Kết hôn được năm năm, sự nghiệp gặp chút sóng gió.
Năm ấy, trí tuệ nhân tạo bắt đầu phát triển nhanh chóng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm phân bố giao thông, chăm sóc y tế, thông tin liên lạc và sản xuất. Bắt đầu xuất hiện một làn sóng chống AI trong xã hội. Người ta kháo nhau rằng sự phát triển của AI gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích, nếu để nó tự do phát triển trong một thời gian dài, robot sẽ tấn công con người, gây ra tai họa thảm khốc.
Có một nhóm nhỏ đã khởi xướng phong trào công kích ngành AI, và kho nhân tài AI của Đông Dương – Khởi Huệ chính là mục tiêu đầu tiên.
Hàn Đình không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc này.
Thay vào đó, chủ tịch kho nhân tài AI Đông Dương – Khởi Huệ đã tung ra một bài báo trên mạng xã hội về kỷ nguyên động cơ hơi nước hàng trăm năm trước, khi mọi người cũng coi máy móc và xe lửa như lũ lụt và quái thú, tưởng rằng chúng sẽ nhấn chìm con người. Ngày nay, chúng cũng chỉ là công cụ để mọi người nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nguồn gốc của nỗi sợ hãi nằm ở sự thiếu hiểu biết. Khi mọi người hiểu về phương thức vận hành của trí tuệ nhân tạo, họ sẽ không còn sợ hãi mà sẽ ngạc nhiên trước sự vĩ đại của trí tuệ con người. Điều trí tuệ nhân tạo mang đến cho xã hội sẽ là động lực mạnh mẽ về năng suất, là một cuộc cách mạng của cả thời đại.
Hôm đó, lúc ăn tối tại nhà, Kỷ Tinh đột nhiên hỏi Hàn Đình: “Theo anh, nếu sau này có một Dr. Cloud thực sự có thể khám và chẩn đoán cho bệnh nhân giống như một bác sĩ thực thụ, liệu nó có gây hại cho con người không?”
Hàn Đình hỏi ngược lại: “Em cảm thấy trong số các bác sĩ sẽ không có ai làm hại người khác ư?”
Kỷ Tinh không trả lời được, cô lại hỏi: “Chúng mình làm việc trong ngành này lâu vậy rồi, dường như chỉ nghĩ đến ưu điểm của nó chứ chưa từng nghĩ đến những hiểm họa tiềm tàng. Anh đã bao giờ hình dung đến ngày AI phát triển ở mức cao chưa? Trí tuệ nhân tạo sẽ thực sự giống hệt con người, thậm chí ưu việt hơn con người, khi đó, liệu chúng có trở thành một giống loài mới không?”
Hàn Đình đáp: “Anh tin vào trí tuệ của con người. Con người đủ khả năng kiểm soát tất cả những điều này”.
Kỷ Tinh trầm tư.
Nhưng Hàn Đình lại nói tiếp: “Nếu thực sự xảy ra tình huống mà em nói, không thể kiểm soát được tình hình. AI đã trở thành một giống loài mới, anh cảm thấy rằng có khả năng các bên sẽ chung sống hòa bình. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, một giống loài mới, một hình thức sự sống mới thay thế cho con người, thì đó là sự tiếp nối và tiến hóa của cuộc sống. Tiến trình lịch sử là như vậy, không ai có thể thay đổi.”
Kỷ Tinh ngẫm nghĩ thì thấy cũng phải, huống hồ, đó là chuyện của rất nhiều năm về sau.
Cô chợt nảy ra một suy nghĩ kì lạ: “Nếu sau này xuất hiện một giống loài mới với trí tuệ ở một bậc cao hơn, thì có lẽ cũng rất tuyệt anh nhỉ. Ôi, anh có muốn được thấy ngày đó không?”
Hàn Đình đáp: “Trước kia cảm thấy sao cũng được, giờ thì không muốn”.
Kỷ Tinh hỏi: “Tại sao?”
Hàn Đình không trả lời, anh gắp một miếng cá vào bát con trai.
Em bé hơn hai tuổi, ngồi nghiêm chỉnh trên ghế ăn trẻ em, cầm thìa xúc cơm. Ăn được một nửa thì thấy mặt hơi ngứa, bèn đưa bàn tay nhỏ bé lên gãi mặt. Thì ra trên đó dính mấy hạt cơm. Cậu bé nhìn một lát rồi nhét những hạt cơm ấy vào miệng.
