Chiều ngày hôm đó, Trần Chuẩn và Hứa Tuế ngồi tàu điện về thành phố.
Chuyến đầu tiên nhiều khách, hai người đứng ở vị trí sát cửa lên tàu, sau ba trạm, trên tàu mới có một chỗ trống.
Trần Chuẩn tay đút túi quần, khuỷu tay chạm vào cánh tay Hứa Tuế, hất cầm sang bên đó.
Hứa Tuế xách túi, lặng lẽ ngồi vào chỗ.
Qua thêm vài trạm nữa, hành khách ngồi chỗ bên trái cô xuống xe.
Trần Chuẩn quay đầu nhìn sang chỗ cô, rồi cậu đi đến ngồi vào chỗ đó.
Chỗ này khi nảy có một khách nữ ngồi, giờ đổi thành Trần Chuẩn nên nhìn có hơi chật hẹp, đã vậy cậu cứ ngồi cái tướng banh càng, hai chân mở rất rộng.
Phía còn lại chỗ Hứa Tuế là lan can, cô đã ngồi sát ra ngoài cùng rồi.
Đoàn tàu thì cứ chạy, chân cậu theo đó mà cứ nhẹ nhàng cọ vào phần ngoài đầu gối cô, mặc dù quần áo mùa này mặc đã khá là dày, nhưng cô vẫn cảm nhận được độ ấm từ cậu truyền đến.
Hứa Tuế bực chết đi được, cô vỗ lên đùi cậu một phát: “Cậu ngồi cho đàng hoàng.”
Trần Chuẩn giật mình, ngoan ngoãn ngồi gọn gàng lại.
Một lúc sau, cậu đề nghị: “Tối nay đi ăn chung nhé.”
“Không phải mới ăn hả?”
“Hôm nay chị cũng đi ngủ rồi đó, hôm nay chị không ngủ nữa hả?”
Sau khi trải qua ngày hôm nay thì cho dù người có phản ứng chậm cỡ nào, cũng sẽ phát giác ra ý của Trần Chuẩn.
Đây là tình huống Hứa Tuế sợ sẽ gặp phải nhất, chỉ vì đối phương là Trần Chuẩn.
“Không đi đâu.” Hứa Tuế nói: “Tôi hơi mệt, muốn về nhà nghỉ ngơi.”
Trần Chuẩn cụp mắt nhìn cô, không ép buộc.
Tàu lại đến trạm, có một người khiếm thị lên tàu, có thêm một chú chó dẫn đường dắt đi, ngồi ở ghế trống cạnh Trần Chuẩn.
Một chú chó màu nâu, mặc áo dẫn đường màu đỏ, nằm bò bên cạnh chân của chủ. Cằm của nó đặt sát đất, hướng qua chỗ Trần Chuẩn, cặp mắt đen láy lấp lánh nhìn trái ngó phải, tỉnh thoảng sẽ để lộ tròng trắng cong cong như trăng lưỡi liềm, nhìn vừa ngoan vừa vô tội.
Hứa Tuế rướn cổ nhìn một lúc, không nhịn được vẫy vẫy tay, thử thu hút sự chú ý của nó.
Ai ngờ Trần Chuẩn lại đè tay cô xuống, nắm trong tay mình.
Cậu nhích lại gần cô, nói nhỏ: “Nó đang làm việc, đừng làm phiền.”
“Chọc một chút cũng không được hả?”
Tránh chủ nó nghe thấy, Trần Chuẩn tiếp tục nghiêng người sang Hứa Tuế, nói nhỏ: “Vào lúc nó mặc áo dẫn đường, nó đã bắt đầu vào trạng thái làm việc rồi, vuốt ve, kêu gọi hay là cho ăn đều có khả năng phân tán sự chú ý của nó.”
Lúc nói những lời này, hình như cậu đã quên thả tay cô ra rồi.
Hứa Tuế cảm nhận được độ ấm nơi lòng bàn tay cậu, rút tay ra: “Cái này mà cậu cũng biết à?”
