Rõ ràng đang giữa mùa hè nhưng Tuần phu nhân lại cảm thấy mình như rơi vào hầm băng, ngay cả đôi môi cũng tím tái lại.
Lão ma ma đứng bên cạnh nhéo mạnh vào người bà ta, khẽ nhắc nhở: "Ngày sinh khác nhau, chỉ dựa vào điều này chắc chắn bà ta sẽ không nhận ra."
Tuần phu nhân thoáng thở phào một hơi, cũng may năm đó lúc Tuần Vũ đổi tên đã sửa luôn cả ngày sinh. Nếu không chỉ dựa vào họ Tuần, cùng xuất thân ở Kinh châu, còn có ngày sinh giống nhau thì nói không chừng Chương thị kia lại tới cửa khởi binh hỏi tội.
Nói đến thì bà ta cũng rất tò mò, rõ ràng Tuần Duẫn Hòa coi thê tử như mạng, sao lại năm đó ông ấy lại có thể vung đao đoạn tuyệt với quá khứ?
Tuần phu nhân ép mình tỉnh táo lại, chậm rãi nở nụ cười: "Mau đi mời người vào."
Các phu nhân ở đó cũng nhìn ra Tuần phu nhân có gì đó kỳ lạ nhưng chỉ nghĩ Tuần phu nhân kiêng kỵ Từ thị - thê tử của Bùi Mộc Hành - chứ không nghĩ sang chuyện khác.
"Nói đến thì gia đình kiểu gì mà lại nỡ để nữ nhi đi học y chứ?" Có phu nhân không nhịn được chế giễu.
"Chỉ có mấy nhà không tiền không quyền mới có thể làm ra chuyện mất mặt như vậy."
Tuần phu nhân nghe vậy thì vội vàng ngăn cản: "Người tới là khách, đừng nhắc lại những chuyện này nữa."
Trong lòng bà ta lại nghĩ Từ Vân Tê kia là Đại tiểu thư danh chính ngôn thuận của Tuần phủ, hôm nay bài vị của Tuần Vân Tê vẫn còn được cúng bái trong từ đường kia kìa.
Mọi người lại khen Tuần phu nhân bụng dạ độ lượng này nọ.
Trạch viện Tuần gia không rộng, thượng phòng chính viện không chứa được nhiều người như vậy nên Tuần phu nhân bèn trang trí hoa thính, dẫn khách khứa đến nơi này chiêu đãi. Bốn phía hoa thính có dây leo xanh mướt rủ xuống, trong góc đặt mấy chậu băng, có nha hoàn đứng bên cạnh cầm quạt hương bồ không ngừng quạt gió cho nên bên trong phòng cũng khá mát mẻ.
Mọi người không cảm thấy Tuần phủ nhỏ hẹp, chỉ nói Tuần Duẫn Hòa thanh liêm liêm khiết, phong cảnh lại có nét thú vị khác.
Đúng lúc này, Từ Vân Tê và mẫu thân Chương thị bước vào hoa thính. Tầm mắt mọi người đều quay sang nhìn hai mẹ con, Lý thị có mặt ở đó lập tức đứng dậy chào đón, chỉ vào chỗ bên cạnh mình: "Tam đệ muội, ta giữ chỗ cho muội và Từ phu nhân này."
Tuần phu nhân không nhịn được mà quan sát gương mặt của Chương thị, đây là lần đầu tiên bà ta gặp Chương thị. Năm đó, trong vụ hỏa hoạn khói mù cuồn cuộn, bà ta chỉ nhìn thấy một thiếu phụ lao ra từ trong nhà, chạy về phía đứa trẻ đeo vòng bạc kia, theo lẽ đương nhiên nhận định đó là Chương thị và Từ Vân Tê, vậy mà trời xui đất khiến lại giết nhầm người.