Kỷ Tinh chợt hiểu, khẽ mỉm cười.
“Bố ơi, bố mẹ đang nói chuyện gì thế?” Em bé rất chăm chú lắng nghe bố mẹ nói chuyện, xoay đầu nhìn ngang nhìn dọc, nhưng bộ não của cậu bé vẫn chưa thể xử lý những từ ngữ mới lạ kia.
“Khi nào lớn lên, con sẽ hiểu.” Hàn Đình xoa đầu cậu.
“Vâng…” Em bé xúc miếng cá lên, nhai rau ráu, mỡ dính đầy miệng. Cậu túm lấy chiếc khăn ăn in hình Doraemon trên cổ, lau miệng.
Kỷ Tinh nói: “Từ bé đã mắc bệnh ưa sạch sẽ rồi, là bắt chước anh đấy”.
Hàn Đình bảo: “Chẳng phải sẽ bớt lo sao”.
Em bé hỏi: “Mẹ ơi, bệnh ưa sạch sẽ là gì?”
Kỷ Tinh bật cười: “Con đúng là một đứa trẻ hay tò mò. Bệnh ưa sạch sẽ nghĩa là cực kì thích sự sạch sẽ”.
“Vâng…” Em bé vươn cổ, đôi mắt đen láy nhìn mặt bàn, ngón tay nhỏ khẽ chỉ: “Bố ơi, con muốn ăn bông hoa”.
Hàn Đình gắp một miếng bông cải xanh cho cậu.
Kỷ Tinh bảo: “Con học giọng Bắc Kinh của anh kìa”.
Hàn Đình nói: “Con trai anh, không học theo anh thì học theo ai?” Rồi anh chợt liếc sang cô, anh nói: “Em học cùng bé Sâm đi, anh sẽ dạy em”.
Kỷ Tinh hừ một tiếng: “Còn lâu”.
Hàn Đình hỏi: “Tại sao?”
Kỷ Tinh: “Anh lại còn nói!”.
Hàn Đình cúi đầu cười, không nói nữa.
Tuần trước anh đã trêu chọc cô rồi.
Hôm Thất Tịch, Hàn Đình tặng Kỷ Tinh chiếc đèn ngôi sao, tinh tế mà huyền ảo, buổi tối bật lên, những ngôi sao lấp lánh chuyển động quanh bức tường tựa như trong mơ vậy.
Còn Kỷ Tinh, lúc ấy mới chợt nhớ ra, không có thời gian mua sắm, đành tặng Hàn Đình lọ hoa cô mới học cắm, lại còn mang thẳng từ lớp học cắm hoa về.
Những bông hoa thật sự rất đẹp, hệt như đóa hoa cưới cô cầm trong tay vào ngày cưới của hai người.
Hàn Đình cầm hoa trong tay, ngắm nghía, vờ như không nhận ra thành ý của cô. Anh hỏi: “Em làm riêng cho anh đấy à?”
Kỷ Tinh gật đầu: “Đúng ạ. Nó chứa đựng vô vàn tình cảm của em đấy”.
Hàn Đình nói: “Thế à? Em giải thích cho anh xem tình cảm được đưa vào tác phẩm như thế nào?”
Kỷ Tinh nói: “Anh nhìn bông hoa này mà xem, bông này và chiếc lá ở chỗ này nữa. Chẳng lẽ anh không cảm nhận được tình yêu ngập tràn của người cắm ư? Thấy chưa, vô cùng quý giá đấy.
Hàn Đình nhìn những bông hoa trên tay, chăm chú lắng nghe một tràng những điều vô nghĩa mà cô nói. Rồi anh bảo: “Nhỏ mọn”.
Kỷ Tinh không hiểu: “Sao cơ? Anh nói gì ạ?”. Cô kéo tay anh, truy hỏi, “Ý anh là gì?”
Hàn Đình đáp: “Anh bảo đóa hoa này nhỏ bé dễ thương.”
Kỷ Tinh nghi ngờ: “Thật ư?”
Hàn Đình nói: “Thật mà, trong phương ngữ Bắc Kinh, nhỏ mọn có nghĩa là nhỏ bé dễ thương. Những bông hoa nhỏ mọn, em cũng nhỏ mọn”.
