Hôm nay là thứ 2, là ngày khởi đầu của một tuần mới tràn đầy hứng khởi. Nhưng đó là với người khác còn Du thì mới nghỉ việc, còn đang buồn tủi ru rú góc nhà.
Nhiều năm đi qua, Du mới nhận ra một điều kì lạ.
Không ít những người Du quen, những người Du tưởng hết sức bình thường, vô cùng bình dị lại là những người rất đỗi có chí, vô cùng khao khát đạt được thành công.
Dù rằng đa số đều chưa thành công. Nhưng nhìn cái cách mà họ hành động, Du có thể mường tượng ra tương lai bọn họ sẽ như thế nào.
Càng tìm hiểu kĩ, Du càng cảm thấy tầm nhìn của mình mới thật hạn hẹp làm sao.
Những người Du ngỡ vẫn luôn an phận thủ thường, lý tưởng chẳng có là bao thật ra vẫn đang nỗ lực phát triển bản thân một cách mạnh mẽ mà Du chẳng hề hay biết.
Từ đứa cấp 2 quanh năm trốn tiết đến đứa cùng làng cả năm ở nhà chả thấy mặt đâu.
Tất cả bọn họ vẫn luôn cố gắng, vẫn luôn nỗ lực ngay bên cạnh Du, chỉ là lâu nay Du không thấy được.
Phải đến tận khi vài người trong số bọn họ thành công, thì Du mới không thể không nhìn thẳng vào một sự thật, rằng xung quanh mình cũng có nhiều người tài năng đến vậy.
Sinh ra tại những gia đình bình thường, với một môi trường nông thôn rất kém phát triển. Nhưng họ đang dùng chính sự nỗ lực, cố gắng của mình để chứng minh cho cuộc đời thấy rằng họ có lý tưởng, có sứ mệnh của riêng mình chứ không phải chỉ biết sống tạm bợ qua ngày để chờ c·ái c·hết.
Thế mà một kẻ bấy lâu vẫn luôn tự kỉ, yêu thích phán xét người khác như Du thì đã làm được những gì?
Nếu dùng 2 từ để miêu tả thì đó chính là ảo tưởng.
Tuổi trẻ vô tri, nghĩ suy thiển cận.
Suốt ngày tự kỉ nghĩ mình có chí, mong kiếm tiền tỉ lại chẳng làm gì.
Đọc sách thì ít đọc báo thì nhiều, tài chẳng bao nhiêu suốt ngày ảo tưởng.
Phát hiện này quả thực đã thức tỉnh Du rất nhiều.
Mọi người đều đang cố gắng, nỗ lực để vươn lên. Nếu Du còn cứ ì ạch, dậm chân tại chỗ tất nhiên sẽ bị bỏ lại rất xa và hoàn cảnh sau đó của Du sẽ không dễ chịu chút nào.
Giống như học sinh đi thi, nếu mọi người đều chỉ được 3, 4 điểm thì không sao. Nhưng chỉ cần một người bứt lên điểm 8, điểm 9 thì những người còn lại tâm lí sẽ bị chênh lệch, khó chịu liền.
Và Du biết mình sẽ không muốn nằm trong số những người khó chịu đó.
Tất nhiên ghen tị là một đức tính xấu nhưng có đôi khi ganh đua để tiến bộ lại là một quá trình rất hữu ích và không thể thiếu nếu muốn thành công.
Còn gì đem lại động lực hơn việc thằng bạn thân ngày xưa của mình bây giờ làm giám đốc trong khi mình vẫn chỉ là một nhân viên quèn thậm chí không có nổi một công việc ổn định. Nhất là ngày xưa kiểm tra bạn còn thường xuyên chê cười, không cho nó chép bài.
Chỉ cần nghĩ đến đó thôi là Du đã cảm thấy tràn đầy đấu chí và động lực để phấn đấu.
Không hề chần chờ, Du lập tức lao vào bàn học lên phương án, lập kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu. Sau gần một ngày hí hoáy, cuối cùng một bản kế hoạch rất chi tiết, rất tỉ mỉ lại còn vô cùng hợp lí đã được ra đời. Nhưng tiếc là bản kế hoạch tuyệt vời đó đã tiêu hết nguồn động lực ít ỏi mà Du vừa có. Thế là cuối cùng Du lại chẳng muốn làm gì.
Nói thật là năng lực nhận thức của Du thuộc vào hạng tốt, trong thời kì điểm thi còn chưa lạm phát mà thi đỗ đại học bách khoa cũng đâu phải dạng vừa.
Nhưng khổ cái năng lực hành động của Du thì lại không được như vậy thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với mức bình thường nên thành ra lúc viết kế hoạch trên giấy thì rất hay mà đến khi bắt tay vào thực hiện thì lại chẳng đi đến đâu. Đúng là điển hình của câu tao biết vì sao nhưng tao không biết làm thế nào.
Cho nên với những người nói thì hay mà làm thì dở như Du thì tốt nhất là suy nghĩ ít thôi cứ bắt tay vào làm trước đã.
Người ta hấp tấp phải suy nghĩ kĩ còn mình chần chừ, thiếu quyết đoán thì phải hành động trước.
Thực tế không bao giờ lý tưởng như những gì ta nghĩ nên nghĩ nhiều cũng vô dụng. Chỉ có xắn tay vào làm thì ta mới biết mình thiếu gì, cần gì.
Nghĩ đến đây thôi, ngọn lửa động lực trong Du lại một lần nữa cháy lên một cách mãnh liệt, Du lại nhìn thấy cảnh một thanh niên tóc tai chải chuốt, vest đen bóng loáng đang cầm micro đứng trên bục giảng.
“Thành công là một quá trình lâu dài sửa sai và tiến bộ.
Nó là một đường hình sin đi lên từ từ chứ không bao giờ là một đường thẳng.
Bạn sai lầm, bạn thất bại, bạn sửa sai, bạn tiến bộ, bạn lai sai lầm, bạn lại thất bại cứ thế cho đến khi bạn tiến bộ, bạn thành công.
Khi thất bại đủ nhiều, tiến bộ đủ nhiều cũng là lúc bạn sẽ thành công. Tất nhiên thất bại phải đi liền với sửa sai và tiến bộ chứ cứ sai lầm và thất bại mãi thì quá trình thành công của bạn sẽ chỉ là một đường nằm ngang mà không bao giờ thoát khỏi trục hoành.
Bạn đã biết đủ nhiều để có thể thành công.
Nhưng điều đó cũng chẳng ích gì nếu bạn không chịu hành động.
Đứng dậy đi, bắt tay vào làm ngay đi chứ đừng ngồi đó mà nghĩ nữa.
Kế hoạch dù chưa hoàn hảo cũng tốt hơn việc bạn chẳng chịu bước đi.”