Trần Chuẩn trưng ra biểu cảm “này thì có là gì”, cui đầu, mở lòng bàn tay, ngón tay cái của bàn tay còn lại chậm rãi xoa lòng bàn tay.
Hứa Tuế: “Là Labrador nhỉ.”
“Golden.” Trần Chuẩn nói: “Lông của Labrador ngắn hơn một chút.”
“Nhìn giống lắm.”
“Ừm.”
Cô cúi đầu quan sát chú chó, phát hiện khi có người đi ngang qua, nó sẽ hơi rụt chân lại theo phản xạ, trừng to cặp mắt nhìn người ta đi qua, trong mắt nó có sự hiếu kỳ, cả cảnh giác và nhiều hơn nữa là sự cẩn thận dè dặt.
Hứa Tuế nói: “Nó ngoan quá.”
“Ngoan là trách nhiệm.” Trần Chuẩn không nhịn được cập nhật kiến thức cho cô: “Thường thì chúng nó đều được trải qua huấn luyện và sàng lọc nghiêm khắc ở trường cho chó dẫn đường rồi mới chọn ra, làm ra làm mà chơi ra chơi, nó kính nghiệp lắm đấy.”
Hứa Tuế: “Lần đầu tiên tôi thấy chó dẫn đường đấy.”
“Có nhiều thành phố vẫn chưa cởi mở với chó dẫn đường cho lắm.” Trần Chuẩn nói: “Trong khoảng bảy mươi năm nay nó chưa từng có lịch sử công kích loài người, cho dù như vậy, thì nó vẫn còn đang bị bài xích. Không gian công cộng giành cho nó có hạn, mỗi lần bị đánh đuổi, nó sẽ cảm thấy ấm ức và mất tự tin, năng lực dần dần sẽ bị thụt lùi, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người chủ.”
Thế nên đi đến đâu chó dẫn đường cũng cẩn thận dè dặt, sợ là hành vi nào đó của mình sẽ làm phiền người khác.
Hứa Tuế nói: “Từng đọc báo thấy tài xế xe bus đuổi chó dẫn đường.”
Trần Chuẩn gật đầu, cậu cười hơi trào phúng: “Thế nên khả năng gặp chó dẫn đường bên ngoài rất thấp, hôm nay chúng ta có thể mua vé số đấy.”
Hai người nhỏ nhẹ trò chuyện từ đầu đến cuối, không làm ảnh hưởng đến chó dẫn đường và chủ của nó.
Họ chỉ ngồi qua một chạm.
Khi tàu sắp tới trạm, chú chó đứng dậy trước, dẫn chủ nó đến cửa.
Trạng thái của nó lúc này khác hẳn với khi nảy, nó thẳng lưng, ngẩng đầu, dạt dào tinh thần nhìn thẳng phía trước, khoảnh khắc này, nó đã trở thành đôi mắt cho chủ rồi.
Đấy là trách nhiệm của chó dẫn đường, sinh ra đã được định sẵn sẽ không được thoải mái không cần lo nghĩ như chó cưng ở nhà, cũng không được tự do như những chú chó bên ngoài.
Cả đời ngắn ngủi của nó đều phải cống hiến cho loài người mà nó thì chắc hẳn rất khó để nhận lại được sự báo đáp tương xứng.
Lúc sắp đến nơi, Trần Chuẩn lại đề nghị: “Đến thăm Thụy Thụy không?”
Chú chó Collie Thụy Thụy từ lúc được cứu ra khỏi bãi rác đến nay đã hơn nửa tháng rồi, nó vẫn còn đang ở bệnh viện.
Hứa Tuế hỏi: “Tình hình của nó thế nào rồi?”
“Không rõ nữa, mấy hôm rồi tôi không đến đó.”
Hứa Tuế không tiếp lời, ngón tay của cô vô thức vuốt ve mặt đồng hồ trên cổ tay.
Đợi mãi không thấy cô trả lời, Trần Chuẩn vẫn kiên nhẫn: “Đi không nào? Để tôi hỏi xem ai đang ở bên đó.”