Kỷ Tinh: “… Thế à? Vâng.”
Hôm sau đi làm, Kỷ Tinh gặp Đường Tống, cô hỏi anh chàng: “Đường Tống này, anh có biết từ nhỏ mọn nghĩa là gì không?”
“Nhỏ mọn ư? Biết chứ.” Đường Tống ngơ ngác, “Nghĩa là keo kiệt”.
Kỷ Tinh: “…”
Đường Tống hỏi: “Sao thế? Có người nói gì cô à?”
Kỷ Tinh lắc đầu: “Không. Tôi nghe người ta nói trên đường thôi”. Ra khỏi thang máy, cô nhắn tin cho Hàn Đình:
“Anh mới nhỏ mọn! Cả nhà anh nhỏ mọn!”
Lúc ấy, Hàn Đình đang chuẩn bị họp. Thấy tin nhắn của cô trên điện thoại di động, anh cười khoe hàm răng trắng, nhắn trả lời bằng biểu cảm tròn mắt của bé Sâm.
Biểu cảm đó do chính Kỷ Tinh tạo ra.
Thỉnh thoảng cô lại chụp ảnh và quay video ở nhà, với đủ ý tưởng mới mẻ. Hàn Đình ban đầu không hợp tác lắm, anh luôn vô thức tránh ống kính, về sau, anh cũng quen dần.
Cô còn thích tạo ra các “gói biểu cảm” biến biểu cảm của con thành “mặc kệ anh”, “giận quá”, “bé cưng tủi thân”, “muốn đòi chút tiền”, v.v… còn nhiệt tình ghép ảnh các giai đoạn khác nhau trong thời thơ ấu của Hàn Đình với ảnh của em bé lại với nhau, thêm đủ loại chú thích, như: “Gọi bố!”, “Hình như kiếp trước chúng mình có duyên”, “Thứ lỗi cho bố nói thẳng, bố là bố con!”.
Lần đầu tiên Hàn Đình trông thấy những hình ảnh này là trong lúc tranh thủ trò chuyện với cô giữa giờ làm việc. Nói được nửa chừng cô gửi đến một “biểu cảm”. Anh suýt nữa phun cả ngụm nước ra.
Chỉ có điều, năm năm kết hôn, không tránh khỏi những xích mích nho nhỏ trong cuộc sống. Nhất là sau khi có con, cách dạy con của hai người cũng có những bất đồng.
Hàn Đình trông thì có vẻ chiều bé Sâm, nhưng anh dạy dỗ con rất nghiêm khắc, không hề cẩu thả.
Kỷ Tinh bề ngoài có vẻ không chiều con, dạy đủ thứ quy củ này nọ, nhưng lại dễ mủi lòng, không nỡ nhìn con chịu vất vả.
Khi bé Sâm chưa đầy một tuổi, gia đình họ mời một giáo viên chuyên về giáo dục sớm. Mới đầu bé Sâm sợ người lạ, không chịu chơi cùng, nhưng bé không khóc, chỉ đến khi Kỷ Tinh về đến nhà mới rưng rưng, rơi những giọt nước mắt to tròn như hạt đậu.
Kỷ Tinh nói chuyện này với Hàn Đình, muốn anh cho giáo viên nghỉ.
Không ngờ Hàn Đình lại bảo rằng cô chiều con quá.
Kỷ Tinh nói: “Em chỉ không muốn con phải học quá nhiều thứ từ khi còn quá nhỏ. Trẻ con vui vẻ chơi đùa là được rồi”.
Lúc ấy Hàn Đình đang tháo cà vạt. Nghe vậy, anh ngoái đầu nhìn cô, nghiêm túc nói: “Con anh thì bắt buộc phải học nhiều thứ từ khi còn nhỏ”.
Kỷ Tinh giận anh độc đoán, cãi một câu: “Làm con cái nhà anh thật quá tội nghiệp!”
Không khí bỗng chốc như đóng băng lại.
Hàn Đình nhìn cô một lúc lâu, không nói gì, chiếc cà vạt bị ném vào túi đựng đồ giặt. Anh xoay người ra khỏi phòng thay đồ. Trước khi đi anh nói: “Là con nhà chúng ta”.
Đêm đó, hai người không ai nói với ai câu nào.
