Tây Sơn Hành Trình Vượt Thời Gian

Chương 82: Lưỡng đầu thọ địch




Ở mặt Nam, sau khi tin tức Thế Tử Nguyễn Phúc Dương bị quân Tây Sơn bắt đi. Tướng của chúa Nguyễn là Tống Phúc Hiệp đem quân đánh mạnh lên vùng phía bắc (Phú Yên). Quân Tây Sơn ở Phú Yên do đô đốc Nguyễn Văn Lộc và đề đốc Lê Văn Hưng không cản nổi phải rút quân lui về lại Quy Nhơn. Tống Phúc Hiệp chia quân ra cho quân bộ thì đóng tại núi Xuân Ðài thuộc Ðồng Xuân, quân thủy thì đóng ở đầm Lãnh Úc nằm phía đông nam Ðồng Xuân. Rồi đưa thư ra Quy Nhơn đòi Tây Sơn Vương trả Ðông Cung Nguyễn Phúc Dương.

Nguyễn Nhạc nhận được tin tức từ Quy Nhơn về việc quân triều đình nhà Nguyễn đang tấn công lên, muốn Tây Sơn thả Thế Tử Dương ra. Nhạc bèn viết thư gửi đến Tống Phúc Hiệp, nội dung thư như sau:
''Quân Tây Sơn không bắt hoàng tôn Dương làm tù binh, mà đang giải cứu hoàng tôn ra khỏi hố lửa. Nghĩa quân lấy danh phò tá hoàng tôn Dương làm cờ hiệu thì sao có thể dám làm điều mạo phạm với ngài. Nhiều kẻ ganh ghét, muốn hãm hại chia rẽ nên mới phao tin nói lời xằng bậy, mong tướng quân có thể sáng suốt nhìn ra.

Triều đình hủ bại, lấy kẻ không thuộc dòng chính thống mà lập lên làm vua, lấy kẻ gian thần, lộng quyền mà cho làm Quốc phó, khiến cho trăm họ phải lầm than, con dân trong thiên hạ như bị nướng trên ngọn lửa hung tàn. Tây Sơn nổi dậy chính là để phò tá hoàng tôn Dương về lại ngai chủ, cứu vớt trăm họ ra khỏi chốn lầm than. Thế tử là người đức độ, lại có trí tuệ hơn người, nếu như có thể ngồi lên được ngai vàng ắt sẽ trở thành bậc minh quân, lòng dân quy thuận, sĩ phu ra sức.

Tướng quân là bậc kỳ tài trăm năm hiếm gặp lại vì lầm đường lạc lối mà ra sức cho bọn loạn thần tặc tử, giả như một mai xuống dưới hoàng tuyền thì ăn nói ra sao với tổ tiên gia phả. Nếu như tướng quân có thể quay đầu trở lại, đi theo con đường sáng, Nhạc tôi tình nguyện làm tỳ tướng theo hầu, quyết tâm phò tá triều đình dựng lại nghiệp lớn.

Hiện nay, Thế Tử đang được bảo vệ chu toàn, Nhạc tôi nhiều lần xin Thế Tử lên ngôi vương nhưng ngài đều chối từ, tôi chỉ hận mình là thân áo vải không thể lay chuyển được ngài. Chỉ cần có được lời khuyên nhủ từ tướng quân, ắt Thế Tử có thể hồi tâm mà chuyển ý. Quân Trịnh đang thế công mãnh liệt vào nam, nghĩa quân mấy phen ra sức ngăn cản nhưng đều thất bại tan tác. Chúa Trịnh mang dã tâm hòng muốn diệt cơ đồ triều Nguyễn, vận nước đang lâm nguy trong sớm tối. Kính mong tướng quân vì giang sơn xã tắc, vì lê dân bá tánh mà bỏ tối theo sáng, phò tá đúng người''.

Thư được gửi đi, Nhạc cũng cho người phao tin rằng: Tây Sơn Vương muốn tôn Thế Tử Nguyễn Phúc Dương lên ngôi vua nhưng bị Thế Tử từ chối.

Tin đồn lan truyền khắp nơi làm cho một số tướng lĩnh bắt đầu tỏ thái độ chán ghét, muốn bỏ Tây Sơn mà vào nam đầu quân cho chúa Nguyễn.

Tống Phúc Hiệp nhận được thư của Nhạc thì lưỡng lự không quyết được. Việc Định Vương được đưa lên làm vua quả thật không được chính thống, nhà vua nhu nhược khiến cho cơ nghiệp mấy trăm năm của nhà Nguyễn phải đổ vỡ, lòng dân oán hận, sĩ phu căm phẫn. Nhưng phận là thần tử thì sao có thể cùng phe với bọn giặc cỏ làm loạn. Do vậy, cánh quân của Hiệp không tiến lên nữa mà án binh bất động.