Gương mặt Chương thị quả nhiên rất xinh đẹp, chân mày lá liễu, có mấy phần thanh tú xinh đẹp của em gái nhà bên. Nhưng bàn về khí chất hay dung mạo thì bà ấy không tài hoa, phong nhã được như Tuần Duẫn Hòa, sinh ra ở quê cũng đã định là không có tài hoa gì, không biết vì sao Tuần Duẫn Hòa lại khắc ghi một nữ nhân như vậy ở trong lòng. Tuần phu nhân tự nhận mình hơn Chương thị về mọi mặt, bèn ưỡn thẳng lưng lên.
Bà ta lại nhìn Từ Vân Tê, bởi vì gương mặt của nàng giống phụ thân hơn lại kế thừa nét đẹp của cả phụ thân và mẫu thân, dung mạo lại càng sắc sảo mặn mà hơn.
Không đợi Chương thị tiến lên, Tuần phu nhân đã chủ động khom người hành lễ với hai người: "Kinh động đến Quận Vương phi và Từ phu nhân, đúng là xấu hổ, mời hai vị ngồi."
Hành động này của Tuần phu nhân trong mắt những người bên cạnh là rộng lượng, đoan trang.
Chương thị vẫn để bụng chuyện nữ nhi của đối phương mơ ước nữ tế nên không mặn mà gì với Tuần phu nhân, chỉ tùy ý đáp lễ rồi ngồi xuống.
Gần đây, Lý thị rất nhiệt tình với Từ Vân Tê, cũng quay sang ân cần hỏi han Chương thị. Vất vả lắm mới đợi đến lúc Lý thị bị tỷ muội thân thiết kéo đi, lúc này Chương thị mới rảnh rỗi tán gẫu với Từ Vân Tê: "Ngày mười lăm tháng sau chính là sinh thần của con, Vương phủ đã định tổ chức gì cho con chưa?"
Từ Vân Tê lắc đầu: "Con không định tổ chức."
Chương thị lập tức tỏ vẻ bất mãn vì Vương phủ lạnh nhạt với nữ nhi: "Nếu cha con còn sống... Sinh thần của hai cha con các con nhất định sẽ tổ chức thật lớn..."
Ngày Từ Vân Tê ra đời cũng đúng vào sinh thần của Tuần Vũ, ông ấy vẫn luôn coi nữ nhi là món quà mà trời cao ban tặng cho ông ấy, nâng niu như châu như ngọc, giở xem thi thư ba ngày trời mới đặt cho nàng cái tên "Vân Tê". Có nghĩa là mong nàng bao cao bay xa như mây như chim ưng, không nỡ gọi đại danh, suốt ngày cứ luôn miệng gọi bé con, cứ như ngậm trong miệng sợ tan, nâng trong tay sợ rơi mất nên mới nuôi dạy ra cái dáng vẻ ngang ngược, coi trời bằng vung của Từ Vân Tê.
Khi nhìn nữ nhi tâm lặng như nước, điềm đạm và nhã nhặn ở trước mặt thì mắt Chương thị lại đỏ hoe.
Một lát sau, Tuần phu nhân lại mời mấy vị khách quý vào, ấy vậy mà lại là Văn Quốc công phu nhân và nữ nhi Văn Như Ngọc của bà ấy. Tuy ngoài mặt Văn Như Ngọc đã gả cho phủ Thành Quốc công nhưng ngày thường vẫn hay theo mẫu thân ra ngoài.
Nàng ấy vừa tới là tịch gian lập tức náo nhiệt hẳn lên, gần như ai cũng có thể bắt chuyện, nàng ấy tỏ ra thân quen hỏi Từ Vân Tê: "Sao San San không tới?"
Người đời thường coi Yến Quý phi, Văn Như Ngọc và Bùi Mộc San là ba đại tiểu thư nổi danh nhất của ba thế hệ già - trung - trẻ*. Ba người tài mạo xuất chúng, tính cách cũng giống nhau, đều là người xuất sắc trong lớp người bằng vai phải lứa với mình. Trong các vãn bối thì Yến Quý phi thích Văn Như Ngọc nhất, Văn Như Ngọc lại thích Bùi Mộc San nhất nhưng Bùi Mộc San không đến, Văn Như Ngọc cảm thấy mất đi mấy phần hứng thú.
*Ý chỉ ba thế hệ: người già, trung niên, trẻ con.