Hứa Tuế nói: “Cậu đi đi, khi nào tôi có thời gian thì nói tiếp.”
Cứ như thế, hai người tạm biệt nhau ở cổng vào trạm, Trần Chuẩn tiếp tục đổi trạm, Hứa Tuế thì ra khỏi chỗ đó.
Cô về đến nhà thì tắm nướ nóng trước, sau đó thì làm bữa tối đơn giản cho mình và Tam Hữu.
Điện thoại vang lên vài tiếng chuông, màn hình hiển thị Trần Chuẩn gửi tin nhắn đến.
Cô đặt đũa, mở điện thoại.
Đầu tiên là một tấm ảnh của Thụy Thụy, thế mà nó đã đứng được rồi, hai chân trước vừa ốm vừa dài, hai chân sau vì bị thương mà có hơi cong.
Trần Chuẩn nói, hôm nay nó tự đi đến bệ trị liệu đó.
Hứa Tuế khá bất ngờ, cô mở tấm hình ra xem lại.
Cô đã được chứng kiến cả quá trình tái sinh của Thụy Thụy, tất nhiên tình cảm dành cho nó sẽ không như bình thường. Hình ảnh nó thịt nó thối rửa vào những ngày đầu tiên vẫn còn đang hiện ra trước mắt, vốn ngỡ là chẳng thể nào cứu được nữa rồi, nào ngờ nó lại quật cường đến thế, đã cố hết sức để giành lại mạng sống của mình.
Hứa Tuế gõ chữ: “Đi vững không?”
Trần Chuẩn “Cứ như say rượu vậy đó.”
Hứa Tuế nhìn màn hình, khóe môi cong cong: “Tế bào bạch cầu đã giảm chưa?”
Bên phía Trần Chuẩn trả lời rất nhanh: “Giảm rồi.”
“Vậy tiếp sau đó nó sẽ còn phải chữa trị những gì nữa?”
Trần Chuẩn: “Vết thương ở chân sau.”
Hứa Tuế nghĩ ngợi, chẳng còn gì để hỏi nữa rồi.
Cứ tưởng cuộc trò chuyện đến đây là hết, một lúc sau, Trần Chuẩn lại gửi đến một tin nhắn: “Mọi người bảo, mấy hôm nữa sẽ tụ tập một bữa, nhắn tôi gọi cả chị, dắt theo Tâm Hữu nữa đến tham gia với mọi người.”
Hứa Tuế nghĩ chẳng thèm suy nghĩ, trả lời: “Đợt sau chắc là tôi bận lắm, không qua đó góp vui với mọi người đâu.”
Cô gửi tin nhắn xong là đặt điện thoại xuống, không tắt màn hình, cuối đầu ăn chút mì.
Chẳng được mấy lâu, cô lại nhìn sang màn hình điện thoại, trên đó vẫn cứ đng hiển thị “đang nhập tin nhắn”.
Hứa Tuế không biết tâm trạng như thế nào, rõ ràng là đã cự tuyệt cậu rất dứt khoát, nhưng lại muốn biết tiếp theo cậu sẽ nói được gì nữa, rồi lại như thể đang hi vọng một điều gì đó.
Tâm trạng mâu thuẫn cứ chầm chậm chiếm đống não bộ cô, một bát mỳ nở bấy cả ra, cô chẳng còn khẩu vị đâu mà ăn.
Hứa Tuế thầm mắng chính mình thiệt là khó ưa, cô không kềm được giơ tay, vả cho mình một phát không nặng nhưng cũng chẳng nhẹ.
Ngay vào lúc đang ảo não, Trần Chuẩn lại gửi hai tin: “Vậy khi nào chị không bận? Theo thời gian của chị.”
Hứa Tuế nhìn màn hình với khuôn mặt không chút biểu cảm, cô không định trả lời tin nhắn của cậu nữa.
Nhưng ngay sau đó, âm báo điện thoại lại vang lên.