Quân Trịnh phía bắc thì tiến xuống Hội An cướp phá, nhiều thương nhân trong và ngoài nước nhận được tin báo của Tây Sơn nên phần lớn đã mang theo của cải, lương thực chạy vào lũy Bến Ván với sự hỗ trợ hết mình của vệ quân và quân tạm của Tây Sơn.

Binh lính được giao nhiệm vụ bảo vệ Hội An trong thời gian thiết lập các dịch trạm, hải quan đã thực hiện theo chính sách do Tây Sơn đề ra, chiêu mộ quân dân từ địa phương (quân tạm) làm các nhiệm vụ liên lạc, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, tuần tra canh phòng. Do đó, tuy rằng đội quân này khả năng chiến đấu kém nhưng lực lượng đông đảo có thể nhanh chóng hỗ trợ cho các thương nhân, tài chủ tổ chức di dời nơi ở, tài sản rút đi nơi khác. Quân Trịnh đến nơi cướp bóc được rất ít tài vật và lương thực nên đã rất tức giận, ra lệnh đốt phá khắp nơi, phá hủy gần hết các cơ sở hạ tầng nơi này.

Tin tức truyền về Mỹ Thị, Nhạc liền triệu tập các tướng lĩnh nghị sự

''Nay nghĩa quân chúng ta đang lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch, bắc có quân Trịnh tiến công, nam có quân Nguyễn dồn ép khiến cho địa bàn hoạt động của nghĩa quân chúng ta đang dần co cụm lại. Nếu như tình hình này tiếp tục phát triển e là quân Tây Sơn lâm nguy. Theo như các vị chúng ta nên làm gì để thoát khỏi tình cảnh này'' Nhạc lên tiếng hỏi

Đô đốc Phạm Văn Tham lên tiếng: ''Bẩm trại chủ, nếu như muốn thoát khỏi tình trạng này thì chúng ta phải nghị hòa với một bên, tập trung lực lượng để đối phó với bên còn lại mới mong cứu vãn được tình thế''

Tú cũng tham gia vào: ''Đối với quân nhà Nguyễn, chúng ta khó có thể nghị hòa được, bởi lẽ quân ta nhiều phen tấn công, kết thù với chúng đã sâu, chuyện nghị hòa là không thể''

Tham mỉm cười gật gù: ''Đúng vậy, chúng ta chỉ có thể nghị hòa ở mặt bắc với quân Trịnh, sau đó cho quân tấn công mặt nam để thoát khỏi tình thế lưỡng đầu thọ địch, khi mặt nam được giải quyết, binh lực chúng ta đủ mạnh thì mới có thể tính tới việc đối đầu với quân Trịnh''

Đợi cho Tham nói xong Nhạc mới lên tiếng:
''Việc này ta từng nghĩ qua, thậm chí ta cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị, phía Quy Nhơn ta đã lệnh cho em ta là Nguyễn Huệ chuẩn bị sẵn sàng binh lực để tấn công Tống Phúc Hiệp. Để cho hắn ta lơ là phòng bị ta còn gửi thư giả như quy thuận làm cho hắn phải chần chừ chậm tiến quân. Còn về mặt bắc, muốn nghị hòa với quân Trịnh cũng không dễ dàng, kế sách mang vàng bạc của cải hối lộ cho tướng cầm quân là Hoàng Ngũ Phúc không thể làm được, sách lược đó triều đình nhà Nguyễn đã làm qua nhưng không thành công, chúng ta có làm theo thì kết quả vẫn không thay đổi được''

Lân đứng lên chắp tay nói: ''Bẩm trại chủ, chúng ta có thể nghị hòa với quân Trịnh được, chỉ là trại chủ phải chấp nhận hạ mình''

Nhạc nghe thấy thế thì hỏi lại ngay: ''Lời đô đốc có ý gì, cứ nói rõ ra, chỉ cần có lợi cho nghĩa quân thì dù ta có luồng cúi, ta cũng vui lòng mà làm''

Lân đáp: ''Trước tiên, chúng ta cho quân Trịnh thấy được muốn nhanh chóng diệt được nghĩa quân Tây Sơn là chuyện không dễ dàng. Sau đó chúng ta cho người đến xin hàng với quân Trịnh, tình nguyện làm quân tiên phong đi đánh quân triều đình nhà Nguyễn. Đồng thời mang thật nhiều vàng bạc, châu báo, lương thực đến cho quân Trịnh tỏ rõ thành ý đầu hàng. Hoàng Ngũ Phúc ắt sẽ bằng lòng cho quân ta quy thuận''

