Vương Gia Marxism

Chương 18: Gian thần tặc tử... Đại Nam hiếm thay



Người xuyên không muốn làm khoa học kỹ thuật ở thời xưa không phải dễ, nói đúng hơn là quá khó. San thiếu vốn vẫn biết thực tế và phim ảnh cùng truyện đọc rất khác nhau, nhưng không ngờ khi bắt tay vào việc phát triển công nghệ từ năm 1859 cũng không hề suôn sẻ.

Thế kỷ 19, mặc dù khoa học kỹ thuật phương Đông và phương Tây có sự chênh lệch, hắn vẫn cho rằng Đại Nam lúc này không quá kém. Vậy mà hiện thực vẫn vả cho hắn tỉnh cả người. Cái gì cũng không làm nổi, hay nói đúng hơn là cái gì cũng chỉ có thể làm nửa vời.

San từng là một điệp viên. Hắn phải dùng rất nhiều “vỏ bọc” để thâm nhập vào hệ thống của kẻ thù. Từ thợ sửa xe, giáo viên tiểu học rồi trung học, cho đến cả nghiên cứu sinh của một trường đại học ở phương Bắc. Sáu năm lăn lộn thực địa với đủ loại vai diễn, hắn buộc phải nhồi vào đầu một lượng kiến thức ngành nghề đồ sộ.

Tấm áo không làm nên thầy tu. Đừng nghĩ chỉ cần khoác bộ đồ lấm lem dầu mỡ lên người, tay cầm cờ-lê vặn vặn mấy con ốc vít là thành thợ sửa xe. Đấy mới chỉ là hóa trang thôi. Muốn thành “vỏ bọc hoàn hảo” thì ít nhất phải thạo nghề như thợ thực sự rồi nói chuyện tiếp. Vậy mới nói nghề tình báo không dành cho số đông. Ngoài các phẩm chất đặc thù, hay bản lĩnh được trui rèn khắc nghiệt qua từng nhiệm vụ, người làm nghề này cần có chỉ số IQ và EQ tương đối cao. Như thế mới dễ dàng “hóa thân” vào nhiều ngành nghề trong thực tế.

Tức là dù không phải chuyên gia đúng nghĩa, nhưng họ phải đủ kiến thức để đóng giả “những người chuyên môn cao” của ngành nghề bất kỳ. Ví như San thiếu từng đóng hai vai cùng lúc. Ban ngày hắn là giáo viên dạy hóa trường trung học, nhằm tiếp cận con gái một tay trùm buôn lậu vũ khí xuyên biên giới. Buổi chiều hắn lại thành thợ sửa xe ở một xưởng chuyên bảo dưỡng dàn siêu xe của tên trùm kia. Lúc đó San phải tự bổ sung kiến thức và kỹ năng cần thiết để diễn tròn vai ở hai nơi khác nhau. Và nếu chỉ nhìn bên ngoài thì khó mà phát hiện hắn đang “diễn”.

Không ngoa khi nói rằng những điệp viên như San mới đích thực là “diễn viên xuất sắc”, vì phải hóa thân thực sự vào "nhân vật" - từ cử chỉ hành vi cho đến kỹ năng nghề nghiệp đều rất sâu. Điều khác biệt là trên phim trường, diễn viên được phép diễn lại cảnh chưa đạt để sửa sai. Nhưng điệp viên như hắn mà “diễn sai” thì chỉ có mất mạng.

Nói sơ qua để thấy rằng dù San thiếu nắm kiến thức cơ bản rất vững, nhưng khi "triển" cái nghành luyện kim sơ khai ở đất Hà Tĩnh thì hắn gặp không ít trắc trở, không thể hình dung bằng lời.

Thực tế khó khăn của San thiếu là gì?

Muốn phát triển công nghiệp cơ khí tiền công nghiệp từ hai bàn tay trắng là việc gần như không tưởng. San thiếu dù có tới hơn 300 “chuyên gia” rèn sắt thép mà cũng bó tay. Không có bột đố mà gột nên hồ. Thiếu các máy móc cơ khí cơ bản, cho dù là người hiện đại có đầy đủ kiến thức thì cũng chịu không giải quyết nổi.

Muốn từ cục quặng mà chế tạo ra đến khẩu súng trường - dù là thô sơ nhất lúc này cũng không phải đơn giản. Không phải như nhà văn hô biến cái lò cao, sau đó thép tuôn ra ào ào, rèn rèn đúc đúc mấy hôm là có súng, pháo bắn ầm ầm được.

Hai tháng qua cậu Cả cho xây dựng một xưởng luyện sắt thép ở bên dòng sông Ngàn Sâu. Cậu còn đặt mua gần trăm tấn than đá chở từ Huế về để sẵn đấy.