Trần Chuẩn: “Dù sao cũng đã vào nhóm với mọi người rồi, tham gia hoạt động tập thể một chút thì sẽ tốt hơn.”
Trần Chuẩn: “Từ khi nào mà chị sống tách biệt vậy?”
Trần Chuẩn: “?”
Trần Chuẩn: “Có đi không?”
Hứa Tuế bị cậu làm phiền đến nỗi thấy buồn bực trong lòng, cô cầm điện thoại: “Đi gì mà đi, tôi quen được ai hả.”
“Tôi còn không đủ hả?”
Hứa Tuế thầm nói trốn còn không kịp nữa kìa.
Cô nắm tóc, dọn dẹp bát đũa vào nhà bếp, quyết tâm không quan tâm gì nữa.
Từ sau khi bị động trở thành tình nguyện viên, Trần Chuẩn đã thêm cô vào nhóm hoạt động của trung tâm.
Mỗi ngày nhóm cứ ting ting liên tục, thường xuyên có người thảo luận về việc cứu trợ động vật và những chuyện liên quan.
Sau này Hứa Tuế chuyển sang tắt thông báo, khi nào rảnh thì sẽ lướt lại tin nhắn, xem mọi người nói gì.
Tan ca ngày hôm ấy, group chat lại bắt đầu sôi nổi, vốn dĩ đúng là có cuộc tụ họp đó, hình như mỗi năm họ đều tổ chức một lần, không chỉ mỗi tình nguyện viên, chủ mới của những chú chó đã nhận nuôi ở trung tâm cũng có thể tham gia, dắt theo thú cưng của mình, tìm một nơi yên tĩnh dựng lều hoạt động ngoài trời, tiện để chia sẻ những điều tâm đắc và những câu chuyện thú vị khi nuôi thú cưng.
Qua thêm vài hôm, Hứa Tuế nhận được điện thoại của Lâm Hiểu Hiểu, lúc đó cô đang lái xe chuẩn bị về Thuận Thành. Không ngoài dự đoán, vừa nhận điện thoại là Lâm Hiểu Hiểu hỏi cô khi nào có thời gian, nói là Trần Chuẩn bảo thương lượng với cô trước, chọn được thời gian rồi mới thông báo với mọi người.
Hứa Tuế không còn gì để nói, cậu đổi sang người khác hỏi, không thèm hỏi ý cô có tham gia hay không, mà còn trực tiếp đưa đề chọn đáp án cho cô. Cứ như dỗ mấy đứa con nít ăn cơm vậy, hỏi có ăn hay không thì chắc chắn không ăn, nhưng hỏi ăn món A hay là món B thì thông minh hơn nhiều đó.
Hứa Tuế cũng lười phải lòng vòng, chỉ tụ tập một bữa thôi mà, không tin Trần Chuẩn có thể ăn được cô, bỗng nhiên trong lòng cô lại nảy ra ý nghĩ “ai sợ ai”, từ chối nữa lại thành ra là nhận thua.
Thế là Hứa Tuế nói mình sao cũng được.
Lâm Hiểu Hiểu cười khà khà: “Vậy tuần sau được không chị Hứa Tuế? Thời tiết dạo gần đây lạnh quá, không thích hợp hoạt động ngoài trời, thôi chọn thuê biệt thự gần công viên Hồ Đoàn Kết rồi chơi ở đó, cảnh thì đẹp, không khí trong lành, hai ngày một đêm, chị thấy sao?”
Hứa Tuế: “Được hết, được hết.”
“Vậy hai ngày thứ sáu thứ bảy nhé, hay là thứ bảy chủ nhật?”
“Em chọn đi, chị đi được cả.”
“Được ạ.” Lâm Hiểu Hiểu đạt được mục đích nên vô cùng vui thích, đang đợi về để tranh công, “Vậy em gửi địa chỉ cho chị sau nhé.”
Hứa Tuế cúp điện thoại, khởi động xe.
