*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Hai nhà khen ngợi lẫn nhau.
Cha mẹ nhà họ Phương đều nói con dâu rất tốt, đồng thời ngỏ ý cám ơn ông bà thông gia vì đã dạy dỗ ra một đứa con tốt như vậy, mà cha mẹ nhà họ Phí cũng khen con rể không ngớt miệng.
Khi khen người nhà mẹ Phí có sở thích mượn lời người khác, bà không nói con rể của mình tốt đẹp thế nào, mà toàn bảo những người khác đều ghen tị với bà vì có một cậu con rể tốt như thế. Để chứng minh cho cách nói của bạn già, cha Phí còn nêu ra nhiều nhiều ví dụ, chẳng hạn như khi Phương Mục Dương giúp nhà họ dựng lều chống dư chấn, không chỉ giúp mỗi gia đình bên vợ mà còn giúp cả hàng xóm xung quanh. Chuyện này ông Phương chưa từng nghe con trai nhắc đến, giờ biết được qua miệng của thông gia thì liền cảm thấy thằng bé rất giống với mình, vừa khiêm tốn vừa trượng nghĩa, thích giúp đỡ người khác, tác dụng của gen di truyền quả nhiên mạnh mẽ khôn tả. Lúc này ông Phương cũng coi Phương Mục Dương như tài sản riêng của mình, trực tiếp thay con trai tỏ ra khiêm tốn, nói những chuyện đó đều không có gì đáng kể, toàn là chuyện nó nên làm, gia phong nhà họ vốn là như thế.
Cha Phí lại khen Phương Mục Dương vẽ đẹp, năm “con dơi”(1) treo ở cửa phòng khách cũng là Phương Mục Dương vẽ, khách đến nhà ai thấy cũng khen. Đối diện với năm “con dơi” ở cửa chính là bức vẽ “hồng hồng” như ý(2), cũng là tác phẩm của Phương Mục Dương. Ông Phương nhìn hai bức tranh vẽ năm con dơi cùng với với một đống quả hồng, thở dài thườn thượt. Với tiêu chuẩn của ông Phương, hai bức tranh này đương nhiên không lọt nổi vào mắt ông, nghịch tử đúng là mất hết mặt mũi trước mặt cha vợ mất rồi. Ông thầm mắng con trai không biết cố gắng trong lòng. Năm xưa nghịch tử phá hỏng hết tường trong nhà, ông không còn cách nào khác nên đành phải mời cho nó một vị thầy giáo đến từ Quốc họa viện, để sau này nó có bôi bẩn tường thì cũng bôi đẹp hơn một tí. Thế nhưng học tranh truyền thống chưa được bao lâu, nó đã tự chuyển sang tranh sơn dầu. Nếu nó chịu khó học lâu hơn một chút nữa thì đã chẳng đến mức vẽ vời tệ lậu như vậy.
(1) Chữ “dơi” (蝠 – fú) đồng âm với chữ “phúc” (福– fú). Năm con dơi tượng trưng cho ngũ phúc trong “Kinh Thư” của Khổng Tử, bao gồm: trường thọ; phú quý; khang ninh (thân thể khỏe mạnh, tinh thần yên ổn); hiếu đức (tính cách thiện lương, điềm tĩnh); và thiện chung (ra đi nhẹ nhàng, có thể tiên liệu cái chết của mình).
(2) Chữ “hồng” (柿 – shì) đồng âm với chữ “sự” (事 – shì). “Hồng hồng như ý” là cách chơi chữ của “sự sự như ý”, tức là vạn sự như ý, cho nên quả hồng cũng được coi như điềm lành vào đầu năm mới.
