướp bóc để sinh sống sao?"
La Vọng cẩn thận suy tính một hồi, nói: "Đã ở trên địa bàn của người ta rồi, chẳng bằng cứ để Mục Hách đó lộ diện, kêu hắn lấy thân phận quan thổ ty lùng bắt loạn đảng, ắt làm chơi ăn thật."
Diệp Thiên Lang quả quyết lắc đầu: "Không được."
"Tên Mục Hách này tuy có dã tâm, nhưng vẫn luôn vô cùng cung kính với xưởng công. Hôm mừng thọ của xưởng công, hắn còn đặc biệt sai người tới đưa quà lễ vào kinh, thiết nghĩ gã ắt hẳn cũng phải nể mặt đại nhân vài phần, không dám không dốc sức làm việc..."
Diệp Thiên Lang vẫn lạnh nhạt đáp: "Không được."
"Thuộc hạ có một chuyện mãi không hiểu." Câu trả lời nhận được vẫn là hai chữ mập mờ ấy, trong lòng La Vọng càng thêm nghi hoặc, cuối cùng đánh bạo hỏi, "Thiên Khải đế ở kinh thành lâm bệnh nặng, ông Cửu thiên tuế lại bưng bít không nói, chỉ bảo là hoàng đế ngồi thuyền ngã xuống nước bị nhiễm phong hàn, rồi lại cử đại nhân tới đại mạc này truy bắt tội phạm vào giữa lúc nguy cấp, giữa hai việc này hẳn là có can hệ?"
"Sao nhìn ra được?" Vẻ mặt Diệp Thiên Lang vẫn lãnh đạm, không có vẻ gì là bị thuộc hạ mạo phạm.
"Thiết nghĩ suốt chặng đường chúng ta truy sát Lộc Lâm Xuyên, vốn có rất nhiều cơ hội một mẻ tóm gọn đám loạn đảng ấy, kể cả hôm ở giữa đại mạc đó, phóng loạn tiễn một trận thì bọn chúng có mọc cánh cũng chẳng thoát được, cớ gì đại nhân lại thả cho chúng một con đường sống?" Ngập ngừng một chốc, La Vọng hít sâu một hơi, nói, "Thuộc hạ cả gan đoán rằng, chuyến này đại nhân tới vốn không phải vì tróc nã loạn đảng..."
"Đúng vậy," Diệp Thiên Lang khẽ gật đầu, "Ta quả thực là tới để lấy một vật cho xưởng công..."
"Dám hỏi đại nhân, xưởng công muốn lấy thứ gì?"
Diệp Thiên Lang không đáp mà hỏi ngược lại: "Ngươi có biết chuyện Karmapa[1] Đệ Ngũ được hoàng đế Vĩnh Lạc sắc phong không?"
([1]Karmapa là người đứng đầu Karma Kagyu, giáo phái lớn nhất của Kagyu, là một trong bốn giáo phái chính của Phật giáo Tây Tạng.)
"Thuộc hạ biết. Nghe nói hoàng đế Vĩnh Lạc được Quan Thế Âm Bồ Tát báo mộng, mới mời thượng sư Karmapa vào cung truyền giảng. Gặp lúc trong quân đội xảy ra đại dịch, trong vòng một tháng mà người chết trong quân doanh chất chồng như núi, đến cả Ngự Y Viện cũng bó tay chịu thua. Thượng sư tới thăm quân doanh, thi triển Phật pháp thần thông vô hạn, mấy ngàn quân sĩ không thuốc mà khỏe lại. Hoàng đế Vĩnh Lạc cảm tạ ơn Phật, khâm tặng tôn hiệu "Đại Bảo Pháp Vương" cho thượng sư." Vẻ mặt La Vọng chợt nghiêm túc, nói, "Chẳng lẽ vật xưởng công muốn lấy có liên quan tới việc này?"
"Sau khi Karmapa Đệ Ngũ hỏa táng[2], phần tim hiện ra tượng Phật Thích Ca, thiêu hoài không rụi, hóa thành xá lợi chân thân biến hóa thần thông. Có điều Tây Vực dần bị Hồi giáo xâm lược, giáo đồ hai giáo không ngừng giết chóc, khói lửa chiến tranh lan đến tận Kim thành và Thổ Phiên. Xá lợi Pháp Vương vốn được cung phụng trong tháp Xá Lợi ở đất Tạng lưu lạc đến đất Hán, cuối cùng rơi vào tay Tả Quang Tế."
