Xưa nay Bùi Tuấn chưa bao giờ kiên nhẫn với Chương Bội Bội, không buồn ngẩng đầu lên, thuận miệng trả lời: “Tới Thái y viện lấy đi…”
Chương Bội Bội muốn bắt chuyện với Hoàng đế: “Thuốc thì thần nữ cũng có, chỉ có điều nghe nói ở chỗ bệ hạ có ngọc cơ cao, hiệu quả vô cùng tốt nên muốn hỏi xin cho Phượng Ninh muội muội dùng..”
Bùi Tuấn nghe vậy khựng tay lại.
Chuỗi ngày gió êm sóng lặng mà Phượng Ninh duy trì được ba hôm bỗng chốc sụp đổ, nàng lo lắng nói:
“Bội Bội tỷ, chẳng phải tỷ đã lấy thuốc chỗ Thái hậu nương nương rồi sao, ta đã khỏi rồi, không cần dùng thêm nữa.” Hai má nàng đỏ như máu, hoàn toàn không dám nhìn về hướng kia.
Bùi Tuấn gác bút son lại, chậm rãi ngước lên.
Chương Bội Bội cảm thấy như có sương lạnh phả vào mặt, khi nhìn kỹ lại thì khuôn mặt tuấn tú kia lại nở nụ cười như gió xuân, cứ như thể khoảnh khắc vừa rồi chỉ là ảo giác.
“Ồ, bị thương ở đâu? Sao lại bị thương?” Bùi Tuấn hỏi.
Phượng Ninh thầm than khổ, hắn hỏi vậy là sao? Cố ý đùa cợt nàng ư?
Tính Phượng Ninh càng bị dồn ép thì nàng càng muốn chống đối. Nàng ngẩng đầu, trịnh trọng đáp:
“Bẩm bệ hạ, lúc ở hành cung, thần nữ không may bị ngã nên bị bầm.”
Bùi Tuấn thấy nàng ngang nhiên nói dối như vậy, chợt thấy hơi buồn cười.
Đã tới nước này rồi mà nàng vẫn còn tiếp tục giả vờ.
Đêm trước khi rời khỏi hành cung, hắn bận tâm nàng là đêm đầu, sợ nàng khó chịu nên mới sai tiểu nội sử tới báo cho nàng biết không cần phải gác đêm. Hắn thương nàng nhưng nào ngờ người ta lại không tự thương mình. Hắn không hiểu tại sao Lý Phượng Ninh phải phân cao thấp với hắn.
Nàng không chịu thừa nhận, chẳng lẽ hắn lại ép nàng hay sao?
Hắn đường đường là thiên tử, đâu đến mức phải vậy.
Tùy nàng đi vậy.
Hắn bảo Hàn Ngọc: “Tới khi lấy ngọc cơ cao cho nàng.”
Chữ “nàng” này tất nhiên không phải chỉ Chương Bội Bội, mà là Lý Phượng Ninh.
Khoảng thời gian sau đó, mọi việc đều gió êm sóng lặng, dường như Bùi Tuấn đã quên sạch bách chuyện ở hành cung, lúc cần răn dạy vẫn răn dạy, lúc cần yêu cầu vẫn yêu cầu, đương nhiên, nếu làm tốt thì vẫn khen thưởng rất hậu hĩnh.
Lý Phượng Ninh âm thầm nhận xét, không hổ là Hoàng đế, chắc hẳn chỉ có người như vậy mới có thể ung dung sống với tam cung lục viện.
Nàng tin chắc rằng đêm hôm đó Hoàng đế chọn nàng là để giải tỏa nhu cầu.
Lý Phượng Ninh có suy nghĩ rất thoáng. Nếu trong lòng Hoàng đế không có nàng, cho rằng nàng là người có hay không đều được thì nàng sẽ xem như chẳng hề có chuyện gì, vẫn làm việc như trước, đợi hết hai năm sẽ xuất cung.
Mặc dù nghĩ như vậy khiến tim nàng đau như bị khoét mất một miếng thịt nhưng Phượng Ninh lại tự nhủ với mình phải cố lên, không được thua kém.
Hai mươi chín tháng sáu là ngày mà nữ quan được xuất cung thăm người thân hằng tháng. Trước đây, Phượng Ninh chưa về lần nào, lần này nghĩ tới chuyện dịch sách, nàng gói ghém tay nải, cùng rời cung với Dương Ngọc Tô.
