Hồi Kí Hadidu

Chương 10: . Cõng rắn cắn gà nhà



Chương 0.10: Cõng rắn cắn gà nhà

Thời đi học, do học giỏi lại còn ngoan ngoãn thuộc vào dạng hiếm của trường nên Du rất được các thầy, các cô yêu quý. Nhưng đó là các thầy cô khác chứ không phải thầy dạy môn văn của Du. Các bài kiểm tra văn của Du dù dài hay ngắn lúc nào cũng chỉ được có 3 điểm.

Nhiều lúc Du nghĩ là do chữ mình xấu quá thầy không thèm đọc chứ văn mình cũng làm gì đến nỗi, Du không tin trình chém gió của mình lại có thể thấp một cách không khoa học như thế được.

Thế là có lần kiểm tra về nhà, Du chép văn mẫu dài ơi là dài, cố nắn nót từng chữ mất cả buổi tối để xem tình hình có đổi khác hay không?

Và không làm Du thất vọng, sau khi háo hức nhận bài kiểm tra của mình, Du không còn nhìn thấy con số 3 quen thuộc nữa mà là một con số 4 to phạc. Bên cạnh ô lời phê là một dòng chữ nho nhỏ "Cộng 1 vì công viết dài".

2 thằng bạn thân ngồi cạnh nhìn xong cười như nắc nẻ làm Du chỉ muốn nhét cái giẻ vào mồm chúng và cũng từ đó môn văn chính thức bị Du khai tử, không văn vở gì nữa, đúng là bắt nạt người quá đáng mà.

Thế là mọi bài văn sau, Du chỉ làm qua loa cho xong, chép được thì chép, không chép được thì viết linh tinh đằng nào chữ xấu thầy không đọc, cuối kì cô chủ nhiệm cũng xin cho được 5 phẩy để lấy học sinh tiên tiến.

Chỉ có những bài văn tự sự dạng kể truyện tương lai của các nhân vật hoặc những bài văn nghị luận đậm màu sáng tạo có thể phát huy trí tưởng tượng không biên giới của mình thì Du mới chăm chú làm, cố viết nắn nót để thầy giáo còn có hứng đọc.

Kiểu kiểu thế này, Đề bài: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Cõng rắn cắn gà nhà"

Mới nhìn đề bài Du đã nghĩ ngay đến cảnh Nguyễn Ánh cõng 5 vạn quân xiêm về cắn gà nhà trong tiết lịch sử gần đây. Câu tục ngữ quen thuộc quá mà, làm sao hiểu sai được.

Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì mọi người đều nghĩ như nhau, lấy đâu ra tính cá nhân, làm sao có thể kiếm điểm cao được thế là Du quyết tâm phải đi ngược lại với mọi người bởi vì Du tin rằng người thành công luôn có một lối đi riêng.

Thế là bằng kho kiến thức rộng lớn và khả năng tưởng tượng siêu hiện thực của mình Du đã tìm ra ý nghĩa thật sự của câu tục ngữ. Một ý nghĩa đến chính Du cũng cảm thấy bất ngờ.

Chỉ cần đọc qua câu tục ngữ 1 lần, chúng ta lập tức nhận ra thân phận đặc trưng của hai con vật mà tác giả muốn gửi gắm: rắn - một loài động vật vô cùng nguy hiểm, độc ác đại diện cho kẻ thù nguy hiểm và gà nhà - một con vật nuôi hiền lành, thân thiết rất gần gũi với chúng ta đại diện cho anh em, người thân trong gia đình.

Do đó chẳng cần động não chúng ta cũng biết hành động cõng rắn cắn gà nhà là hành động của một kẻ xấu xa, phản phúc chuyên dẫn kẻ thù về làm hại người thân, gia đình.

Nhưng không, đây chỉ là kết quả do tâm lý ám thị của bạn gây nên. Cứ nói đến rắn là bạn sẽ nghĩ ngay đến xấu xa độc ác và vì nghĩ rằng mình đã hiểu rõ câu thành ngữ này nên bạn sẽ không phân tích kĩ hơn và tin chắc rằng hàm ý mình hiểu là đúng.