Ông vừa bỏ tiền, vừa nợ ân tình người khác để con trai học vẽ tranh. Vậy mà ngày Tết đến, ông không thèm chê nó vẽ xấu thì chớ, bảo nó vẽ hộ mình mấy cái thiệp chúc Tết thôi mà nó cũng nhất định không đồng ý, khăng khăng đòi mua giày trượt băng mới cùng ăn cơm Tây một bữa thì mới chịu cầm bút lên. Ông không quen với tật xấu của con trai mình, vì muốn cho thằng nhóc biết thế giới này không vận hành theo ý muốn của nó nên mua mỗi giày trượt băng, không cho nó đi ăn cơm Tây mà chỉ đến nhà hàng Trung Quốc. Sau đó ông lại cảm thấy cách giáo dục của mình chưa đủ nghiêm khắc, vì muốn con trai biết tự thỏa mãn nên đã đưa nó đi học nội trú ở trường, không cho về nhà ăn cơm. Sau khi trải nghiệm phương pháp giáo dục đó một thời gian, nghịch tử cũng trở nên ngoan ngoãn hơn, không yêu cầu bậy bạ nữa, thậm chí còn chủ động tỏ ý giúp ông vẽ thiệp chúc Tết. Ông Phương cảm thấy cách dạy dỗ mới của mình đã có tác dụng, hỏi nghịch tử có muốn phần thưởng gì không, nghịch tử nói không cần phần thưởng, được vẽ tranh cho cha là đủ rồi. Ông Phương cực kỳ vui mừng, vì muốn khen thưởng con trai nên đã dẫn nó tới tiệm cơm Tây ăn một bữa no nê, còn tặng cho nó một cây đàn tốt.
Đã bao nhiêu năm trôi qua, vậy mà so với đống thiệp chúc Tết ông đang giữ kia, những bức tranh này chẳng có tiến bộ gì đáng kể. Nó không học được cách vẽ sao cho tốt hơn, chỉ học thêm được mấy trò khôn vặt. Tranh truyền thống vẽ xấu thì thôi đi, lại còn không chịu giấu dốt, không biết xấu hổ mà treo thành phẩm tệ hại của mình lên trước phòng khách kiêm phòng ngủ nhà người ta.
Nếu những bức tranh trước kia ông sưu tập vẫn còn thì ông nhất định sẽ tặng cho thông gia hai bức, đổi tranh của con trai về. Treo ở nhà mình, có mất mặt thì cũng không sao.
Song hiện tại tất cả tranh vẽ ông có đều đã thất lạc, trước mắt chỉ còn mỗi cách lấp li3m khuyết điểm thay nó: “Từ nhỏ nó đã học tranh sơn dầu, tranh Trung Quốc vẽ không đẹp lắm.”
Mẹ Phí nói: “Tôi chẳng hiểu tranh Trung Quốc với tranh nước ngoài có gì khác nhau, nhưng cứ nhìn mấy bức tranh này là tôi lại thấy vui vẻ.”
Ông Phương rất hài lòng với nhà thông gia, nhưng đồng thời ông cũng nhìn ra gia đình này không giàu có. Nhà thông gia đã về hưu, chỉ ở nhà lĩnh chút lương hưu ít ỏi, vất vả lắm mới dành dụm được một phần hồi môn cho con gái, cuối cùng lại bị nghịch tử dụ tiêu hết lên người nó, không chỉ tiêu lên người nó mà còn tiêu cả lên người mình, thật là nực cười biết mấy. Hồi trẻ dù có tiêu xài hoang phí đến cỡ nào thì ông cũng chỉ dùng tiền trong nhà, sau đó tuy có những lúc vì việc nghĩa mà phải ngửa tay xin gia đình, nhưng ông cũng chỉ xin mỗi cha ruột và ông nội, chưa từng nhăm nhe của nả nhà cha mẹ vợ bao giờ, cho dù bọn họ có giàu nứt đố đổ vách. Cái thằng nghịch tử này, không biết học từ ai nữa. Ông vừa cảm thấy buồn cười, lại vừa thấy nghịch tử hiếu thảo đáng khen, dù sao thì nó lấy tiền cũng để mua thêm đồ cho cha mẹ.
Gia đình thông gia càng không dư dả, ông Phương lại càng cảm thấy lấn cấn. Bởi vì lấn cấn, ông càng khách sáo với họ, biết người ta cố ý chuẩn bị đồ ăn mời mình thì liền liên mồm khen ngợi, ngay cả dưa hấu cũng khen ngon hơn dưa hấu mình mua.