Nữ tử hồn nhiên ngây thơ có một ưu điểm là trong lòng không mấy canh cánh chuyện gì. Lúc xuất cung, nàng còn rất vui vẻ.
Dương Phủ doãn đã sớm đích thân ngồi xe tới Đông Hoa môn đón nữ nhi. Người có thể làm Kinh triệu phủ doãn ở một nơi nhiều nhà quyền quý như Kinh thành nào phải nhân vật bình thường. Mặc dù Dương Phủ doãn có khuôn mặt khó ở nhưng ông ấy lại rất cưng chiều nữ nhi.
“Nữ nhi à, con gầy đi rồi sao? Có nhớ phụ thân không?”
Dương Phủ doãn ưỡn chiếc bụng phệ, xót ruột tới đón con.
Dương Ngọc Tô đẩy tay ông ấy ra, chê: “Phụ thân không thấy còn có người khác ở đây sao?” Nàng ấy quay đầu nhìn Phượng Ninh, vẫy tay gọi.
“Ninh Ninh, đây là phụ thân của ta!”
Phượng Ninh nhìn hai cha con, mỉm cười bước tới thi lễ với Dương Phủ doãn: “Bái kiến Dương bá bá.”
Dương Ngọc Tô giới thiệu với ông ấy: “Cha, nàng chính là Lý Phượng Ninh mà con thường nhắc với cha, Nhị cô nương của phủ Lý Thiếu khanh.”
“Cha biết, cha biết.” Dương Phủ doãn cười, vẫy tay với Phượng Ninh, tự vén màn xe lên, đón hai cô nương lên xe.
“Trời nắng lắm, mau lên xe ngồi đi, trên xe đã chuẩn bị sẵn bánh kẹo mà các con thích rồi đấy.”
Hai cô nương lần lượt lên xe ngựa. Phượng Ninh thoáng thấy bánh kẹo để đầy trên chiếc bàn nhỏ, lộ vẻ ngạc nhiên: “Dương bá bá chuẩn bị?”
Dương Ngọc Tô nhún vai: “Đến giờ cha tỷ vẫn coi tỷ là trẻ lên ba.”
Nói xong Dương Ngọc Tô vén rèm lên chọc vào sống lưng Dương Phủ doãn: “Cha, giờ nữ nhi không ăn đồ ngọt nữa rồi, không thể để béo thêm được.”
Dương Phủ doãn quay đầu, cười toét miệng với nàng ấy: “Sao vậy? Nữ nhi lớn rồi, biết làm đẹp rồi hả?”
Dương Ngọc Tô không khách khí trừng mắt liếc ông ấy, bỏ màn xe xuống, bụi bay vào mặt ông ấy. Dương Phủ doãn cười ha ha.
Dương Ngọc Tô ngồi về chỗ, tự tay rót trà cho Phượng Ninh.
Phượng Ninh nhận chén trà, nhấp một ngụm, hương vị trong lành, ngon miệng: “Đây là trà bá mẫu tự pha à?”
Dương Ngọc Tô vừa uống trà vừa nói: “Muội đừng về Lý phủ, về nhà ta đi, ở nhà ta ăn một bữa ngon lành, nghỉ ngơi thỏa thích rồi về cung.”
Phượng Ninh không phải người không có mắt như vậy: “Phụ mẫu tỷ ngóng trông tỷ về như vậy, sao ta lại tới góp vui chứ. Hơn nữa, ta phải về phủ có việc.”
Dương Ngọc Tô lo lắng nói: “Lần trước ở hành cung, cha muội đã mấy lần hẹn gặp muội nhưng muội đều từ chối, ta lo lần này muội về sẽ bị mắng.”
Phượng Ninh xích lại gần nàng ấy, đôi mắt đen lúng liếng thì thầm với nàng ấy: “Ta không tới gặp ông ta mà chỉ lén tới học đường gặp Ô tiên sinh thôi.”
Ô tiên sinh chính là tây tịch của Lý phủ, là ân sư của Lý Phượng Ninh.
Lý phủ xây một tiểu viện độc lập ở phía tây, dành riêng cho Ô tiên sinh. Sau này, Ô tiên sinh cải tạo nơi này thành một học đường, cho trẻ con xa gần tới xin học, tiền học phí thu được được Ô tiên sinh giao lại một nửa cho Lý phủ, còn giữ lại một nửa cho mình. Mặc dù Lý Nguy không đối xử tốt với con cái nhưng lại rất tốt với bạn bè. Ông ta quý người tài nên luôn đối xử lịch sự với Ô tiên sinh. Ô tiên sinh đã sống ở Lý phủ hơn mười năm.