Trước khi đi ngủ, Kỷ Tinh quay lưng về phía anh, anh xoay người cô lại và nói: “Chuyện hôm nay có nên giải quyết trong hôm nay không?”
Anh đã xuống nước trước, cô lập tức dịu đi, không làm căng với anh nữa.
Hai người nói về vấn đề giáo dục con cái. Hàn Đình hỏi Kỷ Tinh: “Em có nhớ em từng phàn nàn với anh rằng, do bố mẹ em không ép em tập viết chữ khi còn nhỏ, không ép em học đàn piano. Sau này em rất hâm mộ những cô bạn chơi đàn hay, viết chữ đẹp?”
Kỷ Tinh lặng thinh một lúc lâu, đáp: “Nhưng em không muốn con buồn”.
Hàn Đình nói: “Con buồn không phải vì học, mà là vì cách dạy chưa đúng. Điều chúng mình phải cân nhắc không phải là con không vui thì không bắt con học, mà là tìm cách để con vui vẻ học tập. Đó mới là trách nhiệm của bố mẹ”.
Hai người trò chuyện đến nửa đêm, vấn đề đã được giải quyết hoàn toàn.
Về sau, thỉnh thoảng Kỷ Tinh lại nghĩ về tiêu chuẩn của một người chồng tốt.
Nếu nói rằng người chồng tốt phải dành nhiều thời gian bên ta, rõ ràng Hàn Đình không phải là một người chồng tốt. Nếu nói về phương diện đồng hành về mặt tinh thần, thì chắc chắn anh đạt chuẩn. Cứ cho là anh tốt đi, anh rất bận rộn, thường đi họp suốt, nói anh không tốt, thì anh đi đến đâu cũng đưa cô theo. Nhất là sau khi có con, lúc đi công tác chính là thời gian ngọt ngào thân mật của riêng hai người.
Thỉnh thoảng Kỷ Tinh nghĩ đến chuyện sẽ thế nào nếu ở bên Thiệu Nhất Thần. Có lẽ sẽ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Bởi vì trong cuộc sống và trong gia đình có quá nhiều chuyện nhỏ nhặt và rắc rối, cô không phải là người khéo léo, nhã nhặn. Nhưng Hàn Đình rất bình tĩnh, rất rõ ràng và thường thì ngay khi vấn đề vẫn còn đang manh nha, anh đã tìm ra và giải quyết.
Có lẽ chính vì điều này, cô và anh sẽ luôn hòa hợp. Hòa hợp đến mức kết hôn được gần năm năm mà anh vẫn phải đưa cô đi công tác cùng.
Hồi trước Kỷ Tinh còn lười biếng không muốn đi cùng anh. Sau khi có bé Sâm, lần nào Hàn Đình đi công tác cô cũng hăm hở theo cùng. Đặt chuyện nhà cửa và con cái sang một bên, chỉ có hai người gần gũi, ngọt ngào, tận hưởng thời gian riêng tư hệt như hồi yêu nhau.
Lần ấy họ đến Luân Đôn họp, gặp đúng lúc trời mưa, không thể ra ngoài chơi.
Nhưng hai năm trước, lúc đến Luân Đôn, Kỷ Tinh và Hàn Đình đã dạo chơi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở thành phố này rồi, nên cũng không lấy làm tiếc, đã vậy, lần công tác gần nhất của Hàn Đình đã là ba, bốn tháng trước, hai người đã rất lâu không được ở riêng với nhau.
Tiếng gió tiếng mưa ào ạt, kết quả là ngày nào hai người cũng lăn lộn trên giường khách sạn, ra sức vần vò nhau.
Một tuần sau về nước, Kỷ Tinh lại cảm thấy hơi khang khác, đến bệnh viện khám, bác sĩ bảo:
“Có thai rồi. Sinh đôi.”
Kỷ Tinh: “…”
Cô từng muốn sinh thêm một bé gái, không ngờ lần này lại là một đôi.
Ra khỏi phòng khám, Kỷ Tinh đánh Hàn Đình một cái. Cô nói: “Tại anh đấy!”.
Hàn Đình cũng cảm thấy hơi bất ngờ. Anh bảo: “Không ngờ lại là sinh đôi”.
Cả hai vẫn không hỏi giới tính của hai em bé. Nhưng… tận hai em bé, chắc phải có một đứa là con gái chứ nhỉ.