Vụng Dại Tuổi 17

Chương 12: Chương 12




- Thôi chị ạ, em chỉ cần thấy mẹ mạnh khỏe là em mừng rồi. Chị vất vả quá!
Anh bảo chị làm thật nhiều món ăn mà tôi thích. Đó là những món ăn dân dã mà chỉ nơi vùng cao nguyên mới có, trộn lẫn cả vị mặn của giọt nước mắt nóng hổi vừa rơi. Ngoài kia, bóng tối đã trùm xuống từ khi nào. Đêm cao nguyên có trăng, nhưng là trăng mùa thu nên cô đơn lắm! Chỉ qua đêm nay thôi, ngày mai bình minh sẽ trải vàng khắp cao nguyên êm đềm...
Tiếng gậy
Theo lời giới thiệu của Duy, tôi bỏ ra nửa buổi để đi tìm căn gác trọ trong hẻm cụt vắng người. Duy bảo: “Nơi đó yên tĩnh, nhất định hợp với Hạ”. Chiếc xe đạp đưa tôi qua con đường ngoằn nghèo, rải đầy sỏi và đá, hai bên đường là những hàng quán lèo tèo hoang sơ, bán vài thứ vụn vặt. Lâu lâu mới thấy chiếc xe lam chạy vụt qua, bụi mù cả quãng đường. Chỉ nằm cách quốc lộ lớn vài trăm mét, vậy mà nó tách hẳn cái ồn ào của đô thị. Tôi đạp xe thật chậm, nghe gió xào xạc trên tán lá, cảm giác thanh thản lan tỏa khắp người.

Tôi quen Duy hôm đầu tiên vào làm xưởng vẽ. Ông chủ cười xởi lởi: “Anh chị là sinh viên Mỹ thuật hả?”. Chúng tôi đồng thanh “dạ”, ông tiếp: “Ngày trước, tôi cũng như anh chị thế này, lấy nghề nuôi nghề cũng tốt. Bây giờ, anh chị tự giới thiệu mình bằng bức vẽ nhé!”. Ông khuất hẳn khỏi bức tường sau khi căn dặn những điều cần thiết. Duy chìa cho tôi xem bức họa khuôn mặt đứa con gái với những nét hài hước, giọng Duy tinh nghịch: “Là bạn đấy!”. Tôi nghiêng đầu thảng thốt: “Ôi, mình đáng sợ thế sao?”. Cả hai cùng cười vang. Thế là chúng tôi quen nhau. Thời gian và sự đồng cảm kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, trên mức tình bạn nhưng chưa đủ lớn để gọi là “tình yêu”.
Chẳng khó khăn gì khi tìm ra căn gác trọ mà Duy mách bảo bởi nó nằm hẳn trong tận cùng con hẻm. Tôi cứ việc thong thả đạp xe cho đến hết con đường. Trước mặt tôi là căn nhà xây rộng, còn mới nhưng xung quanh mọc toàn cây dại. Trước nhà có giàn tigôn rậm rịt, từng cây quấn vào thân sắt, phơi ra những chùm hoa nặng trĩu.
Ông lão xuất hiện sau chậu kiểng với vẻ mặt đôn hậu. Tiếng gậy lọc cọc tiến gần lại phía tôi:
- Dạ…
Tôi chậm rãi giải thích cuộc viếng thăm, lòng không mấy hy vọng bởi nó hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng. Một căn gác nhỏ, chủ yếu là cần yên tĩnh. Ông lão có dáng người phúc hậu tựa như ông tiên trong trí tưởng tượng của tôi thuở nhỏ. Mãi đến khi “ông tiên” đưa tôi vào nhà, trèo lên khỏi bậc thang hình xoắn ốc và dừng lại trước một căn phòng khá sang trọng, lúc này tôi mới cảm thấy... giận Duy hơn bao giờ hết. Duy tưởng tôi là tỷ phú chắc? Ông lão đưa tay kéo màn cửa màu xanh ngọc, bên ngoài là một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Giọng ông thật nhẹ: “Cháu cứ yên tâm mà học, ta chỉ cần có hơi người cho bớt lạnh lẽo. Không việc gì phải nghĩ ngợi. Ta coi cháu như con cháu…”. Ông lão chưa nói hết câu đã khuất hẳn sau tấm rèm cửa phất phơ, tiếng gậy lọc cọc nghe cô độc đến lạ.
Chị giúp việc phụ tôi sắp xếp những thứ lặt vặt. Chị vừa làm vừa kể:

- Tội ông chủ lắm! Con cháu cả đàn nhưng chẳng ai ở với. Họ bận lao vào kiếm tiền để mua lấy sự cô độc cho ông lão. À! Ổng bảo chị cứ lấy tiền trọ của em như những nơi khác. Ông sợ không lấy, em lại nghĩ ngợi rồi bỏ đi.
Đêm. Tôi kéo tấm rèm cửa nhìn ra ngoài. Màn đêm đen thẫm như một chấm than khổng lồ. Mảnh trăng non yếu ớt chẳng làm sáng nổi cái khối đen đặc quánh đó. Tôi rùng mình, cảm giác ngột ngạt khi mình cũng bị ép chặt mà chẳng thể vùng vẫy ra được. Tôi nghĩ về ông lão, tiếng gậy lọc cọc khô khan và những tháng ngày hiu quạnh cuối cuộc đời... “Hạ đừng phí thời gian để nghĩ những chuyện như thế. Mình không phải là thần thánh để xóa đi mọi bất công được” - Duy từng nói với tôi như thế! Lúc đó, tôi cảm thấy Duy sống vô cảm và quá thờ ơ. Bây lại thấy mình sai. Việc của tôi là sáng đến trường, chiều làm thêm ở xưởng vẽ, hàng tháng gởi tiền nhà trọ. Thế là đủ!
Xưởng vẽ của tôi làm chuyên vẽ bảng hiệu quảng cáo, đủ các màu xanh đỏ lòe loẹt. Chủ yếu là phải nổi bật, thích hợp hơn với những kẻ ưa chuộng hình thức. Ông chủ xưởng vẽ tuổi ngoài bốn mươi, có cô con gái đoán chừng mười chín, hai mươi tuổi, suốt ngày chỉ biết cười và nói những điều vẩn vơ, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Cuộc sống đơn giản thường là vô nghĩa. Duy ghé tai tôi, bảo: “Ông chủ nói cô ấy sẽ khỏi sau khi lấy chồng, nhưng…”. Duy im bặt, mắt hướng ra phía đường, nơi có những con người chen chúc xuôi ngược. Tôi thầm hiểu điều gì sau chữ “nhưng” đó. Mỗi người có một số phận, dẫu thế nào chăng nữa họ vẫn tự an ủi mình bằng cách tin vào những điều mong manh nhất.
Cúp điện. Xưởng vẽ tối đen. Duy đốt đèn, sắp xếp những thứ ngổn ngang, miệng khe khẽ ngân nga một bài hát nào đó nửa quen, nửa lạ. Tôi ngồi thu người trong góc phòng, mắt mở to đến đâu cũng chỉ thấy một màu đen dày cộm, cả cái đầu bù xù của Duy cũng đen nốt. “Còn sớm, mình đi uống cà phê Hạ nhé!”. Những lời mời của Duy luôn có sức mạnh vô hình nào đó, khiến cho rất ít khi tôi buông ra tiếng “Không”.

Quán cà phê nằm quay ra phía bờ sông. Cúp điện, cảnh vật chìm trong màn đêm, mà nếu có điện chắc gì sáng hơn bao nhiêu? Tôi không nghĩ là mình lại đến những nơi như thế này. Từ ngày biết Duy, tôi mới có dịp biết thứ nước đen đặc quánh ấy. Lần đầu, thấy tôi nhăn nhó, Duy cười đọc cho tôi nghe mấy câu thơ: “Hãy tập ăn cay đi. Để rồi quen với đắng. Cuộc đời đâu phẳng lặng. Mà cứ chén ngọt ngào”. Lúc đó, nhìn Duy có vẻ quan trọng hóa vấn đề. Tôi thích nhìn Duy như thế này hơn: một Duy phong trần, bụi bặm nhưng chưa đến nỗi gọi là bê tha.
Ánh đèn dầu leo lét chỉ đủ để nhìn thấy từng giọt cà phê chậm rãi đều đặn nhỏ xuống. Nhìn nhàn nhạ đến khó chịu. Lạ một điều, có những kẻ luôn mở miệng kêu than phải chạy đua với thời gian, vậy mà có thể ngồi nhìn từng giọt nước ấy lại không thấy phí. Nghĩ cho cùng, cũng phải có lúc lắng lại như thế! Còn hơn là lúc nào cũng cắm đầu vào công việc.



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.