Trời nhá nhem thì Hứa Tuế mới về đến nhà, nhưng trong nhà lại chẳng có ai, gọi điện thoại cho Hách Uyển Thanh thì cô mới biết chỗ đặt ống thẩm tách trước ngực bố bị viêm mưng mủ, đã nằm viện ba ngày rồi.
Hứa Tuế lập tức đến bệnh viẹn, cô tìm theo số phòng bệnh mà Hách Uyển Thanh đưa, lúc mở cửa, Hứa Khang đang dựa người vào giường bệnh uống nước bằng ống hút.
Cô nhỏ nhẹ gọi: “Bố ơi.”
Hứa Khang quay đầu, mắt ông lập tức trở nên sống động hơn, mím môi nhìn cô, cười vui vẻ: “Tuế Tuế à.”
Bệnh nhân bệnh thận thời gian dài sẽ bị cơn đau giày vò, mặt mày Hứa Khang xám vàng như bị gỉ sét vậy, hai bên má và tay chân đều đã bị phù nề ở những mức độ khác nhau, như đã khác hẳn so với ông trước đây.
Hứa Tuế đi đến, vuốt ve mặt ông: “Mẹ đâu ạ?”
“Đi mua cơm rồi.” Hứa Khang hỏi cô: “Con ăn cơm chưa?”
Hứa Tuế lắc đầu, rướn người lật áo của bố lên để xem, ngực bên trái của ông có nối một ống khác, xung quanh được dán băng gạc: “Bố cảm thấy thế nào? Có đau không?”
“Không đau.”
“Sao lại bị viêm thế này?”
“Có lẽ là do tắm xong không lau kỹ nên mới bị thế.”
Lúc hai cha con đang nói chuyện, thì Hách Uyển Thanh xách một hộp đựng thức ăn bằng nhựa vào.
Hứa Tuế vừa nhìn là đã thấy mẹ rất mệt rồi, bà thức khuya đến nỗi bọng mắt xanh đen, đầu tóc cũng hơi rối. Lúc này đây, Hứa Tuế cảm giác trong lòng mình rất khó chịu, hình như mấy năm nay cô chỉ biết đến mỗi bản thân mình, chẳng chia sẻ gánh vác giúp họ được bất cứ việc gì.
Hách Uyển Thanh quay đầu nhìn Húa Tuế, cười nói: “Nhìn gì mà nhìn? Không nhận ra mẹ chị à?”
Hứa Tuế đứng dậy lấy hộp cơm trong tay bà: “Bố nằm viện, mẹ phải nói với con chứ.”
“Có gì đáng nói đâu, chuyện nhỏ cả.” Hách Uyển Thanh nói nhẹ nhàng. Bà kéo cái bàn cạnh tường đến, ra hiệu cho Hứa Tuế đặt đồ ăn lên, tìm một hồi: “Con ăn hộp này, món ăn ở bệnh viện thanh đạm, mẹ xuống cửa hàng tiện lợi dưới bệnh viện mua cho con cơm hộp thịt bò xào ớt xanh đấy, hai bố con ăn đi kẻo nguội.”
“Vậy còn mẹ?”
Hách Uyển Thanh: “Mẹ cũng ăn đây.”
Tối hôm đó, Hứa Tuế đưa mẹ về nhà, cô ở lại bệnh viện với bố.
Sau khi bố ngủ rồi, cô nhẹ tay nhẹ chân ra khỏi phòng bệnh, gọi điện thoại cho Giang Bối.
Vốn dĩ định ngày mai là đi, nhưng cô đột ngột thay đổi ý định, dự là đợi bố xuất viện mới về lại Nam Lĩnh.
Cô nhờ Giang Bối đến nhà một chuyến, đón Tam Hữu sang ở nhờ vài hôm, đợi cô về lại Nam Lĩnh sẽ đi rước nó, cô còn dặn dò bạn thân của mình phải mang đủ buồng vệ sinh, tô nước và thức ăn cho chó.
Giang Bối bên đầu kia điện thoại uể oải nói, “Tớ đang đói đây, không sợ tớ hầm luôn bé cún yêu của cậu à?”