Khi đọc cuốn “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của cụ Phạm Khắc Hòe – từng là Đổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng, cũng là người soạn “chiếu thoái vị” cho vua Bảo Đại, San “trước kia” thấy nhiều chuyện hay. Nhưng ở thời điểm này thì hắn phát hiện nhiều thứ chưa chính xác.

Chẳng hạn như chuyện than đá này, trong sách cụ Hòe kể rằng: Khoảng năm 1851, một hôm quan đầu tỉnh Quảng Yên cho mang về Kinh một khối đá màu đen, kèm theo một tờ trình nói rằng: “Bọn thổ dân trong khi đào một cái mương rất sâu, thấy có nhiều lớp đá màu đen, đem về đẽo làm vua bếp để thổi nấu, thì thấy phát lửa cháy thành ngọn rất đượm. Nhiều người cho rằng, đó là một thứ đá kỳ quái, có thể báo điềm gì chăng, nên phải lập tức đệ trình cấp trên xét”. Vua Tự Đức cho họp triều thần hỏi ý kiến, thì có mấy vị đại thần tâu đó là quái vật xin cho làm lễ nhương trừ để ngăn tai họa cho đất nước. Hôm đó, Vũ Duy Thanh ốm không vào họp được, sau nghe chuyện vội vào chầu, xin cho xem viên đá. Vừa trông thấy đá, ông tâu ngay rằng: đá này chỉ là một vật tầm thường, không phải yêu quái gì cả… Chẳng những đá ấy không phải là quái vật cần trừ đi mà còn là vật hữu ích, nên tìm cách lợi dụng. Đốt cháy được là có thể dùng thay than củi…”.

Thực tế thì than đá ở Đại Nam lúc này không khó tìm lắm. Như cậu Cả tìm hiểu, khoảng năm 1839, Tổng đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê mướn dân để đào than ở mỏ núi An Lãnh, Đông Triều. Trước kia, Bật sai người tự đào được 10 vạn cân, đến kỳ thì nộp về kinh. Số than này chở về Huế thì để dùng trong luyện kim, đúc tiền, rèn vũ khí… Có điều dùng than đá thì chất lượng tiền đúc ra hay vũ khí được rèn đều quá tồi. Thế nên số than hàng năm chở về kinh thành bị ném thẳng vào kho Vĩnh Bảo, cách thành Huế 8km về phía Tây.

Nhưng nói gì thì nói. Gần 20 năm trước nhà Nguyễn đã khai thác than đá ầm ầm, làm gì có chuyện cả triều Tự Đức không ai biết về than đá ngoại trừ Vũ Duy Thanh như sách mô tả chứ? Vấn đề ở chỗ, than đá (than mỡ) Đại Nam lắm lưu huỳnh. Khi đốt lên khói độc bay mù mịt, lại đem luyện vũ khí, tiền đúc sẽ làm hỏng hết sản phẩm. Thế là người ta mới bỏ xó thứ này không ai quan tâm.

Đây là đặc điểm chung của than mỡ chưa qua xử lý, dân nghèo dùng than mỡ tạm đun nấu có thể được nhưng nếu để rèn đúc luyện kim thì hẳn chất lượng rất tồi. Vận mệnh “vàng đen “ long đong lận đận có thể hiểu được. Dĩ nhiên cậu cả nhà họ Trần biết được chuyện này thì hỉ hả lắm.

Mỗi năm mười vạn cân chuyển về kinh thành chưa từng gián đoạn, triều đình chẳng biết dùng nó làm gì, nhưng đây là thuế vẫn phải thu chứ. Cho nên mỗi năm có 50 tấn than ở Huế chất chồng, 20 năm cộng lại có cả ngàn tấn than. Triều đình dùng chưa đến hai thành, bán đắt không ai mua, bán rẻ thì còn không bù được tiền vận chuyển. Lại chả vứt lăn lóc thì còn làm gì được? Tiếp nối Tôn Thất Bật, mấy năm trước ở Quảng Yên phát hiện thêm một mỏ than, mỗi năm cũng “nộp thuế” 5000 cân về Huế.

Tại sao biết than mỡ gần như vô dụng, giá rẻ như cho mà mấy vị Tổng Đốc lại thi nhau chở chúng về Kinh thành? Cất công tìm hiểu thì San cũng phải chửi đổng về cái sự thối nát của Đại Nam lúc này. Nói cho vuông, triều đình Huế hiện đã rất khó quản miền Bắc, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp cõi Bắc Kỳ. Quan viên Đàng Trong mà ra Đàng Ngoài nhậm chức sẽ bị người bản địa chèn ép, bất hợp tác đến độ nửa bước khó đi. Dùng người tại địa phương làm quan thì triều đình lại rất khó quản chặt.