Từ Vân Tê chưa trả lời Lý thị đã nhanh nhảu đáp: "Hôm nay, Tiêu gia cũng có tiệc rượu, San San đi bên đó."
Văn Như Ngọc hiểu ra.
Tuần phu nhân ở bên này kinh hồn bạt vía sai người trông coi cửa thùy hoa, tuyệt đối không để cho Tuần Duẫn Hòa có cơ hội gặp mặt Chương thị và Từ Vân Tê.
Một lát sau, mọi người ngồi chuyện trò một lúc thì nghe thấy bên ngoài cửa thùy hoa có mấy tiếng động khác thường. Văn Như Ngọc loáng thoáng nghe thấy giọng của trượng phu thì thấy hơi nghi hoặc. Lúc này, một bà tử hoảng hốt từ bên ngoài bước vào thùy hoa thính, đi tới bên cạnh Văn Như Ngọc nói: "Thái thái, vừa rồi lúc Quốc công gia nhà ta xuống xe chúc thọ bị một nữ tử quấn lấy, bây giờ vẫn đang ầm ĩ trước phủ kìa."
Trong lòng Văn Như Ngọc lập tức lo lắng, sắc mặt tái xanh: "Là kẻ nào?"
Văn phu nhân ở bên cạnh cũng nghe thấy lời này, dùng ánh mắt ra hiệu cho nàng ấy bình tĩnh lại.
Nói đến thì Văn Như Ngọc được coi là một trong những cô nương có xuất thân tốt nhất Kinh thành nhưng đáng tiếc là gả đi lại không được như ý. Năm xưa ,Văn Quốc công và cố lão Thành Quốc công là huynh đệ cắt máu ăn thề, từ nhỏ đã định hôn sự, mấy năm trước lão Thành Quốc công đã qua đời, nhi tử thừa kế tước vị. Nhưng đáng tiếc vị Thành Quốc công tuổi gần ba mươi này lại là một kẻ ăn chơi đàng điếm, thường ngày vẫn hay trêu hoa ghẹo nguyệt ở bên ngoài.
Văn Như Ngọc sinh ra trong nhà tướng, tính cách cương liệt, sao có thể dễ dàng tha thứ cho chuyện đó. Từ lâu, hai phu thê đã như người xa lạ nhưng làm ầm ĩ bên ngoài thọ yến của người ta như vậy thì hôm nay mới là lần đầu tiên, Văn Như Ngọc vừa xấu hổ vừa tức giận.
Văn phu nhân quả là người từng trải qua sóng to gió lớn, ung dung hỏi bà tử: "Rốt cuộc là đã có chuyện gì."
Bà tử kia nói: "Nghe đâu là ngoại thất của Quốc công gia làm ầm ĩ nói là mình mang thai, muốn tìm Quốc công gia đòi một danh phận."
Còn chưa dứt lời thì đã nghe thấy một nữ tử xông vào cổng thùy hoa: "Nếu ngươi không làm chủ thì ta sẽ hỏi nàng ta. Nàng ta đường đường là trưởng nữ của Văn Quốc công, sao có thể nhẫn tâm nhìn cốt nhục của trượng phu lưu lạc bên ngoài."
Cũng may là hai bà tử dũng mãnh kịp thời cản người lại.
Rõ ràng là nữ tử này đã canh đúng thời cơ, lấy đứa trẻ ra để bắt ép phu thê Văn Như Ngọc hòng đòi lấy một danh phận.
Văn Như Ngọc giận đến mức đứng phắt dậy, nâng ống tay áo lên đang định trút giận lại bị Văn phu nhân ngăn cản, Văn phu nhân vỗ nhẹ lên ống tay áo, bình tĩnh sai bảo: "Cho nàng ta vào." Sau đó, bà ấy cúi người với Tuần phu nhân: "Quấy rầy thọ yến của quý phú, lão thân xin nhận lỗi tại đây."