Đào Văn Hổ khó chịu ra mặt: ''Có lý nào như vậy, phao tin hàng phía nam rồi lại lê gối hàng phía bắc, như vậy thì chúng tướng sĩ sẽ còn ai dám theo, còn đâu sĩ khí, còn đâu tín nghĩa''

Lân cười nói:''Anh hùng phải biết thời thế, co được thì dãn được, mọi việc lấy đại sự mà làm trọng, ẩn nhẫn chờ thời cơ để quật khởi chứ có lẽ đâu là hèn nhát. Có dũng mà không có mưu, lấy sự ngoan cố mà cho là trung trinh thì chỉ là kẻ thất phu vô năng. Quá trình không nói lên được điều gì, chỉ có kết quả mới là điều quyết định. Kẻ chiến thắng cuối cùng mới là kẻ mạnh. Lịch sử không dành cho những kẻ thất bại''

Đào Văn Hổ bị nói cho đỏ mặt tía tai, đang muốn gân cổ lên cãi lại thì Nhạc phất tay ra hiệu cho Hổ im lặng, sau đó nói:
''Lời đô đốc nói rất hợp ý ta. Trong tình thế này thì chỉ có thể làm như vậy. Đô đốc Hổ là người xưa nay ngay thẳng, nên đôi khi việc chủ tướng của mình phải cúi đầu trước kẻ khác làm cho đô đốc cảm thấy uất hận, nhưng chúng ta là người làm đại sự, không nên quá cứng nhắc, phải biết nhẫn khi cần''

Hổ lúc này mới bình tĩnh lại, chắp tay cúi người với Nhạc: ''Mạc tướng xin nghe theo lời dạy bảo của trại chủ''

Trong lòng Lân muốn chửi thề [cái đậu xanh rau muống nhà nó, mình nói quá trời, phân tích rõ ràng nó méo muốn hiểu, chỉ muốn cãi tới cùng, còn trại chủ chỉ cần nói vài lời là nó ngoan như cún liền]

Khi mọi người bình ổn trở lại thì Huy Đống mới góp lời: ''Bẩm trại chủ, các vị đô đốc, theo như tin tức truyền về từ Hội An thì quân Trịnh không cướp được gì nhiều, mà sự việc này là do chúng ta đã gây ra. Quân Trịnh tấn công sang đây là chuyện sớm muộn, nhưng do chúng ta phá hỏng đi đại sự của chúng nên ắt hẳn quân Trịnh sẽ càng nhanh chóng tiến quân để tiêu diệt chúng ta. Nếu như thuộc hạ đoán không sai thì quân Trịnh trong ba ngày nữa sẽ tấn công thành Mỹ Thị''

Không khí buổi nghị sự trầm xuống, trong lòng mỗi người đều biết rõ, chuyện quân của Hoàng Ngũ Phúc sẽ tấn công thành là chuyện sớm muộn nhưng khi nhắc đến thì ai nấy đều có chút hoang mang, lo lắng. Những tướng lĩnh tham gia trận Cẩm Sa vừa rồi vẫn còn ám ảnh trước sức mạnh của quân Trịnh.

Lý Tài lên tiếng phá vỡ đi không khí nặng nề: ''Nơi đây có thành trì kiên cố bảo vệ, còn có sự yểm trợ của các phòng tuyến, chúng ta không thể tấn công nhưng cố thủ thì quân của tên hoạn quan kia cũng chẳng thể nào phá nổi''

Mọi người nghĩ lại, thấy lời này quả thật có đạo lý. Lân đô đốc cho xây dựng rất nhiều chướng ngại vật, lại bố trí nhiều phòng tuyến kỳ quái, trông rất lợi hại. Muốn công phá cũng không phải là chuyện dễ

Hai ngày sau, có quân hỏa tốc từ các tiêu được phái ra chạy về cấp báo:
''Bẩm trại chủ, quân địch đã bắt đầu hành quân tiến về Hòa Vang''


Truyện bạn đọc đã hết rồi, nhưng đừng bỏ qua bộ truyện về bóng đá Việt Nam hot nhất hiện nay, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những sự kiện lịch sử, những con người huyền thoại, và hơn hết, là tình yêu bóng đá mãnh liệt được hun đúc thông qua những bước tiến của nhân vật chính. Xin mời các bạn cùng đến với
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.