Dương Ngọc Tô cho Lý Phượng Ninh xuống xe khi còn cách Lý phủ một con ngõ. Lý Phượng Ninh không vào nhà bằng cửa chính mà đeo tay nải đi thẳng tới học đường của Ô tiên sinh.
Lúc này là giờ tỵ sơ khắc, chắc hẳn học trò đang học bài buổi sáng. Phượng Ninh đến trước cửa, thấy trong học đường yên tĩnh, không có tiếng động bèn lặng lẽ mở cửa đi vào trong. Ô tiên sinh mặc một bộ trường bào màu xanh nhạt, tựa vào cây cột ở hành lang đọc sách.
Nghe thấy tiếng động, Ô tiên sinh ngước nhìn, mừng rỡ khi nhìn thấy Phượng Ninh: “Phượng Ninh.”
“Tiên sinh.” Phượng Ninh cười, mắt cong cong. Nàng rảo bước tới gần, thi lễ với đối phương.
Ô tiên sinh để sách xuống, mỉm cười nhìn nàng: “Về là tốt rồi.”
Trên người Ô tiên sinh bất kỳ lúc nào cũng luôn toát lên phong thái yên ả, xa xăm, cổ xưa. Phượng Ninh thích ngồi chung một chỗ với hắn ta, trong lòng thấy tĩnh lặng, toàn thân càng tĩnh lặng hơn.
“Mệt lắm phải không? Mau ngồi xuống uống trà.”
Ô tiên sinh gọi nàng ngồi xuống chiếc bàn dài đặt giữa sảnh chính.
Phượng Ninh để tay nải xuống, ngồi quỳ chân đối diện Ô tiên sinh, không nói gì, nâng chén trà lên nhấp một ngụm. Có lẽ là khát, nàng uống ừng ực hết cả chén.
Ô tiên sinh cười ha ha nhìn dáng vẻ hồn nhiên của nàng: “Ngươi đúng là nghịch ngợm, đừng để bị sặc, nếu đói thì ở đây có bánh quế mà ngươi thích nhất đấy.”
Tay nghề nấu nướng của Ô tiên sinh rất giỏi, trong thư phòng có mấy cuốn sách làm bánh ngọt theo công thức cổ, tay nghề làm bánh ngọt của Phượng Ninh là bắt nguồn từ tiên sinh.
Căn học đường này không rộng rãi lắm, sân trước trống trải, hai bên trái phải đều có mấy gian sương phòng, nối liền với nhà ngang. Thường ngày, Ô tiên sinh giảng bài ở nhà ngang. Nhà sau có trồng một vườn trúc. Ô tiên sinh cho rằng nhà mà không có trúc thì không gọi là nhà. Khoảnh sân này mộc mạc nhưng lại giàu ý nghĩa, mỗi lần gió thổi qua nghe như tiếng phượng hót.
Phượng Ninh vừa ăn vừa ngắm nhìn bốn phía: “Sao hôm nay không có ai tới học vậy ạ? Sao tiên sinh lại làm bánh quế? Tiên sinh biết ta sẽ về à?” Phượng Ninh hỏi liền ba câu liên tiếp.
Ô tiên sinh cười không trả lời: “Ngươi về phủ là vì có chuyện gì à?”
“Đúng ạ!” Phượng Ninh lau vụn bánh ở khóe môi, vội vàng lấy mấy quyển sách chữ Ba Tư ra: “Có một số địa danh ta không hiểu, muốn thỉnh giáo tiên sinh.”
Sau một lúc lâu, cuối cùng Phượng Ninh đã hiểu được tên những địa danh này. Sau đó, nàng lại nói cho Ô tiên sinh biết chuyện Bùi Tuấn bảo mình dịch sách kinh điển Nho học. Tiên sinh hết sức ủng hộ, nhìn cô nương đã sắp trưởng thành, trong lòng lấy làm vui mừng: “Phượng Ninh của chúng ta đã trưởng thành rồi, đã có thể làm được đại sự cho triều đình rồi.”
Phượng Ninh vui vẻ: “Ta có là gì đâu, chỉ là làm việc vặt cho bệ hạ thôi.”