“Cậu dám.” Hứa Tuế hơi mệt, tốc độ nói chậm chạp, những từ ngữ mang tính uy hiểm cũng chẳng còn tính đe dọa, rồi cô dặn dò: “Cậu có thể cho nó ăn chút ức gà, luộc bằng nước lọc, nhớ là đừng cho muối đấy.”
“Hứ!” Giang Bối tức giận: “Tớ nói là tớ còn chưa ăn cơm đó! Cái đồ vô lương tâm! Tớ mà không lười là tớ đã tự nấu ăn rồi!”
“Vậy cậu lấy nhiều thức ăn cho chó chút, ăn chung với nó.”
Giang Bối hệt như quả pháo, đang nhe nanh múa vuốt ở đầu bên kia.
Loa điện thoại lớn, y tá đi ngang qua cứ nhìn Hứa Tuế. Hứa Tuế cúp điện thoại, bị cô bạn chọc khiến tâm trạng thoải mái hơn nhiều, cô mở ứng dụng đặt đồ ăn, cách thành phố nuôi cơm Giang Bối, gọi cả một phần vịt quay và xương vịt rang muối.
Hứa Tuế dựa vào bức tường trên hành lang, cúi đầu lướt mục tin nhắn, nghĩ bây giờ trễ quá rồi, chỉ gửi tin nhắn cho Hà Tấn xin nghỉ phép.
Dưới chân cô mang đôi dép mủ do mẹ để lại, bước đi không chút tiếng động.
Đối diện là cửa sổ, cổ sổ mở một khe nhỏ, Hứa Tuế bước đến đứng ở đó một lúc, rồi mới về phòng bệnh.
Mấy ngày sau đó, ngày nào cũng là Hứa Tuế ở lại bệnh viện, Hách Uyển Thanh muốn đến thay cô, đều được cô dỗ về nhà nghỉ ngơi.
Những ngày thời tiết tốt, cô sẽ đẩy bố xuống tầng phơi nắng.
Trong vườn hoa nhỏ đã chẳng còn phong cảnh gì rực rỡ, đi đến đâu cũng thấy trống trải và thê lương.
Nhiệt độ xuống gần không độ, đứng dưới ánh mặt trời lúc giữa trưa mới cảm nhận được chút ấm áp.
Hứa Tuế kéo cổ áo lại cho bố mình.
Hứa Khang ngẩng đầu, ông nhìn trời một lúc.
Hứa Tuế hỏi: “Bố ơi, bố nhìn gì thế?”
Hứa Khang cười đáp: “Mặt trời thế này nhìn được một lần là lại ít đi một lần.”
Hứa Tuế nghĩ theo lời nói của ông đến một kết cục nào đó, rồi lại cảm thấy khó để mà mình chấp nhận được. Cô đan tay mình vào bàn tay hơi nắm lại của ông, dùng sức nhéo mấy cái “Đừng nói những lời ỉu xìu như vậy, bác sĩ nói bố đang hồi phục rất tốt, sau này chỉ cần lọc máu đúng giờ, thì sống thêm hai mươi năm nữa cũng không thành vấn đề.”
Câu này cô dùng để an ủi bố, nhưng lại như an ủi mình nhiều hơn.
Hứa Khang quá rõ sức khỏe của mình, ông càng rõ việc bị bệnh thận sẽ dẫn đến nhnxg biến chứng không thể cứu được.
Ông không muốn để con gái phải đau lòng, nhưng hiện thực lại luôn khiến người ta trở tay không kịp.
Ông thở dài trong im lặng, giơ tay nắm lấy bàn tay con gái, nhẹ nhàng và chậm rãi nói: “Đời người ấy à cứ như một bài toán trừ, cơm ăn được một bữa thì sẽ ít đi một bữa, người gặp được một lần thì lại ít đi một lần. Bắt đầu từ hôm nay, Tuế Tuế à, cn phải học cách chào tạm biệt rồi.”