Văn phu nhân và Văn Quốc công đức cao vọng trọng. Hơn nữa, Văn Quốc công cũng là người đứng đầu trong quân đội, hôm nay lão phu nhân đến phủ dự tiệc đã là nể mặt lắm rồi, Tuần phu nhân nào dám có ý trách tội, vội nói: "Là ta không đề phòng, đã quấy rầy đến khách quý rồi, người nên nhận tội phải là ta mới đúng."
Văn phu nhân cảm kích gật đầu.
Tuần phu nhân lúc này lập tức cao giọng sai bảo: "Cho một mình nàng ta vào, những nam khách còn lại xin tránh đi cho."
Bà tử tuân lệnh buông tay ra để nữ tử kia vào viện.
Mọi người tò mò nhìn sang, chỉ thấy một thiếu nữ mặc váy hồng đào, đôi mắt yêu kiều rưng rưng ngấn lệ, mặt đầy sợ hãi, bước chân loạng choạng đi tới. Nàng ta chải kiểu đầu đọa mã kế, quần áo không tính là quý khí nhưng cũng vô cùng xinh đẹp, rặt một bộ dạng của người chốn trăng hoa.
*Đọa mã kế: một kiểu tóc có từ thời Hán
Cho dù ai nhìn thấy dáng vẻ của nàng ta cũng chỉ cảm thấy đáng thương nhưng nếu nhìn kỹ thì trong mắt chẳng thấy có vẻ gì là sợ hãi, có thể thấy là hạng nữ nhân đã lăn lộn chốn phong trần, bụng dạ thâm sâu.
Văn phu nhân vừa liếc qua đã nhìn thấu nàng ta, ngồi yên cất giọng lạnh nhạt hỏi: "Ngươi là người phương nào, có ý đồ gì, nói ra hết đi."
Nữ tử kia quỳ ở chính giữa thùy hoa thính, đầu tiên là dập đầu mấy cái với Văn phu nhân rồi vừa khóc vừa kể: "Tiểu nữ họ Liễu, người Thái Nguyên, sau đó đi theo cữu cữu đến Kinh thành làm ăn, vô tình gặp được Thành Quốc công. Lúc đó ta đâu biết được thân phận của hắn, ác bá ngoài đường bắt nạt ta, hắn ra tay dạy dỗ kẻ đó giúp ta, lúc cữu cữu làm ăn gặp mối nguy thì hắn ra tay giúp đỡ. Sau đó, còn mấy lần nói với cữu cữu là muốn cưới ta về. Ta biết được hắn đã có thê thất tuyệt đối không chịu đồng ý, ai mà ngờ ta lại bị người ta..."
Nói tới đây nàng ta bật khóc.
Văn phu nhân thấy vậy quát lên: "Thọ yến của Thủ phụ đương triều mà ngươi lại khóc lóc như thế, ta sẽ sai người trói ngươi đến phủ Kinh triệu để hỏi tội."
Liễu thị kia bị dọa sợ run lên, vội vàng ngừng khóc: "Ta bị người ta bỏ thuốc, trùng hợp thế nào lại gặp hắn, cuối cùng đành trao thân cho hắn. Đáng tiếc hắn chỉ muốn có được thân thể ta chứ chẳng hề muốn rước ta về phủ. Vốn dĩ ta cũng nghĩ cứ coi như báo đáp hắn, ai mà ngờ ta lại mang thai, bất đắc dĩ phải làm ra hạ sách này, xin phu nhân thương hại ta, cho ta một chốn dung thân, từ nay về sau ta sẽ làm thân trâu ngựa báo đáp cho người."
Văn Như Ngọc giận đến mức cười gằn: "Ngươi bị hại ở chỗ nào, ta thấy ngươi vừa ăn cắp vừa la làng thì có."
Tuần phu nhân nghe đến đây, bàn tay giấu trong tay áo vô thức run lên, mồ hôi túa ra trên trán lăn xuống.
Liễu thị kia cũng không phản bác nàng ấy, chỉ nhỏ nhẹ nói: "Hôm nay ta đã không còn đức hạnh gì, phu nhân muốn sắp đặt thế nào ta cũng không cản được. Nhưng chỉ cầu xin phu nhân nể tình đứa bé ở trong bụng mà chừa cho ta một con đường sống. Ta đã mời cao nhân bắt mạch, thai nhi này là thai nam, chỉ chờ đến khi nó sinh ra ta sẽ giao nó cho phu nhân nuôi, sau này không gặp lại nó nữa."