Ô tiên sinh cười tươi: “Có văn võ bá quan nào mà không phải là làm việc vặt cho thiên tử? Tiên sinh của ngươi muốn có phúc phần này mà chẳng được.”
Phượng Ninh cười, vỗ ngực hứa hẹn: “Đợi khi nào ta được bệ hạ tin tưởng, ta sẽ tiến cử cho tiên sinh một chức quan.”
Ô tiên sinh nhìn nàng, thái độ rất hợp tác: “Vậy vi sư sẽ đợi.”
Đến buổi trưa, Ô tiên sinh tự tay vào bếp nấu cơm cho Phượng Ninh. Phượng Ninh xắn tay áo muốn làm nhưng tiên sinh không cho: “Ngươi qua bên kia ngồi nghỉ đi.”
Lúc nào Ô tiên sinh cũng ôn hòa như vậy, như thể nàng là đứa trẻ chưa lớn. Phượng Ninh không được Lý Nguy yêu thương nhưng lại được Ô tiên sinh cưng chiều.
Trước đây, mỗi lần Phượng Ninh thấy tủi thân, nàng lại tới chỗ Ô tiên sinh ăn mì trộn dầu ớt mà tiên sinh nấu cho mình, dù có tủi thân đến đâu cũng sẽ bốc hơi hết.
Không ai biết Phượng Ninh thích ăn thức ăn làm từ bột mì. Mì gọt, bánh canh, bánh bột mì kẹp thịt băm của vùng Tây Bắc đều là những món thích ăn.
Ô tiên sinh tới từ vùng biên ải Tây Bắc, nấu mì trộn dầu ớt rất ngon, Phượng Ninh có thể ăn hẳn một bát to.
Ăn trưa xong, Phượng Ninh lại được Ô tiên sinh giúp ôn bài. Ô tiên sinh tặng cho nàng mấy cuốn sách mình tự dịch. Nàng như nhặt được báu vật, ôm chồng sách to, vui vẻ trở về cung.
Được Ô tiên sinh chỉ bảo, tốc độ dịch của Phượng Ninh nhanh hẳn lên. Ban ngày nàng tới Dưỡng Tâm điện làm việc, tối đến bận rộn ôn bài, cuộc sống phong phú mà bận rộn, ngay cả đêm Thất tịch, tiết Khất xảo qua đi cũng không biết.
Mùng mười tháng bảy, chân trời hơi có mây. Mặc dù đã lập thu nhưng mặt trời vẫn còn sót lại sức nóng của ngày hè, ra sức tỏa nắng. Hai hôm nay, thời tiết khô nóng không chịu nổi.
Mấy vị Các lão đang nghị sự ở Ngự tiền, nhắc tới chuyện thông quan ở Tây Bắc. Phượng Ninh, Dương Uyển và Lương Băng ngồi đằng sau dự thính. Trong lúc nghe, thỉnh thoảng Phượng Ninh lại cầm bút chép lại những lời các vị Các lão nói, định bụng để dùng cho sau này.
Hộ bộ Thượng thư Lương Xử nộp phương án đã sửa lại cho Bùi Tuấn, Bùi Tuấn tập trung đọc, trong Ngự thư phòng lặng ngắt như tờ.
Gió nhẹ, mây mỏng, cả trong lẫn ngoài phòng đều oi bức.
Đã sắp trưa mà Hoàng đế vẫn chưa định tan họp, Chương Bội Bội sợ mọi người đói nên để lên bàn một ấm sữa. Tay nghề của Ngự thiện phòng rất giỏi, hầu như không ngửi thấy mùi tanh, nhưng không hiểu sao chén sữa vừa để xuống trước mặt, Phượng Ninh ngửi thấy mùi tanh của sữa, trong bụng đã cuộn lên, vô thức che miệng, nôn khan.
Tiếng động này bị cả Ngự thư phòng chú ý.
Mới đầu Bùi Tuấn không kịp hiểu nhưng khi lần thứ hai thấy bóng dáng yếu đuối kia nằm xuống bàn ọe, không thở nổi, hắn bỗng nghĩ ra, sắc mặt luôn điềm tĩnh bỗng không thể giữ nổi nữa.
Hắn lập tức đứng dậy.
Còn có một người có phản ứng nhanh hơn hẳn.
Liễu Hải lao tới chỗ Phượng Ninh như một cơn gió, lo lắng hỏi: “Phượng cô nương, người sao vậy?”
“Người đâu, mau truyền thái y.”