([2]Gốc là đồ bì, âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là thiêu đốt, chỉ việc thiêu hủy thi hài, chôn cất nhà sư sau khi viên tịch.)
Trầm ngâm một lúc, La Thiên hộ này dường như đã ngẫm ra nguyên do ẩn tình bên trong ấy, nhưng mặt vẫn có vẻ không tin: "Đại nhân thật sự tin rằng xá lợi Pháp Vương ấy có thể biến hóa thần thông, khiến hoàng đế Thiên Khải chết đi sống lại sao?"
"Không tin, nhưng lại không thể không tin." Vốn đã là cố đấm ăn xôi, ngón tay Diệp Thiên Lang vân vê chung rượu, nhàn nhạt nói, "Giả như hoàng đế băng hà, Tín Vương đăng cơ, hai ta đều khó thoát khỏi kết cục phơi thây giữa chợ."
Tiểu nhị đã sớm bị dọa sợ vãi tè, không dám chường mặt ra. Trong quán trọ lặng ngắt như tờ, bên ngoài chợt vang tiếng la lối om sòm.
Ra là có đôi ba tên hòa thượng dòm ngó mỹ mạo của một vị nữ thương buôn, giữa ban ngày ban mặt động tay động chân. Nữ thương buôn nọ còn có một cậu con trai bảy, tám tuổi, vì cứu mẹ mà kéo áo cà sa của một tên hòa thượng trong số đó lại, bị kẻ kia thẳng chân đạp ra xa cả trượng, lập tức bất tỉnh nhân sự.
La Vọng không phải kẻ không rõ nặng nhẹ cấp bách, nhưng dẫu sao cũng đang ở trên địa bàn của kẻ khác, làm gì cũng phải tính đến chừng mực, không thể làm càn theo ý mình. Có điều cảnh tượng trước mắt gợi lên rất nhiều chuyện xưa năm cũ, sắc mặt hắn chuyển từ vàng sang xanh, người run lên bần bật, chén rượu vốn đang cầm trong tay đập xuống bàn vỡ tan tành.
Phàm là đám trẻ được Vương An nhận nuôi đều có xuất thân bần hàn. Diệp Thiên Lang biết La Vọng tức cảnh sinh tình, nhớ tới chuyện xưa chẳng dám hồi tưởng... Một thiếu niên tận mắt chứng kiến cảnh mẹ mình bị đám kiêu binh cưỡng bức đến chết, phải căm hờn day dứt tới bực nào, đau đớn oán hận tới bực nào. Dẫu ngày sau vợ con đuề huề, áo gấm ngựa tốt cũng chẳng thể bù đắp nổi sự cắn rứt ấy.
"Ngươi muốn đi thì hãy đi đi." Diệp Chỉ huy sứ ấy vậy mà lại mặc cho thuộc hạ đi xoa dịu nỗi lòng riêng, "Nhớ giải quyết nhanh gọn, đừng làm mất mặt ta."
Đáy mắt La Vọng thoáng vụt qua vẻ cảm kích, có điều vẫn e ngại thân phận của mình mà không dám làm bừa: "Thuộc hạ... không dám làm hỏng chuyện của đại nhân..."
Chẳng ngờ hắn chưa kịp phản ứng, người bên cạnh đã đáp một chưởng lên lưng. Chưởng lực vừa bật ra, hắn đã bị ném thẳng xuống lầu.
Dưới lòng bàn tay La Thiên hộ bổ ra một luồng gió dữ, biết là không thể gây ra án mạng nên đã thu bớt vài phần kình lực, nhưng cũng đủ để đẩy một tên hòa thượng giật lùi vài bước.
Hắn móc từ hông ra mấy lượng bạc, ném cho cặp mẹ con kia, quát một câu "Mau đi đi" với bọn họ, nhoáng cái đã lại cuốn vào giữa trận chiến.
Cặp mẹ con này không phải người Hán, nhưng cũng biết tình thế trước mắt nguy ngập, vội vã thu dọn nữ trang rồi trốn đi.
Chớp mắt quanh người đã toàn là hòa thượng áo đỏ mũ vàng. Hơn mười tên Lạt-ma đều không vội động thủ, trái lại, xoay bánh xe kinh luân trong tay càng lúc càng nhanh, vây quanh La Vọng, bắt đầu gật gù lầm rầm niệm kinh... Ngày thường La Vọng chúa ghét hòa thượng, mà đống kinh văn tiếng Phạn đó cũng vô cùng kỳ dị, nghe một chốc đã thấy chân khí trong người khó mà vận nổi, tứ chi rệu rã bất kham, tựa hồ chỉ đơn giản như vậy mà đã bị tước hết một thân võ công.