Trong cổ họng Văn Như Ngọc nghẹn một búng máu.
Nàng ấy mới chỉ sinh được hai nữ nhi, vẫn luôn bị người ta nói ra nói vào vì không sinh được nhi tử nối dõi tông đường.
Từng câu từng chữ của Liễu thị này giẫm ngay vào chỗ đau của nàng ấy, hiển nhiên là có chuẩn bị mà đến.
Chuyện ầm ĩ đến nước này, nhất định phải nghĩ cách để thu dọn cục diện, trong tịch gian có tỷ muội tốt đứng ra nói giúp nàng ấy: "Văn tỷ tỷ, người ta đã đến đây rồi, cũng không thể bỏ mặc con cháu Thành gia ở bên ngoài. Theo ta thấy chi bằng tỷ tỷ mang người về phủ từ từ chăm sóc dạy bảo thì hơn."
Ý trong lời nói là mang người về, sống hay chết không phải đều do nàng ấy quyết định hay sao.
Trong yến tịch của Thủ phụ không tiện làm lớn chuyện, Văn phu nhân nhíu mày, cũng có ý đó, đang muốn hỏi ý của nữ nhi thì lại nghe thấy bên cạnh vang lên một giọng nói xa xăm.
"Ngươi mang thai được bao lâu rồi?"
Từ Vân Tê vừa nói ra câu này, hai mẹ con Văn phu nhân quay ra nhìn nhau, lập tức trở nên cảnh giác.
Liễu thị kia nghe theo âm thanh nhìn sang, chỉ thấy một cô nương mặc váy màu xanh nhạt, dáng vẻ yêu kiều dễ gần. Nàng ta buông lỏng phòng bị, khẽ trả lời: "Khoảng chừng hơn một tháng..."
Từ Vân Tê mỉm cười đi tới, dịu dàng đưa tay ra với nàng ta: "Ta thấy sắc mặt ngươi không ổn lắm, sợ là đã động thai, ngươi đưa tay ra, ta bắt mạch cho ngươi."
Nàng vừa dứt lời, vẻ mặt Liễu thị kia lập tức thay đổi, cổ họng như nghẹn lại, nhìn chằm chằm vào Từ Vân Tê như gặp ma.
Văn Như Ngọc lập tức nhìn ra có gì đó kỳ lạ, cười khẩy nói: "Ta thấy ngươi mang thai là giả mà thúc ép là thật. Người đâu, giữ chặt nàng ta để bắt mạch."
Người hầu đi theo của Văn gia lập tức xông lên, ấn Liễu thị kia xuống. Đương nhiên là Liễu thị cũng giãy giụa, đáng tiếc nàng ta đâu phải đối thủ của mấy bà vú già, chỉ một lát sau đã bị ấn chặt không động đậy được. Nàng ta hung ác trợn mắt nhìn Từ Vân Tê: "Ngươi là kẻ nào?"
Từ Vân Tê nhẹ nhàng nở nụ cười, giọng lại như từ dưới âm tỳ địa ngục bay lên, lạnh lẽo khiến người ta sợ hãi: "Ta ấy à, là vị thần bắt quỷ."
Tuần phu nhân hít thật sâu.
Từ Vân Tê nhanh chóng bắt mạch, xác nhận nữ tử này không hoài thai, chỉ là uống một vài dược vật sinh ra hiện tượng giống như đang mang thai mà thôi. Văn Như Ngọc rất hả giận, trong lòng lại vô cùng cảm kích Từ Vân Tê, sau đó sai người kéo nữ tử kia xuống, trở về sẽ tiếp tục xử lý.
Văn Như Ngọc uốn gối hành lễ với Từ Vân Tê: "Đa tạ muội muội hỏa nhãn kim tinh, nếu không ta đã bị nàng ta qua mặt rồi."