Nhưng nếu bỏ thêm chút thời gian để đọc kĩ hơn, suy nghĩ sâu hơn bạn sẽ nhận ra rằng sự thật trong câu nói không hề đơn giản như vậy.

Đầu tiên các bạn hãy chú ý tới cụm từ: "Cõng rắn". Tại sao lại là "cõng" mà không phải là bắt, là mang, là vác, là rước... hay bất kì một hành động nào khác.

Khi còn bé, bạn có thường được ông bà, bố mẹ cõng đi chơi hay không? Tại sao là cõng mà không phải là bế?

Đáp án là vì khi đó bạn đã lớn hơn, đã rất nặng để bế trên tay, những người thân của bạn không bế được nữa nên phải chuyển sang cõng.

Từ đó chúng ta có thể nhận ra con rắn trong câu thành ngữ là một con rắn rất to ít nhất cũng phải mười mấy, hai chục cân. Hơn nữa nó còn đang b·ị t·hương mà có vẻ còn là thương rất nặng không thể di chuyển được nên mới cần người cõng.

Chúng ta đều biết rằng rắn là một loài động vật vô cùng nguy hiểm, dù cho có b·ị t·hương nặng đi chăng nữa thì bạn cũng không thể phủ nhận độ nguy hiểm của nó, nhất là đây còn là là một con rắn to đến mười mấy cân.

Ấy thế mà nhân vật chính trong câu thành ngữ này lại dám cõng một con rắn như vậy trên lưng, hoàn toàn giao sau lưng, vị trí khó phòng bị nhất của mình cho một kẻ vô cùng nguy hiểm như vậy. Quả thật chỉ cần đối phương chạm khẽ lưng anh một chút thôi là nhân vật chính của chúng ta chắc chắn sẽ phải lên bảng đếm số.

Vì vậy Du dám khẳng định đây là một con người vô cùng dũng cảm, yêu thương động vật. Có lẽ chỉ có những chàng thanh niên 2K trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết mới dám làm điều này.

Thế là chỉ với hai từ " Cõng rắn" chúng ta nhìn thấy được một chàng thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết cõng một con rắn to đang b·ị t·hương nặng trên lưng.

Từ đây câu thành ngữ đã trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều. Vì con rắn b·ị t·hương nên chàng trai quyết định hi sinh "gà nhà" để tẩm bổ cho rắn. Đây quả thực là một hành động vô cùng vĩ đại đáng được ca ngợi.

Các bạn hãy để ý rằng câu thành ngữ đã xuất hiện từ rất lâu rồi, thời mà ông bà chúng ta vẫn còn phải ăn khoai sắn thay cơm. Thời ấy mà nuôi được một con gà thì quả thực không hề dễ dàng.

Ấy thế mà nhân vật trong câu thành ngữ lại sẵn sàng hi sinh con gà duy nhất của mình để cứu sống con rắn xa lạ, thậm chí còn có thể là kẻ thù của mình. Hình ảnh này không khỏi làm Du nhớ đến điển cố "Phật tổ cắt thịt nuôi chim ưng" đã thành kinh điển của đạo phật.

Cho nên Du dám khẳng định nhân vật chính trong câu thành ngữ không chỉ là một người dũng cảm mà còn là một người rất từ bi, thương người với một tấm lòng bao dung, sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác.

Thế là sau một hồi phân tích chuyên sâu, cuối cùng Du cũng nhận ra được hàm ý thật sự của câu thành ngữ: "Cõng rắn, cắn gà nhà" là để tuyên dương những con người từ bi, dũng cảm, trọng tình, trọng nghĩa đồng thời khuyến khích chúng ta phải biết hi sinh lợi ích của mình để giúp đỡ người khác đặc biệt là những người khó khăn giống như con rắn trong câu thành ngữ trên.

Vì vậy sau này nếu bạn gặp được ai đang hi sinh lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác thì bạn hãy khen anh ta là đang cõng rắn cắn gà nhà nhé. Chắc chắn anh ta sẽ rất vui cho mà xem.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.