Sau khi khen nhau một hồi thì cũng đã gần tới giờ cơm trưa, ông Phương đề nghị cả nhà ra ngoài tiệm cơm dùng bữa.
Hai chiếc ô tô taxi Phương Mục Dương đã sớm sắp xếp xong xuôi, cha mẹ và cha mẹ vợ ngồi chung một chiếc, anh chị ngồi một chiếc, còn anh với Phí Nghê thì sẽ không chen chúc lên đó, hai người bọn họ tự đạp xe đến tiệm ăn.
Phương Mục Dương vừa nói xong, mọi người chưa kịp từ chối thì Phí Nghê đã nhảy lên sau xe anh. Phí Nghê vẫn nhớ khi còn nhỏ cô từng ngồi xe từ nhà bà ngoại Phương Mục Dương về nhà mình, thân của chiếc xe ngày đó còn dài hơn cả hai chiếc xe hôm nay.
Phương Mục Dương đạp xe theo sau, tuy tốc độ không hề chậm nhưng vẫn bị ô tô bỏ lại.
“Hôm trước ông già nhà anh biết chuyện anh đạp xe đạp của em, nói nhất định phải mua cho anh một cái xe mới. Nhưng anh đã bảo là không cần mua xe rồi, cứ trực tiếp đưa tiền cho anh là được. Nếu như anh mua xe mới, ai sẽ làm tài xế chuyên dụng cho em đây?”
“Vị tài xế này, anh có thể đạp nhanh hơn một chút được không?”
“Tuân lệnh.”
Phí Nghê bật cười, cô bàn bạc chuyện đổi nhà với Phương Mục Dương: “Gia đình em chẳng ai đồng ý đổi nhà cả, anh xem phải làm thế nào bây giờ?”
Nói là không đồng ý đổi nhà, thực ra là không đồng ý cho bọn họ đi thuê nhà.
“Em muốn đổi nhà lắm hả?”
“Không phải anh cũng muốn chuyển ra ngoài ở sao?”
“Anh đúng thật là muốn chuyển, nhưng em cứ vội vã như thế, chúng ta sẽ ở chỗ nào?” Anh đã sớm tính xong chuyện ra ngoài thuê nhà, nhưng anh không ngờ Phí Nghê lại sấm rền gió cuốn như vậy, hôm trước anh vừa mới nêu ý kiến, hôm sau cô đã đòi đổi nhà luôn.
Phí Nghê cũng cười: “Anh đừng có giả vờ, em thừa hiểu anh ấy chứ. Anh chắc chắn đã đi xem mấy cái nhà, có khi còn quyết xong rồi cũng nên.”
Anh quả thật đã đi xem mấy căn nhà, hơn nữa còn xác định được ngôi nhà nào họ sẽ thuê, tuy nhiên ngôi nhà ấy lại không thể vào ở ngay được.
Ngôi nhà mà anh chọn là một ngôi nhà có ba gian phòng nhỏ, tuy không phải là biệt viện nhưng cũng có nguyệt môn(3), cũng tạm xem như ngăn cách với thế giới bên ngoài. Chủ nhà đã đồng ý để anh phá cái nguyệt môn này, trổ một cái cửa nhỏ ở phía đông, hơn nữa cũng sẵn lòng cho anh thuê nhà dài hạn. Bọn họ là một đôi vợ chồng già, mới lấy lại quyền sở hữu ngôi nhà chưa lâu, mà gia đình sống trong nguyệt môn cũng phải đợi một tháng nữa mới dọn vào căn nhà mới mà Cục Quản lý Bất động sản tìm cho được. Hơn nữa cho dù người bên trong có rời đi, anh cũng không thể lập tức chuyển vào ở, bởi vì ngôi nhà kia quả thực có mấy khuyết điểm giống như Lâm Mai đã nói, cần phải được cải tạo lại.
(3) Nguyệt môn (cổng mặt trăng): Lối đi hình tròn dành cho người đi bộ, một đặc trưng trong kiến trúc Trung Quốc.
Phí Nghê muốn đổi nhà gấp như thế, chỗ ở kế tiếp của họ chính là một vấn đề.