Như chuyện than mỡ này chẳng hạn. Ai cũng hiểu nó rất khó xài, ngay cả trong đun nấu thường ngày chứ đừng nói những thứ cao siêu hơn. Nhưng các vị Tổng Đốc mấy tỉnh Quảng Yên, Hải Dương cứ khăng khăng là than mỡ luyện kim được giá trị cao, thế là áp giá bằng nguyên liệu than gỗ để đóng thuế về triều đình. Thực ra đây là một hình thức lách thuế mà thôi. Hàng năm đến vụ nông nhàn, các Tuần Phủ, Tổng Đốc, Đề Đốc lại thi nhau triệu tập dân phu đi đào “ thuế” rồi vận chuyển về Kinh Sư. Cách làm sặc mùi chống đối, nhưng nhà Nguyễn cũng không làm gì được.

Biết được nguyên nhân thì San thiếu chỉ đành lắc đầu chịu chết.

Nát thật…

Có điều chuyện đó chẳng liên quan đến cậu. Cậu Cả dựa theo mối quan hệ của Thày Bình, nhẹ nhàng bao thầu hết chỗ than đá bỏ không ở Huế. Giá cả chỉ bằng 1/5 than củi, quá hời!

Quan trọng nhất đó là cậu Cả có thuyền cho nên tự lo vận chuyển. Quan thủ kho nghe tin thì mừng lắm , viết sớ tấu lên Tự Đức báo cáo có thằng ngu nào đó ở Hà Tĩnh mua hết hơn 300 vạn cân than đá ở Huế, mua bằng giá với than gỗ…

Tự Đức vui ra mặt, thưởng cho gã coi kho 10 lượng bạc… Tự nhiên có thằng dở người ôm đống của nợ đen xì xì kia khuất mắt ông. Cũng phải xem hấn ôm của nợ ni về mần chi mà lắm rứa?

“Tên ni 16 tuổi trúng Võ cử ngoài Hà Tịnh. Thân thủ như rứa mà đầu óc nỏ bình thường hè. Răng mà nhân tài Đại Nam điêu linh…” Tự Đức than thở.
“Bẩm Vua, nhà hấn buôn muối. Nghe nói qua tận Cao Miên” Hoạn quan thân tín đứng cạnh vua khẽ nhắc, tay gã không ngừng mân mê miếng ngọc giá trị liên thành dưới ống tay áo.
Ngài Ngự khẽ gật gù, ra hiệu cho gã nói tiếp.
“Rứa hè… nhà hấn đóng thuế ra răng hỉ?” Tự Đức không quan tâm nhiều vụ mua than nữa, nhắc tới buôn muối thì đương nhiên phải đóng thuế. Đức ngài đang “thiếu” tiền đến phát điên rồi.
“Bẩm, nhà hấn là gian thương chuyên buôn muối lậu lớn nhất đất Hà Tĩnh, nỏ có nộp thuế mô...” tên hoạn quan vẫn từ tốn đáp.
[Gian thần, tặc tự (tử)...] Tự Đức chưa kịp mở miệng rồng quát tháo thì lại nghe gã nói tiếp.
“...nhưng nhà hấn lại là đệ tử của Đề Đốc An-Tĩnh Võ Trọng Bình. Võ Đề Đốc hàng năm vẫn đóng đủ thuế thẳng vào Nội Khố...”

Tự Đức nghẹn họng chỉ chỉ tên hoạn quan... ý nói sao mày không nói liền một câu mà ngắt ra như vậy. Trần gia buôn lậu không đóng thuế cho quốc gia, nhưng lại thông qua đường của Võ Trọng Bình mà đóng thuế trực tiếp túi riêng của ngài. Ngài nhanh chóng lấy lại bình tĩnh.
“... Cái lũ gian thương ni cụng (cũng) biết san sẻ gánh nặng cho Trẫm, đáng khen đáng thưởng...”

Đức Ngài bỗng nhiên như sực nhớ ra điều gì đó.
“Hà Tịnh có mấy nhà buôn muối? Mấy hôm trước, Trẫm nghe nói có tay buôn muối ngoài nớ tên Trần Quang Cán, xin đi Đà Nẵng đánh giặc Tây... Thằng ni là Trần Quang San, bọn hấn có quan hệ chi?”
“Bẩm, Trần Quang San là Võ Cử năm Mậu Ngọ (1858). 6 năm trước, cha hấn là Trần Quang Cán đỗ Võ Cử năm Nhâm Tý.”



Thiên thu, vạn cổ, sách ghi tên.
Triệu hoán kỳ tài, vượt giới lên.
Nhiệt huyết dâng trào, Thiên Mệnh Chiến.
Quần long hội tụ, mấy ai quên?
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.