Diệp Thiên Lang đứng lặng trên lầu chỉ thấy người bất giác run lên, lưng thoắt cái toát ra một lớp mồ hôi lạnh. Hắn lập tức vận chuyển Ngũ Uẩn Phần Tâm Quyết phong bế vài huyệt yếu hại nơi tâm mạch, mới thoát khỏi ảnh hưởng từ tiếng tụng kinh này. Hóa ra đám Lạt-ma ấy lại thi triển món công phu nội gia "đánh bò cách núi", đối với dân thường hoàn toàn không có căn cơ võ công thì chẳng có lực sát thương gì, nhưng người tu vi nội công càng cao thâm thì lại càng dễ bị sa vào đó, nhẹ thì tạm thời mất đi nội công, nặng thì sẽ tổn thương tâm mạch, để lại vô vàn hậu hoạn.
"Phong bế ba huyệt linh khư, thiên trì, kỳ môn, nghịch chuyển chân khí một vòng chu thiên!" Ánh mắt Diệp Thiên Lang sâu như giếng, tuy lên tiếng nhắc nhở La Vọng, nhưng lại không hề có ý định ra tay giúp đỡ.
Hồi nãy tự tay đẩy thuộc hạ đắc lực xuống lầu, hắn đã rắp lòng muốn để người kia đi thăm dò trước. Diệp Chỉ huy sứ mơ hồ có dự cảm, nếu kéo Mục Hách vào chuyến công cán lần này, chỉ e sớm muộn gì cũng phải xảy ra một trận ác chiến với đám Lạt-ma kia.
Đất trời như một bàn cờ, chúng sinh đều là quân tốt.
Cũng chỉ có kẻ đặt mình vào vị trí ngoài cuộc, mới có thể thu hết thế cục biến ảo khôn lường này vào mắt.
Thoáng chốc, La Vọng đã lại lao vào trận chiến với những tên Lạt-ma kia. Mười tám tên Lạt-ma thân hình nhoáng cái di chuyển, bày ra một trận pháp, đan xen lẫn nhau vá lấp sơ hở, tiến có thể công kích, lùi có thể thủ vệ, tựa như hóa thành Kim Cương Thủ Bồ Tát ba tay ba mắt, không chừa ra một kẽ hở vào có thể phá được.
Bổn Giác Đại Mật Trận. Hai mắt Diệp Thiên Lang lại đột nhiên sáng lên, khuôn mặt vẫn luôn ảm đạm lúc này mới lộ ra một chút phấn khởi.
Diệp Chỉ huy sứ đã sớm nghe qua về Bổn Giác Đại Mật Trận của Lạt-ma Tây Vực, từng nghe người ta nói nó giống y đúc với Thập Bát La Hán Trận của Thiếu Lâm, cũng là một trận pháp vô song lấy thịt đè người, ỷ đông hiếp yếu. Hôm nay bắt gặp, mới biết quả là không sai.
Nếu lấy một chọi một, đám Lạt-ma này chưa chắc đã là đối thủ của La Vọng, nhưng Bổn Giác Đại Mật Trận quả thực kín kẽ khó phá, lại bởi con đường võ học của Tây Vực với Trung Nguyên hoàn toàn khác nhau, khiến uy lực của nó càng tăng gấp bội.
Tuy nắm trong tay pháp khí nặng trĩu, nhưng bộ pháp của đám Lạt-ma này lại vẫn nhẹ nhàng như gió thoảng sườn núi. Chày kim cương trong tay như hóa thành binh khí đoạt mạng, đường đi nước bước kín kẽ không một chút sơ hở, không ít đòn nặng đã đánh trúng người La Thiên hộ. Mà người trong trận khổ sở triền đấu với đám hòa thường thì tránh không nổi, đánh thoát cũng chẳng xong, tựa như một con cá sống bị tấm lưới lớn vợt lên bờ, chỉ có thể miễn cưỡng giãy giụa thoi thóp.
Diệp Thiên Lang thầm cả kinh, nếu lúc này là bản thân mình ở trong trận, chỉ e cũng hoàn toàn không có khả năng toàn thân rút lui. Chỉ ngắn ngủi mấy hiệp La Vọng giao chiến với đám Lạt-ma, trong đầu hắn đã nghĩ tới mười mấy cách phá trận, nhưng rồi lại không thể không thừa nhận cách thức phá trận đều tồn tại nguy cơ tiềm ẩn. Nếu thật sự động thủ, chưa chắc đã chiếm được thêm ít phần thắng nào. Nghĩ vậy càng không khỏi dành một chút sự kính nể cho người tạo ra trận pháp này.