Phương Mục Dương cười: “Sao em lại hiểu anh thế nhỉ? Anh đã lựa được một nơi để ở, nhưng không mấy phù hợp với yêu cầu của em, không chỉ nhiều hơn em cần một gian phòng mà còn đắt hơn hai tệ. Nhưng nếu cha mẹ và anh chị em nhìn thấy căn nhà đó, họ sẽ bằng lòng cho chúng ta đến ở thôi.”
Phương Mục Dương mô tả sơ qua căn nhà, đồng thời cũng nêu rõ tiền thuê nhà.
“Rẻ như vậy á? Anh lại lừa em chứ gì?”
“Chủ nhà muốn tìm người trung thực, đáng tin cậy để cho thuê, gặp được người đánng tin cậy thì cho thuê rẻ một tí cũng được.”
“Anh mà trung thực đáng tin cậy à?”
“Không phải là vì anh trung thực đáng tin cậy nên em mới lấy anh sao? Còn chuyện anh có lừa em hay không, đến lúc đó em xem hợp đồng thuê nhà là biết. Chỉ có điều, phải hơn tháng nữa căn nhà này mới để trống. Nếu như em không muốn anh lại đi tìm thêm xem, nhưng mà căn nhà thích hợp như thế chắc là không thể nào tìm thấy trong một sớm một chiều, mà cho dù có tìm thấy thì cũng chưa chắc có thể dọn vào ngay được.”
“Nhưng em thấy người muốn đổi nhà sốt ruột lắm, chắc họ sẽ không cho chúng ta nhiều thời gian đâu.”
“Nếu như thật sự không được thì mình qua nhà cha mẹ anh ở tạm mấy ngày. Khi nào nhà bên kia sẵn sàng, chúng ta lại chuyển ra là được.”
“Cứ chuyển vào chuyển ra như thế có được không?”
“Mẹ anh chắc chắn sẽ hiểu thôi. Còn cha anh ấy à, hiện tại ông ấy không có việc làm, muốn chứng minh sự tồn tại của mình nên chỉ ước gì anh vào ở để dạy dỗ thôi. Đến khi nào ông ấy có việc làm trở lại, người thăm hỏi đạp vỡ cả ngạch cửa để chen vào nhà, kiểu gì cũng sẽ chê anh phiền phức cho xem. Khi ấy chúng ta lại dọn ra ngoài. Anh không ở nữa, cũng tương đương với làm được một việc thiện, ông ấy sẽ thấy biết ơn anh lắm.”
Phải đến lúc vào thăm nhà mới của thông gia, mẹ Phí mới chính thức ý thức được sự chênh lệch giữa hai gia đình. Thuê xe đương nhiên là đắt, nhưng với một người hấp tấp ra chợ bán hàng như bà, nếu thật sự quyết tâm thổi phồng con cái thì món tiền kia cũng không phải không thể chi. Nhưng nhà ở thì quả thật là không thể.
Chỉ riêng cái phòng khách nhà người ta đã to bằng cả gian nhà của mình. Phòng bếp cũng không hề nhỏ, thậm chí còn ngăn ra được một không gian để ngồi ăn.
Mẹ Phí tuy âm thầm kinh ngạc trong lòng, nhưng ngoài mặt vẫn không tỏ ra quá mức sửng sốt, chỉ khéo léo khen căn nhà này tầng đẹp mà hướng cũng tốt. Điều khiến cho bà vui vẻ chính là, bên thông gia cũng không hề vì mình được ở nhà tốt mà kiêu căng một chút nào.
Ông Phương rất tự hào về tài văn chương của mình, nhưng bị người ta phê phán là kẻ vô dụng ngần ấy năm, hiện tại cũng cảm thấy một văn nhân vô dụng như ông không xứng đáng được ở căn nhà to thế này. Thế nên ông chỉ nói căn nhà này vốn là phân cho vợ ông, ông chẳng qua là hưởng ké chút phúc của bà mà thôi. Mười mấy năm trước, ông không hề cảm thấy nhà mình rộng rãi, chẳng qua chỉ là đủ ở. Nhưng sau nhiều năm cải tạo trong xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp, ông bây giờ đã học được thế nào là biết đủ.Bonus