La Vọng càng chiến càng thất thế, sau khi ăn thêm một nhát gậy chấp pháp liền nôn ra một búng máu. Cả người lảo đảo lung lay, tựa như sắp ngã.
Diệp Chỉ huy sứ không màng đến sống chết của thuộc hạ cũng không hẳn chỉ vì lo trước tính sau. Chẳng qua lúc này hắn đang chuyên tâm nghiên cứu trận pháp tinh xảo kia, nhất thời quên mất thuộc hạ của mình đang đứng giữa ranh giới sống chết. Không ngờ ngay lúc ngàn cân treo sợi tóc lại có người vén áo vươn tay, thay hắn quản mớ chuyện bao đồng này...
Cũng chẳng biết là thứ ám khí từ đâu bay tới, chỉ nghe vun vút mấy tiếng, đám Lạt-ma đã theo đó ngã xuống. Tuy không tổn thương đến chỗ yếu hại, nhưng cũng đều trúng mấy huyệt chủ chốt cả.
Nhìn lại thứ ám khí đánh trúng Lạt-ma, ấy vậy mà lại là vài miếng mái ngói mạ vàng.
Diệp Thiên Lang nương theo nơi phát ra tiếng ám khí ngẩng đầu nhìn lên. Nóc nhà đối diện có một kẻ đang ngồi, cách hắn chỉ hơn một trượng.
Kẻ đó khoác áo bào trắng, đeo mặt nạ bằng vàng, tay cầm một thanh đao bọc trong vải đen, thân người hơi chếch, dáng ngồi có vẻ khá nhàn tản tùy tiện. Nhưng dáng vẻ bệ vệ từ trên cao nhìn xuống, quét mắt trông hết núi non lại cứ tự nhiên mà thành, tựa như một bức tượng chiến thần đúc bằng vàng ròng, rực rỡ chói lọi.
Trong một khoảnh khắc, người dân trên đường cùng với cả đám Lạt-ma kia đều nín thở, đột nhiên một tiếng la chợt bùng nổ: "Nhất Đao Liên Thành, là Nhất Đao Liên Thành đấy!"
Kế đó là một loạt tiếng quỳ rạp bái lạy như non thét bể gào. Dẫu là hoàng đế đi tuần, cũng chưa chắc đã có được uy danh bực ấy.
Quả nhiên tới rồi. Diệp Thiên Lang không ngạc nhiên cũng chẳng vui mừng, cách một lớp tà dương rọi xiên mà nhìn thẳng vào mắt đối phương. Mấy hôm nay hắn không vội đi tìm Lộc Lâm Xuyên, chính là muốn lấy sức nhàn chờ địch mệt, chờ đối phương tìm tới tận cửa.
Một đôi mắt sâu thăm thẳm, như cười như không trông về hắn. Nhất Đao Liên Thành đột nhiên phi người lên, ống tay áo phất phơ, thanh trường đao rời vỏ – vậy mà lại là một thanh đao chưa mài. Đao màu đồng đen, thân đao rộng, tuy không có rãnh máu nhưng lại chạm hoa văn rắn, khẽ động là thấy ánh máu, quỷ dị như vật sống.
Diệp Thiên Lang trầm ngâm quan sát, thầm khen người này chỉ bằng một chiêu đã triển lộ được ý đao tròn vẹn, hiển nhiên đã đạt đến cảnh giới người cùng đao hợp nhất.
Đao khí lướt tới đâu, mái ngói mạ vàng thoắt cái bị hất tung lên tới đó. Chỉ nghe tiếng lạo rạo tựa như hạt châu rơi xuống khay ngọc, nơi Quan thành đã đổ xuống một cơn mưa hoàng kim.
Dân chúng nào còn để tâm tới Lạt-ma hung tàn, vốn đang quỳ rạp trên đất đều lũ lượt chen lên, tranh nhau những hạt vàng từ trên trời rơi xuống.
Minh họa:
Bánh xe kinh luân:
Chày kim cương:
Hoa văn rắn: Gốc là hoa văn bàn hủy, tức là hình con rắn uốn lượn, là một loại hoa văn cổ, thịnh hành vào thời Xuân Thu Chiến Quốc.